Mấy năm trước, kem Tràng Tiền trở nên rất nổi tiếng và do đó, hay bị làm giả. Mỗi khi mùa hè đến, kem Tràng Tiền được quảng cáo rất ghê. Thương hiệu kem này có từ năm 1958. Đúng. Nổi tiếng trong nhiều năm. Đúng.  Ti vi đưa tin và hình ảnh,  một  ông kể, hồi ấy hai  người yêu nhau mà đèo nhau bằng xe đạp từ Ngã Tư Sở đến Tràng Tiền chỉ để ăn một que kem (hai người ăn chung một que chứ không có tiền để  mỗi người ăn một que đâu!) Nhưng vì sao nó nổi tiếng thì người ta không nói.

Trước năm 1958, ở Hà Nội có hai  hiệu kem nổi tiếng nhất là Long Vân và Hồng Vân. Hai cửa hàng này nằm cạnh nhau, hai tòa nhà hai tầng trông ra đài phun nước ở Bờ Hồ (gần đây đã được nâng cấp thành ba tầng). Lúc ấy, đây là 2 cửa hàng kem duy nhất có bán kem cốc ngoài kem que có ở nhiều nơi. Mà kem cốc ở đấy cũng chỉ có một màu trắng duy nhất, chưa có nhiều màu như bây giờ. Ăn kem ở Hồng Vân, Long Vân là một thú ẩm thực sang trọng, tôi chỉ được vào có một lần. Ngoài ra, còn một số cửa hàng kem khác, nhưng chỉ sản xuất kem que. Tôi biết kem ngon có ở hai  nơi, hiệu Cẩm Bình ở góc phố Huế và Chợ Đuổi  (bây giờ là phố Tuệ Tĩnh). Hiệu này nổi tiếng về kem đậu xanh. Một hiệu nữa tôi quên tên ở bên dãy nhà số lẻ giữa phố Thợ Nhuộm (trước gọi là phố Hàng Bông Thợ Nhuộm), đoạn giữa Tràng Thi và Hai Bà Trưng. Hiệu này nổi tiếng về kem sôcôla.

Cả hai hiệu đều bán lẻ cho khách ăn. Khách mua rồi mang về nhà ăn. “Cơm hàng cháo chợ” là điều tối kỵ với con nhà tử tế lúc ấy. Tiêu thụ nhiều nhất là lũ trẻ bán kem rong. Đi bán rong, muốn giữ lạnh, phải có cái phích đựng kem bằng thuỷ tinh, cấu tạo giống phích nước nóng, nhưng to hơn (đường kính độ 20 cm, cao khoảng 40 cm), miệng rộng, vỏ bằng sắt. Trẻ bán kem thường mang một hoặc hai phích kem, đi bán dọc các phố, trên tàu điện,  Cũng chỉ rao: “Kem đi! Ai kem đi!” chứ không cần “trưng” tên… Kem bán lẻ lúc bấy giờ là 5 xu, có loại kem rẻ tiền, giá có 2 xu, chủ yếu là nước, không có mùi vị gì.

