Vừa cơm nước xong, chuẩn bị nghỉ trưa, thì nghe tiếng gọi cổng. Tiếng gọi gấp gáp khiến tôi ngạc nhiên vì  thường ít khách khứa, và nhất là giờ này, chưa bao giờ có khách. Ra mở cổng, thấy anh hàng xóm (gọi là hàng xóm nhưng nhà cũng cách vài ba trăm mét). Càng ngạc nhiên vì nhà anh đang có tang, ông cụ nhà anh mới mất đêm qua, tôi  cũng đang chờ đến chiều sau khi gia đình phát tang sẽ tới viếng và chia buồn. Khi mời vào nhà, hỏi có chuyện gì mà tới vào giờ này, anh bảo:

   – Nhà ông  có lịch “bóc” không? (Ý anh muốn nói loại lịch bloc) Chả là bây giờ người ta thích treo loại lịch tờ, vừa có tranh ảnh, vừa không phải “xé” hàng ngày.

Tôi  đáp:

–         Có, chú cần gì?

Anh mừng ra mặt, vội bảo:

–         Ông  làm ơn cho cháu xin một tờ.

Chỉ tấm lịch treo trên tường, tôi  bảo:

–         Chú lấy mấy tờ cũng được. Có việc gì mà cần thế?

Anh giải thích:

–         Ông cháu mất, sắp đến giờ phát tang, nhưng ông thầy lại bảo phải có tờ lịch cho vào khung ảnh. Mà xung quanh đây chẳng nhà nào có lịch “bóc” cả.

Tôi thắc mắc:

–         Sao lại phải có tờ lịch ấy làm gì?

–                – Thầy bảo để ông cháu nhớ ngày giờ chia tay với gia đình, rồi để xuống dưới ấy, ông cháu có lịch để xem ngày tháng. Thầy bảo  “trần sao âm vậy” mà!

Mình  cười hỏi:

–         Thầy ở đâu mà “phán” ghê thế?

    – Ông anh cháu mời từ Hà Nội lên đấy! Anh ấy bảo cơ quan anh ấy toàn mời ông này, uy tín lắm! Cũng tốn kém khối ra đấy bác ạ!

Biết ông cụ có một người con trai  chức tước cũng kha khá ở Hà Nội, tôi bảo anh:

   – Lịch thì anh lấy mấy tờ cũng được. Nhưng tờ lịch to thế này, đưa vào khung ảnh, nó che mất cái ảnh cụ đi chứ.

Anh tần ngần:

–         Thế thì làm thế nào hả ông? Nhưng thôi, anh cháu cũng bảo anh lái xe ra thị xã  tìm rồi.

Tôi bảo anh:

–         Chẳng tìm được  đâu! Trước kia, thời còn đói nghèo, người ta làm cái blôc lịch chỉ nhỉnh hơn cái bao thuốc lá thôi. Nhưng hồi này, “hoành tráng” lắm. Lịch của tôi là loại nhỏ đấy. Có cái còn to hơn cái quạt nan cơ.

Anh lại hỏi tôi:

–         Thế không có có được không, hả ông?

Tôi đáp:

–         Tôi nghĩ chẳng cần thiết. Cái việc đưa tờ lịch vào khung ảnh người mất có từ hồi những năm 70, 80. Lúc ấy kinh tế khó khăn lắm, việc thờ cúng cũng sơ sài, người ta sợ quên mất ngày giỗ của ông cha nên mới lấy luôn tờ lịch ngày hôm ấy đặt vào góc khung ảnh cho tiện. Thế thôi. Mà con cháu lại quên mất ngày giỗ ông cha thì chỉ có là đồ vô phúc.  Còn nếu muốn cụ có lịch dùng ở dưới âm thì anh phải đi tìm mua cái lịch hàng mã mà đốt chứ, sao lại dùng lịch của người trần lồng vào khung ảnh?

Anh gật gù:

–         Cháu cũng nghĩ thế. Cả làng này bao nhiêu người chết, có thấy ai cần cái tờ lịch ấy đâu.

Tôi bảo anh:

–         Thôi, anh cứ mang tờ lịch này về, dùng được thì dùng, không dùng được thì thôi.

Chiều, cùng mấy người hàng xóm sang phúng viếng, nhìn khung ảnh không thấy có tờ lịch, tôi hỏi nhỏ anh:

–         Thế không kiếm được tờ lịch nhỏ à?

Anh bảo:

–         Ngoài thị xã cũng không có. Ông anh cháu cứ làm ầm lên. Nhưng chịu chứ biết làm thế nào. Ông thầy ông ấy dọa: “Nhỡ có việc gì là do gia chủ đấy nhé, tôi không chịu trách nhiệm đâu!” Nghe anh cháu nằn nì mãi, ông ấy mới bảo:

 “Thôi, mấy hôm nữa, tới nhà, tôi làm cho cái lễ tạ.”

 

 Thế mới biết, việc gì người trước làm cũng có căn nguyên của nó. Đời sau làm theo mà không biết suy nghĩ để hiểu cái gốc ban đầu  thì  trở nên máy móc thậm chí có khi ngốc nghếch. Mấy ông “thầy” chữ nghĩa không đầy cái là mít dựa vào sự mù quáng và lo sợ đủ điều của các “đệ tử” tha hồ phán, tha hồ bầy trò để làm ra vẻ “cao siêu”. Thế là mọi sự trong việc thờ cúng càng ngày càng loạn, nhiều khi không còn giữ được cái thành tâm của con cháu.

1 BÌNH LUẬN

  1. Con nhớ giỗ ông bà già , trên ảnh bà già vẫn còn tò lịch ,nhưng để là kỷ niệm thì đúng hơn

Trả lời Nguyễn Lưu Huy Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here