Năm 2005, sau khi về hưu, tôi có tham gia Dự án xóa đói giảm nghèo các tỉnh miền núi phía bắc. Hôm qua, đọc trên Yahoo, thấy tin và ảnh cái nhà vệ sinh ở miền núi Quảng Nam có chưa đầy 30 mét vuông mà kinh phí xây dựng đến 600 triệu, lại nhớ đến những ngày đi xóa đói giảm nghèo này. Xin ghi lại vài chuyện:

 1. Trong đợt tập huấn trước khi nhận nhiệm vụ, tôi có chuyện trò với một anh cán bộ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Hỏi anh ở xã nào, anh bảo ở xã Chế Tạo. Thấy cái tên nghe là lạ. Mù Cang Chải tôi đã tới, đã qua các xã như Chế Cu Nha, La Pán Tần, …những cái tên nghe đầy vẻ hoang dã của núi rừng. Nhưng cái tên Chế Tạo nghe rất “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa”! Tôi hỏi xã cách Huyện bao xa. Anh bảo 35 km. Nghe anh nói, tôi nghĩ chắc anh thấy tôi tóc bạc, lại là người Hà Nội thì có ý “khủng bố tinh thần”. Sao xã có thể cách huyện ngần ấy cây số? Nào ngờ, khi về Mai Sơn của Sơn La làm việc, tôi được phân công về hai xã Nà Ớt và Phiêng Pằn, cách Huyện tới 50 km. Mà đấy là  đã được ưu tiên tuổi cao. Một chàng thanh niên được phân công về xã Phiêng Cằm, cách Huyện 100 km, trong đó 50 km đường rừng, chỉ có thể đi bằng xe máy.

     2. Đường từ quốc lộ 4G vào Phiêng Pằn có 12 km, thỉnh thoảng vẫn thấy có cột cây số, nhưng lâu ngày không được bảo dưỡng nên rất xấu. Những con dốc cao, ngoằn ngoèo, thường có một cái rãnh sâu và rộng ở giữa. Đó là hậu quả của dòng nước chảy khi trời mưa qua nhiều năm. Đường hẹp, đi không cẩn thận, rất dễ lao xuống những cái rãnh này. Lúc ấy, chỉ có cách ngồi chờ có người đi qua nhờ đẩy xe lên. Nhiều lần vào bản, xe không thể lên dốc nổi (bản người Mông thường ở trên núi cao), đành vứt xe bên lề đường, đi bộ. Lúc nào về thì quay xuống lấy xe. Không hề suy suyển. Dọc đường, người đi xe máy, hễ thấy người dắt xe bao giờ cũng dừng lại hỏi. Nếu xe hỏng, họ giúp được gì sẵn sàng giúp, kể cả việc buộc dây kéo đi cùng. Còn nếu thủng săm, rách lốp, họ tiếp tục đi, đến khi gặp, sẽ báo cho thợ đến chữa. Tiền cũng không cao hơn bình thường. 

    3. Cô kế toán xã Phiêng Pằn người dân tộc Thái, nhưng  không phải người xã đó. Một hôm, cô than vãn với tôi:

– Bác ơi, cháu khổ quá bác ạ! Lúc nào cũng bị đòi nợ.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

–         Chết, cháu làm gì mà phải vay nợ?

–         Không phải cháu nợ, mà là xã nợ.

Tôi vẫn chưa hiểu, cô giải thích:

– Cứ mỗi khi có khách huyện, khách tỉnh về, xã đều phải có cơm tiếp khách. Xã chưa có tiền thì ra quán ăn rồi ghi sổ nợ. Hồi này chẳng có dự án gì, không có tiền trả. Mấy ông bà chủ quán cứ thấy cháu đâu là đòi.

– Sao cháu không bảo họ đòi ông chủ tịch xã?

– Họ không dám, để còn giữ chỗ làm ăn. Đòi thì các ông ấy “cắt cầu”.

– Thế nợ bao nhiêu rồi?

