Dù chưa rõ mặt người, nhưng đầu tiên, bao giờ cũng bằng lời ca của một bài hát quen thuộc rất thịnh hành thời chống Mỹ: “Trường Sơn ơi, mây núi mờ xa mà ta chưa qua…”  vang lên ở ngoài sân bóng chuyền. Rồi tiếp theo là tiếng gọi thúc giục:

–          Dậy! Dậy thể dục nhớ!

Đó là tiếng hát và lời gọi của Việng.

Thế là bắt đầu một ngày mới ở khu tập thể thanh niên.

Chẳng có bầu bán gì, nhưng cả chục người, ai ai cũng mặc nhiên coi Việng là người đứng đầu. Anh đôn đốc mọi người tập thể dục buổi sáng, quét dọn khu giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh, trồng rau nộp cho bếp ăn tập thể, …Ai cũng thấy những lời nhắc nhở của anh hợp lý nên đều làm theo một cách vui vẻ, nhất là khi thấy anh luôn miệng nói tay làm.

Sau tiếng gọi không lâu, hầu hết đều đã có mặt. Thấy còn thiếu ai, anh chạy tới cửa phòng, đập vào cái cánh cửa bằng phên nứa mấy tiếng, kèm theo lời gọi:

–          Thể dục! Thể dục!

Sau đó, dù người trong phòng không có tín hiệu đáp lại cũng sẽ được “để yên” và mọi người bắt đầu vào bài thể dục buổi sáng theo tiếng đếm : “Một, hai, ba, bốn…” bằng cái giọng đậm chất Thanh Hóa.

 

Khi tôi về trường, Việng đã là cán bộ đoàn chuyên trách, mặc dù anh cũng đã tốt nghiệp khoa Toán trường Sư phạm Vinh. Anh trạc tuổi tôi, vóc dáng đậm đà, hình như có bệnh về huyết áp nên khuôn mặt lúc nào cũng thấy đỏ đắn, và đặc biệt, cuộc sống đối với anh lúc nào cũng “ào ào như thác đổ”, làm việc gì cũng gấp gáp khẩn trương, chưa xong việc này đã chuẩn bị vào việc khác, thật xứng đáng là một “thủ lĩnh thanh niên”.  Với anh, Bác và Đảng là một cái gì tuyệt đối, không thể nghi ngờ về sự anh minh sáng suốt, không một chút gợn về tinh thần chí công vô tư, không một tỳ vết, lúc nào cũng trong sáng như gương. Nhưng cũng rất may, trước sự thờ ơ của tôi hay một vài người khác với những thần tượng ấy, anh chấp nhận, chỉ đôi khi tỏ ra tiếc cho bản thân tôi vì đã không mặn mà với việc “vào đảng để phấn đấu cho lý tưởng”, cái điều mà anh luôn cho rằng quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người, hoàn toàn “những vấn đề về tư tưởng” ấy không bị anh báo cáo với những người có trách nhiệm. Về thói quen, tính cách, sở thích, … tôi và anh ít có tiếng nói chung, cho nên chẳng mấy khi trò chuyện tâm tình, nhưng chỉ sau vài tháng, chúng tôi đã quý mến nhau do cả hai đều nhiệt tình, tận tụy với công việc và cùng chung đức tính thẳng thắn, chân thành. Dù làm cán bộ chính trị, vẫn thấy ở anh cái tính chất phác quen thuộc của một chàng trai còn nhiều nét quê mùa. Anh làm cán bộ đoàn, mọi chủ trương, công tác của đoàn, nhiều khi dù không phải thuộc trách nhiệm, tôi cũng ủng hộ bằng cách động viên, nhắc nhở chi đoàn lớp tôi chủ nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh. Còn tôi ngoài việc giảng dạy và chủ nhiệm,  còn phụ trách công tác văn nghệ của nhà trường, rất cần và luôn luôn được sự hỗ trợ của anh mỗi khi tổ chức các kỳ hội diễn. Anh quen biết nhiều các cơ quan đoàn thể trong huyện nên chuyện mượn phông màn sân khấu, đèn “măng-xông”, …chỉ là việc dễ như trở bàn tay. Hai lớp tôi chủ nhiệm liền trong những năm ấy đều có học sinh được bầu làm Phó cho anh trong Ban chấp hành nên anh cũng thường hay nhờ tôi chú ý hơn đến họ trong giảng dạy và học tập.

