Từ thời đi học, tôi đã thấy Sổ đầu bài. Và nó còn tồn tại tới hôm nay. Nhưng chức năng của cuốn Sổ này qua thời gian đã có nhiều thay đổi.

Ban đầu, nó là căn cứ để các cấp quản lý (Hiệu trưởng  và cấp trên) theo dõi việc giảng dạy của giáo viên. Nguyên tắc là chỉ có học sinh ghi chép trung thực công việc giáo viên đã tiến hành trên lớp. Sau mỗi tiết học, người thầy ký xác nhận vào cuốn sổ sau khi học sinh đã ghi tên bài dạy và những công việc chủ yếu giáo viên đã tiến hành trong tiết học. Khi mới vào nghề, tôi đã được một người đi trước dặn: giáo viên chỉ được nhận xét và ký xác nhận những điều học sinh đã ghi trong cuốn sổ này. Trước khi ký, phải đọc cẩn thận những điều học sinh đã ghi vì chữ ký của mình chính là sự xác nhận, phải chịu trách nhiệm về những điều đã được ghi chép ấy. Tôi đã được một bài học về chuyện này. Năm 1970, trong chương trình môn Văn lớp 10 (nay là lớp 12), có bài Con cá chột nưa của Tố Hữu. Sau khi dạy trên lớp, học sinh đưa tôi ký sổ. Học sinh ghi tên bài giảng là “Con cá CHUỘT nưa” mà tôi vì vội vàng không phát hiện ra. Vài tháng sau, có thanh tra của Ty (nay là Sở) về “khám” trường (bọn tôi lúc ấy dùng từ này để “đùa”  những cuộc thanh kiểm tra của cấp trên). Cán bộ thanh tra qua cuốn Sổ đầu bài đã chỉ cho tôi sai sót này. Tất nhiên ông ấy có thái độ rất thiện chí, không vì một sơ suất mà quy chụp nhưng tôi cũng được một bài học. Nếu là người không đàng hoàng, họ có thể bảo tôi đã dạy như thế (không biết “chột nưa” là cái gì). Sự nhầm lẫn này có thể chỉ chứng tỏ sự kém cỏi, nhưng nếu nhầm lẫn khác có thể trở thành nghiêm trọng.

 

Hiệu trưởng bất cứ lúc nào cũng có thể thông qua cuốn sổ này biết được tình hình giáo viên đã thực hiện chương trình giảng  dạy ở các lớp. Những hiện tượng cắt xén, dồn tiết, … không thể che giấu vì chẳng lẽ làm thế này lại nói với học sinh ghi thế khác.

Thanh tra cấp trên mỗi khi về trường làm việc chỉ cần xem cuốn sổ, có thể biết chương trình giảng dạy các môn học đã được thực hiện như thế nào ở từng lớp.

Cái Sổ báo giảng hiện  nay các trường vẫn bắt giáo viên ghi chép hàng tuần là hoàn toàn “vô tích sự”, giáo viên chỉ việc máy móc chép lại Phân phối chương trình vào trong đó, còn họ thực hiện trên lớp ra sao, ai mà biết được? Phải nói một chút về lai lịch của cuốn Sổ báo giảng này:

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống vô cùng khó khăn. Các ngành, các nghề còn có “ngoài kế hoạch”, còn có “lợi ích ba” chứ giáo dục thì chẳng có gì. Không biết ai có sáng kiến đến cuối năm, tổ chức biên soạn những tài liệu ôn tập, in rô-nê-ô  trên khổ giấy như A4 bây giờ bán cho học sinh các lớp cuối cấp sắp đi thi. Mỗi trường làm tài liệu khác nhau. Các Ty, Sở Giáo dục đã thực hiện việc này ở quy mô toàn tỉnh hay thành phố bằng việc in ti-pô (in máy), đóng thành những cuốn sách hẳn hoi. Sau đó, Ty, Sở lại có sáng kiến in ra cuốn Sổ báo giảng (cùng nhiều thứ giấy tờ hành chính khác) cho giáo viên, mỗi người một cuốn. Các trường mua bằng tiền ngân sách, lợi nhuận trở thành “lợi ích ba” chia nhau. Nó là cách để rút tiền ngân sách một cách hợp pháp. Thế thôi. Sự có mặt của cuốn sổ này vừa làm giáo viên mất thời gian, vừa lãng phí. Nhưng dần thành quen, chẳng ai đặt câu hỏi về sự cần thiết của nó.

Thời gian sau, cuốn sổ đầu bài được thêm nhiệm vụ để giáo viên ghi nhận xét tinh thần thái độ của học sinh trong tiết học,  thông qua đó, giáo viên chủ nhiệm nắm được tình hình của học sinh trong lớp. Rồi dần dần, ở nhiều trường, cuốn sổ đầu bài đã được làm thêm chức năng theo dõi, đánh giá thi đua. Mục đích của cuốn sổ đầu bài đã thay đổi. Từ theo dõi, giám sát giáo viên, nó trở thành tài liệu ghi chép để theo dõi tinh thần thái độ của học sinh.

Nhận xét chung về tiết học thì không có khó khăn gì, nhưng cuối mỗi tiết học lại phải dừng lại để cho điểm đánh giá đến 4 tiêu chuẩn thi đua thì mất thời gian quá trong khi thời gian chuyển tiết học chỉ có 5 phút. Thế là giáo viên cũng làm ào ào cho nhanh. Đánh giá làm sao chính xác được?

Nhưng mỗi  khi trong tiết học có học sinh vi phạm kỷ luật, bị giáo viên ghi vào sổ, cuốn sổ luôn bị chiếm đoạt, thậm chí bị thủ tiêu, gây nhiều phiền toái thậm chí vô cùng đau đầu cho giáo viên chủ nhiệm.

 

Thế là nhà trường xưa có một công cụ vô cùng hữu hiệu để buộc giáo viên phải chấp hành nghiêm túc chương trình môn học thì các cấp quản lý vì không hiểu nghiệp vụ đã bỏ qua. Cuối cùng  các nhà quản lý mỗi khi kiểm tra toàn thấy những “vở sạch chữ đẹp”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here