Tràng Tiền là một trong những cửa hàng ăn uống quốc doanh đầu tiên của Hà Nội. Trước đó là cửa hàng gì tôi không nhớ. Ở phố Hàng Buồm, năm 1958, trong phong trào cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh cũng có cửa hàng Mỹ Kinh nối tiếng một thời được chuyển thành cửa hàng ăn uống quốc doanh. Khi mới ra đời, những cửa hàng này nhà cửa khang trang, bàn ghế đàng hoàng. Nhân viên có đồng phục hẳn hoi. Món ăn cũng tương đối phong phú. Ai muốn ăn thì đến quầy bán vé, mua một cái vé, cái vé độ gần bằng hai ngón tay, có hai phần  rồi ngồi vào bàn. Có nhân viên phục vụ đến xé một nửa vé, mang vào bếp. Lát sao bưng bát phở, bát mì ra cho khách, thu nốt nửa cái vé còn lại. Khách ăn xong không phải trả tiền (vì trả trước rồi). Giá cả cũng như ở ngoài, nhưng chất lượng thì không bằng. Cùng là mì mằn thắn, một cửa hàng của người Hoa ở góc Hàng Bún – Nguyễn Trường Tộ mẹ tôi vẫn cho đi ăn bán 4 hào một bát, cửa hàng Mỹ Kinh cũng 4 hào, nhưng chất lượng thì kém xa. Ban đầu ăn cũng tạm được, nhưng kém dần. Nhất là từ khi bắt đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội, các hàng ăn tư nhân bị cấm thì chất lượng càng xuống. Đến khi có chiến tranh phá hoại thì xuống thậm tệ. Nhưng khách vẫn đông, ăn phải xếp hàng, xếp hàng mua vé, xếp hàng lấy phở, rồi nếu cần uống nước thì cũng phải xếp hàng, mà hàng lại rất dài. Vé bây giờ không còn phải mất công in nữa. Vé bằng sắt tây, cắt thành miếng độ bằng bao diêm. Nơi thì hình vuông, nơi hình chữ nhật, nơi hình lục giác, có nơi đơn giản hơn lấy cái nắp chai bia đập bẹt ra (trẻ con vẫn gọi là “đồng xèng”)… Chắc để chống việc mang vé mua ở chỗ này đến ăn phở ở chỗ khác. Chất lưọng xuống vì một bát phở trước chỉ nuôi một gia đình người bán, nay nó phải “cõng” cả một cái cửa hàng, mà cửa hàng là của chung, ai bớt được cái gì thì bớt để mang về. Vào ăn một bát phở, bát mì lúc ấy thật thảm hại. Bát đũa không được sạch, không có giâý lau. Người ta có để một cái khăn lau, nhưng chỉ nhìn thoáng qua đã không dám đụng tay vào rồi chứ nói gì đến lau! Cái thìa nhôm cũng bị đục một lỗ để chống mất cắp. (Muốn mua cái thìa múc canh bấy giờ cũng không có). Múc một thìa nước lên phải húp cho nhanh nếu chậm, nó chảy hết. Cũng may, nước phở thường nguội ngắt,  mấy cái hành rắc trên bát phở,  ăn xong rồi mà vẫn còn xanh ngắt như mới hái ngoài vườn vào nên khách ăn không thấy bị bỏng bao giờ.. Thường ăn phở, ớt là một gia vị không thể thiếu. Nhưng cửa hàng quốc doanh hầu như không bao giờ có ớt tươi. Ớt khô thì được trộn khá nhiều muối. Khách không thể ăn nhiều ớt được, vì trong cái bát ấy, muối là chính. Để giữ chất lượng cho khách, cấp trên thường bắt cửa hàng  bày một bát phở mẫu (chưa chan nước) để khách đối chiếu. Bát phở này  để “chiêm ngưỡng” nên  thật lý tưởng. Bánh phở cũng như mọi bát, nhưng thịt thì nhiều lắm. Không có ai “ăn gian” mà. Nhưng  đó là trên lý thuyết, thực tế tình hình cũng không khá hơn. Khách làm sao có thể bưng bát phở len lách qua bao nhiêu người đi lại lộn xộn  trong khi mình đang toát mồ hôi vì chờ đợi và bụng thì đói cồn cào để mà so sánh. Mà so sánh để làm gì? Có bát phở ăn là may rồi. Trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, nhiều cửa hàng chỉ bán phở, mì “không người lái” (không có thịt) mà muốn ăn vẫn phải xếp hàng. Có người bảo, lúc ấy, bán cái gì mà không phải tem phiếu thì có ở trên cây cũng vô số người chen nhau trèo lên.

