Dễ có đến gần ba mươi năm tôi mới gặp lại anh. Chia tay anh từ khi anh còn là một học sinh nay anh đã trở thành  tiến sĩ của một trường đại học lớn (tiến sĩ thật chứ không phải loại qua một đêm thành tiến sĩ). Sau vài câu chuyện, anh nói với tôi:

– Em được hai cháu. Cháu lớn là con gái, đang học trường ngoại thương. Về nó không có gì phải lo lắng. Nhưng cháu thứ hai thì em không yên tâm chút nào, nên hôm nay đến nhờ thầy.

Tôi nói để anh yên tâm rằng tôi chưa từ chối ai tới xin học, nhất là anh lại là người quen cũ. Tôi cũng không bao giờ chê học sinh dốt để không dạy vì “có dốt nó mới cần người dạy”.          Nhưng tôi cần biết tường tận về năng lực để liệu có cách dạy phù hợp, nhất là khi thời gian không còn nhiều.

Anh kể với tôi:

– Cháu đang học lớp 12 ở trường K., một trường vào loại được xếp hạng ở Hà Nội. Năm nay anh dự định cho con thi vào trường ngoại thương theo bước của chị nó. Toán và ngoại ngữ, nó học được, không đáng lo lắm. Nhưng môn Văn thì không thể yên tâm được. Em đọc những bài văn nó làm ở trường thật…không biết nói thế nào. Chẳng có ý tứ gì, câu cú thì lộn xộn. Ngày trước mà thế này thì khó mà được điểm 3 (thời anh đi học, các trường ở ta còn cho điểm 5 bậc, 3 là điểm trung bình), nói gì đến thi đại học!

    Tôi an ủi anh:

– Về các môn khoa học tự nhiên, tôi không dám nhận xét. Nhưng về môn Văn, rõ ràng bây giờ, học trò không bằng thời trước. Nhận thức xã hội, hiểu biết về cuộc sống của học trò lớp trước khá hơn bây giờ nhiều. Tôi nhớ năm 1959, đề thi tốt nghiệp môn Văn cấp 2 là: Bình luận hai câu thơ kết của Tố Hữu trong bài “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”:

Bão ngày mai là gió nổi hôm nay

Trời chớp giật tất đến ngày sét đánh.

Bài thơ này Tố Hữu sang tác tháng 12 năm 1958 (nghĩa là chỉ trước kỳ thi có khoảng 6 tháng) học sinh hoàn toàn chưa được học.

   Học trò lớp 12 bây giờ tôi nghĩ ít người làm được. Nhưng thôi, luyến tiếc cái quá khứ dù có là “vàng son” nào có ích gì. Hiện ở trường anh có biết ai dạy cháu môn Văn không? Cháu có đi học thêm môn Văn ở đâu không?

    Anh trả lời tôi rất tự tin, chứng tỏ theo rất sát việc học hành của con mình:

– Cháu học Văn thầy T. ở trường, còn đi học thêm thầy M. ở trường Sư phạm. Mỗi tuần học thêm môn Văn 3 buổi, một buổi của thầy T. 2 buổi của thầy M. Thầy T, chỉ dạy một buổi vì thầy bảo đã dạy ở trên lớp rồi. Buổi học thêm là thầy bổ sung những điều trên lớp không có thời gian dạy.

   Tôi bảo anh:

– Hai người ấy tôi đều biết. Họ đều là những người có năng lực cả. Ở Hà Nội, được học những ông thầy ấy là điều may mắn đấy!

    Tôi suy nghĩ, đã phần nào hiểu ra vấn đề. Sau khi hỏi thêm một vài chuyện, tôi nói với anh:

– Thôi, thế này. Tối nay, anh đưa cháu vào đây, mang theo toàn bộ sách vở học môn Văn của cháu. Nếu có những bài kiểm tra thì càng tốt. Qua vở ghi, tôi biết cháu đã học được những gì, còn phải dạy thêm những gì. Qua bài làm, tôi biết khả năng viết văn của cháu.

    Đến tối, anh đưa cháu cùng một tập hơn chục cuốn vở đến gặp tôi. Tôi lật xem. Có trang viết khá cẩn thận, nhưng nhiều trang chữ viết nguệch ngoạc, chứng tỏ “tác giả” của nó lúc ấy không có hào hứng gì trong việc học. Rất nhiều câu sai ngữ pháp, từ viết sai chính tả không được sửa chữa. Tôi chợt phát hiện một câu “chĩu tích nói còn cái lai quần cũng  đánh”, bèn hỏi cháu “chĩu tích” là gì?

  Cháu suy nghĩ hồi lâu rồi… cười, bảo thầy dạy như thế.

Bố cháu nhớ ra ngay:

– Chị Út Tịch, có phải không thầy? (Vì thời anh đi học nhân vật này quen thuộc lắm).

