Năm học mới bắt đầu chưa được hai tuần, những “hân hoan sung sướng” đón chờ đã nhanh chóng phai nhạt (chắc vì đã học từ tháng 8), còn những nỗi ấm ức, thậm chí căm giận thì ngày càng thấy nhiều trên các trang mạng.
Đầu tiên là sự giả dối khi bắt con nhà người ta đi học cả tháng rồi vẫn còn bày đặt trò khai giảng. Trẻ con Tiểu học mà bắt ngồi giãi nắng cả buổi để nghe những diễn văn kể lể thành tích tràng giang đại hải, những lời giáo huấn thao thao bất tuyệt mà lũ trẻ nghe chẳng hiểu gì. Năm nào cha mẹ cũng kêu, nhưng hình như được mời dự lễ khai giảng là cái thú vui khó bỏ của các quan chức ngành giáo dục và các địa phương nên thường thấy quy mô, hình thức lễ năm sau to hơn năm trước.
Tiếp theo là cái nạn “tự nguyện”. Chưa ở đâu và bao giờ, hai chữ “tự nuyện” lại vừa hài hước, vừa cay đắng như ở các trường học Việt Nam. Càng ngày, cái sự “tự nguyện” càng nặng nề ở bất kỳ một trường học nào từ Mầm non tới PTTH. Một học sinh lớp 1 của trường nọ đầu năm phải “tự nguyện” nộp hơn 16 triệu (tức là gấp khoảng 14 lần mức lương tối thiểu của viên chức nhà nước); học sinh một trường THCS ở Hải Phòng đầu năm phải “tự nguyện” đóng góp hơn 9 triệu đồng (khoảng hai lần tháng lương một người lao động bình thường). Còn thì dăm ba triệu đã thành chuyện phổ biến
Rồi học sinh phải làm đơn “tự nguyện” học thêm ngay từ tuần đầu, tháng đầu chưa cần biết trình độ, năng lực ra sao. Hình như các thầy các cô đã “mai phục” suốt dịp Hè “ngồi chơi xơi nước” chờ khi học sinh cắp sách tới trường là lập tức giơ ngọn roi bắt phải “tự nguyện”. Nếu trò nào chưa kịp “tự nguyện”, dù mới lớp 1, đã bị chê bai, mạt sát đủ điều mà thực chất là làm nhục con trẻ để bắt cha mẹ chúng “lòi” tiền ra. Chẳng biết “mẹ hiền” hay là phù thủy?
Trắng trợn hơn, có những trường, liên kết với các Trung tâm dạy tiếng Anh đang “ế khách” bắt học sinh theo học (ngay trong các giờ chính khóa) và thẳng thừng đe dọa, nếu không theo học, đến giờ đó, học sinh sẽ bị đuổi ra ngoài. Ai cũng biết, người dạy tiếng Anh đã hưởng lương Nhà nước trong đó có phần học phí do học sinh đóng góp. Sự tham gia của các Trung tâm tiếng Anh đã khiến họ nhẹ đỡ công việc đi rất nhiều (vì gánh nặng giảng dạy đã được giảm bớt). Tiền thuê nhà trường ép buộc học sinh của các Trung tâm này không nhỏ nên những kẻ bất lương (làm việc này họ đâu còn xứng đáng gọi bằng thầy cô!) đã táng tận lương tâm dùng mọi thủ đoạn cưỡng bức bằng được những đứa trẻ mới 8, 9 tuổi.
Những thủ đoạn thu tiền bằng mọi cách ấy không lạ (vì nó đã xảy ra quá lâu rồi mà chưa hề có một kẻ nào bị xử lý). Lạ ở chỗ nhiều ông bố bà mẹ chỉ dám than thân trách phận, ca thán hay trút nỗi bực dọc lên trang FB.
Những trạm thu phí vô lý trên các ngả đường đã bị những người lái xe phản ứng quyết liệt. Khi nhà đương cục vẫn thờ ở chống lưng cho hành vi trấn lột ấy, từ Cai Lậy (Tiền Giang), phản ứng đã lan tới Đồng Nai, rồi Thái Nguyên, Hải Dương, …Chỉ bằng cách đơn giản, dùng toàn tiền lẻ để trả phí, những người lái xe đã khiến cho những kẻ cưỡng đoạt phải nhiều lần xả trạm hoặc giảm, miễn phí cho người dân địa phương. Nghĩa là những bất hơp lý, những hành động trấn lột đã phải giảm bớt
Phí qua trạm nhiều nhất cũng chỉ vài trăm nghìn đồng một lượt, nhưng họ đã hành động không phải chỉ vì tiếc đồng tiền mồ hôi nước mắt mà vì chống lại bất công để mình được quyền sống như một con người.
Chẳng lẽ, các ông bố bà mẹ không biết xót xa khi chứng kiến và đành nhắm mắt cam chịu những đứa con mình dứt ruột sinh ra, hy sinh tất cả để nuôi chúng lớn lên phải chịu đựng mọi tai ương đến từ nhà trường ngay từ tuổi thơ ấu?
Những đứa trẻ vốn ngây thơ, trong sáng khi bước vào cồng trường Tiểu học, sẽ trở thành con người như thế nào sau 12 năm chịu đủ mọi thứ ức hiếp và chèn ép do có sự chấp nhận của cha mẹ mình?
