Tôi biết nhà giáo Phạm Toàn với tư cách nhà văn từ những năm còn cắp sách tới trường. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với những tên Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Thân, Vũ Thị Thường, … Châu Diên (bút danh của nhà văn Phạm Toàn) trở nên quen thuộc với người đọc. Những tên tuổi ấy được coi là những cây bút trẻ trưởng thành từ cách mạng và kháng chiến đã đặt những dấu ấn đáng ghi nhớ cho nền văn học mới hình thành của chế độ mới.
Sau đó, Ông lại trở thành bạn thân của Chú tôi, nhà báo, nhà văn Vũ Cận. Sau mấy chục năm, trong một lần gặp gỡ, Ông đã kể cho tôi nghe chuyện hai “nhà”, nhà giáo và nhà báo hợp tác làm kinh tế nhằm cải thiện đời sống trong những ngày khốn khó. Ông Phạm Toàn vì nhà cửa chật chội nên nhận công việc nấu rượu. Ngoài phần được bán rượu do mình nấu, ông có trách nhiệm cung cấp “bỗng” rượu để nuôi lợn. Còn ông Vũ Cận vì nhà ở ngoại thành, có vườn tược rộng rãi nhận phần nuôi lợn. Kế hoạch khoa học và hợp lý. Lợn mà có “bỗng” rượu thì lớn nhanh như thổi (ấy là các ông nghe người ta nói thế). Còn lợn nuôi ở ngoại thành, không khí trong lành thoáng mát, lại sẵn rau, sẵn bèo,… thì còn phải lo gì nữa. Nhưng cuộc đời nó không đơn giản như thế. Rượu ông Toàn nấu không tiêu thụ được vì khi ấy đến cơm còn chưa có mà ăn thì mấy ai uống rượu. Thế là số “bỗng” rượu cung cấp cũng không đạt kế hoạch. Phần nữa, muốn lớn, lợn không chỉ cần rau, bèo và “bỗng” rượu. Nó cần cám, cần gạo, cần thức ăn “tinh”… toàn những thứ được coi là “gạo châu củi quế” thời bấy giờ. Thế là “dự án” của hai Ông đành kết thúc trước
thời hạn. Ông Phạm Toàn vừa cười, vừa kể với tôi:
– Khi con lợn được chừng 20 kg thì không còn thể nuôi nó nữa (mặc dù nó đã được tôn làm “thủ trưởng”). Đành mời bạn bè, tới làm một bữa tiết canh lòng lợn để kỷ niệm làm kinh tế.
Đầu năm 2013, sau chuyến đi Myanmar, tôi viết bài Cảm nhận Myanmar. Đồng thời với gửi cho trang Ba Sàm, tôi gửi cho trang Bauxit Việt Nam. Không ngờ chỉ hai ngày sau, bài của tôi được đăng trang trọng kèm theo một lời đề dẫn dài khoảng gần một trang A4. Sau này, Ông Phạm Toàn mới cho tôi biết đó là lời dẫn mà nhà văn Nguyễn Huệ Chi đã để bao tâm huyết.
Từ đó, tôi thường xuyên có bài đăng trên Bauxit. Mỗi lần có bài đăng, tôi đều nhận được vài lời nhận xét của Ông. Duy nhất tôi nhận được một lời khen: “cậu viết được đấy!” sau khi có bài “Kem Tràng Tiền”. Và quả thực, những sự khích lệ ấy đã giúp tôi tiếp tục viết để sau này chọn lọc in trong 2 tập “Những ngày ở Ao Cò”. Trong thời kỳ này, tôi có được biết Ông sau một thời gian cộng tác với Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã chủ trương, thành lập nhóm Cánh buồm, nhằm xây dựng một chương trình và viết sách giáo khoa môn Tiếng Việt – Ngữ văn cho các lớp Tiểu học và THCS. Nhưng tôi không quan tâm lắm, vì tôi đã “về vườn” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) gần chục năm. Tôi chẳng còn hy vọng gì có thể tiếp tục theo đuổi cái nghề “gõ đầu trẻ” mà tôi đã làm quen từ năm 12 tuổi và lựa chọn cho cuộc đời mình. Đến dậy mấy đứa trẻ hàng xóm cũng còn bị chê “bác dạy dễ hiểu nhưng chúng cháu không thích vì bác cứ bắt làm bài tập”; “bác dạy hay nhưng chúng cháu cần điểm cao, bác ạ!”; rồi “bác dạy cẩn thận nhưng cứ bảo không biết đề thi thì chúng cháu “chọi” làm sao với những đứa luyện thi ở trường?”…