– Từ đầu năm đến giờ nợ 36 triệu.

Lúc cô nói chuyện này với tôi mới là tháng 7. Không biết đến cuối năm thì khoản nợ sẽ tới bao nhiêu?

      4. Tôi không ngạc nhiên về khoản nợ này. Cuối thế kỷ trước, đã có câu ca dao:

Tỉnh về thì huyện mổ trâu

Huyện lên tỉnh hỏi: Đi đâu thế mày?

Huyện về thì xã mổ cầy

Xã lên huyện hỏi: Chú mày đi đâu?

     Sang thế kỷ 21, kinh tế phát triển rồi, không cần mổ trâu, mổ cầy nữa, mất thời gian. Tỉnh về thì huyện mời ra nhà hàng, huyện về thì xã mời ra quán. Huyện nào cũng hai ba cái nhà hàng, xã nào cũng dăm ba cái quán. Thường là thế này: Khoảng 9 rưỡi, 10 rưỡi thì huyện về. Ba bốn người trên một cái xe “u oát”. Họp với xã một lúc, “chỉ đạo” dăm câu ba điều, rồi cũng đi thực tế cái bản ngay nơi có trụ sở xã. Thế là mười một rưỡi, mười hai giờ. Muộn lắm rồi. Quay về thì quán đã bầy biện xong. Thế là cấp trên cấp dưới, cỡ độ chục người ngồi vào nâng chén “trăm phần trăm”. Chuyện trò râm ran. Mời, khích, ép, … rượu chảy như nước. Khoảng 3 giờ, tiệc rượu tàn. Huyện khật khưỡng chia tay, hẹn kỳ sau trở lại. Cứ thế, tuần nào cũng vài cuộc.

      Hôm nào huyện có ý định tới từng bản thì bản được báo trước (vì ở bản không có quán). Hôm tôi về bản Nậm Lanh, vào nhà trưởng bản, thấy đang mổ lợn (con lợn độ hai chục cân). Tôi hỏi “nhà có việc à?”. Trưởng bản bảo: “Không, hôm nay xã đưa huyện về “khánh thành công trình cấp nước”. Công trình ấy “vĩ đại” lắm: dẫn nước từ nguồn (cách bản chừng 300 mét) về lắp cho mỗi nhà một cái vòi nhựa. Đường ống cũng bằng nhựa. Cả bản có hơn chục mái nhà! Tôi hỏi: Con lợn này ở đâu ra? Trưởng bản cười ngượng nghịu: “Cũng phải có cách thôi!”

       5. Xã có việc gì cần tới huyện thì phải đi từ sáng sớm, nhiều khi trời còn tối đất (có thế mới tới huyện trước giờ làm việc). Chủ tịch xã đi cùng một hai cán bộ. Làm việc với cán bộ chuyên môn thôi, nhưng đến trưa, xã phải mời các cán bộ (cả các sếp) ra nhà hàng. Nếu không “các ông ấy cứ lần khân, mình phải ngủ lại đợi đến ngày mai làm tiếp cũng quá tội”. Có thế thì lần sau ra mới được việc.

