Lại tới tháng 7 (âm lịch). Có vẻ như sau tháng giêng, đây là tháng cao điểm của lễ bái, cầu cúng với đủ mọi tập tục từ truyền thống cổ xưa đến những hình thức tân thời quái dị trong cái thời đại vẫn được coi là “bốn chấm không” (4.0) mà những người lãnh đạo luôn đi tiên phong.
Một trong những “nghi lễ” được khá nhiều người ưa chuộng (nhất là những người dư dả đồng tiền và quyền lực) là phóng sinh.
Phật giáo luôn khuyên người ta có lòng từ bi (hiền từ và thương xót). Nhưng không phải chỉ hiền lành một cách nhu nhược, xót thương một cách thụ động, từ bi cần phải trở thành một sức mạnh tích cực dẫn ta tới hành động để loại trừ mọi khổ đau cho bản thân và muôn loài. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống. Đây là một việc làm trong Phật giáo từ xa xưa để khuyến khích mọi người cứu các sinh linh (súc vật, chim chóc, cá, …) khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Đơn giản là khi thấy một con vật gặp nạn (bị thương, bị bắt, bị nhốt, …) thì ra tay cứu thoát. Thậm chí, khi thấy con vật sắp bị người khác giết hại, người có lòng từ bi sẵn sàng bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là cứu mạng người, kéo dài sự sống của họ hay sinh vật nào đó. Phóng sinh là thể hiện tấm lòng từ bi bác ái của con người.
(Cũng cần nhớ rằng, bên cạnh nghĩa đừng giam hãm, giết hại mà để cho các loài vật được tự do, phóng sinh còn có nghĩa là phóng thích những cái tâm ô uế như tham lam, đố kị hơn thua, thù hận, … ra khỏi con người mình để bản thân được sống trong thanh thản, tự do tự tại.)
Hiểu như thế, tất không chờ đến khi có nghi lễ (trước sự chứng kiến của đông người, có những kẻ “tai to mặt lớn” tới tham dự, nghĩa là hành động được người khác thừa nhận và ngưỡng mộ) người ta mới có thể “phóng sinh”. Phóng sinh theo quan niệm Phật giáo phải “tùy duyên”, nghĩa là khi thấy người (hoặc sinh vật) gặp nạn thì cứu nguy ngay lập tức để giải thoát, để mang lại sự sống cho họ (chúng). Cứu một con chim bị thương trong cơn mưa bão, chăm sóc tới khi nó bình phục thì trả lại nó cho trời đất; thấy một con thú rừng bị bắt và đem bán, bỏ tiền ra mua lấy rồi trả nó lại cho cuộc sống hoang dã; … Những hành động đó phải thực hiện ngay lập tức chứ không chờ phải có người chứng kiến với những nghi lễ phiền hà và tốn kém. Người có tâm làm những việc đó một cách lặng lẽ và nhớ rằng, con vật được phóng sinh phải có cơ hội để sống sót. Đó mới là phóng sinh đích thực, mới là hành vi mà Phật khuyến khích.
Giờ đây, những con chim bị người ta bắt nhốt, bán cho người phóng sinh. Những con chim đã bị cho uống thuốc hoặc cắt bớt lông cánh để không thể bay được xa, dễ dàng bị bắt lại để bán cho những người sau đó. Nhiều con chim khi được “phóng sinh” không còn đủ sức trở về với cuộc sống tự do, gục chết ngay trước cửa chùa.
Người đi bẫy chim, bẫy thú đem bán có thể vì mưu sinh, có thể phần nào thông cảm và hy vọng họ mau chóng tìm được kế mới sinh nhai. Nhưng những người bỏ tiền mua chim để phóng sinh thì sao? Họ có thực lòng muốn đem lại sự sống cho các sinh linh hay chỉ muốn khoe khoang cái lòng từ bi vô cùng hạn hẹp, mà thực chất là khuyến khích cho hành vi săn bắt chim trời, tước đoạt sự sống của những cánh chim tự do.
Thế là phóng sinh hay sát sinh?
Mà có lẽ còn tàn bạo hơn cả sát sinh?
1 tháng Bảy Kỷ Hợi (2019)
Buồn thật … Có cầu thì có cung … Chỉ là cầu chưa biết rõ mình cầu gì … Buồn …
Không còn gì để nói về sự tàn bạo tham lam của nhiều người.
Bài viết này hay quá ạ. Cháu cũng luôn nghĩ việc “phóng sinh” theo ngày với “phóng sinh” để quay phim và chụp ảnh thật ra là việc làm không thực tâm và còn tiếp tiền cho một việc trái với “phóng sinh”.
Riêng đồ ăn chỉ cần trộn ít muối là khiến chim sẽ quay lại. Vì thế khi phóng sinh lũ chim sẽ cười lũ người ngu vì phóng sinh xong chúng lại quay về chủ của chúng.
Người thả chim phóng sinh là gián tiếp tiếp tay cho tội ác !
Chuyện “phóng sinh” gồm nhiều hình thức nhưng rộ lên nhất là thả cá, thả chim.Năm nào cũng vậy cứ vào tháng 7 mùa báo hiếu,lễ vu lan,bông hồng cài áo.v.v. ngoài xã hội,trên báo chí người ta đua nhau phát biểu,người ta chen nhau ăn chay,người ta tranh nhau báo hiếu.Tôi tự hỏi sao phải cứ đúng vào dịp rằm tháng 7 nầy nguồi ta chen nhau thương cha nhớ mẹ?Những đai gia,nhũng người gặp lúc “thịnh vượng” thì đua nhau phóng sinh.Bạn đi mua những con chim,con cá do người khác dùng đủ mọi cách để săn cho bằng được và với bất cứ giá nào.Sau đó bạn lái xe con,xe tay ga đến nơi nào thoáng đảng nhưng đông người và bạn thả cá xuống sông,ao hồ; bạn mở lồng cho chim tung bay thỏa thích và bạn hài lòng bạn đã làm việc thiện.Bạn có khi nào ngờ rằng có một số người sẽ bắt lại những con chim,con cá đó và bán cho những người giàu có khác như bạn để họ”phóng sinh” mùa báo hiếu.Cám ơn ông giáo già đã có những suy nghĩ thánh thiện để nhắc nhở con người đừng làm những hành động”nhân ái giả tạo” để che mắt thế gian.Lối sống đạo đức,lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ,sự giúp đỡ cứu vớt những người nghèo khó phải là những hành động dược thực hiện hàng ngày khi có dịp và thực hiện với một tâm hồn quãng đại trong sáng.