Tôi đang ở nhà thuê ở đầu phố Cửa Tiền thì một hôm, phòng Nhà đất mời tôi lên, bảo: Gian nhà tôi đang ở tiện để mở phòng y tế cho khu phố. Phòng bố trí cho tôi đến ở một nhà ở phố Phùng Khắc Khoan, gần chợ Nghệ, căn nhà chủ cũ vừa làm được nhà mới trả lại. Kể ra thì tôi không muốn chuyển, vì  đang ở quen, lại “ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà”. Trong có hơn một năm, tôi đã phải chuyển nhà hai lần rồi. Nhưng nghĩ lại, người ta đã rất tử tế khi cho mình thuê, yêu cầu chuyển không phải vì riêng ai mà vì lợi ích chung. Cho nên tôi vui vẻ đồng ý. Hẹn chiều hôm ấy, đến nhận nhà mới.

Về  nói chuyện với mọi người ở trường, ai cũng can. Người bảo lên trình bày. Người bảo  “kệ,  cứ ì ra đấy, các ông ấy làm gì được?” Tất cả chỉ vì họ ngại cái nhà hàng xóm mới thay cho tôi. Căn nhà tôi sắp đến có ba gian. Phần đất phía sau của mỗi nhà ngăn cách bằng hàng rào trồng cúc tần. Gian của tôi ở giữa. Gian bên phải là của ông An Tâm (tên thật của ông là Tâm), vốn là thương binh chống Pháp, bây giờ mở cửa hàng làm ghi-đông xe đạp. Ông là người khéo tay, thường mua những giường khung nhôm của Liên Xô hỏng, cắt lấy những đoạn nhôm rồi uốn thành ghi-đông. Hàng bán khá chạy vì ghi-đông bằng sắt mạ do nhà nước sản xuất muốn mua phải có tem phiếu phân phối, lúc này, khung xe mang từ miền nam ra nhiều, cái xe đạp không thể thiếu ghi-đông. Cái khổ là ông này “nát rượu”. Cứ chiều đến là ông uống rượu, say rồi chửi vợ chửi con, rồi bất mãn, công thần, chửi “vung tí mẹt”. Ở cạnh nhà ông, ngày nào cũng chịu “tra tấn” như thế thì khổ lắm! Người ta bảo với tôi như thế. Hơn nữa, bà vợ bán hàng ngoài chợ, mấy đứa con đều hư, hay ăn cắp vặt. Hàng xóm với một gia đình như thế, sao yên tâm được? Nhưng tôi không thể có cách lựa chọn khác. Khi mình chưa có nhà, người ta cho mình thuê không có một điều kiện nào. Bây giờ, không có lẽ, ì ra thì có mà mặt mo! Đành phải chấp nhận rồi liệu tìm cách vậy.

Hôm dọn nhà, nhờ vài người bạn, chỉ hai chuyến  xe cải tiến là xong. Hai vợ chồng một đứa con, đồ đạc đâu có gì nhiều, chỉ toàn sách!

Đến nhà mới, ông Tâm cùng vợ và mấy đứa con sang thăm, chào hỏi rồi bảo đứa con thứ 3:

– Mày ở đây giúp cô chú sắp xếp kê dọn đồ đạc. Lúc nào cơm chín, tao gọi về ăn rồi đi học. Rồi ông quay sang, nói với tôi:

– Có việc gì chứ cứ bảo cháu nó giúp. Thôi thì “bán anh em xa mua láng giềng gần”!

Thấy cái nhiệt tình có vẻ hơi không bình thường của ông, lại nghe lời đồn đại, tôi đâm lo. Không tiện chối từ nhưng vẫn tự nhắc phải luôn “cảnh giác”!

Hai chú cháu vừa kê dọn, vừa chuyện trò. Tôi biết cháu tên là Toản, đang học lớp 6. Cháu bảo hai chị cháu đều bỏ học, cháu là thứ ba, rất mong sau khi học hết lớp 7 được vào học cấp 3. Tôi bảo:

– Cháu cứ cố học, bây giờ, có bài gì chưa hiểu cứ sang chú bảo.

Cháu mừng lắm khi biết văn và toán tôi đều có thể bảo được, còn tiếng Nga thì vợ tôi dạy, có bảo cháu cũng không khó khăn gì.