    Tôi cười, không nói gì. Thì ra do thầy đọc nhanh, cháu nghe không ra, cứ viết bừa vào, chẳng cần ý nghĩa gì. Rồi tôi hỏi cháu:

– Cháu có mang bài làm nào không, cho bác xem đi!

Cháu bảo:

– Bài làm thầy chỉ trả cho xem điểm, xong thầy lại thu.

    Tôi bảo cháu:

– Bài của học sinh sau khi thầy chấm xong, cho điểm phải trả cho học sinh để nó về xem lại, thấy được cái sai trong bài mà sửa chữa. Nhưng bây giờ có một số người không trả bài cho học sinh. Nhưng thầy T. dạy cháu chắc không bao giờ thu lại bài của học sinh đâu. Chắc cháu để vương vãi đâu đó thôi.

    Anh hỏi tôi:

– Đấy, em vẫn thắc mắc, sao bài kiểm tra của học sinh thầy chấm rồi mà cứ thu lại. Nhiều môn thế lắm. Bố mẹ muốn xem bài của con mà không có cách nào xem được.

    Tôi bảo anh:

–         Đây là “sáng kiến”chỉ có dưới mái trường xã hội chủ nghĩa trong mấy năm gần đây. Họ chấm bài ẩu, cho nhanh mà. Chỉ cần nhìn tên học trò rồi cho điểm, không cần biết bài làm ra sao. Bài nào cũng cho 6, 7, 8 cả (phần lớn học trò được những điểm như thế này là sung sướng lắm rồi, chẳng thắc mắc gì), có bài lại được “ưu ái” hơn. Để học sinh giữ bài, chúng và cha mẹ của chúng có thời gian phát hiện ra những “khuất tất” đó thì rắc rối lắm!

Tôi nói với anh:

– Trước mắt, tôi chỉ có thể nói với anh là  cháu có đi học thêm, lớp học thêm đã dạy đầy đủ, thậm chí còn là nhiều nữa, nhưng về nhà cháu không xem lại mình đã học những gì, và bây giờ, trong đầu cháu chắc chẳng  có mấy kiến thức. Anh có thể kiểm tra con mình có đi học không, có bỏ học đi chơi điện tử không, thậm chí có ông bố bà mẹ đưa con đến nơi học thêm, chờ ở cửa đợi đón con về (để theo dõi) nhưng chỉ có nó mới biết nó có học không/

    Sau một hồi trò chuyện, tôi nói với  hai bố con:

–         Cũng như với tất cả những người khác, tôi sẽ thử dạy cháu 5 buổi, mỗi tuần một buổi. Đây là thời gian để  biết được trình độ, khả năng của  cháu, đồng thời, cũng xem cháu có thể theo học được không. Để theo học được, không có gì khó khăn cả. Chỉ cần 3 việc: Một là hàng ngày, cháu phải thuộc những gì đã học. Hai là, trong 5 buổi, cháu phải viết được hai bài làm văn, tất nhiên làm ở nhà, đến buổi học sẽ được “chấm tay đôi” (thầy và trò cùng chấm bài). Và 3 là, cũng trong thời gian ấy, cháu phải đọc được một cuốn sách (truyện thôi, một tác phẩm có học trong nhà trường), đọc xong có kiểm tra. Năm buổi này hoàn toàn miễn phí

Tuần sau, cháu vào học, tư thế, tác phong, sách vở chắc vừa được bố “lên dây cót” nên rất sẵn sàng.

Tôi thống nhất với cháu cách học:

1. Tôi chỉ dạy các bài cháu đã học ở lớp, và bắt đầu bằng bài cháu vừa học xong (để tận dụng những điều cháu con nhớ) và tôi chỉ giảng thêm những gì thầy chưa giảng ở trên lớp. Tôi và thầy dạy trên lớp bổ sung cho nhau để kiến thức của cháu thêm phong phú. Không ai thay ai, cả hai người đều cần thiết. Như vậy không lãng phí thời gian. Vì thế, cháu phải thuộc những gì thầy đã giảng trên lớp. Mỗi khi tới học, tôi sẽ kiểm tra, sau đó mới bổ sung, mở rộng kiến thức. Không phải vì thầy ở lớp “kém” mà vì thầy không có thời gian. Đến buổi sau, tôi sẽ kiểm tra phần tôi đã dạy.

2. Những bài đã học, cháu phải thường xuyên xem lại, củng cố để ghi nhớ, tránh tình trạng “chữ thầy trả thầy”. Vì đơn giản, thế mới là học. Nguyên tắc là “đã học thì phải thuộc”. Học sinh bây giờ hay kêu ca đến kỳ thi phải học nhiều quá vì hàng ngày không chịu học, dồn tất cả vào cuối năm, lúc ấy mới học thì sao kịp? Do đó mới sinh ra chuyện mua “phao”, quay cóp. Học trong suốt cả năm đến  trước khi thi, chỉ cần xem lại vài ba lượt là thuộc. Đồng thời, như thế mới nhớ lâu để vận dụng khi vào đời sau này.

