Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, lại thấy nhiều câu hỏi được đặt ra: nên chọn nghề gì? Nên thi (chọn) vào trường nào? Những câu hỏi nghe tưởng đơn giản nhưng việc trả lời nó ra sao nhiều khi có tính chất quyết định tương lai của một con người.

Trước hết, phải nói thật rằng, đợi đến khi con em đã mười tám đôi mươi, đã đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời mới suy nghĩ tới vấn đề này quả có hơi muộn. Nhưng thôi, muộn còn hơn không, tìm câu trả lời lúc này còn hơn “cứ liều nhắm mắt đưa chân”, phó thác cuộc đời con em mình cho sự rủi may. Có hơn 3 năm làm công việc tuyển chọn giáo viên cho một trường Quốc tế, xin có đôi lời với các bạn đang quan tâm.

  1. Điều đáng quan tâm đầu tiên, theo tôi khi chọn nghề, là bản thân người đó, có ham thích, say mê công việc gì. Đời người, ai cũng phải kiếm sống. Và càng trưởng thành, người ta càng thấy làm người trước hết, phải sống được bằng chính đôi bàn tay mình. Và tới nay, khi đã “đặt một chân vào cõi hư vô”, tôi cảm nhận một cách sâu sắc, hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời một con người là được làm nghề mà mình yêu thích. Bất hạnh biết bao, khi cả đời, suốt ba, bốn chục năm đằng đẵng, người ta cứ phải “lên gân lên cốt” mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc.
  2. Đừng “cố sống cố chết” để học đại học. Từ rất lâu rồi, nhiều người thành danh đều chưa hề có bằng đại học. Và ở ta, có những người đóng góp rất nhiều cho cuộc sống cũng chưa hề có bằng đại học. Tôi xin kể chuyện này: Nhà giáo Phạm Toàn (vừa mất hôm 26.6, hưởng thọ 87 tuổi) là người giỏi nhiều ngoại ngữ (đã từng dịch những cuốn sách cực khó), nhà giáo dục sáng lập và tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa, nghiên cứu phương pháp giảng dạy mới mang tên Cánh Buồm (công việc mà hàng nghìn người, tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ của Bộ Giáo dục chưa làm nen cơm cháo gì) không hề có bằng đại học. Nói với tôi về việc này, ông kể: Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (có bằng Trung cấp sư phạm, dạy cấp 2, nay là THCS), ông tự học. Khi đăng ký dự thi để lấy bằng đại học mới biết phải đóng một khoản lệ phí khá cao, ông nghĩ: chữ nghĩa nó ở trong đầu mình chứ đâu phải ở tấm bằng. Rồi rút đơn. Ông đã sống và làm việc, có những đóng góp to lớn cho giáo dục nước nhà chỉ với tấm bằng trung cấp như thế. Và vô khối (tôi nhấn mạnh vô khối các Giáo sư, Viện sĩ (không thèm kể đến các Thạc sĩ, Tiến sĩ) làm sao sánh nổi với Nhà giáo không bằng cấp ấy?

Cũng phải nói thêm điều này, các trường học (từ Mầm non cho đến Đại học) tiếng là mở ra để giáo dục thế hệ tương lai, đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng giờ đây, do sự dẫn dắt của đồng tiền, cái mục đích cao quý ấy còn được bao nhiêu? Tôi chỉ thấy họ làm tiền (kể cả đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ). Cho nên, “vơ bèo gạt tép” để có thể thu tiền. Và thu tiền xong thì thây kệ người học. Cho nên, đừng dại dột hy sinh cả những năm tuổi trẻ và số tiền không nhỏ vì một cái danh hão.

Trong khi đó, cuộc sống hiện nay đang rất thiếu thợ. Thợ xây dựng, điện nước, xe máy, ô tô, … kể cả những công việc vẫn bị nhiều người coi thường như giúp việc gia đình, chăm sóc người ốm, …. Khu nhà tôi ở có 4 cô đều ở quê lên, cùng thuê một căn hộ 8 triệu đ/tháng để ở và làm công việc giúp việc theo giờ. Họ nói, tối thiểu cũng được 10 triệu đ/tháng.

  1. Làm nghề gì cũng cần sự say mê và luôn luôn nhớ phải không ngừng học hỏi. Ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội cùng với lòng say mê sẽ tạo nên năng lực. Tôi đã phỏng vấn hàng trăm các cử nhân, thạc sĩ và thấy cũng gần bằng số lượng ấy là những “giá áo túi cơm” rỗng tuếch. Cử nhân, thậm chí Thạc sĩ của trường đào tạo nghệ thuật mà không chơi nổi một bản đàn phổ thông, và không một ai trong 6 người (không một ai) có thể dạy và đệm đàn cho học sinh hát. Thạc sĩ văn chương mà nói “nguồn gốc của chữ Nôm là chữ Latin”, … Thạc sĩ làm luận văn về thơ chữ Hán Nguyễn Trãi mà không biết Ức Trai có bao nhiêu bài thơ chữ Hán và không  thuộc nổi một bài thơ nào,…Những chuyện “dở khóc dở cười” ấy có thể kể mãi không hết.

