Năm 2009, tôi bắt đầu lên ở Ao Cò. Hè đến, thấy mấy cháu con nhà hàng xóm chuẩn bị thi vào lớp 10, “máu nghề nghiệp” nổi lên, mình bảo các cháu “đến bác dạy miễn phí!” vì thấy các cháu hàng ngày phải ra tận T.T. học (cách 10 km). Hôm đầu tiên có 3 cháu. Bốn bác cháu ngồi dưới gốc cây, bốn cái ghế và cái bàn đều bằng đá ong.  Cảm giác rất thích, như đi truyền đạo.

Mình hỏi các cháu “bao giờ thi?” Các cháu bảo không biết, đứa bảo thế này, đứa bảo thế kia. Tiện có điện thoại, mình gọi hỏi một người bạn cũng là giáo viên (chưa về hưu) hỏi ngày thi. Luôn thể  hỏi cả cách thức ra đề môn Văn có gì khác trước để liệu dạy cho các cháu. Ngày hôm sau, lớp đông hẳn lên, đến hơn chục cháu làm cho việc học gặp không ít khó khăn (phải thêm bàn ghế, lại phải có cái bảng, phấn, …) Nhưng  rồi cũng ổn cả. Dạy được năm buổi, lớp vắng dần, rồi vừa được một  tuần thì chỉ còn mỗi cháu con nhà bên cạnh. Mình hỏi sao các bạn không học nữa. Cháu bảo:

– “Chúng nó” bảo nghe bác dạy thì hay nhưng bác cứ bắt làm bài tập nên về nhà nghỉ hè mà toàn phải học. Tưởng bác là người Hà Nội thì bác biết đề, chứ bác cứ bảo là bác chỉ dạy cách làm bài thôi, bác không biết đề nên chúng nó bảo không học nữa. Thà đi xa học mất tiền nhưng về nhà không phải làm bài, lại được người ta đảm bảo có người ném bài cho để đỗ. Học bác làm sao “địch” được với bọn được người ta ném bài?

Hóa ra hôm mình gọi điện hỏi ông bạn, chúng nghĩ là mình có quan hệ với người ra đề, có thể biết trước đề thi!

Thế có “chết” không cơ chứ!

 

Tôi buồn quá nhưng vẫn gượng cười bảo cháu:

– Thôi được, mình cháu bác vẫn dạy. Học thế càng có chất lượng, cháu ạ.

– Cháu cũng không học nữa đâu bác ạ. Học có một mình chán lắm!

Tưởng “vớ được cọc”, hóa ra lại chỉ là cái đám bèo tây!

– Thế cháu đến làm gì?

– Bố cháu bảo không học nữa thì cũng phải sang nói với bác, chứ không được cứ lẳng lặng bỏ như thế.

Không để đâu cho hết cái buồn! Ai ngờ… Vả lại đúng là tôi không thể đảm bảo cho cháu đỗ. Thời gian ngắn quá. Đúng như các cháu nói, làm sao “địch” được với những đứa được người ta ném bài cho!

Tôi hỏi cháu:

–         Thế đi học các cháu không phải làm bài à?

–               Chỉ có môn toán môn  lý  thỉnh thoảng còn có bài tập, chứ môn văn chẳng phải học bài bao giờ. Mà cô cũng chẳng giảng, đến giờ cô chỉ đọc cho mà chép. Chép xong thì cô cho ngồi chơi.

–               Thế làm bài kiểm tra thì sao?

–               Thì chúng cháu cứ đem vở ra mà chép. Chép xong thì nộp.

–               Đứa nào cũng điểm như nhau à?

–               Không, có đứa chép được nhiều, có đứa chép ít, có đứa chữ xấu, đứa chữ đẹp. Nhưng phần lớn là điểm trung bình, để cuối năm còn lên lớp.

–               Thế hàng ngày có kiểm tra miệng không?

–               Thỉnh thoảng, lúc nào có các thầy cô vào dự giờ thì cô kiểm tra. Nhưng đứa nào bị đọc bài thì cô báo trước rồi, học thuộc lắm, có đứa còn được điểm 10 cơ!

Tôi tò mò, hỏi cháu:

–         Thế khi đi thi, người ta ném bài như thế nào?

Cháu kể hồn nhiên:

– Người ta bảo chỉ chậm nhất là nửa giờ sau khi phát đề, mỗi đứa sẽ có người đưa cho một bài giải phô-tô.

Lòng nặng trĩu, tôi bảo cháu:

– Thôi, cháu về đi, cố mà học. Nếu có cần gì cứ đến hỏi bác. Bác sẵn sàng giúp cháu. Bảo cả các bạn nữa.