Nhưng thực là may mắn, cuối năm 2015, tôi được mời làm Cố vấn, rồi Trường bộ môn Tiếng Việt cho trường Quốc tế Nhật Bản chuẩn bị thành lập. Ngay từ đầu, tôi đã tìm đọc bộ sách giáo khoa Cánh buồm (19 cuốn từ lớp 1 đến lớp 9) cùng một số sách do Ông viết và nhận ra, đây mới là cách dạy Văn, dạy Tiếng Việt cần phải được phổ biến. Tôi luôn ghi nhớ phương châm “hành dụng” của Ông với bộ môn này. Tôi đã mời Ông tới trò chuyện với các giáo viên Tiếng Việt – Ngữ văn và Cha mẹ học sinh của Nhà trường và được hoan nghênh nhiệt liệt.
Thật cảm động, sau một lần điện thoại tới, đề nghị Ông chủ trì một lớp tập huấn cho giáo viên trong trường, chỉ 3 ngày sau, nhân một chiều chủ nhật, Ông đã tới nhà tôi để trao đổi về ý tưởng này cùng với một người trợ lý. Giải thích về sự nhanh chóng ấy, Ông nói: 
– Cậu còn sợ chết đến nơi nữa là tôi! (Chả là một hôm, tôi nói với Ông, ở trường, tôi yêu cầu giáo viên cái gì làm được thì phải làm ngay, không chờ đợi. Có người thắc mắc, cho tôi là vội vàng, tôi bảo: “không vội sao được. Tôi chết đến nơi rồi!”). Hôm ấy, Ông đã trình bày một cách khúc chiết dự định một chương trình tập huấn cho giáo viên trong 3 năm. Tôi vô cùng xúc động vì được một người đồng nghiệp ủng hộ, một người Thầy luôn sẵn sàng nâng đỡ và dìu dắt.
Đầu năm 2019, tôi tới gặp Ông để bàn về chương trình của năm đầu tiên. Suốt buổi sáng, Ông đã phác họa cho tôi nội dung 7 bài giảng cùng lời cam kết: 
– Tớ sẽ trực tiếp giảng, nếu hôm nào mệt, phải để người khác giảng, tớ cũng sẽ tới nghe. 
Không có tâm huyết với nghề dạy học, không luôn đau đáu xây dựng một đội ngũ giáo viên vừa tinh thông về chuyên môn vừa giỏi giang về nghiệp vụ, làm sao một ông già 87 tuổi có khả năng làm việc như thế!
Trước khi chia tay, tôi đề nghị Ông đặt tên cho đợt tập huấn đầu tiên này. Ông nghĩ một lát rồi cười:
– Tên sẽ là: Những lời trăng trối của Lão Toàn.
Ra về, trong khi lập kế hoạch cho công việc, tôi vẫn chỉ nghĩ đó là những lời “tếu táo” của một ông già luôn xuề xòa, thân thiện và cởi mở.

Nhưng không ngờ, chỉ một thời gian ngắn sau, tôi được tin Ông phải vào viện và đã ra viện sau 3 ngày vì bệnh hiểm nghèo đã tới giai đoạn cuối.
Hôm tới thăm Ông, chỉ sau vài lời thăm hỏi, Ông chuyển ngay sang công việc. Nói về bộ sách Văn cho các lớp PTTH, Ông nuối tiếc:
– Giá “nó” để cho mình hai tuần nữa thì trọn vẹn.
Rồi Ông lại trở lại đề tài quen thuộc. Tôi nói về chuyện tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên… Ông ngắt lời: 
– Không phải đào tạo, bồi dưỡng, mà là dạy. Phải dạy lại từ đầu tất cả những người được tuyển chọn.
Ông cũng dặn:
– Sau khi tuyển chọn, chú ý thuê nhà ở cho các em nó ở. Mình thuê thì thường được giá rẻ hơn, chỗ ở tốt hơn và hơn nữa, ở gần nhau, các em sẽ có điều kiện trao đổi học hành lẫn nhau tốt hơn.
Vẫn ngồi ở phòng khách đồng thời là nơi làm việc của Ông, nhìn ra ngoài, từ tầng 18 của một chung cư mới ra đời, tôi thấy cánh đồng mông mênh, bờ bãi trù phú cùng với dòng sông Đuống uốn khúc lấp loáng trong nắng trưa.

Ra về, tôi quay lại, nắm tay Ông một lần nữa rồi vội đi ngay vì sợ không thể kìm được dòng nước mắt chực trào ra.

Bãi Xép, 26.6.2019

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here