Không thể phủ nhận giá trị lớn lao của tivi và máy tính, những thành tựu của trí tuệ con người từ thế kỷ 20. Khó có thể hình dung cuộc sống của chúng ta hiện nay không có tivi và máy tính.

 Nhưng cũng giống như mọi cái trên đời, bên cạnh giá trị tích cực tivi và máy tính cũng có những “tác dụng phụ” ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của chúng ta nhất là trong việc phát triển trí tuệ. Tivi và máy tính  tác động tới con người bằng hình ảnh nên ít tác dụng kích thích bộ não làm việc, trong khi muốn phát triển tư duy, con người cần ngôn ngữ, cái mà tivi và máy tính đều không có nhiều. Trong cuốn “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”, tác giả đã phân tích những hạn chế của tivi như sau:

“ Tài liệu nghiên cứu cho thấy, sóng điện não của con người khi xem tivi rất giống với sóng điện não của con người trong trạng thái ngủ. Ngồi trước màn hình tivi, đại não không phải chủ động phản ứng với bất kỳ vấn đề gì, cơ thể cũng trong trạng thái thả lỏng, điều này rất không có lợi cho nhi đồng, thiếu niên những người đang ở trong giai đoạn phát triển về đại não và sức khỏe. So sánh những em thường xuyên xem tivi và thường xuyên đọc sách trước độ tuổi đi học sẽ thấy sự khác biệt rõ nét về mặt trí tuệ khi đi học. Bởi giáo dục trẻ em giai đoạn đầu là cơ hội tốt nhất để phát triển trí tuệ và phát triển trí tuệ cần phải không ngừng được thông tin kích thích. Xem tivi là một hoạt động bị động, trẻ em có thể nắm bắt được một số kiến thức qua tivi, nhưng so với việc đọc sách, tác dụng kích thích  trí tuệ của tivi là rất nhỏ, chính vì thế, hiệu quả của sự phát triển trí tuệ cũng là rất nhỏ. Dùng tivi để tiến hành giáo dục vỡ lòng mà không chú ý đến hoạt động giáo dục vỡ lòng thông qua đọc sách là ham một bát, bỏ cả mâm. (…) Về mặt thói quen, từ nhỏ, trẻ dã ngồi lì trước màn hình tivi, dễ hình thành trạng thái không biết làm gì nếu phải xa tivi, bất kỳ công việc gì cần phải có sự nỗ lực về ý chí, trẻ đều thấy khó khăn, đều không có hứng thú. Thói quen này khiến trẻ chùn bước trước những hoạt động đòi hỏi phải có ý thức chủ động và sự nỗ lực về ý chí”. (Sách đã dẫn, trang 439 – 440). Cho nên, muốn tránh mắt bị ảnh hưởng xấu để không rời được cặp kính cận thị, tránh  tình trạng “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, cần thận trọng khi cho trẻ tiếp xúc với hai thành tựu vĩ đại của loài người này.

Đáng tiếc là hiện nay nhiều bậc cha mẹ luôn miệng than vãn chuyện con mình thành thạo, say mê tivi, máy vi tính, rồi “Ai-pát”, “Ai-phôn”, khiến cho mắt thì cận, chẳng có thời gian mà học hành, nhưng ẩn sau những lời “than” đó là một sự ngấm ngầm tự hào con mình sành điệu, thông minh, chẳng xa lạ gì với những phương tiện kỹ thuật hiện đại tối tân nhất. Nếu còn giữ suy nghĩ ấy thì chẳng bao giờ hạn chế được con. Mà thật ra nào có cần gì thông minh, đứa trẻ nào được tiếp xúc chỉ thời gian ngắn đều có thể  thành thạo, “nhoay nhoáy” bấm cả. Tôi chưa thấy một đứa trẻ nào khoảng 4 – 6 tuổi tỏ ra “ngờ nghệch” trước những thành tựu của văn minh này.

Không ít các bậc làm cha mẹ không quan tâm tới việc con xem tivi, nhất là khi còn nhỏ. Chúng có thể ngồi xem cùng ông bà, có thể cho xem để hạn chế nghịch ngợm, nhất là khi cha mẹ không muốn bị làm phiền. Nhưng nếu từ nhỏ, ngoài tivi, trẻ không có một niềm say mê nào khác, thì khi lớn lên sao có thể thích nghi với chuyện bị hạn chế?

 Không nên cấm tuyệt đối. Nó chỉ có hại khi bị lạm dụng nên chỉ cần hạn chế xem tivi, thí dụ, mỗi ngày xem 30 phút. Tới khi đi học (mẫu giáo), ngày nghỉ được xem 30 phút. Để tránh tâm trạng đang mê say bị dừng đột ngột, trước khi hết giờ xem chừng 5 phút, có lời nhắc để trẻ “chuẩn bị tinh thần”. Một thời gian, trẻ sẽ có thói quen, chỉ cần người lớn nhắc  hết giờ, trẻ sẽ tự tắt tivi rồi đứng lên. Máy tính hay “ai-pat” cũng nên như vậy.