Năm nào anh cũng nhờ tôi giúp hai việc để  chuẩn bị đại hội đoàn toàn trường, hình như đây được coi là sự khởi động của đoàn thanh niên  mỗi khi bước vào năm học mới.  Đầu tiên là chuyện khánh tiết, trang trí cho cái hội trường thường mượn của uỷ ban xã. Vào thời mọi thứ đều “gạo châu củi quế”, để có vài cái băng vải đỏ dán khẩu hiệu, mấy tờ giấy màu  cắt chữ hay viết khẩu hiệu bằng bột màu không phải là việc dễ dàng nhưng anh do quen biết nhiều, lại có ý thức chuẩn bị từ trước nên tôi không bao giờ chịu cảnh khan hiếm vật liệu. Thường tôi làm những việc này giúp anh vào buổi tối, sau khi đã xong việc chấm, soạn bài. Dưới một ngọn đèn bão được anh ưu tiên, tôi hí húi cắt cắt dán dán, tô tô vẽ vẽ để thực hiện những yêu cầu rất đa dạng. Mỗi băng khẩu hiệu phải có kiểu chữ riêng, anh cẩn thận gói vào một tờ báo cũ. Rồi hàng chữ dán trên tấm phông lớn “Đại hội… lần thứ….” cũng phải có một kiểu chữ khác. Tất cả đều được anh bảo quản cẩn thận, xem ra, anh rất trân trọng công việc mà tôi đang làm. Hôm nào đoán biết sẽ phải thức khuya, anh vào làng mua trước vài gốc sắn từ chiều, khoảng chin giờ lại hí húi đi bóc, rồi rửa, rồi luộc và mọi người trong cả dãy nhà lại có một bữa “tiệc” sắn trước khi đi ngủ, còn anh và tôi cặm cụi tới rất khuya.  Hôm nào không có sắn, trước khi thu dọn, anh đều mang cho tôi một cốc nước đường để bồi dưỡng. Từ chối mãi cũng không được, sau tôi phải nói:

–          Đường mỗi tháng tớ được  tiêu chuẩn một cân của giáo viên cậu chỉ được có hai lạng rưỡi theo tiêu chuẩn cán bộ, tớ nỡ nào lại cứ uống nước đường của cậu mãi!

Rồi tôi còn lên kế hoạch để anh huy động học sinh chuẩn bị, từ mấy cái khăn trải bàn (thường bằng vỏ chăn hoa), đến những  tàu lá dừa làm cổng chào, và rất nhiều các loại hoa trồng trong vườn hoặc hoa mọc hoang trên các triền đồi… Chiều hôm trước anh tập trung cả một lớp học sinh, toàn những cô cậu “khéo tay hay làm” để giúp tôi hoàn thành những công việc cuối cùng  từ dán khẩu hiệu, cắm hoa, kê dọn bàn ghế, trang trí, quét hội trường, …Lần nào cũng tối mịt mới tạm xong, sáng hôm sau thầy trò lại phải hẹn nhau tới sớm để làm nốt những việc còn dang dở.

Việc thứ hai mà anh nhờ tôi là tập cho các đại biểu dự đại hội đoàn trường hát quốc ca. Thời ấy, điều kiện để được nghe ca nhạc vô cùng hiếm hoi. Lời ca tiếng hát chủ yếu lưu hành bằng truyền khẩu. Lời thì đúng vì có thể chép vào những cuốn sổ tay, nhưng tiếng hát sau một hồi “tam sao thất bản” nhiều khi nghe ngang “phè phè”. Ngay bài Tiến quân ca, đã có lúc nhà văn  Nam Cao nghe mà có cảm giác như “buồn ngủ cầu kinh”. Anh yêu cầu các đại biểu được cử dự đại hội đoàn hàng ngày phải tập hát quốc ca trước buổi học khoảng mười lăm phút. Hôm đầu tiên, anh xác định thái độ cho họ:

–          Chúng ta là những thanh niên đeo trên ngực áo huy hiệu “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên” (khi đó chưa có tên đoàn thanh niên cộng sản) mà hát bài quốc ca còn sai thì sao cầm cờ được? Các đồng chí lại là đại biểu cho chi đoàn mình tới dự đại hội mà không hát nổi bài quốc ca cho hùng tráng thì sao xứng đáng là đại biểu. Ban chấp hành đoàn trường giao trách nhiệm cho đồng chí Giao, đoàn viên của chi đoàn giáo viên hướng dẫn các đại biểu hát bài quốc ca; các đồng chí đại biểu phải học tập nghiêm túc.

Quan trọng như thế nên đừng có mà lơ mơ. Có năm anh còn thêm: “đại biểu nào không hát được bài quốc ca không cho đi dự đại hội”. Thế là bị phê phán là “độc đoán, chuyên quyền”.

Sau khi nghe anh “huấn thị” mục đích ý nghĩa học hát quốc ca, tôi cho học sinh ngồi xuống để bắt đầu công việc, anh lập tức ngăn lại;

–          Hát quốc ca sao lại ngồi?