Khi nghe bố gọi, cháu bảo về ăn cơm để đi học buổi chiều. Suốt ngày, đến tối, vợ chồng tôi sắp xếp, kê dọn cũng xong. Trước khi khóa cửa đi ngủ, thì không thấy cái khóa và chùm chìa khóa đâu cả. Tìm khắp nơi, chui cả vào gầm giường, góc bếp, tìm trong giá sách, bới trong đống rác còn để ở góc sân chưa kịp đổ. Không thấy. Ngồi thừ ra một lúc, nghĩ, lại đứng lên tìm. Vẫn không thấy. Lại ngồi vò đấu bứt tai, nhớ lại từ sáng mình làm những gì, ở đâu, hy vọng tìm được manh mối. Nhưng vẫn chịu! Đành lấy cái ghế chặn cửa, đi ngủ. Đêm nằm, chỉ nghi cho “cái thằng này”! Thầm nguyền rủa: “Ôn con mà tinh quái thế! Nó lợi dụng lòng tin, chờ lúc mình sơ hở. Có chùm chìa khóa rồi  thì nó lấy gì mà chẳng được? Hai vợ chồng đi dạy học, nó phá cửa sau vào. Ai biết đấy là đâu”. Sáng sớm hôm sau, tìm lại một  lần nữa. Vẫn không thấy. Tôi đành bảo vợ hôm nay may quá không có giờ dạy, tôi ở nhà đi làm lại ngay chìa khóa và mua cái khóa cửa. Còn phải dặn vợ đừng nói gì đến việc mất chùm chìa khóa, vì ngượng, sợ người ta lại bảo:  “Người ta bảo rồi mà vẫn không chịu nghe. Cho chết!”

Làm lại mấy cái chìa khóa lúc ấy cũng không đơn giản. Vì cả thị xã chỉ có một ông thợ khóa (Nghe nói ông ta bị công an quản chặt lắm, có thể tiếp tay cho kẻ gian mà!). Lại phải mời ông ta đến nhà (vì có cái khóa tủ). Vật nài mãi, ông ta mới chịu đến. Lúc thợ chữa khóa đến, phải đóng cửa, không dám cho ông An Tâm biết. Vì sợ ông ấy hỏi, mình nói lý do, không khéo lại mâu thuẫn. Vừa mới dọn nhà tới,  đã mâu thuẫn với hàng xóm, nhất là người ấy lại là một nhân vật nổi tiếng như ông An Tâm thì sợ lắm.

Nhưng rồi mọi việc cũng xong. Cuộc sống dần ổn định. Dù cảnh giác nhưng tôi cũng phải thừa nhận cháu Toản là một đứa trẻ  ngoan. Không được nền nếp, nhưng cũng chăm chỉ. Thỉnh thoảng, cháu vẫn sang nhờ tôi bảo giúp bài văn, bài toán. Có việc gì cần nhờ cháu giúp, cháu rất nhiệt tình. Chỉ có mỗi điều là cứ chiều đến là nghe ông hàng xóm chửi vợ chửi con. Cái giọng lè nhè say rượu cứ hết chuyện nọ sang chuyện kia. Nhưng nếu lúc ấy, đóng cửa lại thì tiếng ông cũng không to lắm. Vả lại, lảm nhảm một lúc thì ông ấy ngủ. Hòa bình được lập lại. Cũng không có gì rắc rối lắm.

Thỉnh thoảng cũng có người hỏi thăm. Tôi nói cũng bình thường. Dĩ nhiên là không dám nói tới việc mất chùm chìa khóa.

Tháng 4 năm ấy, chuẩn bị bầu cứ quốc hội. Lại là quốc hội thống nhất cả nước. Long trọng lắm. Thị xã tổ chức cho các cháu học sinh đi cổ động vào buổi tối. Có cờ, có hoa, và có cả đuốc. Tôi cũng đã đi “rước đuốc” hồi kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc. Trẻ con mỗi đứa mang theo một bó nứa khô. Đến giờ là cùng đốt lên, lửa cháy rừng rực, vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Đuốc của đứa nào tắt lửa thì ghé sang xin lửa của đứa bên cạnh. Chí chóe như mổ bò. Vui lắm! Nhưng đó là chuyện ở rừng. Sơn Tây không thể có nhiều nứa như thế. Mỗi cháu cũng một cái đuốc. Nhưng đuốc là một cái ống bơ sữa bò, trong có giẻ, đổ dầu cặn vào. Ống bơ được buộc vào một cái cán tre, các cháu cầm giơ lên cao quá đầu. Lửa cháy rừng rực, các  cháu vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Hào hứng lắm. Trẻ con, người lớn xúm xít đi theo như xem hội. Cả cái thị xã miền trung du này vốn lặng lẽ với những ngôi nhà một tầng nép dưới những gốc bàng hôm nay mới được dịp rộn rã hẳn lên. Tiếng trống ếch, tiếng hô khẩu hiệu vang động. Cứ thấy “rùng rùng” và tiếng trẻ con gào “hoan nghênh”, “nhiệt liệt”, rồi “muôn năm”, chẳng hiểu “hoan nghênh” cái gì, “nhiệt liệt” thế nào.

