Người học sử Việt Nam sơ sơ cũng biết được tình trạng loạn sứ quân vào cuối thế kỷ 10. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bính Dần, năm thứ 16 [966], (Tống Càn Đức năm thứ 4). Nam Tấn [Vương] mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ: Ngô Xương Xí chiếm Binh Kiều ; Kiểu Công Hãn (xưng là Kiểu Tam Chế) chiếm Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) ; Nguyễn Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình) chiếm Tam Đái ; Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm (có sách chép là chiếm Giao Thủy ; Đỗ Cảnh Thạc (xưng là Đỗ Cảnh Công) chiếm Đỗ Động Giang ; Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công) chiếm Siêu Loại ; Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm Tiên Du, Lữ Đường (xưng là Lữ Tá Công) chiếm Tế Giang ; Nguyễn Siêu (xưng là Nguyễn Hữu Công) chiếm Tây Phù Liệt; Kiểu Thuận (xưng là Kiểu Lệnh Công) chiếm Hồi Hồ (nay ở xã Trần Xá huyện Hoa Khê vẫn còn nền thành cũ) ; Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm Đằng Châu ; Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) chiếm Bố Hải Khẩu ; gọi là 12 sứ quân”. Sự cát cứ của các sứ quân khiến đất nước ly loạn, dân tình đói khổ. May chỉ sau khoảng hơn 20 năm, Đinh Bộ Lĩnh đã bằng tài trí của mình, dẹp yên loạn lạc, thống nhất đất nước, góp phần đặt nền móng xây dựng nước Đại Việt sau đó.

Hơn nghìn năm sau, đất nước thống nhất về mặt địa lý, chính thể, cùng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam nhưng đang loạn lên do sự thao túng hoành hành của các nhóm lợi ích. Trên phạm vi cả nước, mỗi địa phương (từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã) là một nhóm lợi ích. Sau khi dùng tiền bạc, quyền hành và các thủ đoạn, mỗi cấp hành chính là một vùng cát cứ riêng biệt. Ở đó, họ tha hồ phân chia quyền lực rồi chia chác các loại quyền lợi khác nhau cho những người thuộc dòng họ và phe cánh. Các quan cấp tỉnh, kể cả loại “xoàng xoàng” cấp Sở cũng vô cùng giàu có. Năm 2005, đi làm xóa đói giảm nghèo ở một tỉnh miền núi, tôi đã được biết các Giám đốc Sở đều đã có nhà ở Hà Nội. Mười năm sau, không chỉ có nhà ở Hà Nội, họ công nhiên xây dựng những “biệt phủ” ngay tại địa phương  bất chấp sự giám sát của luật pháp và lên án của dư luận. Mỗi tỉnh ngày nay đã trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm của cái nhóm lợi ích đó. Với những mối quan hệ nhằng nhịt con cháu, dâu rể, thông gia, anh em kết nghĩa, … họ cố kết với nhau để trục lợi và bao che khiến hình như chưa một quan tỉnh  nào bị xử lý về tội tham nhũng. Ngay cả Thanh tra Chính phủ có muốn cũng cứ phải mãi mãi lùi lại việc công bố kết luạn thanh tra.

Ở cấp Trung ương, mỗi Bộ, mỗi ngành đều hình thành không ít các nhóm lợi ích khác nhau tùy thuộc vào quyền hành đang thao túng. Thôi thì đất đai, núi rừng, biển đảo; tài nguyên thiên nhiên giờ đây không phải để phát triển để đất nước chấn hưng mà để làm giàu cho họ.  Nhìn bất cứ đâu cũng có thể thấy lộ rõ các nhóm lợi ích. Chỉ nguyên một chuyện nhỏ, rất nhỏ trong  cái toàn cục của đất nước như chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội cũng đã có không biết bao nhiêu nhóm bám vào để bòn rút, đục khoét. Nhóm thâu tóm giành quyền xử lý các cây đã chặt hạ, nhóm giành quyền thay thế, trồng mới, … và “rẻ rách” nhất thì cũng giành được quyền đánh dấu sơn cho các cây sẽ được di dời, (đánh dấu cho mỗi cây được tính 670.000 đ)…

