Chỉ có chuyện thay đổi chương trình và sách giáo khoa hết bao nhiêu tiền mà Bộ Giáo dục thật “tiền hậu bất nhất”. Ban đầu nói hơn 34.000 tỷ trước Thường vụ Quốc hội. Thấy nhiều người sửng sốt, bèn rút xuống còn 5.000 tỷ. Rồi lại xuống còn hơn trăm tỷ. Rồi trước bàn dân thiên hạ, ông Bộ trưởng lại bảo rằng đây là sự nhầm lẫn. Đến hôm rồi, trước các vị đại biểu của dân, ông lại nói thứ trưởng bị “khớp”, ngĩa là do “khớp” đó là con số bâng quơ, do một ông lãnh đạo cấp Vụ viết vội. Và cuối cùng thì nó sẽ là bao nhiêu, hay các vị đã theo cơ chế khoán gọn rồi, việc ai người ấy làm? Ơ hay! các vị coi đây là trò đùa sao? Hay kỹ năng diễn đạt tiếng Việt của các vị có vấn đề mà nói không thoát ý, mà diễn đạt tối nghĩa? Chắc thuở còn cắp sách, đây cũng là những người chán Văn chẳng kém gì những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường bây giờ.
Kiểu tính toán tiền nong ấm ớ thế này, nếu trẻ con mẹ sai đi chợ thì có mà chết đòn, còn mấy anh đi nhận việc thì có đường có nẻo thì… bước! Chẳng có ông chủ nào chấp nhận được sự tùy tiện như thế để bỏ tiền ra thuê!

Chuyện giáo dục thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, chẳng ai dám chê giá đắt hay rẻ, tiền nhiều hay ít. Nhưng nhiều người không ủng hộ, nghi ngờ chính vì tấm gương của những cuộc cải cách lần trước và nhiều vấn đề tồn tại chưa hề được lưu ý trước khi tiến hành cải cách. Những vấn đề này chưa được giải quyết, chắc chắn chương trình hay sách giáo khoa dù có tiến bộ như thế nào, đổi mới, cách tân ra sao, cuộc cải cách cũng nhất định sẽ thất bại.
Tôi chỉ là một anh giáo làng, chẳng dám bàn tới những chuyện vĩ mô như tư duy hay triết lý giáo dục. Nhưng là người trong suốt gần 40 năm, không “mất dạy” ngày nào, lại cũng đã có những lần được biết thế nào là cải cách, là đổi mới, là thay sách giáo khoa, …xin có vài lời cho rộng đường dư luận, mong các vị tham khảo.

1. Trước hết là những chủ trương rất hay được đưa ra khi bắt đầu cải cách nhưng đã bị nhanh chóng quên lãng, không được thực hiện, hay nói khác đi là “nói một đằng, làm một nẻo”. Điển hình là chủ trương phân luồng. Từ lần cải cách năm 1981, Bộ Giáo dục đã có chủ trương phân luồng từ sau cấp trung học cơ sở. 70% học sinh sẽ ra trường, đi học nghề nên chương trình cấp trung học cơ sở đã kéo dài thêm một năm (thành 4 năm) vừa là để người học thêm một tuổi, đỡ cái non nớt trước khi đi học nghề, vừa là trong một năm ấy có thời gian tiếp thu thêm một số kiến thức để cái bằng tốt nghiệp đúng nghĩa “phổ thông cơ sở”. Và cũng chính do nguyên nhân ấy, nhằm vào 30% học tiếp lên cấp trung học phổ thông, tức là những đối tượng đã qua chọn lựa, những kiến thức cấp học này được nâng cao nhằm chuẩn bị cho phần lớn trong số họ vào đại học. Đó là chủ trương rất đúng đắn, việc phân luồng không khác gì với những điều các vị nói ngày hôm nay. Nhưng “nói vậy mà không phải vậy”. Nếu định phân luồng thì không nên mở thêm các trường trung học phổ thông. Tiền ngân sách nhà nước phải tập trung đầu tư cho các trường đang tồn tại, trường sở xây khang trang rồi thì đầu tư tiền vào các trang thiết bị dạy học, đầu tư vào nâng cao chất lượng giáo viên và rất nhiều các khoản chi vô cùng cần thiết nếu muốn sánh ngang với giáo dục của “các cường quốc năm châu”. Rồi tiền phải được sử dụng để mở thêm rất nhiều các trường dạy nghề để có thể thu hút 70% số học sinh sau khi học phổ thông cơ sở. Nhưng tiếc là trống thì đánh xuôi như thế nhưng kèn lại thổi ngược. Từ có một trường nay một huyện có tới năm bảy trường (cả công lập và dân lập) trung học phổ thông. Trường nhiều tới mức không có trường sở, không có giáo viên và thậm chí học sinh dù có “vơ bèo gạt tép” cũng chẳng có mà vẫn mở thêm trường. Có phải thêm trường, thêm học sinh là có ngay “tiền tươi thóc thật”? Không có chọn lọc (theo kiểu luôn lên lớp trăm phần trăm) nên nhiều học sinh ngồi nhầm lớp, không thể tiếp thu được chương trình và sách giáo khoa đã nâng cao nhằm dành cho những học sinh được chọn lọc. Thế là khăp nơi lên tiếng kêu than chương trình quá tải. Và lạ cái là dù kêu ca nhưng tỷ lệ học sinh khá giỏi vẫn rất cao. Để thỏa mãn những lời kêu ca ấy, Bộ lập tức yêu cầu những người soạn sách phải giảm tải. Chương trình, sách giáo khoa dù chưa phải đã hoàn hảo nhưng luôn là một chỉnh thể. Bây giờ trước sức ép của dư luận, phải lược phần này, bỏ đoạn kia, sao còn giữ được sự thống nhất của mục tiêu ban đầu? Đây chỉ là một lối làm ăn tùy tiện, nhiều phần là mị dân. Liệu cải cách, đổi mới lần này có đi lại vết xe đổ của ba chục năm trước?
Chung quy phải xem lại vấn đề lợi ích. Cải cách để mang lại ích lợi cho học trò, cho sự nghiệp chấn hưng đất nước hay cải cách để đem lại quyền lợi cho một số người, vì một số nhóm, nhóm nào lợi ích ấy?