Và trong lúc ấy, những Hồng Vân, Long Vân, Cẩm Bình, … phải đóng cửa thì Tràng Tiền bên cạnh bán phở, mì đã làm thêm kem. (có lẽ vì cửa hàng có mặt bằng rộng). Chất lượng của nó như thế nào thì cứ xem chất lượng của những bát phở bát mì của cửa hàng quốc doanh là biết được. Ban đầu ăn cũng tạm được. Sau kém dần nhất là thời kỳ sau khi ta giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Hồi ấy, tôi có ăn kem Tràng Tiền một lần. Ăn không phải vì nó là kem Tràng Tiền. Chỉ là do lâu ngày không ăn kem, một hôm đi qua thấy bán, mà xếp hàng không dài lắm  thì ăn thôi. Mới thoạt trông, cái kem như kem sôcôla. Hí hửng, ăn thử mới phát hiện ra là kem làm bằng đường đỏ, loại đường người ta thường dùng để nấu chè đậu đen. Chán ngắt! Từ đấy cho mãi đến sau này không bao giờ ăn kem nữa.

Ngoài chức năng giải khát, kem Tràng Tiền bán lúc ấy phần nhiều để cho người ta ăn bánh mì. Lấy đâu ra patê  xúc xích, giò, chả, giữa cái thời buổi “gạo châu củi quế” này! …Người ở xa về Hà Nội đến bữa trưa chẳng có cái gì ăn. Ăn cơm mậu dịch phải có tem gạo. Đói thì xếp hàng mua cái bánh mì bán giá cao (giá không có tem gạo). Cái bánh mì khô khốc, cứng quèo, vì làm từ hôm trước, lại mùa hè. Khó nuốt lắm. Thế là chịu khó xếp hàng một lần nữa, mua  cái kem Tràng Tiền,  tách cái bánh ra làm hai, nhét cái que kem vào giữa, kem tan dần, làm bánh mì mềm ra,  dễ ăn  hơn. Đang trong lúc nắng như đổ lửa, miếng bánh mì lạnh lạnh, ngọt ngọt. Ăn cũng được lắm. Đói mà!  Ra ngồi trên ghế đá ở bờ hồ Hoàn Kiếm, dưới tán cây xanh, vừa thưởng thức món “đặc sản” vừa hưởng cái gió hây hẩy giữa mùa hè nắng chói chang, thật là “thiên đường xã hội chủ nghĩa” là đây chứ còn cần gì tìm ở đâu!”. Một ông bạn tôi kể như thế và cứ tấm tắc khen lấy khen để: “Ngon lắm! Vừa ngon vừa rẻ ông ạ.”  Hồi ấy miếng ăn luôn là đề tài mở đầu câu chuyện mỗi cuộc gặp gỡ. Ai có “sáng kiến, phát minh” gì hoặc kế thừa được “giải pháp hữu ích” nào trong chuyện tìm cái ăn kiểu như chế biến ốc sên, thịt cóc, làm bột mì thành giò, …đều tìm cách “chuyển giao miễn phí” cho bè bạn, coi như một món quà thiết thực mà không tốn kém. Thấy tôi có vẻ tán thưởng, ông ấy còn dặn: “Này, nhưng trước khi ăn phải chú ý bỏ cái que đi nhé! Hôm nọ tớ quên, cắn một miếng,  tý nữa thì gẫy mẹ nó cái răng!”

Kem Tràng Tiền nổi tiếng là vì thế, nó là duy nhất, muốn ăn kem chỉ có thể ăn ở đấy, những ai có thể cạnh tranh với nó đều đã bị “tiêu diệt” hết. Cho nên nổi tiếng có phải là điều đáng tự hào? Chẳng phải chỉ có kem, nhiều thứ khác trên đời cũng thế thôi.

Năm nay cũng như năm ngoái, không thấy Kem Tràng Tiền quảng cáo rùm beng nữa. Chắc họ cũng thấy “tự sướng” bằng cách đem cái “chiến tích” bất đắc dĩ từ nửa thế kỷ trước ra khoe chỉ tổ mua lấy cái cười trong thiên hạ. Thật là may mắn cho mọi người.  Giá mà những người giành được độc quyền có được cái ý thức ấy thì cuộc sống  của chúng ta cũng bớt đi được nhiều bất hạnh.