Ai cũng mong muốn con em mình lớn lên trong tình yêu thương, có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng ở đâu cũng vậy, nhất là ở nước ta hiện nay, điều đó không phải ở trên trời rơi xuống.
Họ sợ vì con của họ là con tin không thoát được.
Đi họp phụ huynh cho con thấy người Việt hèn thật. Buổi họp chỉ thấy cô giáo nói. Khi hỏi thì phụ huynh im lặng. Nhà trường bắt đóng bao nhiêu tiền thì đóng bấy nhiêu. Không ý kiến gì vì sợ con bị “trù “
Tôi đã qua cảnh này khi con học trường Chu văn An. Nhà trường đẻ cho ban phụ huynh làm việc với nhau, cô giáo tránh đi.Khi có nhiều ý kiến phản biện thì vấn đề sẽ khác dù trưởng ban đứng về phía trường vì được mồi trước.
Có điều phụ hunh ta học được thói quen sợ hãi và quen làm thân con lừa, chẳng trách ai được đâu, đó là thái độ nhu nhược, cũng đâỳ sợ hãi cộng với sự ích kỉ ngấm ngầm, muốn thay đổi nhưng nhường mồm người khác. Hèn thành bản năng và khôn lỏi cũng thành thợ rồi.
“Ông giáo già” đã có một bài viết quá hay,quá đầy đủ về thực trạng đau lòng của nền GD chúng ta hiện nay.Là người trong nghề tôi phải thú nhận rằng có một số Ban giám hiệu trường và một số giáo viên chủ nhiệm đã quên hết vai trò của một nhà mô phạm.Cái gì đã khiến những kẻ nói trên phải nghĩ ra đủ trò để moi cho bằng được số tiền của những phụ huynh nghèo khó trong cuộc sống đầy dẫy nhọc nhằn hiện nay.Theo tôi đã đến lúc cha mẹ các em học sinh bị bóc lột”man rợ” nầy phải lên tiếng để đòi lại sự công bằng trong xã hội và để cho con em chúng ta được học tập trong một môi trường trong sạch.Phải làm sao để những”phù thủy”trong ngành giáo dục không còn hiện diện và các thầy cô với đức độ sáng ngời không bị phải ngồi chung chiếu với các phù thủy tinh ranh.”Tự nguyện đóng góp,tự nguyện học thêm” là trò lừa đảo rẻ tiền nhưng ác độc và biết đâu những “tự nguyện đó đã làm cho một số không nhỏ con em chúng ta phải xa rời trường lớp để đi bán vé số,làm thuê vì làm sao thỏa mãn cho được cái tự nguyện tàn nhẫn đó! Tác giả bài viết đã lật bài ngửa chuyện đau lòng nầy và các vị lãnh đạo GD có đọc không? Đọc rồi có thấy xúc động hay phẩn nộ gì không? Hay quí vị cũng xem đó là chuyện nhỏ không phải bận tâm.Về việc nếu không chịu tự nguyện thì con em sẽ bị”đì” là có thật nhưng tại sao chúng ta lại sợ hãi đến phải im lặng và âm thầm than thở cùng nhau? Về các khoản thu vào đầu năm học thì năm nào cũng thế ,trường nào cũng cho là do hội Cha Mẹ học sinh định ra các khoản đóng góp, nhà trường không can dự.Đây là một sự ngụy biện vì thưa quí vị các khoản đóng góp đó ai chi xài và chi cho ai? Cũng nhân đây xin thưa cùng quí cha mẹ học sinh giàu có dư ăn,dư để trong vai trò hội cha mẹ học sinh của lớp hay trường nhủ chút lòng thương những người dân nghèo khó mà đừng đưa ra những khoản đóng góp cao ngất ngưởng , họ không may mắn hay khôn ngoan để giàu như mình nên với họ sự tự nguyện đóng góp là một cực hình.Ao ước bài viết nầy được Share rộng khắp để ít ra năm học nầy mọi người đều nhận được một tín hiệu tiến bộ là “con em chúng ta được học tập với những mẹ hiền chớ không phải là phù thủy”
Cái xã hội vui nhộn nầy, nó nhiều giả dối quá, cụ Giáo ạ! – Cái bệnh xã hội nầy, chỉ có thể CẮT BỎ, chứ không thể chữa được!
” Hèn bản năng và khôn lỏi…” từ trên xuống dưới !
Cụ cựu đồ Giao có tư duy đau đáu với cung cách xây dựng con người của nước Việt tại thời buổi này trong hệ thống giáo dục không giống ai của Bộ Học – Nếu có thể, cụ nên có thỉnh nguyện thư về Quản trị của nghề này gửi đến các quan chức xa lông trong Bộ học – Vì trong Bộ này chắc còn có những người như Cụ, nhưng vì miếng cơm, manh áo nên khó nói lắm(vì có thể phạm vào lợi ích của nhóm hoặc ai đó), nên có Cụ thì có thể họ sẽ mạnh dạn hơn chăng và cũng là góp phần nhằm đào tạo nên những lớp người tự tin đứng trên đôi chân của mình để xây dựng nước Việt sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ chí Minh mà cái ngày tựu trường năm xưa Chủ tịch đã viết trong thư gửi cho học sinh.
Hay và đúng quá thầy ơi!!!