Chuyến đi này, tôi chủ yếu ở hai thành phố lớn nhất nước Nga, Maxcơva và St Petecxbua. Để cảm nhận đôi chút về cái toàn cảnh, chỉ có thể trên chuyến tàu di chuyển giữa hai nơi. Mong không phải là những ngộ nhận.
Trái với nhà ga trung tâm ở những thành phố lớn, ở Maxcơva, mỗi tuyến đường có nhà ga riêng (?), có phải để tránh sự đông đúc không cần thiết? Ga Lêningrat cho tàuđi hướng bắc và ga Kazan cho tàu đi hướng tây nằm đối diện qua một con đường rộng. Đường sắt St Petecbua – Maxcơva là tuyến đường xe hỏa thứ 5 trên thế giới, dài 651 km, hoàn thành năm 1851. Đến năm 2009, tàu chạy trên tuyến này được nâng cấp thành tàu cao tốc với tốc độ khoảng 200 km/h.

Tôi nghe nói, khi xây dựng tuyến đường bộ nối hai thành phố, để phán quyết trước những tranh cãi về những nơi con đường sẽ đi qua, vua Pie đệ nhất đã đặt cái thước nối hai đầu và vạch một đường dứt khoát. Người ta cứ thế mà thực hiện. Không biết tuyến đường sắt có dựa theo đường bộ hay không, nhưng suốt hành trình, tôi không thấy những khúc quanh, cơ hội để nhận biết độ dài của đoàn tàu. Và suốt từ nơi đi tới nơi đến, đoàn tàu không chạy qua bất cứ khu đô thị lớn nhỏ nào. Những ngôi nhà duy nhất nằm bên đường chỉ là các nhà ga. Hai bên đường, chỉ thấy những cánh đồng, hồ nước, rừng cây và những làng xóm với mấy chục nếp nhà.
Một chi tiết nhỏ tôi đã chú ý quan sát trên suốt tuyến và cảm thấy thật thú vị. Dọc tuyến đường sắt, đường bộ ở mọi nơi, ở ta cũng vậy, người ta đều thấy có khoảng cách đảm bảo an toàn. Độ rộng hẹp tùy nơi quy định. Dọc tuyến đường sắt dài 651 km này cũng có giới hạn an toàn. Đó là một hàng rào, cột có lẽ bằng bê tông hình trụ vuông, cỡ bằng cổ tay người lớn, sơn màu trắng và tấm lưới thép sơn màu xanh lá cây giữa hai cột. Đáng ngạc mhiên là cái hàng rào ấy từ đầu đến cuối, suốt 651 cây số, không hề thay đổi. Chỉ khi vào mỗi ga, hàng rào được thay bằng tường xây. Ra khỏi ga, lại thấy xuất hiện cái hàng rào lưới thép cột bê tông ấy. Suốt 651 cây số, vẫn một khoảng cách không thay đổi, vẫn một độ cao. Suốt 651 cây số, vẫn hai màu sơn trắng và xanh lá cây có thể đậm hay nhạt chút ít, nhưng tuyệt nhiên không thấy cây cột nào xiêu vẹo, tấm lưới nào hoen gỉ. Suốt 651 km, không một bóng người hay gia súc vi phạm dù chắc chắn với những người quản lý khác nhau. Trên đường, suốt chiều dài, tôi thấy có ba nhóm người đang chăm sóc cho cái hàng rào đơn giản ấy. Một tốp đang sơn lại (thấy màu xanh của một số lưới thẫm hơn); hai tốp ở hai đoạn khác nhau đang cắt cỏ, vì thế, trong khoảng cách an toàn này, người ta chỉ thấy những thảm cỏ xanh và những đám hoa dại nối tiếp. Có đám hoa màu hồng như hoa lan vũ, có đám màu nâu nhạt như hoa cỏ may ở ta. Nhìn cách quản lý cái hàng rào cho tuyến đường, người ta có thể hiểu cung cách quản lý một nhà nước.
Suốt 651 km, tôi không qua một khu đô thị nào, nhưng từ trên tàu, tôi được thấy rất nhiều những ngôi làng của người Nga. Những ngôi làng nhỏ, nhiều là dăm chục, ít là chỉ hơn chục nóc nhà, đều nép mình dưới những vườn cây. Nhà có cái mới xây dựng, có cái cũ và cũng không ít cái trông đã giầ cỗi. Nhưng dù thế nào, điều hoàn toàn bất ngờ với tôi là không thấy bất kỳ một ngôi nhà nào theo lối kiến trúc hiện đại. Nhà có thể bằng gỗ, xây gạch hay bê tông, có nhà lợp tôn, lợp ngói, có mái như lợp bằng fibro ximăng, nhưng nhà nào cũng chỉ 2, 3 tầng (kể cả tầng áp mái) và theo kiến trúc truyền thống của người Nga. Từ trên tàu, tôi có cảm tưởng những làng quê từ thời Pugatsov, những ngôi làng từ truyện ngắn của Pushkin, của Gogon còn lại. Một chi tiết ấy cho tôi hiểu thái độ của người Nga với truyền thống ông cha, với bản sắc dân tộc.
Thật là còn hơn “cưỡi ngựa xem hoa”. Thành thật xin lỗi nếu có những ngộ nhận.

 

 

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Em cũng định nói OG có nhận xét tinh tế. Nhà nước nào cũng thế thôi đã trong tay quyền lực thì nghĩ đến bảo tồn những di sản của ông cha.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here