Vào những năm 80, cha mẹ quan tâm đến việc học hành của con cái  phần lớn cũng chỉ dừng ở mức cho đi học, mua sách vở  tạm đầy đủ, còn học sinh về nhà vẫn phải đi làm một buổi, chỉ có học bài vào buổi tối (trừ con nhà viên chức). Họp phụ huynh thường chỉ có mặt chưa tới 50% nên chẳng mấy khi có chuyện cha mẹ tới nhà thầy cô.

Ngày 20 tháng 11,  cả thành phố tràn ngập học sinh. Ô tô, xe máy còn ít, khắp nơi lũ lượt tốp đi bộ, tốp đi tàu điện, tốp đi xe đạp. Nội thành ra ngoại thành và ngược lại, hướng nọ sang hướng kia  như mắc cửi suốt từ sáng tới đêm vì thầy cô giáo ở khắp nơi.

Sợ nhất là học trò tới thăm. Nhà cửa chật chội, hai ngày 19 và 20 thật kinh hoàng. Học trò đi chơi là chính, chúng kéo đàn kéo lũ đạp xe ngoài đường, dừng lại nhà nào cả phố biết. Tiếng í ới gọi nhau, rồi tranh cãi đủ thứ chuyện, kể cả văng tục chửi bậy khiến thầy cô không biết có kẽ nào để chui xuống. Mấy hôm sau, nhìn thấy hàng xóm mà chưa hết ngượng. Cãi nhau vì xem tới nhà ai trước, cãi nhau vì chung bao nhiêu tiền, cãi nhau vì không thống nhất được mua cái gì, cãi nhau vì chuyện dựng xe trên hè trước khi vào nhà để chúc mừng thầy cô… Rồi cái việc chúng chung tiền để mua quà mới thật não nề. Khủng hoảng kinh tế nên có gì mà mua! Mà tiền cũng chỉ là mấy đồng tiền còm góp lại. Có tốp mua nải chuối, mang tới nhà thầy thì nải chuối chỉ còn một nửa vì đi đường chuối chín cứ rụng dần. (Xe đạp lúc này chưa có cái giỏ phía trước). Có tốp xách một bó mấy tấm mía. Có tốp hiểu biết hơn thì mua cuốn sổ (tất nhiên loại rẻ tiền, đóng bằng các loại giấy tiết kiệm). Rồi mấy cái tượng thạch cao ông nọ ông kia khiến sau này các thầy vô cùng khó xử vì “bỏ thì thương vương thì tội”, chỉ mấy ngày là bụi bám đầy, đen nhẻm (có lần mình đã phải bí mật nửa đêm ném mấy ông xuống sông Tô Lịch cho đỡ chật nhà).

Đó là còn may mắn. Trẻ con học cấp 2 còn bé, chưa có xe đạp, toàn đi bộ. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, quần áo xộc xệch, mặt mũi nhem nhuốc cũng đua nhau đi thăm thầy cô. Chúng cũng chung tiền mua quà. Có nhóm vào chợ mua hoa ở hàng bán đồ lễ để tặng cô (nơi bán hoa lúc này chỉ có ở vài chợ lớn và hàng hoa chỗ Bờ Hồ nhìn sang Bách hóa tổng hợp (Tràng Tiền Plaza bây giờ)). Bán đồ lễ nên chỉ có hoa huệ, vì chúng chưa biết đây là thứ hoa chỉ dùng phúng điếu đám giỗ, đám ma. Có nhóm không biết mua gì, vào chợ, mua tặng ngay cô cái rá vo gạo. (Giá có nhóm nào mua tặng cô cái gậy nữa thì vừa đủ bộ) .

Vào nhà thì kẻ đứng người ngồi. Một gian nhà khoảng hai chục mét vuông, nơi tá túc của  bốn nhân mạng bây giờ một lúc chứa thêm gần hai chục người. Thôi thì trên ghế, trên giường, dưới sàn nhà. Có khách còn phải ngồi trên cầu thang lên gác xép. Đông quá, nhiều khách phải đứng ngoài hiên. Chưa kể một tốp còn đứng ngoài đường trông xe đạp cho cả bọn. Mà nào có chuyện gì ngoài câu xã giao chúc mừng nói lí nhí chưa đầy một   phút đã hết. Nhưng cũng cảm thấy nếu đứng lên đi ngay thì không phải phép nên khách cứ ngồi. Một lát, thầy lại mời:

– Các em uống nước đi. Cũng chỉ là nước sôi để nguội rót ra mấy cái chén, cái ca, cái cốc đủ chủng loại mà vẫn không đủ cho tất cả.