Cũng giống một hôm, đi qua lớp khi tôi đang giảng bài Tuyên ngôn độc lập, đến bữa cơm trưa, anh hỏi  tôi:

–          Khi đọc bài Tuyên ngôn của Bác Hồ, sao mi  không  cho học sinh đứng dậy?

Quả thật, lúc ấy, những yêu cầu của anh rất khó “cãi”.

Cũng phải mất chừng hai tuần việc học hát mới tạm ổn. Nhưng nếu không có người điều khiển thì chẳng biết sẽ ra sao, nên để “bảo vệ thành quả”, hôm khai mạc đại hội, tôi luôn phải tới làm nốt nhiệm vụ dù chẳng phải đại biểu đi dự. Khi cả hội trường đứng dậy làm lễ chào cờ, hát quốc ca, tôi phải đứng trên một cái ghế sau hai hàng ghế đầu của khách khứa đủ loại, hướng về phía mọi người để giữ nhịp. Chỉ khi câu cuối cùng của bài quốc ca chấm dứt, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã không phụ lòng tin của anh, dời hội trường.

Tất nhiên, chuẩn bị cho một cái đại hội còn vô vàn những việc khác mà anh phải quan tâm, nào là tổng kết, rồi đề án, rồi nhân sự, rồi mời đại biểu, … nhưng tôi chẳng bao giờ để ý tới, chỉ biết có hai việc đó.

Lúc ấy, không ít người cho tôi là “ôm rơm rặm bụng” nhất là sau một thời gian, người ta không thấy tôi có ý muốn “phấn đấu”. Giờ đây, có thể cho đó là những việc làm “vớ vẩn”, mất thời gian, nhưng khi ấy giữa tôi và anh có sự đồng cảm. Anh thì muốn làm việc gì cũng phải “ra trò”, phải làm tốt nhất trong khả năng có thể, đúng với phong cách “thanh niên thời đại Hồ Chí Minh”. Còn tôi, tuổi còn trẻ, vẫn chưa nguôi cái khao khát “giơ bó đuốc xua tan bóng đêm mờ tối” nên luôn mong muốn những công việc nhỏ bé của mình đem chút ánh sáng văn hóa tới soi sáng cho lớp đàn em còn chịu thiệt thòi về nhiều mặt bên cạnh nhiệm vụ dạy học.

 

Việng ở cùng trường với tôi được bốn năm, sau đó, anh về công tác ở Huyện đoàn. Anh thường đi làm việc ở cơ sở, có khi chỉ huy thanh niên cả huyện làm chiến dịch thủy lợi, rồi bờ vùng bờ thửa, ròi tuyển quân,….chúng tôi ít có điều kiện gặp nhau.

Một hôm, khi tôi đã chuyển về thị xã  anh tới thăm. Sau một hồi trò chuyện, anh đưa tôi một cuộn giấy to và nặng gần bằng cái bánh “tầy” (trong nam gọi là bánh “tét”), bảo:

–          Tau được cử đi Nam phụ trách một đơn vị thanh niên xung phong hỏa tuyến của tỉnh, tuần sau thì lên đường. Mi giữ hộ tau cái này. Khi nào về tau tới lấy. Hơn chục năm cống hiến của tau đấy!

Hóa ra đây là toàn bộ những giấy khen, bằng khen của anh trong suốt thời gian công tác.

Rồi anh hí húi mở cái bao ni-lông đựng đủ loại giấy tờ, tiền bạc, nhặt ra đưa cho tôi một ít “tem” gạo, nói:

–          Vợ mi sắp đẻ, tau có ít tem gạo, mi cầm lấy mua thêm gạo cho hắn ăn.

Tôi hỏi anh:

–          Ai cũng chỉ có mười ba cân rưỡi gạo một tháng, cậu lấy đâu ra cái của quý hiếm này?

Anh cười:

–          Tau hay đi công tác các xã, anh em nó cho ăn, không lấy tem gạo, cứ tích lại, định để mang về cho bố mẹ. Nhưng lần này đi, chắc không được ghé qua nhà, mi cứ cầm lấy.

Giữ anh lại ăn cơm, anh cười, bảo:

–          Nhà mi thì có cái cóc gì mà ăn.

Quả thật, nhìn cảnh nhà tôi, chắc anh cũng chán. Bạn bè anh ở các nơi, nhà người ta còn có luống rau, đàn gà, quả trứng, thậm chí có cả ao cá, tôi mới chuyển về, chưa có nhà ở, vợ đẻ đến nơi mà hai vợ chồng và một đứa em còn đang ở nhờ trong căn bếp có 6 mét vuông của một người bạn.