2. Bất kỳ việc gì, thành công hay thất bại đều phần lớn do người đứng đầu. Làm nên cả nền giáo dục không thể không nói tới vai trò của các nhà trường mà người đứng đầu là các ông Hiệu trưởng. Bộ máy quản lý của các trường hiện nay chưa sẵn sàng cho việc bước vào một cuộc cải cách. Muốn thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, người Hiệu trưởng phải rất chú ý tới công tác chuyên môn trong nhà trường, trước hết là việc giảng dạy của các thầy và việc học tập của học trò. Nhưng mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các vị đứng đầu nhà trường hiện nay lại là chuyện kinh tế, chuyện tiền nong, là chuyện của các khoản thu. Thu từ ngân sách, thu từ các dự án nếu “chạy” được, thu từ những khoản đóng góp gọi là “tự nguyện” của cha mẹ học sinh hàng năm,…Cái giá phải trả để ngồi trên “chiếc ghế nóng”, cùng những tính toán sao để tồn tại, cộng thêm phần lợi nhuận xứng đáng sau vài nhiệm kỳ đã khiến những người có chức phận quản lý sự nghiệp trồng người không có thời gian nghĩ tới sứ mạng thiêng liêng. Những cải cách dù tâm huyết của các nhà hoạch định ở tầm vĩ mô sao có thể được thực hiện bởi những nhà buôn thực dụng này? Chắc chắn công cuộc cải cách sẽ chỉ dừng lại ở việc đổi mới các trang thiết bị cơ sở vật chất trong các trường, còn những vấn đề thuộc về chuyên môn sẽ rơi vào quên lãng.

3. Đội ngũ giáo viên hiện nay cũng không được chọn lựa ngay từ đầu vào của các trường sư phạm. Không tha thiết với nghề nghiệp, lại luôn lo lắng về đời sống cơm áo khiến những người có năng lực chuyên môn sẽ “quên mình” trong những buổi dạy thêm bất tận nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất không biết đâu là giới hạn, những giáo viên khác thì phải lo kiếm sống bằng đủ mọi nghề ngoài nghề dạy học. Những công việc rất tốn kém thời gian đó khiến họ chẳng còn điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn cần thiết cho phù hợp với chương trình và sách giáo khoa. Cái cần thiết là để có người thực hiện tốt chương trình và vận dụng thành thạo sách giáo khoa vào giảng dạy, cần làm sao nâng cao lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm khi nhận đồng lương từ tiền thuế của nhân dân và lòng ham học hỏi của tầng lớp giáo viên, những người đứng mũi chịu sào trong trận đánh quyết định nói theo cách của ông Bộ trưởng.. Nói thầy giáo mà phải thúc đẩy lòng ham học tưởng như nói đùa, nhưng thực trạng hiện nay quả là như vậy.

Việc đánh giá kết quả mọi hoạt động của nhà trường hiện nay trong đó có năng lực của người thầy không kích thích được con người bỏ công sức tận tụy với nghề nghiệp. Dạy thế nào cũng lên lớp trăm phần trăm, trò học ra sao cũng đỗ tốt nghiệp gần trăm phần trăm. Cuối năm học, buổi tổng kết nào cũng đỏ rực màu cờ của hầu hết các trường đều là tiên tiến xuất sắc. Thông qua những kết quả quan trọng nhất của nhà trường trong nhiệm vụ dạy và học, không hề thấy bóng dáng những nỗ lực của người thầy. Lười biếng hay chăm chỉ, thờ ở hay tâm huyết, chân trong chân ngoài hay toàn tâm toàn ý, … tất cả đều “đến hẹn lại lên” với mỗi bậc lương chỉ đủ cầm hơi. Vai trò người thầy như vậy, sao công việc của họ có thể thành công!