Ào ào lên một lúc, lại im lặng. Để xóa cái yên tĩnh bất đắc dĩ, thầy lại dở cái điệp khúc:

– Các em uống nước đi.

Phải ba bốn lượt như thế, các quý khách mới chào tạm biệt, lặng lẽ để lại món quà trên bàn, trên sàn nhà. Ra về cũng chen chúc, thôi thì nước đổ, cốc vỡ, chén rơi, có khi lăn cả vào gầm giường. Cả gian  nhà chật hẹp chẳng khác nào bãi chiến trường.

Vừa ra cửa tiễn khách quay vào đã có tốp khách mới. Lại chen chúc, í ới gọi nhau, rồi ào ào bước vào. Thầy vội vàng đổ những chén, những cốc nước cũ, rót lượt nước mới, rồi ca lại điệp khúc:

–         Các em uống nước đi!

Suốt hai ngày, hết khách của  chồng tới khách của vợ. Cái cảnh kẹt xe ở Hà Nội thì hai mươi năm sau mới có chứ kẹt người thì cái ngõ nhà mình đã có từ những ngày này. Có hôm mười giờ đêm vẫn còn khách. Vì chúng đi chơi là chính, chẳng mấy khi được “xổ lồng”!

Năm đầu chỉ thấy buồn cười. Năm sau bắt đầu kinh hãi. Muốn chấm dứt, không tiếp học sinh nữa nhưng sợ bị quy vào tội “coi thường học sinh, thiếu quan điểm giai cấp”. Cuộc đời dạy học, mình đã bị hai lần.

Lần thứ nhất khi coi thi cuối học kỳ ở một lớp cuối cấp. Đề thi môn sinh có câu đại khái hỏi sự tiến hóa của loài vượn thành người. Đọc đầu bài xong, mình nói vui: “Đề kiểm tra hỏi tiến hóa loài vượn lên người. Mong chúng ta làm bài nghiêm túc, không có sự tiến hóa ngược lại.’ Thế mà chẳng hiểu sao đến tai mọi người. Thế là mấy lần kiểm điểm. Ở tổ chuyên môn, rồi tổ công đoàn, lại còn chi đoàn thanh niên, rồi bị mấy người vỗ vai nhắc nhở. Toàn bị quy kết nào không có lòng thương yêu, nào coi thường học sinh, nào lập trường tiểu tư sản chưa chịu thay đổi, … Thật cạch đến già. Lần thứ hai chỉ có thế này: Đang cùng một anh giáo viên (nhưng “bố” này đang phấn đâu vào đảng, mình không để ý) đi ngoài đường, thấy một học sinh mình chủ nhiệm đi ngược lại, lên tiếng chào, mình  hỏi: “Em không đi học à?” Cô bé này nói gì không nghe rõ. Thế là cuối năm, bị kiểm điểm rằng: Học sinh chào không những không chào lại, còn vặn vẹo…

Cho nên thôi đành cứ phải cắn răng tiếp các vị khách không mời này chẳng dám ho he gì. Tự an ủi: một năm 365 ngày, bị hai ngày đã thấm vào đâu!

4 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện quá hay, sự thật những năm 80 sống lại. Giá như các thẩy cô được sống thật và không sợ bị cạo thì lũ trẻ cũng được nhờ. Tụi nó cũng thế, đi cũng dở, không đi cũng dở, mà đúng là đi “xổ lồng ” là chính

  2. Thày Duong Dinh Giao làm em nhớ lại ngày xưa lũ học sinh chúng em cũng vậy.Phải nói là sau Đổi mới thì mới có lệ đi thăm các thày cô dịp 20.11 Những năm đầu những năm 90 đúng là ngay cả sinh viên đến thăm các thày cô ở nhà tập thể chật chội mang theo mấy quả táo Tàu .Sao mà lúc đó món táo người ta chuộng thế..

  3. Cảnh này nhà em thường xuyên được hưởng. Bố mẹ em đều là nhà giáo lâu năm, trò cũ trò mới đến thăm đông vui nhộn nhịp. Sinh hoạt gia đình bị đảo lộn, không có chỗ ăn cơm, cứ dở mâm ra lại úp vào, 5,7 lần không được, toàn bị đói. Và 11, 12 giờ đêm mới ăn qua loa và học bài cho hôm sau. Chỉ người trong cuộc mới hiểu, thầy nhỉ

Trả lời Nguyenvandiep Diep Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here