HỘI LỚP

Năm nào tôi cũng có dịp được dự vài ba lần hội lớp. Hội lớp của bản thân với các bạn cùng học cấp 2, cấp 3 và nhiều nhất là hội lớp của các lớp học sinh cũ. Hội trường, hội lớp được tổ chức rầm rộ bắt đầu từ khoảng giữa những năm 90 thế kỷ trước. Kinh tế phát triển, đời sống no đủ khiến người ta tìm cách ăn chơi đúng như xưa thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”. Bên cạnh sự phát triển của các hội đoàn như hưu trí, cựu chiến binh, đồng tuế, đồng hương, cao tuổi… có hội lớp. Mà hình như trong các loại hội thì hội lớp là phổ cập nhất, vì ít có ai trong đời không đi học. Hội lớp Tiểu học thì ít, hội THCS nhiều hơn, nhưng nhiều nhất, đông nhất, ồn ào  nhất là hội lớp cấp 3 (nay là PTTH). Rồi hội lớp đại học, hội học sinh cùng du học, … Có người tham gia tới mấy thứ hội lớp.

Hội lớp thường được tổ chức khoảng sau 20 – 25 năm ra trường. Có lý do quan trọng là vào lúc ấy, phần lớn con cái đã trưởng thành, kinh tế đã tương đối ổn định. Phần lớn nhà đã có, xe đã sắm, … nhìn chung là khi gặp nhau, với những gì có ở nhà và mang trên người, ai cũng có thể “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi” (thơ Tố Hữu). Với không ít người, khi đã dư dật thì cái nhu cầu thể hiện sự dư dật trở nên cấp thiết, thậm chí là cấp bách chứ dư dật mà ít người biết thì cũng kém ý nghĩa. Cho nên có lớp ra trường mới 19 năm, nhưng chắc “không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại” nên cũng tổ chức hội lớp, không thể chờ đợi thêm một năm nữa cho hợp với thông lệ. Và cứ thế, 5 năm một lần các hội lớp lại được tổ chức. Cá biệt cũng có những lớp tổ chức thường niên. Gần đây, hình như việc tổ chức hội lớp chưa “thỏa được ước nguyện” nên nhiều nơi còn tổ chức hội khóa.

Vì để “tỏ mặt anh hào” nên các hội lớp đều được tổ chức khá, thậm chí rất  hoành tráng tiêu tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian, công sức. Vì đã vài chục năm mới gặp nhau; vì ai cũng muốn tỏ ra “thành đạt”, tỏ ra cuộc sống của mình rất viên mãn. Cứ thế, dẫn đến tình trạng lớp này to hơn lớp kia, năm sau lớn hơn năm trước. Cho nên sự tốn kém, dẫn đến lãng phí, thậm chí rất  lãng phí là điều thường xảy ra. Tiền cho thuê địa điểm, cho trang trí khánh tiết, cho quà cáp các thầy cô giáo cũ, cho ăn uống tiệc tùng, … Ngoài sự tài trợ của một vài thành viên vào bậc “đại gia” trong lớp, chi phí thường được “cam-pu-chia”. Với một số người, đóng góp này là bình thường, không ảnh hưởng gì đến hầu bao. Nhưng với không ít người, những chi phí này là một gánh nặng (đáng tiếc là có “hội” chưa mãn cuộc vui đã rơi vào cảnh buồn vì sự phân bổ). Cho nên, cuối cùng, nói hội lớp nhưng thực ra đó chỉ là hội của một số bạn bè thành đạt trong lớp. Tôi không phản đối (cũng không khuyến khích) việc tổ chức hội lớp. Nhưng nếu có tổ chức, tôi ủng hộ cách tổ chức “tùng tiệm” để làm sao tất cả mọi thành viên trong lớp còn mạnh khỏe và không ở quá xa đều có thể tham gia mà không phải có những mặc cảm. Chúng ta còn có biết bao việc làm có ích cần tới tiền!

Mục đích chủ yếu của Hội lớp là dịp để gặp gỡ bạn bè cùng học suốt 3 năm, nhớ lại những kỷ niệm khó quên cùng nhau dưới mái trường. Đó là quãng đời rất đáng nhớ, tình cảm bạn bè trong những năm tháng này rất hồn nhiên, vô tư cần trân trọng. Với tư cách là giáo viên, thậm chí là giáo viên chủ nhiệm được mời, tôi luôn coi mình là khách, chỉ tham dự phần chính của buổi gặp gỡ. Sau đó, tôi thường cáo từ vì biết sự có mặt của mình vẫn khiến cho mọi người, dù đã không còn là học trò  không giữ được vẻ tự nhiên. Biết bao nhiêu điều cần chia sẻ, “bù khú” giữa bè bạn với nhau!

