Trên trang FB cua bạn Luu Huong Giang có viết:

 “Buồn buồn lao ra đường đi ăn bát phở , mà là quán vỉa hè ! Anh phục vụ lao ra mở cửa xe ! Mình :cảm ơn anh! 

Anh: không có gì , đừng ngại!

Em muốn ngồi đâu ?trong nhà hay ngoài đường ?
Mình:e vào nhà ko sợ mưa!a cho e bát phở và chai nước suối!
Anh :okie em ! Đừng ngại ….

Sau đó a liên tục cảm ơn cảm huệ … Lịch sự phát ngại ( trong đầu mình vẫn thắc mắc tại sao quán vỉa hè ở hn lại có nhân viên pv lịch sự thế này cơ chứ hay a mới bỏ việc ở ks 5 sao ra đây làm? ) 
Ra trả tiền bà chủ lẩm bẩm : kệ nó , thằng đấy bị hâm đấy ! 
Ồ thế ra. Phục vụ quán ở hn mà lịch sự đc cho là hâm ?”

 

(Tôi xin cop-pi nguyên bản kể cả những lỗi tiếng Việt).

 

Người Hà Nội (tôi dùng từ Hà Nội để gọi những người tử tế, có văn hóa, chứ không có ý chỉ người gốc Hà Nội như trong một bài trước đã viết) xưa thường kiệm lời (có lẽ do ít giao tiếp, phạm vi quan hệ giới hạn, không được và không có điều kiện quảng giao như ngày nay), và trong lời nói thường cũng có chừng mực. Sự tử tế, biểu hiện có giáo dục trong quan hệ với mọi người thường được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể:  chu đáo nhưng không săn đón, tận tình nhưng không xun xoe; lễ độ, khiêm nhường nhưng không khúm núm. Cách cúi rạp mình trước khách, nghiêng mình, đưa tay chỉ hướng mời khách vào, … thường dễ thấy ngày nay trong những khách sạn, nhà hàng rất hiếm gặp ở Hà Nội trước đây. Nhưng không thể vì thế mà coi người Hà Nội không chu đáo, không hiếu khách, không lịch sự.

Trong quan hệ với mọi người, người Hà Nội cũng ít khi dùng những từ  “cảm ơn” hay “xin lỗi”. Nhận một vật gì từ người trên, đứa trẻ được dạy phải cầm bằng hai tay và nói: “Cháu xin ông (bà, bác, cô, …) ạ!” Ngược lại, người trên nhận một vật gì của con cháu cũng không quên nói: “Ông xin cháu!” hay “Cháu cho ông xin!” Đó chính là cách nói cám ơn theo truyền thống.

Để xin lỗi cũng có cách nói riêng, không nhất thiết phải nói hai tiếng “xin lỗi”, như: “Ấy chết, tôi vô ý quá!” hay “Tôi lỡ tay, ông bỏ quá cho!” “Tôi trót nhỡ, bà có sao không ạ?”

Trực tiếp nói thành lời “cám ơn”,  “xin lỗi” hay những cử chỉ mời mọc lễ nghi trong giao tiếp  hình như bắt đầu từ những người “có Tây học”, những người thường  giao tiếp và tiếp nhận thói quen của người phương Tây, trong đó có những người học tiếng Pháp (sau này là tiếng Nga, rồi tiếng Anh). Với những người chưa quen, nhiều khi những lời nói, cử chỉ được coi là văn minh, tiến bộ ấy lại bị coi là khách khí, là “mồm miệng đỡ chân tay”, là giả dối. Bà chủ nói anh thanh niên ấy “hâm” chắc là theo suy nghĩ như vậy.

Tôi không phản đối những lời nói và cử chỉ văn minh lịch sự có nguồn gốc phương Tây trong giao tiếp (tất nhiên chưa thể quen với những lời mời mọc hay cử chỉ, điệu bộ thái quá, ngay tác giả của stt tôi dẫn ở trên cũng thấy “lịch sự phát ngại”), tôi cũng không phản đối nhận xét người Ở Hà Nội  (tôi nhấn mạnh chữ Ở) có nhiều lời nói, cư xử thiếu văn hóa cùng với sự xuống cấp về mọi mặt trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhưng cách nói năng khiêm nhường, ít lời vẫn  thể hiện được thái độ chân thành, tôn trọng người khác  cũng không nên bị phủ nhận. Vì theo tôi, đó cũng chính là một nét văn hóa.

Cũng xin nói thêm: Gần đây, có nhiều người than phiền Hà Nội có những cửa hàng ăn “phở mắng, cháo chửi” mà ở đó, người bán hàng tỏ thái độ bất lịch sự với thực khách, và từ đó, phê phán người Hà Nội thiếu văn hóa. Tôi không phủ nhận đúng là ở Hà Nội có những cửa hàng kiểu này. Và không chỉ có thế, còn rất nhiều những biểu hiện thiếu văn hóa khác ngay ở những nơi vẫn được coi là “trung tâm” văn hóa. Nhưng sao những người vẫn tự coi là có văn hóa phải tới những nơi ấy? Hà Nội thiếu chỗ ăn, chỗ chơi sao? Cũng như trên “Phây xơ búc”, ta có thể “kết bạn” với người này và “chia tay” với kẻ khác. Có phải trong mọi thứ đều có một quy luật mà xưa gọi là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” (trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa). Đó cũng chính là một cách để thanh lọc những tạp chất trong môi trường sống để cuộc sống có văn hóa ngày càng được phổ biến.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here