MẸ MÌN

 

Tôi ốm, sau mấy ngày tự chữa theo thói quen bệnh vẫn không đỡ, đành phải tới bệnh viện. Đó là một bệnh viện lớn ở tỉnh B. nơi tôi đang ở.

Sau khi nộp 44.000 đ, tôi được chỉ tới một phòng khám. Ở đây sau khi hỏi tôi 2 câu, bác sĩ ghi cho tôi phiếu xét nghiệm và siêu âm. Nộp số tiền gấp gần 10 lần, tôi được làm các xét nghiệm cần thiết. Trở lại phòng khám, bác sĩ xem kết quả rồi kê cho tôi một đơn thuốc, còn lưu ý tôi rằng tới mua ở cửa hàng trong bệnh viện. Đã từng chịu những cú “cứa cổ” của các hiệu thuốc trong bệnh viện, tôi đưa đơn thuốc và hỏi số tiền sẽ phải trả. Nghe trả lời khoảng hơn 700.000 đ, tôi nói chưa đủ tiền và tới một cửa hàng thuốc khác ngoài bệnh viện. Ở đây, tôi chỉ phải trả 430.000 đ. Hóa ra tỉnh lẻ cũng chẳng thua kém gì Hà Nội.

Nhưng khổ nỗi về uống thuốc tới lần thứ 3 bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Trở lại bệnh viện, tôi được đón tiếp ngay từ khi đặt chân tới. Sau khi nghe trình bày, một cô y tá đưa tôi tới tận phòng khám hôm qua. Nghe tôi nói: suốt gần 2 ngày bệnh vẫn không đỡ và còn đau hơn. Bác sĩ chưa trả lời, lần tìm trong máy tính. Không lâu sau, tôi được phê phán: Ông có mua thuốc của bệnh viện đâu, thuốc giả thì làm sao khỏi được.

Thôi thì “qua sông thì phải lụy đò”, tôi đành xin bác sĩ kê cho tôi đơn khác và đưa tiền, nhờ cô y tá mua giúp. Vì số tiền tôi đưa chỉ có tờ 500.000, không đủ để mua cả đơn thuốc, bác sĩ đã rất khéo léo điều chỉnh đơn thuốc cho vừa tiền. 10 phút sau, tôi đã có thuốc. Và sau khi uống 1 gói, tôi dần bớt đau, có thể đi lại tương đối bình thường.

Về nhà, đối chiếu hai đơn thuốc tôi thấy chỉ có 1 tên thuốc trùng nhau.

Vậy tôi mua phải thuốc giả hay bác sĩ kê đơn chưa đúng?

Việc bác sĩ ngay từ lần đầu kê đơn chưa phù hợp là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng vì sao bác sĩ lại đổ cho thuốc giả?

Với tôi, hóa ra tất cả sự chào mời, săn đón từ cửa bệnh viện chỉ là những chiêu trò của mẹ mìn!

Tôi cũng biết không phải ở đâu cũng như thế, nhưng có thể nói không ngoa rằng, nó đã phổ biến tới trên 50% các bệnh viện.

Giờ đây, bác sĩ không còn là người “trị bệnh cứu người”. Với không ít những người vẫn được gọi là “lương y như từ mẫu” ấy, người đặt chân tới bệnh viện  chỉ được coi như một cơ hội để họ kiếm tiền bằng đủ cách.

Và tôi biết, ngay cả khi người bệnh đã trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, lẽ ra nên để cho người ta ra đi một cách nhẹ nhàng, những kẻ táng tận lương tâm ấy vẫn khoe tài khoe giỏi với tinh thần lạc quan để tiếp tục bán được thuốc, tiếp tục nhận được những phong bì “cám ơn” của người nhà bệnh nhân bất chấp bao khổ ải của gia đình họ.

Thói ích kỷ, chỉ biết cái lợi về mình phải chăng đã là một tiêu chí đạo đức không thể thiếu của con người hiện nay?

 

 

 

 

5 BÌNH LUẬN

  1. Đầu năm ngoái mẹ em bị ốm nặng . Cụ gần 90 tuổi rôi phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện ĐA KHOA QUỐC TẾ mẹ em nằm viện ít ngày bệnh nặng của tuổi già đã suy sụp , họ cho ăn xông ,thông khí quản nên quá yếu mà con trưởng khoa hồi sức tích cực nó phán nghi mật có vấn đề phải đưa Cụ đi chụp Cắt lớp để xử lý
    Mẹ em yếu vậy chịu sao được khi chúng làm thủ thuật . Nó còn bắt ký giấy do mình đề nghị nó làm và nói hiệu quả là 50/50
    Nếu xấu thì mình chịu , chi phí thêm đôi chục nữa thôi để nuôi hy vọng vô lý . Trách nhiệm bọn chúng nhẩy lên bờ hết vì trong mẫu đơn bọn chúng thảo sẵn toàn từ chối tội anh ạ!

  2. Cách đây mấy tháng người nhà cháu bị viêm gan, điều trị ở tuyến ban đầu không khỏi, phải làm thủ tục chuyển lên tuyến cuối, cũng phải mất tiền triệu mới xin được giấy chuyển viện để hưởng BHYT.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here