4. Cỗ máy giáo dục của ta nay đang được vận hành bởi hai động lực: THI và ĐUA. Ba bốn năm một cấp học chỉ chăm chăm trông vào vài ba môn THI năm cuối cấp. Cấp dưới thì hai môn Văn, Toán để vào được trung học phổ thông, còn ba năm cấp cuối chỉ trông chờ vào những môn cần thiết để thi đại học. Người ta trông chờ vào ngày công bố môn thi, người ta ngóng đợi hướng dẫn và hạn chế chương trình. Chỉ chờ tới khi Bộ công bố môn thi, các môn không thi ngay lập tức sẽ ngừng việc giảng dạy từ tuần lễ kế tiếp bất chấp chương trình còn nhiều hay ít. Học để THI, không THI thì thầy dạy qua loa, trò thì không học. Và trong những kỳ THI ấy, người ta ĐUA nhau xem trường nào tiệm cận với tỷ lệ trăm phần trăm hơn. Phổ thông thì tốt nghiệp gần con số ấy, còn đại học thì đó là thống kê tỷ lệ những sinh viên khá, giỏi và xuất sắc. Vì THI nên chỉ học giả, và vì ĐUA nên toàn dối trá. Guồng máy chạy bằng cái động cơ như thế hỏi rằng có hiệu quả, hay chỉ thỏa mãn khát vọng có tấm bằng đại học bằng bất cứ giá nào của rất nhiều người ít hiểu biết về chuyện học hành!

Cho nên, chưa cần nói tới mục đích giáo dục phục vụ ai, để làm gì, vấn đề không dễ thay đổi hiện nay. Chỉ nói tới những chuyện cụ thể ấy, nếu không được quan tâm đúng mức, chuyện cải cách hay đổi mới cũng chỉ là chuyện sẽ thất bại như những thất bại ở các lần trước. Mà mỗi lần thất bại sẽ làm khó thêm cho những lần sau. Chi bằng bình tĩnh gỡ cái rối hiện nay để có một nền giáo dục tử tế hãy tiến hành cải cách để vươn tới nền giáo dục tiến bộ.

Sao cứ phải vội vàng, đợi khi có điều kiện đầy đủ, chắc chắn việc cải cách sẽ thành công. Tạm quên cái lợi trước mắt của cá nhân vì cái ích lâu dài của đất nước chẳng phải rất nên làm sao!

7 BÌNH LUẬN

  1. Mình dạy học ngần ấy năm mà cũng chẳng nhớ đã có bao nhiêu lần cải cách rồi. Có điều càng cải cách thì giáo dục càng sa sút thảm hại. Quan trọng là CÁI GỐC có cải đâu ? Ai cũng hiểu điều đó mà ..

  2. Đọc xong bài viết của Thầy vừa thấy vui vừa thấy buồn.
    Vui là còn có những trí thức yêu nước như Thầy, đang làm bổn phận thực sự của một trí thức là lên tiếng trước những sai trái và bất công trong xã hội.
    Và buồn vì khi mà người dân phải tự mình đứng lên tìm những phương cách Giáo Dục cho con em mình theo tính cách gia đình, trong khi chúng ta có cả một Bộ Giáo Dục đã và đang làm nhiệm vụ mà họ được giao phó.
    Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe để giúp đỡ những Anh, Chị, Em và các Bạn trẻ cũng đang ưu tư cho tương lai của đất nước mình.

  3. Hình như các cấp quản lý cao nhất của ngành giáo dục nươc nhà chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm.Làm sao để có nhân tài giúp dân nước đây?Hay các vị không trăn trở với mong muốn của Người ‘Đưa tổ quôc ta dân tộc ta tới đài vinh quang’

  4. Theo tôi căn bệnh tệ hại nhất là sử dụng giáo dục như một công cụ phục vụ chính trị. Mọi căn bệnh khác cũng từ đó mà ra, bệnh thành tích, sự giả dối, giáo viên ngày mất phẩm chất, tham nhũng trong giáo dục, học vẹt, định hướng kiến thức…mọi thứ.

  5. Tâm, tầm đều thua xa thế hệ trước, bệnh thành tích thành mãn tính, mọi thứ liên quan đến giáo duc đều thành thứ kinh doanh, …. Sao cải cách đây????

  6. Cải Cách ,Xin Cac Vi trong Bô GiáoDục (thêm chữ Đào Tạo là thừa)xem chương trình Giào Dục của các Quốc gia (Nhât ,Hàn ,Đải Loan Singapore) như thế nào.họ có băt phải hoc chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưỡng Hồ Chí Minh ,Lịch sử đãng như VN không
    Chữ nghĩa dung phải rõ ràng :thế nào là TH Cơ Sở ,TH Phổ Thông ,trường Cao Đăng Nghề ( trươc 75 là TH Kỹ Thuât)
    Miền Nam có TH đệ nhất cấp ,đệ nhi cấp ,Dai Loan gọi là Sơ Trung ,Cao Trung

Trả lời nguyen van oanh Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here