 

 

                                                                             Tháng 5.2013

10 BÌNH LUẬN

  1. Híc, cháu cũng chẳng hiểu sao mọi người cứ chen chúc ăn kem ở đó. Ngon thì không. Nhân viên thì rất “mậu dịch”. Cửa hàng thì bẩn vì mọi người ăn kem xong ném luôn giấy xuống đất. Lại còn đông không thể tả.

  2. Những chuyện như thế này cũng đọc cũng nghe nhiều nhưng chuyện này vẫn hay. Sách bên thắng cuộc của Huy Đức cũng lột tả phần nào của cuộc chiến thắng thần thánh này.

  3. Em rất thích kem Tràng Tiền, vì ngoài thưng hiệu, còn vì vợ hai ông Nông Đức Mạnh từng có chồng là Giám đóc kem Tràng Tiền đấy! Hi hi…

  4. Giờ em mới biết lịch sử của kem Tràng Tiền thầy ạ. Té ra cái thương hiệu mà truyền thông cứ ra rả rằng nó gắn với văn hoá Việt hoá ra chả có gì đáng phải tự hào cả. Đúng hơn nó là biểu tượng cho sự tụt hậu, cạnh trạnh không lành mạnh

  5. Kem Tràng Tiền đã được cổ phần mấy năm nay. Vụ này chắc cũng sẽ giống như xưởng phim Thụy Khuê, tức là nhắm vào mảnh đất chứ cây kem không còn là nhân vật chính nữa bác ạ.

  6. Em bây giờ mới biết lịch sử của kem Tràng Tiền ạ. Cơ bản là em cũng ko thích kem Tràng Tiền vì ăn không ngon.

  7. Chất lượng kem đã không ngon bằng trước đây là một nhẽ, nay lại còn điêu nữa. Tôi mua cho thằng cháu một kem ốc quế. Họ chỉ cho một cục tròn tròn trên đỉnh cái ốc quế, còn thì bên trong ốc quế rỗng trơn. Thằng cháu cầm nghiêng một tí thế là cái cục tròn tròn ấy rơi tuột xuống đất, lộ ra thói điêu chác của kem Tràng Tiền. Từ đó tôi cạch họ.

  8. Thời bọn em có câu được ” lưu truyền” đến bây giờ :Nghèo cũng phải cho Cu Tèo đi HN( để đi Bờ Hồ chụp ảnh và ăn kem ( Tràng Tiền) Thầy ạ. Còn bây giờ chất lượng có còn thương hiệu như trước hay ko để mn ” thẩm” ạ.( chỉ so sánh 7k thời bọn em muốn được thưởng thức là phải ” cân nhắc” rồi Thầy nhỉ) hi…

  9. Thành cổ ở Warszawa có góc phố bán kem bao năm vẫn ngon, hiện tại so với trước khác chăng chỉ là phục vụ tốt hơn, các cô hàng kem dễ thương hơn, kem có thêm nhiều loại hơn. Em lại nhớ lần về Việt Nam, nhân đi qua phố Tràng Tiền gia đình em ghé qua thưởng thức kem ở đây. Vì mắt kém em hỏi cô bán hàng có loại kem gì. Cô ta ngồi không đợi khách nhưng không trả lời câu hỏi mà hất hàm chỉ tay lên bảng giá, nói ở đó có ghi. Em đành nói đại “kem cốm” vì theo trí nhớ, kem cốm Hà Nội dẻo xanh màu cốm. Nhưng lần này kem gọi là cốm trắng nhợt gạo nhuộm không vị cốm. Từ đấy mỗi lần về VN đi qua phố Tràng Tiền gia đình em không có ý định vào ăn kem Tràng Tiền nữa.
    Bài viết về kem Tràng Tiền rất hay ạ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here