Khi trẻ lớn hơn có thể xem theo chương trình như Thiếu nhi, Đường lên đỉnh Olympia, Thế giới động vật, … Nếu muốn xem những chương trình truyền hình trực tiếp (thể thao chẳng hạn), cha mẹ cần giúp trẻ sắp xếp thời gian hợp lý để không quên công việc chính hàng ngày. Đến giờ thì xem, hết giờ chuyển ngay sang làm việc khác. (Cũng xin nói thêm, mỗi khi chuyển công việc, cái lúc chuyển tiếp  này, trẻ rất hay “dềnh dàng” lãng phí thời gian, cần rèn thói quen khẩn trương trong mọi việc).

 Tệ nhất là cha mẹ suốt buổi tối ngồi xem tivi, mỗi khi đứa trẻ từ bàn học quay ra, muốn xem một chút thì bị quát nạt. Lý do thường được đưa ra là: bố mẹ là người lớn, suốt ngày phải làm việc vất vả, giờ lại không phải học hành gì nữa, còn con thì… Lý lẽ này quả không sai, trẻ cũng không thể phản bác, nhưng thực ra, nó đã khiến cho trẻ nghĩ rằng: xem tivi là một hưởng thụ đặc quyền. Từ đó sẽ dẫn tới trẻ cảm thấy có sự bất bình đẳng giữa cha mẹ và con cái, sự đối lập giữa học tập và hưởng thụ. Từ tâm trạng không thoải mái này trẻ có thể càng mong ước được xem tivi và càng chán học. (theo sách đã dẫn). Cho nên, cha mẹ tránh xem tivi khi con học bài nếu không có phòng riêng.

 

Cũng không nên cấm tuyệt đối trẻ chơi “game”. Tới lớp, bè bạn nói chuyện “game” mà con mình lại không có gì để nói thì tâm trạng của chúng sẽ ra sao? Mà những trò “game” cũng không phải là hoàn toàn vô bổ. Nhà chưa có máy tính, hàng tuần, vào ngày nghỉ, cũng nên cho con tới những quán “net” chơi khoảng một giờ. Kinh nghiệm của tôi là, khi những nguyện vọng chính đáng được đáp ứng thì mỗi khi bị “cấm”, trẻ thường dễ chấp nhận (vì quả thật chúng thấy cha mẹ không phải lúc nào cũng là “bê tông, sắt thép”). Cấm tuyệt đối, nhất định trẻ sẽ tìm cách để chơi ngoài tầm kiểm soát, khi đó còn có hại hơn rất nhiều.

Trò chơi điện tử về bản chất cũng chỉ là trò chơi, nó không phải là ma túy, nó cũng giống với mọi trò chơi mà chúng ta chơi khi còn nhỏ. Say mê và nghiện là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau.. Nhiều người thành đạt cũng say mê những trò chơi này. Tội lỗi không phải do trò chơi, người “nghiện” nguyên nhân chính là do không biết làm chủ bản thân. Nếu từ nhỏ, trẻ đã được hướng dẫn biết tự kiềm chế, biết suy nghĩ, lựa chọn mỗi khi hành động, chắc sẽ không “nghiện”. Mặt khác, khi trẻ nghiện,  cha mẹ cũng cần phải xem thử, có thể do cuộc sống xung quanh trẻ đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có gì hấp dẫn khiến chúng phải đắm chìm trong thế giới “ảo”. Chỉ “cấm” không thể giải quyết vấn đề tận gốc.

Trước khi trang bị máy tính cho con, cần thống nhất nguyên tắc, nội dung, thời gian, mục đích, …sử dụng.

Nhiều người đã có kinh nghiệm, dù con có phòng riêng cũng nên đặt máy tính ở nơi “công cộng”. Tốt nhất là trong nhà có nơi đặt máy tính chung của cả cha mẹ và con cái. Việc kiểm soát thời gian, nội dung dùng máy tính của con sẽ dễ dàng hơn.

Vừa dạy con biết tự chủ, tự lập, vừa có những biện pháp thích hợp để kiểm soát, chắc chắn máy tính sẽ trở thành một công cụ đắc lực giúp trẻ học hành tiến bộ, tiếp cận nhanh chóng và  vận dụng thành công với những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại, dễ thích ứng với những công việc trong tương lai,  xứng đáng với sự mong ước của các bậc cha mẹ.

4 BÌNH LUẬN

  1. Không cho nó, nó khóc, vừa sót ruột vừa không làm gì được ,đành phải chiều nó thôi.
    Chú cũng biết là vậy nhưng nghe trẻ con nó khóc chú không chịu được. Nhưng ngoài chuyện đòi chơi Ipad ra cháu rất ngoan. Nó bám ông kinh lắm, không rời tẹo nào, có hôm chú phải đi công việc không thể cho nó đi cùng, biết thế nó nói với ông là : Ông nằm xuống đây con bóp chân cho ông ! Cháu thấy có thương không ? Thương nó quá nên không thể cứng rắn được cháu ạ .

  2. Trẻ em ở thành phố thiệt thòi hơn trẻ em ở nông thôn là không được sống gần gũi với thiên nhiên .2 cháu nhà mình đã lớn ,ngày chúng còn nhỏ mình cũng khá vất vả trong việc dạy dỗ các cháu nhất là thằng con trai .Cũng may Tây Nguyên rộng rãi thoáng đãng nên mình hạn chế nó bằng những trò chơi khác như nuôi chim ,thả diều . . .

Trả lời Nguyen Bichhanh Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here