Anh cũng tuổi Giáp Thân như tôi, học sinh cùng khóa ở Hà Nội, nhưng khác trường. Anh và tôi có cùng những người bạn, người quen. Nhưng mãi tới khi tôi về hưu mới gặp anh và trở nên thân. Thân vì cùng là những con mọt sách. Thân vì cùng thích những chuyến “xê dịch”. Tôi phục anh vì những sách anh đọc. Học hết phổ thông, anh không thi vào đại học vì biết có thi cũng chẳng đỗ,  gia đình anh là một trong những gia đình tư sản được xếp hạng ở Hà Nội trước năm 1954. Anh trở thành công nhân, ban đầu  là công nhân lâm nghiệp đi khảo sát rừng, rồi sau  là công nhân điện, chuyên lắp ráp những tua-bin loại lớn cho các nhà máy điện. Trước khi đến tuổi nghỉ hưu, anh đã sang làm việc lắp ráp máy móc cả ở những nhà máy thủy điện bên Lào. Tôi khâm phục anh về niềm vui và sự am hiểu triết học, một môn khoa học tôi vẫn phải “kính nhi viễn chi”. Anh đọc Nietzche, Kant, Freud, … một cách say sưa. Nhiều khi, tôi cứ nghĩ chẳng biết các vị có học hàm học vị đầy mình về triết học ở ta có đọc được như anh? Mỗi khi tìm được một cuốn sách loại  này, (rất nhiều cuốn xuất bản ở Sài Gòn trước 1975), anh đều photo cho tôi một bản. Có những cuốn sách ba bốn trăm trang. Một hôm, tôi phải nói với anh: “tôi không có hứng thú với những cuốn sách này, anh cứ đọc rồi nói lại cho tôi nghe là quý lắm rồi”. Thế là cứ mỗi khi đọc được một cuốn, anh đều chủ động hẹn gặp gỡ để nói cho tôi những điều anh tâm đắc. Nghe anh nói, chắc đã “giản lược” đi rất nhiều rồi mà lắm khi đầu tôi cứ như muốn vỡ ra.

      Một hôm, anh điện thoại cho tôi, hẹn tới chơi “có nhiều chuyện vui lắm”. Tôi phải nói với anh:

–         Tôi đang có việc của gia đình muốn tập trung để giải quyết, khi nào xong, tôi sẽ tới anh ngay.

 Trong đám bạn thân, chúng tôi có quy ước “ngầm” với nhau: việc tang ma, giỗ chạp, cưới xin là những việc riêng trong gia đình, không nên làm phiền nhau. Có việc gì cần thì nói,  mọi người sẵn lòng giúp, không thì thôi. Khi được biết, mọi người đều để cho người ấy được yên, lo việc riêng, khi nào xong xuôi, lại tụ tập, gặp gỡ. Chả là thời gian này, Bố tôi mệt nặng, Cụ đã 95 tuổi, sợ kỳ này không qua nổi. Tôi không muốn cho anh cũng như những người bạn khác biết, ngại  làm phiền.  Sau khi lo việc tang, rồi qua 49 ngày, tôi điện cho anh hẹn ngày tới thăm. Lúc gặp nhau, anh hỏi tôi:

–         Vừa rồi có việc gì mà anh phải giải quyết lâu thế?

 Tôi trả lời:

–         Thú thật với anh, Ông tôi mệt nặng, rồi mất. Hôm qua vừa mới làm 49 ngày xong.

 Anh nói lời chia buồn với tôi, rồi cả hai bắt đầu câu chuyện ưa thích.

     Sáng hôm sau, mới khoảng 9 giờ, nghe chuông gọi cửa, tôi ra, đã thấy anh, tay cầm một thẻ hương. Tôi đón anh vào nhà. Anh bảo tôi:

– Xin phép anh cho tôi thắp hương lễ Cụ.

 Anh thắp hương, tôi đứng đáp lễ. Sau đó, tôi pha nước mời anh, hỏi:

      – Anh có việc gì vào trong này?  (Nhà anh ở Bờ Hồ, nhà tôi ở Cầu Giấy, cách nhau tới 6 cây số).

      Anh lắc đầu:

      – Không, tôi có việc gì đâu. Tôi vào thắp hương lễ Cụ thôi.

      Ngồi chuyện trò chừng hai mươi phút, anh xin phép ra về. Cũng chẳng có chuyện gì nhiều, vì mới hàn huyên chiều hôm qua.

Chẳng phải  anh không có một cái phong bì, tôi biết anh chỉ không muốn làm phiền một người anh đã coi là bạn.

2 BÌNH LUẬN

  1. Thế giới triết học mênh mông, triết học Phương Tây mạnh về trị ngoại mà yếu về trị nội. Nên nhiều triết gia Phương Tây vẫn bế tắc về tinh thần, tư tưởng. Ngược lại Đạo học Phương Đông lại giúp con người sống nhẹ nhõm, vô vi mà hòa hợp với vũ trụ, tự nhiên. Cảnh giới Nhất thể mà Đạo học mang lại cho người học Đạo là cảnh giới giải thoát mà Triết học , Tôn giáo Phương Tây bất khả tư nghị

  2. Tôi thiển nghĩ “anh bạn” của Ông Giáo hơi liều vì tay ngang lại húc đầu vào Triết học.

    Có lẽ người bạn đó chỉ tò mò đi ngược chút từ hiện tượng sang triết lý ,tỉ dụ từ lối sống Híp pi, tìm ngược lên ý nghĩa Hiện sinh , thân phận “quân cờ” của con người sau cuộc chiến tranh, hay từ những Hương Ước của làng xã Việt nam, đi ngược lên Khế ước Xã Hội. Hay từ khủng hoàng niềm tin, đi ngược lên Đức tin của Kierkegaard. Hoặc từ những Siêu nhân, tìm đến Nietche. Rồi từ sự hoài nghi mon men tới Phan đề,Ý niệm tuyệt đối của Heghen. Hoặc từ mấy câu hát của chú bé Ga vơ Rốt (nhân vật của Vich to Huy gô) tò mò tim tới Rousseau, và rồi có thể từ “Khai dân trí” liên tưởng đến Phong trào Khai sáng và Voltaire…

    Tôi tin là anh bạn đó “nhấm nháp” những triết lý phương Tây cũng như Ông Giáo “nhấm nháp” những triết lý phương Đông qua những mẩu chuyện ngụ ngôn, những “túi khôn” trong Cổ học để dẫn dụ,
    Tôi nghĩ Anh bạn thợ điện của Ông Giáo từ những gì thực tại, tỉ mẩn đi ngang, đi dọc tìm những liên tưởng cũng hay hay chút rồi…

Trả lời Trần Kim Hoàng Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here