Bài Chọn nghề, tôi dừng hơi đột ngột vì ngại người đọc chê dài. Nay xin viết tiếp thêmvề một hiện tượng theo tôi là hiếm thấy đang trở thành phổ biến trên thị trường lao động nước ta.

Đó là cảnh rất nhiều người sau khi tốt nghiệp các trường Sư phạm, không “chạy” nổi một suất biên chế nhà nước (chắc là thiếu “đạn”), đành chấp nhận làm hợp đồng thời vụ với đồng lương vô cùng rẻ mạt nhưng luôn luôn bị đe dọa mất việc mỗi khi kết thúc năm học. Họ cũng đi dạy, được coi là giáo viên, được cha mẹ học sinh và học sinh gọi là “thầy”, “cô”, nghĩa là về cái danh hão, họ chẳng thua kém bất kỳ ai đang làm cái nghề vẫn được gọi là “cao quý”. Nhưng công việc của họ thì sao? Trước hết, biên chế trong ngành giáo dục hiện nay không thiếu (có nơi còn thừa), Giáo viên trong biên chế ai cũng muốn được dạy số tiết tối đa có thể để hưởng các quyền lợi tương ứng, cho nên, giáo viên hợp đồng chỉ được dạy một số tiết ít ỏi, thường là chưa đủ số tiết tối đa. Và theo đó, họ nhận đồng lương cũng hết sức hình thức (khoảng 1,2 triệu đến 2 triệu/tháng). Xin thưa, một người giúp việc trong các gia đình hiện nay, lương tối thiểu cũng phải 4 – 5 triệu/tháng (chưa kể còn được nuôi ăn ở và tiền đi về thăm nhà theo định kỳ); một người rửa bát cho các hàng cơm, phở cũng tối thiểu được 3 triệu/tháng kèm thêm một bữa ăn. Tôi không hề so sánh để miệt thị, vì trong xã hội ta, nghề nào cũng cần thiết mà chỉ nhằm thấy rõ cái thảm hại của đồng lương dành cho những người thường được tôn vinh. Không phải vô cớ, khi một người bạn tôi có con mới tốt nghiệp Sư phạm, ký được hợp đồng  nói: “Cám ơn bác. Trước chúng tôi nuôi cháu ăn học, giờ thì chuyển sang nuôi cháu ăn dạy.”

Ai cũng có thể biết, những người này mang tiếng là “thầy”, “cô”, nhưng với mức lương như vậy, ăn còn chẳng đủ, làm sao họ toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, làm sao có thể “mỗi tiết lên lớp là một niềm vui”? Thu nhập như thế, nhưng nhìn ai cũng thấy mức sống thuộc loại khấm khá. Nào xe, nào điện thoại, rồi thì quần áo và bao đồ “phụ tùng” khác. Họ kiếm tiền bằng cách nào? Để có thu nhập thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của đời sống, còn lấy thời gian đâu để soạn, chấm bài, thời gian đâu để đọc sách, nâng cao trình độ? Và chất lượng của những tiết học ấy như thế nào ai cũng có thể đoán ra bởi phương châm “tiền nào của ấy”!.

Thực tế cho thấy số lượng người thất nghiệp hiện nay không nhỏ. Nhưng đó chỉ là những người tay nghề kém, năng lực hạn chế do không chịu học hỏi. Ở đâu, trong lĩnh vực nào tôi cũng thấy người ta phàn nàn không tuyển được người có năng lực. Ngay trong ngành giáo dục, các trường tư hiện nay rất thiếu giáo viên, thường tuyển không đủ số lượng cần thiết.

Mỗi khi đọc những tin loại này, tôi thường đặt câu hỏi:

  1. Nói “do yêu nghề”, sao họ không chịu đầu tư thêm thời gian để nâng cao tay nghề, học tập chuyên môn và nghiệp vụ để tham gia vào thị trường lao động đang rộng mở khắp nơi. Hay họ chỉ ham cái danh hão, còn thì không đủ ý chí và nghị lực để tự hoàn thiện bản thân, đáp ứng những yêu cầu của cái nghề nghiệp mà họ mơ ước? Mà có mơ ước thì cũng chỉ là cảm tính chứ đâu phải ước mơ cháy bỏng để người ta bỏ hết tâm trí thực hiện.
  2. Nói “tiếc mấy năm đèn sách” có phải để ngụy biện cho thói lười biếng và háo danh? Đèn sách kiểu gì mà năng lực lại yếu kém như thế? Một người bán xôi, bán bánh mỳ, bánh cuốn, … ăn sáng thu nhập không dưới 10 triệu đ/tháng; một người chạy xe ôm cũng có thu nhập tương đương. … Những công việc ấy đâu cần vốn lớn để đầu tư? Sao họ không dám làm những việc ấy để nuôi sống bản thân và gia đình một cách đàng hoàng? Hay là sợ lam lũ, sợ chúng bạn chê cười?
  3. Và họ cứ cam chịu sống lay lắt như vậy cho đến bao giờ nữa? Cứ mỗi khi năm học kết thúc, lại lo “chạy” để ký được hợp đồng tiếp theo, lại tiếp tục nhận đồng lương “chết đói”, lại luôn luôn lo đến chuyện có tiền để tồn tại. Một người thầy như thế sẽ giáo dục được gì cho học sinh; một người cha, người mẹ có lối sống như thế có thể dạy gì cho các con?

Nói đến những trường hợp này, nhiều người thường tỏ sự đồng cảm, thậm chí xót thương.

Không! Cần phải lên tiếng thức tỉnh họ, con người đã mang tiếng có học có hành, sao chịu mòn mỏi mãi?

Nếu là người lãnh đạo các trường ,có trách nhiệm với tương lai của đất nước, với tiền đồ của mỗi học sinh, bạn có nên ký hợp đồng với những người như thế?

 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here