Gia sư là  những người đảm nhận việc dạy học tại gia. Xưa đã có gia sư,  thường là các học sinh lớp trên hoặc sinh viên đại học nhận việc kèm cặp thêm cho các cô cậu học  trò thường là con nhà khá giả  nhưng  học lực dưới mức trung bình, có nguy cơ ở lại lớp. Nay cũng thế, muốn nâng cao trình độ cho con, cha mẹ thường tìm hoặc cùng nhau tổ chức các lớp học thêm cho phù hợp vói yêu cầu vốn rất đa dạng. Chỉ có thể hạn chế được dạy thêm, học thêm tràn lan khi không còn tình trạng học trò ngồi nhầm lớp. Cũng do ngồi nhầm lớp từ nhiều năm trước, nên đến một lúc nào đó, có những học trò quá kém, học thêm cùng nhiều bạn khác không thể theo được, không có kết quả. Do công việc bận rộn, do kiến thức thời cắp sách đã quên, và cũng không ít khi do ngại mất thời gian, ngại mệt mỏi, ảnh hưởng tới những thú vui sở thích  riêng,… cha mẹ đành tìm gia sư, tức là chấp nhận “một kèm một”. Chi phí chắc cao hơn học thêm nhưng hy vọng sẽ có kết quả hơn. Thôi thì chỉ có vài đứa con, chẳng nề hà gì tốn kém, hy vọng con theo kịp chúng bạn, nhất là đừng làm xấu mặt cha mẹ.

Nhưng các bậc cha mẹ thường là không toại nguyện, việc kèm cặp nhờ các gia sư ít có kết quả như mong muốn. Có nhiều người đã phải thay đổi  rất nhiều gia sư (vì gia sư giờ đây hình như dễ tìm hơn bất kỳ dịch vụ nào khác), nhưng luôn luôn thất vọng. Theo tôi, có tình trạng ấy do các nguyên nhân sau đây:

1. Trước hết, đã tới mức phải mời gia sư thì trình độ, kiến thức của học sinh đó đã kém lắm (chưa nói còn quá kém). Học tập là một quá trình, không thể có chuyện “mì ăn liền”. Việc trước hết là phải bù đắp kiến thức cũ, những lỗ hổng rất lớn từ các lớp dưới, mà thời gian học thì một tuần cũng chỉ vài buổi. Rồi nhiều khi còn phải rèn những  thói quen để phù hợp với việc học tập nghiêm túc, … Thời gian “xây nền đắp móng” này, chưa thể có được điểm tốt trong các bài kiểm tra ở trường. Nếu không tìm hiểu kỹ, sẽ cho rằng “chẳng có chuyển biến gì” trong kkhi các bậc làm cha mẹ thường muốn việc học của con có hiệu quả càng nhanh càng tốt,  trong vòng  vài ba tuần hay một tháng.… Sốt ruột, không thể chờ đợi, các ông bà chủ bèn coi tội ấy là của gia sư, cho rằng họ kém, không biết cách dạy (vì các gia sư đều thường rất trẻ, khó được tin cậy nếu chưa có kết quả cụ thể). Và tất nhiên, lại mất công tìm gia sư khác. Tình trạng sẽ lặp lại như vậy mà không có lúc dừng. Và đứa con đã kém lại càng kém.

2. Người làm gia sư thường là các sinh viên đại học, họ cần tiền để trang trải cho cuộc sống hàng ngày trong khi theo học. Họ sẵn sàng chấp nhận công việc này dù mức thù lao thấp. (Thấp với người thầy nhưng quả là không thấp với một học trò, con em các gia đình “thường thường bậc trung”). Giờ đây, trên thị trường lao động người làm gia sư rất nhiều vì số sinh viên các trường đại học cần việc làm thêm không thể tính xuể. Cho nên, đã nhận được việc thì phải giữ việc. Mất việc đồng nghĩa với mất cơm ăn hàng ngày. Rồi mỗi lần nhận việc lại phải mất không ít tiền trả cho dịch vụ môi giới là các trung tâm gia sư. Thế là các gia sư phải có cách để giữ việc. Nhưng muốn dạy học có kết quả, trước khi nói tới có kiến thức cần phải nghiêm túc, cần phải có nguyên tắc. Mấy cô cậu học trò kém thường cũng là những đứa trẻ vốn được chiều chuộng, những “tổ sư lười”, ham chơi hơn ham học. Người làm gia sư thường bị đặt trong sự lựa chọn: nếu đòi hỏi nghiêm túc, trò sẽ chán, thậm chí có phản ứng. Và chỉ cần các “cậu ấm cô chiêu” ấy than phiền với các bậc phụ huynh rằng thầy cô dạy khó hiểu, con không thích,  là mất việc (để tìm gia sư khác dạy dễ hiểu hơn). Muốn  làm đẹp lòng cô (cậu) chủ, tránh bị chê bai, thì ai cũng hiểu, phải chiều lòng các “thượng đế”. Ít nhất, thầy cũng sẽ trở thành người gợi ý cách giải các  bài tập để học trò đỡ mất thời gian suy nghĩ; thậm chí, có thể còn tới mức giải bài tập hộ, làm bài hộ để học trò có nhiều thời gian rong chơi. Ở lớp, thầy cô nhiều khi cũng chỉ quan tâm tới học trò có làm bài ở nhà không chứ chẳng có đâu thời gian để kiểm tra cặn kẽ. Thế là việc học chỉ được cái thành tích “ảo”, còn thực chất thì ngày càng kém hơn. Khi thầy đã phải coi trò là thượng đế, phải chiều các thượng đế  thì sao việc dạy dỗ có hiệu quả được!