Vì quyền lợi của các nhóm lợi ích, đất nước không thể phát triển. Gây ùn tắc giao thông từ lâu người ta đã thấy nguyên nhân quan trọng do xe máy và cách đây vài chục năm đã có chủ trương hạn chế xe máy ở mấy quận nội thành Hà Nội. Nhưng chủ trương này thực hiện được dăm năm thì bị bãi bỏ. Chẳng ai không hiểu đó là do những người đang hưởng lợi từ  các nhà máy lắp ráp và sản xuất xe máy. Tiếp theo, chủ trương này luôn bị kéo dài để bảo vệ quyền lợi của họ. Nay thì họ đưa ra nhiều lý do để lùi đến năm 2030, hình như chờ khi các vị  về hưu. Một khi cái nhóm lợi ích từ xe máy này còn tồn tại, chắc chắn không bao giờ có thể hạn chế được xe máy.

Đất nước còn nghèo, người dân còn đói, nhưng các loại lăng mộ, tượng đài được ra sức tu bổ, xây dựng khắp nơi. Chủ trương này cũng được “chống lưng” của một nhóm lợi ích không nhỏ.

Một nhóm lợi ích khác mấy ngày nay đang bị lên án, đó là sự liên kết giữa các quan chức kể cả loại chóp bu với các doanh nhân để trực tiếp bòn rút tiền của nhân dân. Mở đường một nơi với chi phí rất khiêm tốn rồi khai “vống” lên, nhưng thu tiền tất cả mọi người dù không hề đi qua và trong thời gian thì không biết nên nói như thế nào.

Trong giáo dục cũng hình thành không ít các nhóm lợi ích. Đầu tiên là nhóm “ăn” nhờ chủ trương mở trường. Chưa đủ điều kiện vật chất, đang rất thiếu người giảng dạy, thậm chí, thiếu cả người học nhưng trường học các cấp, các loại mở ra khắp nơi, không cần biết hàng trăm nghìn người được đào tạo ra thất nghiệp vì không có việc làm, vì không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc (do học hành không ra gì). Nhưng không sao, nhờ dân trí thấp (mà họ luôn phỉnh nịnh là cao), con em nhân dân  cứ đổ xô vào học, số tiền thu được thật không biết bao nhiêu mà kể. Không thể không kể đến nhóm làm chương trình và sách giáo khoa. Ai cũng biết cản trở lớn nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay là vấn đề con người. Chương trình có hay đến mấy, sách viết có hay đến mấy cũng sẽ thất bại nếu cứ duy trì một đội ngũ cán bộ quản lý “vừa chung chung vừa gian gian”, một đội ngũ giáo viên “ốm đói” và thiếu năng lực. Nhưng bất chấp, vì đó là món lợi hàng nghìn tỷ, không thể bỏ qua.

Hơn nghìn năm trước, đất nước mới chỉ có 12 sứ quân mà đã tan nát, còn giờ đây, số “sứ quân” chắc đã gấp trăm lần con số ấy. Chắc không thể kể hết các nhóm lợi ích trong phạm vi cả nước. Nhưng họ đều giống nhau ở mục đích kiếm tiền, tiền từ các tài nguyên, tiền từ ngân sách, và tiền từ túi mỗi người dân mà trong đó không ít người đang còm cõi, rách rưới. Và sự thao túng của họ cũng có chung hậu quả: đất nước ngày càng cạn kiệt, càng nát bét vì chia cắt tới mức ngày càng tụt hậu so với thế giới văn minh, và dân tình thì không ngừng kêu ca oán thán.

So với loạn sứ quân khoảng  20 năm trong  lịch sử và sự thao túng hoành hành của các  nhóm lợi ích hiện nay, ai tàn phá đất nước nhiều hơn?

 

7 BÌNH LUẬN

  1. Đây là phản biện, dẫn có phần gay gắt nhưng phản ánh một phần công tác cán bộ. Sách giáo khoa, giáo viên chất lượng thấp, tình trạng “khai thác” lợi ích trong giáo dục … là nguyên nhân làm cho giáo dục xuống cấp.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here