3. Ngày nào cũng phải làm bài tập (hoặc ngắn, hoặc dài). Sau khi thầy chữa thì về nhà phải làm lại (từng phần hoặc tất cả nếu sai sót quá nhiều). Có như thế kỹ năng viết mới được rèn luyện.

Sau đó, tôi giảng thêm cho cháu bài cháu vừa học ở lớp (dĩ nhiên cháu chưa thuộc những gì đã học). Cuối cùng, tôi ra cho cháu một bài tập. Bài tập chỉ là viết một đoạn văn khoảng một trang viết tay (nội dung là một ý trong một dàn bài vừa làm xong, nhưng không thể chép ở đâu được).

Trước khi về, tôi đưa cho cháu cuốn Truyện ngắn Nam Cao (một tác giả nhiều khả năng sẽ hỏi đến trong kỳ thi đại học), cũng có hai mức độ: bắt buộc đọc 8 truyện đã đánh dấu, còn  nếu đọc thêm thì càng tốt. Tuần tới tôi sẽ yêu cầu kể lại 2 truyện (tùy chọn).

Tuần sau, cháu tới học, khí thế đã có vẻ kém hăng hái. Tất cả những công việc tôi giao, cháu mới phần nào thuộc bài, còn bài tập chưa làm được. Cháu bảo: “Không biết viết thế nào”. Sách cũng chưa đọc. Cháu bảo mới đọc được nửa truyện. Hỏi “truyện gì?” Cháu bảo “quên!”

Tôi lại bắt đầu dạy cháu theo trình tự như tuần trước, với bài cháu vừa học trên lớp. Sau khi giảng, tôi yêu cầu nhắc lại. Nhắc lại đến lần thứ hai thì cháu gần thuộc. Tôi kịp thời động viên: “Học là phải như thế, phải nói lại được, viết lại được mới là thuộc. Cháu thuộc như thế là nhanh, dần khi quen sẽ thuộc nhanh hơn!”

Tuần thứ ba, cháu đến học nhưng nhìn mặt thấy không được vui. Tôi hỏi, cháu bảo:

–         Tuần này cháu vẫn chưa làm  được bài. Sách cũng chưa đọc được truyện nào.

Tôi rất không hài lòng:

–         Cháu đi học thì phải học bài. Bác có thể giảng đi giảng lại để cháu hiểu. Nhưng hiểu rồi thì cháu phải học. Không ai làm hộ được cháu. Những công việc ở nhà, bố mẹ cháu có thể làm giúp để cháu có thời gian học. Nhưng với việc học thì bố mẹ cháu có thương con đến mấy cũng không làm thay được. Đó chính là đặc thù của việc học.

Rồi tôi bảo:

– Bây giờ có hai lựa chọn, một là cháu ngổi ở  đây, học thuộc bài, khi thuộc rồi, bác sẽ kiểm tra rồi dạy tiếp. Hai là, cháu về nhà, học, tuần sau sẽ tiếp tục. Bác không thể dạy khi học trò  không thuộc bài. Vì dạy như thế chẳng có tác dụng gì. Người ta bảo đó là “nước đổ lá khoai” hay “nước đổ đầu vịt” đấy! Nhớ tuần sau phải làm bài đấy. Hôm trước, ta đã giao hẹn với nhau trong 5 tuần, cháu phải làm 2 bài. Nay đã tới tuần thứ 3 rồi mà cháu chưa viết được một đoạn. Thế thì học hành gì?

 

Tuần thứ tư,  không thấy cháu đến học nữa. Lúc ấy điện thoại chưa sẵn như bây giờ nên không thể hỏi. Tuần sau cũng không thấy. Mãi tới ngày chủ nhật, mới thấy bố cháu đến. Bố cháu xin lỗi tôi vì mới đi công tác về mới biết cháu đã tự ý nghỉ học. Anh bảo tôi:

–         Cháu bảo nghe bác giảng thì hay, nhưng con không học được. Chưa có ai dạy con như thế cả. Tại sao lại cứ phải thuộc. Còn nếu làm bài mà cứ bắt phải tự viết ra thì con không làm được. Ở lớp từ trước tới nay toàn chỉ có chép thôi. Chép bài cô đọc cho ở lớp học thêm, chép ở sách tham khảo, …

Tôi nói với anh:

