Sắp về hưu, tôi đề nghị nhà trường cho tôi làm chủ nhiệm một lớp, coi như kỷ niệm cuối cùng trước khi “về vườn” sau 40 năm gắn bó.

Khoảng 30 năm trở lại đây, cái ngày 20 tháng 11 nó làm cho nhiều người thầy  vô cùng khổ tâm. Có lúc, người ta nửa đùa nửa thật gọi nó là ngày “hiến cam các nhà giáo” (nhại “hiến chương các nhà giáo”) Nghe tủi hổ vô cùng!  Chả là vào những năm 80 của thế kỷ trước, mùa thu là lúc các nông trường cam của nhà nước (chủ yếu ở vùng Thanh – Nghệ) thu hoạch cam. Cam bán đầy các phố, rất rẻ (mấy ai có tiền mà ăn cam!). Thế là ngày 20 tháng 11, phụ huynh đến thăm thầy cô, mang biếu một cân cam. Nhà tôi hai vợ chồng đi dạy học, có những khi nhận được cả thúng cam. Phải “phân phát” khắp nơi. Sau này, “phú quý sinh lễ nghĩa”, các thầy càng được quan tâm hơn, trong khi tư cách của nhiều “thầy” thì “xuống cấp nghiêm trọng”. Ngay bó hoa được tặng khi ở trường trong những ngày này, tôi cũng không dám mang về vì sợ người ta nhận ra mình là giáo viên,  chỉ trỏ, bảo nhau, hay nghĩ thầm: “à ra ông này là giáo viên, chắc là hay bắt con người ta đi học thêm lắm!” Cho nên, tôi có quy định: một tuần trước và sau ngày 20 tháng 11, tôi không tiếp học sinh và cha mẹ ở nhà. Nhiều người thắc mắc, tôi giải thích: Tôi không dám phủ nhận trong những người tới thăm, có những người thành tâm. Nhưng tôi cũng khẳng định số đông trong những người ấy là theo phong trào. Tôi không thích. Thế thôi! Còn  những ai có tấm lòng quý mến, xin mời tới thăm tôi sau khi đã ra trường.

Tất nhiên, học sinh và cha mẹ họ thực hiện yêu cầu của tôi. Với học sinh những lớp tôi dạy trong những năm trước, tôi cũng có quy định như thế. Cho nên ngày 20 tháng 11 với nhiều người là ngày vô cùng bận rộn, thậm chí mệt mỏi. Nhưng với tôi, đây là ngày tôi có thể rong ruổi trên xe máy khắp nơi.

Nhưng đến ngày 20 tháng 11 đầu tiên sau khi về hưu, tôi thực sự cảm động khi có một nhóm khách tới thăm. Họ là những cha mẹ học sinh lớp tôi chủ nhiệm vừa ra trường. Không ai trong số họ là thành viên của ban phụ huynh. Họ mang theo một lẵng hoa và nói với tôi những lời mà dù có đa nghi đến mấy cũng không thể nghi ngờ:

– Trong những năm các cháu học thầy, nhiều lần chúng em cũng muốn đếm thăm thầy lắm. Nhưng thầy đã có yêu cầu như thế, vả lại, chúng em cũng không muốn thầy nhầm chúng em với những người không thành tâm. Hôm nay thì các cháu đã học xong rồi. Chúng em cũng bàn nhau định mua cái gì tặng thầy, nhưng chúng em thấy chỉ có lẵng hoa này là có thể bầy tỏ tấm lòng của chúng em và các cháu với thầy. Ngồi chuyện trò một lúc, trước khi ra về, một người nói:

– Từ những năm sau, chúng em chắc khó cùng nhau đến thăm thầy như thế này. Nhưng chắc cứ đến ngày 20 tháng 11, chúng em sẽ luôn nhớ tới thầy.

Đúng là sau đấy, tôi không có dịp gặp họ, nhưng cứ đến ngày 20 tháng 11, tôi lại nhớ tới họ. 

5 BÌNH LUẬN

  1. Một ngày rảnh rổi, lang thang trên mạng tìm cái gì hay hay để đọc,vô tình vào được trang web của bác, một trang web có cái tên gọi thực khiêm nhường và dung dị : “Ông Giáo Làng”. Và, khi vào đọc “Chuyện Nghề”của bác, tôi thích vô cùng. Thích, bởi lẻ những bài viết trong “Chuyện Nghề”của bác đã khơi dậy trong tôi những kỷ niệm một thời trai trẻ và những nổi nổi niềm mà lâu nay tôi vẫn cứ để trong lòng. Giờ đây, nếu bác cho phép, tôi xin mượn topic này của bác để “nói một lần cho xong” những suy tư của mình.Bác có cho phép không ?? Tôi xin đợi ý kiến của bác ….

    • Bạn ơi, có gì mà phải cho phép! Có thể chia sẻ nỗi niềm với nhau mình cho là một sự may mắn. Mình luôn lắng nghe ý kiến mọi mgười, trong đó có bạn.

      • thua chu,chau hay doc bai cua chu, thay thich va muon giao luu, nhung do khong biet so d.t, dia chi, va chua duoc phep. chau muon xin chu so d.t duoc khong a? cháu quê ở SƠN tây.

  2. Sắp đến 20/11, Chúc nhà giáo(Ông Giaó Làng) vui khỏe.
    Đọc bài của anh tôi vui buồn với kỷ niệm đời nhà giáo của mình.

  3. Có những chân tình và không tránh khỏi có cả những “tình cảm thời vụ”. Thông cảm thôi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here