Thế là anh đi từ đấy, tôi không gặp lại.

 

Vào tháng Sáu ba năm sau, có người khách tới tìm tôi ở trường, được chỉ dẫn, anh tới gặp tôi ở nhà. Tôi không còn phải ở nhờ trong căn bếp nữa, đã có nhà cửa tương đối đàng hoàng so với thời ấy. Tôi chưa gặp anh bao giờ, anh bảo tôi:

–          Em là em của anh Việng.

Mới nói được thế anh đã nghẹn ngào. Tôi biết đã có việc chẳng lành. Lát sau, anh mới bình tĩnh lại:

–          Sau giải phóng, anh em đã trở về, nhưng rồi thất vọng vì nhiều thứ, anh em đã…

Tôi vội hỏi:

–          Sự thể ra sao?

Anh lặng đi một lát, rồi lắc đầu:

–          Thôi, em chẳng nói nữa, buồn lắm anh ạ.

Tôi không gặng hỏi thêm, vì không muốn nhắc lại chuyện buồn. Em anh có thể vẫn chưa hết day dứt  vì sự ra đi đột ngột của anh? Có thể sự ra đi ấy quá bất thường và đã bị phê phán gay gắt từ nhiều phía? Có thể nó liên quan tới nhiều điều khi ấy còn phải kiêng kỵ?…. Vả. lại, tôi cũng hiểu nói những chuyện như thế này với người mới gặp lần đầu không phải là điều dễ dàng.

Ngồi một lát, tôi đứng dậy, lấy cuộn giấy Việng đã gửi  ba năm trước mà tôi vẫn giữ cẩn thận trong cái tủ nhỏ đưa cho anh. Người em anh giơ hai tay đón lấy, giọng ngậm ngùi:

–          Từ khi mới đi  Nam, anh em viết thư đã dặn có gửi anh những thứ này. Cuộc đời anh em hăng hái, tận tụy lắm. Chẳng mấy ai có chục năm công tác mà ngần này giấy khen, bằng khen…

 

Quả thực, gần bốn chục năm đã qua, không có điều kiện để biết thêm chi tiết về sự ra đi của anh, tôi vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh . Mong các bạn đọc, ai biết được gì thêm về người bạn mà tôi vẫn quý mến chia sẻ những thông tin nếu có thể. Anh là Lê Ngọc Việng, đã công tác ở Huyện đoàn Ba Vì trong khoảng những năm 1967 – 1973.

5 BÌNH LUẬN

  1. Xin phép Thầy “còm” 2 ý.
    1./”đã có lúc nhà văn Nam Cao nghe mà có cảm giác như “buồn ngủ cầu kinh”. Có phải ý Thầy muốn nói “…nhạc sĩ Văn Cao….”?
    2./ “Anh chạc tuổi tôi”. Trong Nam người ta nói “trạc tuổi”. “chạc” là từ quen dùng ở vùng Thầy, hay với “trạc” là một vậy Thầy? Cảm ơn Thầy

    • Thành thật cảm ơn Thầy đã tế nhị trả lời qua mail để không cho mọi người thấy cái dốt của em. Em xin nhận cái lỗi “dốt hay nói chữ của em”. Và em xin phép dán cái mail của Thầy vô đây để cho mọi người thấy cái dốt của em, với hy vọng không có ai như em.

      “Cám ơn bạn đã “còm”.
      Thứ nhất là xin lỗi vì tôi đã sơ xuất, sai chính tả, nay đã sửa lại: “trạc” chứ không phải “chạc”.
      Nam Cao để cho nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt nhận xét người nông dân có nhiều cái ngu ngơ, trong đó có “hát Tiến quân ca mà như buồn ngủ cầu kinh”. Bài Tiến quân ca (Quốc ca) là của Văn Cao, nhưng nhận xét này có lẽ không liên quan gì đến Văn Cao, chỉ là một nhận xét thể hiện cái nhìn của người trí thức tiểu tư sản khi mới tham gia kháng chiến với nông dân.
      Một lần nữa xin cám ơn bạn.
      Chúc bạn nhiều sức khỏe và niềm vui.
      Thân mến,
      Dương Đình Giao

  2. Một cảm giác hụt hẫng pha lẫn chút thương cảm cho một kết cục cuộc đời.Chỉ biết mượn lời của Thâm Tâm để nói hộ lòng mình:”Đưa người ta không đưa qua sông……..”

  3. Từ đó đến nay thầy chưa gặp lại người em đó của bác Việng ạ? Hay là sau giải phóng, chế độ bao cấp làm anh Việng thất vọng, rồi chán nản nên…? *em xin phép đoán mò thế ạ??*

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here