“Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ” (Khách từ phương xa tới sao mà không vui được!) Hình như đây là một câu của Khổng Tử trong Luận Ngữ . Mình ở một nơi chưa phải “thâm sơn cùng cốc” nhưng cũng là hẻo lánh xa cách chốn phồn hoa. Thỉnh thoảng vẫn may mắn được các bè bạn lui tới thăm viếng, thật là niềm vui khó tả.

Hôm nay, được đón một nhóm bạn đã xa cách 43 năm, họ là những học sinh lớp mình chủ nhiệm đã tốt nghiệp phổ thông năm 1972.

Năm học này có một kỷ niệm đặc biệt. Đang chuẩn bị thi tốt nghiệp thì ngày 16 tháng 4, Mỹ ném bom và phong tỏa cảng Hải Phòng, chấm dứt thời kỳ ném bom hạn chế miền Bắc từ năm 1969. Các tỉnh từ vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa) trở ra lại sơ tán, tránh đạn bom của máy bay Mỹ. Các trường học xa Hà Nội vẫn dạy và học nhưng đã phải phân tán, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Từ đầu tháng 4, chuẩn bị cho học sinh ôn thi, hàng tuần, mình vẫn tranh thủ thời gian tóm tắt những dàn bài trong cuốn “Dàn bài tập làm văn lớp 10” cho học sinh, với tính toán, cứ mỗi tuần làm hai dàn bài thì tới cuối tháng 5 sẽ hoàn thành toàn bộ, giúp học sinh vừa ôn kiến thức, vừa luyện tập các kỹ năng làm bài, nhất là kỹ năng phân tích đề và lập dàn ý. May mắn là khi ấy chưa có “sáng kiến vĩ đại” của các giáo sư tiến sĩ sản sinh ra các bài văn mẫu như hiện nay. (Cuốn sách này hồi ấy vô cùng hiếm, cả trường chỉ có vài cuốn, học sinh hầu như không có vì chiến tranh, gian khổ thiếu thốn, sách giáo khoa không phải cuốn nào cũng in lại hàng năm). Nhưng vừa làm được hai tuần, tới đề số 4 thì phải dừng lại. Hoàn cảnh sơ tán, thời gian eo hẹp nên không thể tiếp tục. Tới khi thi tốt nghiệp, thật bất ngờ, đề thi của Bộ Giáo dục lấy nguyên vẹn đề số 4 trong cuốn Dàn bài. Để luyện thi, thầy trò ở nhiều lớp và nhiều trường đã dạy và học theo các “tủ” về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng (nhưng không biết thực hư tới mức nào): “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, rồi “Sống chiến đấu và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”…theo cách phỏng đoán bình thường. Nhưng hóa ra đều “bói nhầm” và thất vọng ê chề, vì “lệch tủ” tỷ lệ điểm thi dưới trung bình khá cao. Nhưng hai lớp mình dạy, do được hướng dẫn dàn bài trong sách, học sinh đều học tập nghiêm chỉnh bài học trên lớp nên coi như trúng tủ, tỷ lệ học sinh có điểm cao hơn hẳn các lớp.

Có người nghi ngờ vì mình là người Hà Nội nên biết trước đầu bài thi (vì ai mà ngờ bom đạn như thế, khí thế chiến đấu sục sôi như thế đề thi lại hỏi về văn học hiện thực phê phán (những chị Dậu, anh Pha, Chí Phèo…của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao…).

Mình cũng đã phải giải trình với Hiệu trưởng vào đầu năm học sau. Ông ấy nói giáo viên tỉnh ngoài về coi thi trường mình rất ngạc nhiên vì sao trong nhiều cuốn vở của học sinh ghi chép cẩn thận dàn bài của đề thi như đã được biết đề trước. Phải chăng có hiện tượng đề thi bị lộ? Sau khi nghe mình cắt nghĩa về công việc đã làm, ông Hiệu trưởng đã báo cáo lên Ty (ngang với Sở bây giờ). Cũng may, sau đó không có ai hỏi gì thêm. Và chắc cũng vì chẳng ai thấy mình có mối quan hệ gì với người được quyền ra đề ở Hà Nội.

Suýt nữa lâm vào cảnh “tình ngay lý gian”.

2 BÌNH LUẬN

  1. Miền Nam trước năm 1975 có những đề thi lầy những câu ngạn ngư
    như “Học như bơi thuyền trên dòng nươc ngươc,không tiến ắt lùi”
    “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng ngưới ngại núi e sông” “Viếc làm ngày hôm nay chớ để ngày mai”
    “Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ VŨ TRỤ CHI GIAN GIAI PHÂN SƯ
    NAM NHI DÁO THỬ THỊ HÀO HÙNG “.”Tha Thứ thì Vĩ Đại hơn Trả Thù”
    Nhưng đề thi đó ảnh hưởng dền cách xử thế của bao thế hê

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here