Thị trường lao động đang rất thiếu nhân lực (luôn không tuyển đủ) và  những ai đủ điều kiện đều được trả công thỏa đáng. Một sinh viên tốt nghiệp khoa Tiểu học, nếu có hiểu biết  tương đối vững vàng, có ý thức tự học, có thể nhận mức lương khởi điểm 10 – 11 triệu đồng/tháng. Một, hai năm sau, lương có thể 13 – 14 triệu, và sáu, bảy năm sau có thể đạt mức lương 18 – 20 triệu. Nhưng cùng dạy một lớp, cùng có bằng đại học, có giáo viên chỉ được khoảng 5 – 6 triệu/tháng. Đó là những người được nhận để quản lý học sinh các lớp bán trú. Vì sao lại có sự chênh lệch như thế, chắc ai cũng hiểu.

  1. Đừng cố “chạy” vào các cơ quan nhà nước để hưởng đồng lương rẻ mạt rồi phải tìm đủ cách (phần lớn là bất lương) để hoàn vốn. Tôi luôn đánh giá thấp những người làm việc trong các cơ quan nhà nước. Họ đã đánh mất lòng tự trọng ngay khi phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để “chạy việc”. Họ nói mong có cuộc sống ổn định nhưng suốt đời đâu có ổn định: luôn sợ mất lòng “sếp”, luôn phải lo bù đắp thiếu hụt về tài chính cho cuộc sống hàng ngày kể cả những việc làm mất nhân cách, không bao giờ dám bộc lộ ý kiến cá nhân vì sợ mất lòng đủ hạng người,…

Trên đây là những gợi ý trong việc chọn nghề để có việc làm tốt, thu nhập xứng đáng lo liệu cho tương lai, không phí công nuôi dạy của cha mẹ. Mong được sự tham gia của những người quan tâm.

 

 

 

 

 

11 BÌNH LUẬN

  1. Thầy ơi, em được mời vào. Sau khi thấy ko thể đánh mất nhân cách để làm láo và sống láo, em đi. Sau khi đi thì họ còn tìm cách nói xấu và vu khống em đủ điều. Lúc đầu thì cũng mơ mộng cống hiến lắm, hăng say nghiên cứu lắm ạ. Sau đấy thì cũng thấy kiểu 1 thằng làm nuôi 5 thằng chơi. Các chị đến cơ quan mở Face ngồi còm, tranh thủ in đề bài tập cho con. Các anh sáng nước chè, trưa uống rượu, chiều ngủ bù. Các em trẻ phấn đấu 1 suất học bổng hay biên chế mà làm đến 9h tối nhưng khi báo cáo và kết quả mình làm được in ra, bảo vệ xong mới biết tác giả đã được đổi thành chị ngồi còm và anh uống rượu. Để hoàn vốn thì cũng mệt vì khi nhận đề tài phải chia 5, sẻ bảy, nào là cho bộ nọ bộ kia, cho ban quản lý chương trình, cho cơ quan chủ quản, cho bộ môn, rồi phải để dành để nghiệm thu và đi đút lót để đc nhận đề tài mới. Thế nên hàng năm các viện nhận rất nhiều em trẻ nhiệt huyết vào để các em cống hiến. Sau khi vắt, em nào nghe lời thì Ok, em nào phản kháng thì sẽ cho em ra đi với những lời nói sau lưng kiểu nó giỏi nhưng láo… Tóm lại muốn làm người tử tế thì đừng vào cơ quan nhà nước. Kinh nghiệm học được nhiều nhất là sửa chứng từ, làm 1 khai 10

  2. Chúc mừng em đã sớm tỉnh ngộ để trở về thế giới của những người lương thiện. Em được mời vào nên việc từ bỏ không khó lắm, nhưng những người đã bỏ tiền ra “chạy” thì họ tiếc. Cuối cùng đồng tiền vẫn thắng lương tri khiến họ sống mà như chết.

  3. Thầy thật tuyệt, cơ chế ô dù đã dìm chết những nhân tài thực sự. Nói nhân tài là nguyên khí quốc gia ra, nhìn nhân tài không được trọng dụng mà lo lắng Thầy ạ.

  4. Trong cơ chế này những người có thực tài cũng khó giữ được lương tâm ! Vậy nên họ một là bị đồng hoá hai là bị hoặc tự rời bỏ ! Khi đã đánh mất niềm tin người ta chẳng giữ được gì ! Ngay cả đồng tiền họ kiếm được bằng con đường ngoăt ngoèo cũng chẳng làm họ yên tâm để sống bởi sự dàng buộc đầy mưu mô và cạm bẫy !

  5. 8 năm trước khi xét tuyển biên chế, nếu ngày ấy e chấp nhận bỏ ít tiền thì giờ cũng an phận trong nhà nước. Nhưng ngẫm lấy tiền đi mua việc thấy quá có lỗi với những gì đc học. Nên e quyết bước chân ra. Và thấy m may mắn thầy ah.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here