Bẵng đi một lúc, tự nhiên thấy bên nhà ông An Tâm tiếng kêu khóc, tiếng gọi con. Lúc ấy cũng đã muộn. Thường thì những âm thanh như thế này bên nhà ông không hiếm gặp. Lắng nghe một lúc, tôi cảm thấy hình như có chuyện, mà là chuyện của thằng cháu Toản đi cổ động. Tôi vội chạy sang. Thì ra cháu Toản đi cổ động, chẳng biết bất cẩn thế nào, một ống bơ dầu của ai đó đổ vào người cháu, quần áo bắt lửa, cháy. Cháu luống cuống, dập mãi không tắt, phải nhảy xuống hào nước, bị bỏng nặng, người ta đang đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nửa đêm, trong nhà lại thấy tiếng người, tiếng kêu, tôi mở cửa ra hỏi thăm. Ông An Tâm bảo, cháu bị bỏng nặng lắm, bệnh viện thị xã chuyển xuống viện 103 ở Hà Đông. Thật ái ngại, nhà hàng xóm bỗng lặng lẽ quá, không khí trầm lặng bao phủ. Được vài hôm thì tôi được tin, cháu Toản đã chết, bỏng sâu quá, không cứu được.

Hôm đưa cháu từ Hà Đông về nghĩa trang thị xã mưa như trút. Tôi có giờ nhưng nhờ người dạy hộ ra đầu nghĩa trang đón cháu, thắp cho cháu một nén hương, chia sẻ nỗi đau với ông hàng xóm. Vẫn còn nhớ ông luôn nói với tôi: “Tôi chỉ hy vọng ở thằng này thôi chú ạ!”

Rồi dần mọi chuyện cũng nguôi ngoai. Bầu cử quốc hội, rồi nghỉ hè. Tôi khóa cửa, gửi nhà nhờ ông hàng xóm trông giúp, đưa vợ con về Hà Nội.

Hơn tháng sau, hết kỳ nghỉ, tôi đạp xe lên trước quét dọn nhà cửa, còn vợ con sẽ đi ô tô lên vào buổi chiều. Nhà cửa không suy suyển gì. Tôi quét dọn, săm soi vào các khe, các ngách sợ mối xông. Lúc ghé mắt nhìn vào lưng cái tủ nhỏ, tôi thấy có cái gì đấy kẹt giữa lưng tủ và bức tường. Nhích cái tủ ra một chút, nghe tiếng “cạch”. Tôi cúi xuống nhìn, thì ra chiếc khóa và chùm chìa khóa mà tôi cứ tưởng đã mất hôm dọn nhà. Tôi bàng hoàng, lặng người đi. May mà tôi chưa nói một lời nào tỏ ý  nghi ngờ cháu Toản. Nhưng dù sao thì trong óc tôi cũng đã nghi cho cháu. Tôi ân hận quá. Ngay chiều hôm ấy, tôi mua một thẻ hương, ra nghĩa trang, thắp hương trên mộ cháu như nói với cháu một lời xin lỗi.

Từ đó, tôi càng thấm thía câu thành ngữ “một mất mười ngờ” và mỗi khi mất cái gì đều nhớ lại câu chuyện này.

9 BÌNH LUẬN

  1. Cháu vừa mất cái xe máy tháng trước, cũng nghi ngờ một kẻ vô công nhưng bây giờ thì tin tưởng hơn bác ạ, và lo lắng hơn: Tin tưởng các D/c công an, và lo lắng cho tương lai của tên trôm.

  2. Thầy kgông là đảng viên nhưng thầy rất có lương tri.Nhiều , rất nhiều đồng chí của tôi coi dân là địch kể cả bố họ.

  3. Những người có tâm như thầy và nhiều người có tâm khác mà quá thẳng thắn và trung thực chỉ được ngắm Đảng trên cao thôi nên đất nước mới lắm tiêu cực như ngày nay…

  4. Truyện Thầy viết đọc thấy xúc động và chi tiết sống động của một thời. Nhớ năn lớp 6 một bạn kêu mất cái “bút máy”. Cả lớp xôn xao vì ai cũng ngại bị người khác nghi ngờ. Thày giáo địa bèn mang câu truyện “Bác Tiều Phu mất Rìu” kể cho cả lớp làm bài học. Cái bút của bạn bị lọt vào khe cắp sách

  5. Những chuyện như thế này, trong đời ai cũng có ít nhất một lần. Đúng là phải tìm cách ứng xử sao cho phải đạo để khỏi ân hận về sau.

  6. Rơi nước mắt khi đọc xong bài viết dù khi đọc về việc mất chùm chìa khóa tôi vẫn nghĩ “cốt lõi” của vấn đề là KHÔNG MẤT, chỉ rơi ở đâu đó thôi và rồi cái kết của câu chuyện như điều tôi đã nghĩ!

Trả lời Uyên Kha Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here