3. Mỗi học sinh có trình độ khác nhau đòi hỏi người thầy có những phương pháp riêng, không thể nói dạy học trò kém khó hơn hay dễ hơn dạy học trò khá. Dạy học trò kém có cái khó mà không phải những sinh viên còn trẻ tuổi dễ vượt qua. Bên cạnh việc nắm được kiến thức một cách có hệ thống để trước một “lỗ hổng” của học sinh cần biết phải bắt đầu dạy lại từ đâu,  còn cần nghiệp vụ sư phạm, am hiểu tâm lý lứa tuổi, biết hài hòa giữa “cương” và “nhu”, phê phán và động viên, nghiêm túc và cởi mở, … cùng  những hiểu biết về tâm sinh lý tuổi  mới lớn nhiều điều khá phức tạp, …

 

Cho nên, với những học sinh kém, nếu không được sự hỗ trợ, hiểu biết và kiên nhẫn chờ đợi của các gia đình việc kèm cặp của gia sư không mấy hiệu quả.

Nhiều khi không có kết quả còn chưa phải là bất hạnh. Không ít trường hợp do thầy và trò khác giới nên  những hậu quả để lại khiến cha mẹ rất đau đầu!

Vì thế  tốt nhất, các bậc cha mẹ hãy làm gia sư cho con mình ngay từ khi các cháu tới tuổi đi học. Gần đây, một cuốn sách hay đã được dịch sang tiếng Việt mọi người nên tham khảo: cuốn “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”. Với trình độ chung hiện nay, tất cả những người làm cha mẹ đều có thể làm việc này giúp con mình ít nhất cho tới hết trung học cơ sở. (Nước ta rất nhiều địa phương đã phổ cập trung học phổ thông). Nhiều người sợ những kiến thức mình đã được học bị rơi vãi theo năm tháng. Không ai phủ nhận điều này, đó cũng là một quy luật khó  cưỡng lại. Nhưng nếu theo sát chương trình học của con ngay từ lớp 1, cha mẹ sẽ có điều kiện “học” lại cùng với con, có thể giúp con giải quyết những vướng mắc hay chí ít cũng là kiểm tra được việc học hành của con. Càng lên lớp trên, sự giúp đỡ của cha mẹ càng khó khăn hơn, nhưng nếu thấy sự cần thiết, chắc chắn những người làm cha mẹ có nhiều cách để vượt qua. Những người xung quanh (người lớn và cả những học sinh các lớp, mạng internet, …) đều là những người hỗ trợ đắc lực. Những cuốn sách tham khảo các loại, các môn rất không có lợi cho học sinh nhưng với các bậc cha mẹ thì khác. Qua đó, cha mẹ có thể nhanh chóng nắm được kiến thức đã hệ thống hóa, biết được cách giải các bài tập. Từ đó có thể gợi ý từ mức độ ít tới nhiều cho con mà không sợ mất quá nhiều thời gian. Chỉ xin lưu ý, tuyệt đối không thể để các cháu trực tiếp sử dụng những sách này, lợi bất cập hại.

Cái khó nhất để cha mẹ có thể làm gia sư cho con là ở việc nhận thức sự cần thiết. Một khi thấy không ai có thể giúp con tốt hơn bằng chính bản thân mình, cha mẹ sẽ biết thu xếp thời gian, sẽ bớt những cuộc tụ tập bè bạn trong quán bia, chơi bài, đi mua sắm và rất nhiều sự bận rộn khác.

Bên cạnh có thể giúp con học tập, sự quan tâm này còn giúp tình cảm cha mẹ cùng  con cái  thêm gắn bó.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here