Sau một vài lần hội lớp với tư cách học sinh cũ, tôi có cảm giác trống trải, những câu chuyện vô thưởng vô phạt, những cái cười có thể hết cỡ nhưng vẫn cứ cảm thấy “thế nào ấy”, chẳng có gì là sâu sắc, cũng không có gì là ấn tượng. Là người không thích sự ồn ào, không biết rượu bia, từ đầu tới cuối cuộc đời chỉ là một “ông giáo làng” chẳng có gì khiến mọi người chú ý, càng chẳng có gì để tự hào, tôi không thích tham dự những cuộc gặp mặt này. Thích nhất là những buổi thăm viếng lẫn nhau của từng tốp năm ba người bạn.  Những câu chuyện tâm tình, những hồi ức buồn vui của cái thời “nhất quỷ nhì ma” trong một nhóm nhỏ ấy chắc chắn thú vị hơn rất nhiều cái xô bồ, náo nhiệt của đám đông.

 

P/S: Vừa rồi, có bạn hỏi tôi cảm tưởng về các cuộc hội lớp. Lưỡng lự mãi mới viết vì “trung ngôn nghịch nhĩ”! Tôi biết không phải tất cả các cuộc hội lớp, các bạn dự hội lớp, … đều như những gì tôi vừa nói ở trên. Nhưng cũng phải thừa nhận đó là tình trạng phổ biến. Nếu bạn nào thấy chướng tai, xin nghĩ như người dân ở một ngôi làng nhỏ của Nam Cao “chắc là “nó” chừa mình ra!”

 

11 BÌNH LUẬN

  1. Việc họp mặt các bạn bè đồng môn thực ra là một nét văn hoá của hội đòng môn xưa ở làng xã. Đó là những người học cùng một thầy hoặc cùng một trường ,nay có thêm hội lớp trong phạm vi hẹp hơn ,đó là nhu cầu tình cảm chẳng đáng chê nhưng khong phải cú hàng năm lại tổ chức mà mục đích chính chỉ là đánh chén và giải trí hoặc có thêm việc tri ân thầy cô . Thực ra các thày cô được mời họp mặt cũng rất cảm động ,nhưng làm thương xuyên dễ gây phiền toái ,khó tránh sơ xuất ,như thế ” kính chẳng bõ phiền” nên thi thoảng hoặc nhan một dịp nào đó có ý nghĩa kỷ niệm sau sắc hãy nên làm . Như thế mới quý !

  2. Hội lớp đê để bạn bè lâu năm có dipk gặp nhau là rất nên. Ai có điều kiện tài trợ cho lớp thì rất tốt. Mừng những bạn thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội, nhưng đây cũng là dịp tốt để biết được những ai có hoàn cảnh khó khăn, từ đó mà bàn cách giúp đỡ , động viên nhau. Đừng phô khoe những lúc như thế này. Cũng đừng giới hạn giúp bạn chỉ trong những buổi họp lóp, việc ấy nên làm thường xuyên. Mình rất hoan nghênh hội lớp với tinh thần đó.

  3. Về cảm tưởng hội lớp nhà cháu cũng tâm tư lắm. Nguyên là nhà cháu cũng có hội lớp liếc, nhưng không đến nơi cả sự học lẫn sự hội. Chẳng là những năm 68-69 việc học cũng đơn giản, trò nào chăm chỉ mà tiếp thu được kiến thức của Thầy thì lên lớp 8(hệ 10 năm) không phải thi thố gì cả. Nhà cháu may mắn được ông giời run rủi thế nào ấy nên sáng sáng cũng được đi bộ đến trường. Khốn nỗi, trong bụng ít cơm thì cái sự học để lấy chữ của thầy cũng đành gác lại để đi bộ đội cho đỡ tốn cơm của thầy bu. Trải qua dăm ba trận mạc, may mắn hòn tên mũi đạn nó chừa mình ra mà chỉ có sốt rét là năng hỏi đến, được vài năm, sức yếu, đánh đấm kém và cũng nhờ phúc nhà to nên được bãi binh. Do học hành không đến đầu, đến đũa cho nên thôi thì lấy đít trâu làm thước ngắm và kiếm bà dân quân chân chổi xể, mông lồng bàn cho có gia đình. Năm nọ, có mấy anh chắc học hành đến nơi đến chốn nên phương trưởng lắm, đương ở chỗ có người thưa bẩm nhưng đến tuổi hiu phải về, chắc là buồn. Mặc dù các anh đã nhiều hội nhưng hội đồng môn thì chưa nên cũng giở ra. Nhà cháu mặc dù chỉ ngồi cạnh các bác ấy có mấy tháng ở cấp 3 nhưng cũng có chân. Thật là vinh dự – Hôm họp lớp, ngoài việc đánh chén hôm đó có bác cung tiến tất, lại còn cho đi hát hò mới khiếp chứ(cái cuộc hát ấy nhà cháu ngượng không dám kể) xong để có quỹ hoạt động thì mỗi cụ phải bổ 1 triệu đồng và có thư ký biên chép hẳn hoi, vì sĩ diện nên nhà cháu không phải nghĩ. Tối đó, khi đã say khướt về được đến nhà và giãi bày với bà cháu về nọ kia thì được bà cháu chua một câu – Hội với chả hè, mấy đứa cháu mất toi mấy tháng uống Milo.

