Ở đời, người tài giỏi đến mấy cũng không dám tự tin rằng mình không bao giờ sai lầm. Với người bình thường làm việc có sai sót không phải chuyện lạ. Nói như thế không phải để biện minh cho những khiếm khuyết trong công việc, mà để tự nhắc mình luôn phải cẩn trọng.
Việc tổ chức thi cử (lên danh sách thí sinh, coi thi, chấm thi, ghi điểm, công bố kết quả, …) dù đã có những quy định chặt chẽ và người làm nhiệm vụ luôn được nhắc nhở phải hết sức cẩn trọng cũng vẫn không thể tránh những sai sót. Cho nên trong thi cử, kỳ thi nào cũng có việc phúc khảo.
Phúc khảo (覆考) vốn có nghĩa người chấm bài thi lần thứ hai. Chữ “khảo” thì ai cũng biết. Còn “phúc” có nhiều nghĩa, như: lật lại, trở lại, xét nghĩ, thẩm sát, …
Khi nhận được đơn xin phúc khảo, “quan trường” phải lật lại toàn bộ quá trình thi của thí sinh, mà trước hết là xem lại bài thi để kiểm tra lại công việc của giám khảo. Việc chấm thi luôn thực hiện bởi hai người (đây là nói chuyện nghiêm túc, còn giờ đây, thường là, tập bài thi được chia đôi, mỗi người chấm một nửa, còn với nửa kia chỉ cần ký, coi như đã chấm rồi), nhưng cũng không ai dám khẳng định chính xác 100%. Nếu chưa phát hiện ra sai sót, người ta mới kiểm tra phần lên điểm (trong đó có các công việc: ráp “phách”, đọc và ghi điểm). Mọi việc trong kỳ thi đều được quy định rất rõ ràng, ai làm việc gì đều có chữ ký xác nhận, cho nên, việc quy trách nhiệm cho mỗi cá nhân đều không khó khăn gì. Người có sai sót thường chịu kỷ luật nặng (từ không được tham gia coi, chấm thi trong thời gian nhất định, đến hạ bậc lương, thậm chí sa thải). Giáo viên xưa chưa chắc đã tài ba hơn giáo viên bây giờ, nhưng tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc nghiêm túc thì không thể phủ nhận. Đó là nguyên nhân chính để hạn chế những sai sót, giảm đến mức thấp nhất những thí sinh cần phúc khảo. Và đó chính là biểu hiện của một kỳ thi được tổ chức và thực hiện nghiêm túc. Cái tinh thần trách nhiệm ấy của giáo viên trước đây chẳng phải từ trên trời rơi xuống. Nó có được một phần quan trọng do kỷ luật nghiêm minh. Với một trường hợp phúc khảo, người ta xét đến trách nhiệm cá nhân cuối cùng. Và không một ai tránh được cái “lưới trời” lồng lộng (nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, nặng thì không được tham gia coi, chấm thi trong thời gian nào đấy, đến hạ bậc lương, thậm chí sa thải).
Hiện nay, mỗi kỳ thi đều có rất nhiều đơn xin phúc khảo. Không chỉ làm mất thời gian, khiến nhiều thí sinh trải qua những thử thách nghiêm trọng về tâm lý, hiện tượng này còn khiến học sinh và cha mẹ họ không mấy tin tưởng vào sự nghiêm túc và chính xác của kỳ thi (tất nhiên, sự hoài nghi này không phải không có cơ sở). Nó có những nguyên nhân sau:
- Những người tạo nên những sai sót ở mọi khâu trong cả quá trình thi đều không được xử lý một cách nghiêm túc (giám thị, giám khảo và những người phụ trách của Hội đồng coi thi và chấm thi). Chỉ “cười trừ”. Thế là xong.
- Nhưng đừng tưởng các “quan thanh tra” của ngành giáo dục dễ dãi. Mà dễ dãi cũng là do nguyên nhân nào đó, chứ không phải là khoan dung, nhân đức. Đó là: khi thí sinh nhận được kết quả không mong muốn mặc dù biết là chính xác, cần thay đổi kết quả, hãy làm đơn xin phúc khảo. Đây là cái cớ để người ta có thể rút bài thi ra trong cả một đống bài thi cao như núi. Cũng chẳng cần việc mời hai người đã chấm bài thi ấy lên đối thoại cùng với người thứ ba (theo quy định). Bài thi được nâng điểm theo yêu cầu của (cha mẹ) thí sinh. Và việc phúc khảo hoàn tất (Những ai có thể làm được việc này thì chỉ có …. Giời biết!). Những trường hợp như thế này thì chỉ biết “cười trừ” chứ biết quy trách nhiệm cho ai? Vì thế, dù có sai sót, các giám thị, giám khảo trong các kỳ thi đều được “hầm bà làng”, bỏ qua.
Cái lợi với ai thì ai cũng rõ. Nhưng cái hại là thi cử luôn gian lận trong mọi khâu của cả quy trình tưởng như rất chặt chẽ thì nhân dân chịu.