      6. Công việc của tôi  là đi tới từng bản, gợi ý, bàn bạc với  dân bản xem cần làm gì để cải thiện cuộc sống cho họ. Một cái bể chứa nước, một cái nhà vệ sinh, một cái máy xát thóc, tách ngô, một trạm thủy điện nhỏ, … Mỗi bản làm một việc. Không cần việc lớn (việc lớn đã có dự án lớn lo). Sau khi  khảo sát hết các bản, thống nhất với dân bản, với xã rồi thì lập dự toán, xem hết bao nhiêu tiền cho từng việc một. Huyện căn cứ vào đó cấp tiền cho các xã. Tôi lại có nhiệm vụ giám sát để tiền được tiêu đúng mục đích. Hoàn thành kế hoạch sẽ làm tiếp các vòng sau. Mỗi xã có khoảng trên dưới hai mươi bản. Để có được dự toán này cho hai xã trong đợt đầu, tôi đã cố gắng trong ba tháng (phải tới ở cùng dân mỗi bản  hai ba ngày). Hôm lên huyện nộp dự toán, được khen là “khẩn trương”, lại được huyện hẹn tuần sau ra sẽ được ký duyệt để về thực hiện. Phấn khởi lắm vì công việc có kết quả, chắc những cái mà người dân mong muốn sắp trở thành hiện thực. Tuần sau ra, huyện bảo chưa duyệt được. Tuần tiếp theo ra, người phụ trách đi vắng. Tuần sau nữa, cũng chẳng có hy vọng gì. Mà mỗi lần đi về hơn trăm cây số, đường thì đèo dốc, lầy lội. Có hôm trời mưa to, chôn chân giữa dốc vì đất lở, bùn ngập đến nửa bánh xe. Chờ lâu lắm mới gặp người đuổi trâu qua, nhờ họ đẩy hộ. Tìm hiểu mãi vì sao dự toán không được duyệt. Hóa ra mình dự toán “thật thà” quá, chỉ có chi phí vật liệu, nhân công. Còn cái khoản tiền quan trọng nhất là tiền “bôi trơn” thì lại không có. Ai người ta duyệt cho?! Một anh cùng làm (phụ trách xã khác), ghé tai thì thầm: “Như thế! Như thế!…” Thôi, chịu. Mình con nhà tử tế, không thể làm cái việc “ăn không nói có”. Đành mang lỗi với dân các bản hai xã vậy!

      7. Không hiểu sao người ta có thể uống rượu nhiều như thế. Cán bộ huyện, tỉnh dù to hay nhỏ, hễ về xã,  về bản là rượu. Tất nhiên là dân, là cán bộ xã mời. Nhưng nếu không mời thì sẽ được gợi ý. Cấp trên về rượu là chính. Cho nên có thể hiểu vì sao nhiều chủ trương chính sách xa rời cuộc sống! Một hôm ngồi nói chuyện về việc này, mấy anh cán bộ huyện, tỉnh “dạy” tôi:

– Bác phải uống với người ta thì mới được việc.

Tôi bảo:

–  Từ khi về xã đến nay, tôi chưa uống một chén rượu nào. Nhưng công việc của tôi vẫn tốt đấy chứ? Có thấy các anh chê trách gì đâu?

–  Làm sao bác không uống được?

–  Thì các anh cứ về các bản thuộc hai xã của tôi mà hỏi. Có điều tôi rất kiên quyết ngay từ lần đầu tiên. Ai mời, tôi bảo: Tôi bị bệnh, bác sĩ bảo chỉ khi nào có bác sĩ ngồi cạnh mới được uống. Thế là chẳng ai mời nữa. (Mà xem ra họ lại rất mừng vì không phải mời).

Tôi lại được “tuyên huấn”:

– Bác thế là không biết làm công tác dân vận rồi!

Tôi bảo:

– Ngày trước, cần người ta che giấu, nuôi ăn các ông mới cần dân vận, mới cần tỉ tê, ngọt nhạt, mới cần dụ dỗ. Bây giờ, các ông về,  mang lại quyền lợi cho người ta, cần gì phải dân vận?!

Tôi biết thừa, chẳng qua chỉ là chuyện “ông mất chân giò bà thò chai rượu” thôi! Mà chân giò hay chai rượu thì đều là tiền dự án cả!

2 BÌNH LUẬN

  1. Viêt Nam ta cà gì cũng ĂN ,Ăn Tết ,Ăn Giỡ,Ăn Học,Ăn Cắp.Ăn Cướp
    Ăn Trộm,Ăn Mày,Ăn Quỵt,Ăn Gian,Ăn Thua,Ăn Chặn,Gái Ăn Sương..
    Chụp hình đep thì khen “ĂN ẢNH”
    Chuyện sinh hoat VỢ CHỒNG = ĂN NẰM” ngườ PHAP = Fair l’Amour”
    Người ANH =Make Love”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here