–         Cháu nó bảo không học được là  không sai đâu. Những thói quen học tập phải có từ khi còn học tiểu học, dần được hình thành, củng cố khi học lên lớp cao hơn. Muốn viết được văn, phải rèn từ khi tập làm văn tả cảnh, trần thuật, kể chuyện năm lớp 4, lớp 5 (những thể loại gần với khẩu ngữ), rồi tới lớp 7, lớp 8 thì bắt đầu viết những bài nghị luận đơn giản (mà bắt đầu cũng chỉ viết từng đoạn văn, chưa viết được cả bài). Qua từng năm, trình độ nâng cao dần cùng với kiến thức phong phú thêm lên. Cháu đã học qua 11 năm nhưng mọi thứ chẳng có chuyển biến gì. Học thì vẫn là thầy đọc trò chép, nghe thầy giảng mà không phân biệt đâu là ý chính, đâu là ý phụ để chọn ghi lấy ý chính rồi thuộc, làm văn thì cũng lại chép theo sách hay bài có sẵn. Có lẽ chẳng khác gì tiểu học. Có chăng chỉ là tiểu học dùng giấy kẻ “ô li”, còn giờ cháu viết giấy kẻ ngang. Đến lúc này,  không thể có thời gian dạy từ đầu, mà dù có thời gian dạy, cháu cũng không tiếp thu được. Cái tuổi tiếp thu những điều cơ bản ấy đã qua rồi. Cũng giống như khi trẻ học tiểu học, không dạy tính  nhẩm, mua cho con cái máy tính cho nhàn thân (đỡ phải giải đáp thắc mắc cho nó). Nó quen dùng máy tính. Lớp 6 rồi mà 15 + 13 cũng phải dùng máy tính, thì khi học tới trung học không thể dạy tính nhẩm được nữa. Cái tuổi ấy qua rồi. Mà tính nhẩm lại có liên quan đến tư duy! Đọc sách cũng thế, khi học tiểu học không rèn thói quen ấy, đến khi lớn lên cũng chịu. Đọc chưa được trang sách đã thấy buồn ngủ, hoặc đọc mà chẳng hiểu gì nên chán, chỉ thích đọc truyện tranh.

 Anh buồn bã nói với tôi:

–         Em cũng hiểu những điều đó suy từ bản thân mình từ khi còn nhỏ. Cháu lớn, chúng em đã rất chú ý những điều ấy, nên cháu học hành không có gì khó khăn. Nhưng đến cháu thứ hai, đúng vào dịp em đi học nước ngoài. Mấy năm ấy, kinh tế khó khăn quá, em cũng biết tuổi cháu cần có bố bên cạnh, nhưng cũng đành đi, để vừa học, vừa làm kinh tế, một mình mẹ cháu ở nhà không có thời gian chú ý đến việc học hành của con. Cứ thấy năm nào cũng được khá, giỏi, rồi giấy khen thì yên tâm, cứ nghĩ là con mình vẫn học được.

Anh bảo cho anh một lời khuyên. Tôi chân thành nói với anh:

–         Bây giờ muốn cho cháu học văn để thi vào đại học là điều không tưởng. Mất thời gian mà chắc là không có kết quả. Cho dù có học văn thêm vài năm nữa cũng chưa chắc đã được. Tốt nhất, anh nên chuyển khối thi cho cháu. Một năm học Văn thì khó chứ nếu Lý, Hóa tôi nghĩ,  nếu cố gắng, chắc là được. Cũng vào ngoại thương, nhưng thi khối A.

Anh ngồi trầm ngâm:

–         Lý, Hóa cháu nó học cũng lơ mơ lắm. Chắc cũng như  học Văn thôi. Định luật, công thức thì chẳng thuộc, bài tập cũng toàn đi chép ở các loại sách tham khảo. Đây có lẽ là cái giá phải trả. Người ta thường bảo “hy sinh đời bố củng cố đời con” nhưng bây giờ thành ngược lại…

 

*

Tôi gặp anh sau mười năm, trong một đám cưới của một người bạn chung. Hỏi thăm về cháu, anh đáp:

–         Sau lần thi trượt, em đầu tư cho cháu đi du học ở Niu Di-lân. Nhưng được hai năm thì cháu phải về, không học được. Đúng là khi đã không có cái nền tảng thì kiểu gì cũng không học được. Loay hoay mất hai năm, không tìm ra phương hướng, sau em cho cháu đi học sửa chữa điện thoại di động. Bây giờ cháu làm chủ một cửa hàng sửa chữa và mua bán điện thoại di động trên phố Thái Hà. Ban đầu, cũng phải đầu tư cho cháu một ít, nhưng nay thì ổn rồi, cháu đã có thể nuôi được vợ con. Thôi, đành thế vậy.

Tôi chia sẻ với anh:

– Nó học đại học chưa chắc dã có ích cho bản thân và mọi người bằng việc nó sửa chữa điện thoại di động đâu. Bây giờ ai chẳng cần điện thoai di động!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here