  4. Tôi họp lớp thường xuyên, lớp cấp 3 quy định 2 năm họp 1 lần; lớp chuyên nghiệp 3 năm họp 1 lần. Vui lắm, tuy chẳng bao giờ họp đủ mặt bạn bè nhưng háo hức, đóng góp chẳng là bao từ 500 đến triệu rưởi, chẳng có ai tài trợ. Mỗi lần họp lớp như trẻ ra. Sống bao nhiêu năm nữa, sao không gặp bạn bè. ăn uống, đi chơi, du lịch đến những nơi thích hợp, còn mời dâu rể cùng đi. Vui lắm. Sống dai được 3 chục năm nữa tội gì không họp lớp sống lại thời tuổi trẻ.

  5. Trường Võ Tành thành lập từ năm 1952 ở TP NhaTrang ,đến năm 1975 các Ông Quan CÁCH MạNG đổi tên thành Trường LÝ TƯ TRONG .Mồi cuối Năm khi mờ họp CƯU HỌC SINH Võ Tánh _Lý Tự Trọng thì Anh Chị Em chỉ làm 2 phe dù cùng học chung 1 mái trường
    Cac anh Chi ở nươc ngoài cũng mườn đóng gop xây dưng MÁI TRƯỜNG XƯA nhưng dị ưng vời tên MỚI.Cac Anh CƯU HOC SINH PHAN CHU TRINH (ĐaNẵng )Trân Quý Cap(Hôi AN)may măn hơn chung tôi vì vẫn thiêt tha vời Trương mang tên CŨ.

  6. Cảm ơn Thầy đã viết thay cho những người “lập dị” (trong đó có em). Gần 20-11 mới nhớ tới Thầy, mong Thầy tha lỗi.

  7. Khoe & Nhậu là 2 từ để diễn tả mục đích của những buổi “họp lớp” này. Trong Nam em gọi là họp lớp.

  8. Minh cung hop lop nhu ai, kho cai hop 1 nam 1 lan , nhung vui qua nen hop lien tuc, va di nhien chang biet noi gi nua nen ra quyet dinh AN THI IT TU LA CHINH.va con ghep doi nhu thoi di hoc , to chua di choi qua dem. CHOANG LUON

  9. Thuc Tran
    CHIỀU NAY VỀ HỌP LỚP
    Bạn thân hỡi, chiều nay về họp lớp
    Thì nhớ đừng ăn mặc quá cao sang
    Nếu có thể đừng về bằng xế hộp
    Bằng hữu xưa còn xe máy cà tàng.
    Nhớ đến sớm chuẩn bị trà với nước
    Bàn ghế ngồi cho bè bạn thầy cô
    Đừng biểu ngữ giăng cửa sau cửa trước
    Long trọng chi? nhìn sến xẩm thấy mồ
    Cứ đơn giản một bình hoa là đủ
    Trưng thật nhiều hình ảnh của ngày xưa
    Ráng nhớ hết tên những người bạn cũ
    Chuyện buồn vui thời ma quỷ cũng chừa.
    Đừng có đợi bạn chìa tay mới bắt
    Chìa tay ra và ôm lấy bờ vai
    Đừng chỉ ngồi với mấy thằng máu mặt
    Mà hân hoan với cả đứa dân cày
    Đừng lớn tiếng về gia tài hoành tráng
    Đừng say sưa kể thành quả vẻ vang
    Đừng hồ hởi với tương lai tươi sáng
    Bạn bè xưa nhiều đứa vẫn bần hàn
    Hãy ngồi xuống, ân cần và khiêm tốn
    Hãy lắng nghe, thăm hỏi với động viên
    Nhắc thật nhiều chuyện ngày xưa vui nhộn
    Chuyện một thời cùng vui vẻ hồn nhiên.
    Ngày họp lớp với bạn nào thành đạt
    Chẳng khác gì ngày bái tổ vinh quy
    Còn đối với bạn không may mắn khác
    Là tủi thân chứ có sướng vui gì
    Vì lẽ đó chiều nay về họp mặt
    Bạn hiền ơi nhớ đừng nói về mình
    Chờ ở cửa, ôm mọi người thật chặt
    Mà hỏi han, bày tỏ tấm chân tình.
    Vậy đi nhé, chiều nay về họp lớp.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here