   Mấy hôm sau, tôi đến chơi nhà anh hàng xóm, nói chuyện về việc học hành của các cháu. Anh bảo:

     – Nó thế đấy bác ạ! Chúng em cũng biết học hành chẳng ra sao, nhưng biết làm thế nào được. Chỉ biết trông vào nhà trường thôi. Đi học mà chẳng đứa nào phải ở lại lớp, toàn lên lớp “trăm phần trăm” cả. Ngay cái việc thi vào lớp 10 cũng thế. Có đứa nào không được đi học đâu? Không vào được trường quốc lập thì vào trường dân lập. Quanh đây có mấy trường dân lập, thiếu học sinh ghê lắm! Có năm vào học còn được khuyến mại ấy chứ! Chẳng qua vào trường quốc lập thì học phí nó nhẹ hơn một ít. Mấy lại con mình thi được vào quốc lập cũng thấy “tự hào”. Nhưng vào trường dân lập thì con mình lại thành thượng đế! Nhà trường “chiều” ghê lắm, cho học sinh nó thích mà! Nhà em đành cứ kệ chúng nó. Chúng nó bây giờ đua chúng đua bạn, khó bảo lắm. Mới giữa học kỳ 2, cô giáo đã bảo mở lớp luyện thi vào lớp 10. Thế là đua nhau đi học. Con người ta đi, chẳng lẽ con mình lại không đi? Mà hồ sơ học bạ cô giáo giữ, có vào được cấp 3 cũng phải đến xin rút hồ sơ học bạ. Thôi cho con đi học từ bây giờ cho nó yên tâm, đỡ phải “lăn tăn”! Suốt ngày thấy đi học, chẳng biết có nên cơm nên cháo gì không!

Tôi hỏi anh:

–         Thế việc nó đi luyện thi ngoài trường cấp 3 anh có biết không?

–         Biết chứ ạ! Ngoài ấy họ làm ăn có tín nhiệm lắm, bác ạ. Đứa nào không đủ điểm vào cấp 3 là họ trả lại tiền.

–         Thế lỗi do con mình họ cũng trả lại à?

–         Họ không cần biết do đâu, miễn là anh chưa đỗ. Tất nhiên họ chưa trả ngay. Mình còn phải làm đơn xin “phúc khảo” để họ “chạy” tiếp. Nếu vẫn không được thì họ mới trả lại.

Anh rót mời tôi thêm chén nước, rồi nói rất tự tin:

–         Bác tính, bao nhiêu tiền của con nhà người ta mà lại không được, người ta làm ầm lên thì có mà “toi”!

Cái nghiệp mà tôi đã say mê từ khi còn ở tuổi niên thiếu, cái nghiệp mà tôi đã theo đuổi suốt 40 năm, bây giờ như thế này sao?

Hả giời?!

7 BÌNH LUẬN

  1. Một sự thật diễn ra khá phổ biến nhưng ít ai kể ra được như bác vì đủ thứ lý do.
    Tiện đây em kể ké kiểu học mì ăn liền đã ăn sâu hoặc bị tiêm vào não học sinh.
    Kiểu học ít tư duy chỉ thích làm bài kiểu chắc nghiệm …cho dễ(kể cả thời gian chưa làm đề chắc nghiệm nhé). Vì nếu phải lý luận,tư duy là lộ ra…chả biết gì? Chính vì vậy giáo viên dạy…tử tế bị tảy chay…như bác.
    Điều oái oăm là ngay dạy ôn thi văn đại học mà vẫn có lò ôn thi cho đọc đồng thanh…mà hiệu quả? Học sinh ở lớp ôn rất đông(tìm bằng google) sẽ có trên báo online. Tuy vô lý nhưng cung cách bây giờ tôi lại tin?!

  2. Em rất thích câu “Hãy bớt đi một nửa số tiền và tăng gấp đôi thời gian dành cho con” của thầy. Ngày nay rất nhiều bậc cha mẹ quay cuồng với công việc để kiếm tiền. Nhưng họ không biết rằng, con cái cần tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ hơn là những khóa học và vật dụng đắt tiền.
    17 Tháng 7 2013 lúc 9:28 · Thích

  3. Đời bây giờ là lừa nhau,bác Giao ạ.Giáo dục lừa Y tế, Y tế lừa Thuế, Thuế lừa Doanh nghiệp, Doanh nghiệp lừa CA, CA lừa Đ,Đ lừa Dân…Tóm lại đất nước mình muốn thay đổi,phải thay đổi từ con vi khuẩn cho nó tiến hoá thành người. Đọc xong câu chuyện của Anh,E mới nhớ Bố em và chú Hùng đã nói cách đây hơn 30 năm “Mình bị ăn quả lừa lớn quá”

  4. Ngày trước đi học, lứa bọn em chỉ có những đứa học quá kém mới bị bắt đi học phụ đạo ngoài giờ (không thu tiền). Ngoài ra, những đưa học giỏi phải có trách nhiệm học kèm với những đứa kém hơn. Việc chọn bạn học kèm có thể là tự nhận hoặc giáo viên phân công.
    Vẫn có trường hợp lưu ban, nhưng nhìn chung, cách làm này (không rõ do truyền thống của trường hay chung thành phố, em không biết) khá là hữu hiệu.

  5. Thời ông Hoàng Xuân Hãn làm Bộ Trưởng Giáo Duc,lớp HỌC SINH thanh lớp Trí Thức Ưu Tú của Đất Nước.
    Đến khi các ông Phạm Khắc Hòe ,Nguyễn văn Huyên ,Tá Quang Bữu
    …Nguyễn Thiện Nhân …Phùng Xuân Nhá làm BT thì GD VN càn ngày càng xuống dốc vì NHÁ GIÁO là “Chuột chạy cùng sào mới vào SƯ PHẠM”

Trả lời Songviet Luu Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here