1. Các bản của mỗi xã cách nhau ít cũng là 1 km, có khi đi đến bản gần nhất tới 6, 7 km. Bản người Thái thường nằm bên đường xe chạy, nhưng bản người H’mông hay Khơ mú thường trên núi cao, nhất là bản người H’mông. Tới bản của họ, nhiều khi xe máy cài số 1 vẫn không leo được, đành vứt xe bên lề đường, leo bộ. Được một quãng lại dừng lại, hổn hển thở, mấy lượt mới tới nơi. Thế mà đến vụ thu hoạch ngô, dân thường phải chở ngô ra bên đường, dựng lều lán chứa ngô, chờ người từ huyện đưa ô tô vào mua. Đưa được ngô từ nương ra tới đường cái lớn quả là nhiều vất vả. Ngô được cho vào những bao tải, sau đó vác trên vai.
Đường quanh co đèo dốc nên mỗi bao chỉ khoảng chục cân. Trong các dự án xóa đói giảm nghèo, có một loại dự án làm đường, đường từ bản tới đường cái lớn. Hồi ấy có cái người ta gọi là làm “đường 20 triệu”. Nghĩa là giá thành làm một km đường là 20 triệu đồng (khoán cho nhà thầu). Máy ủi men theo sườn núi, gạt đất, san thành đường, rộng khoảng 2 mét. Kể một bản có hơn chục nóc nhà, trung bình bỏ ra 40 – 50 triệu để làm một con đường cho bà con đi lại thuận lợi cũng không phải là đắt. Nhưng chết nỗi, con đường vừa làm xong, chỉ sau vài trận mưa thì không còn là đường nữa. Cả “ta-luy âm”, “ta-luy dương” đều lở. Có chỗ đất từ trên cao trôi xuống lấp đầy mặt đường tới cả vài ba chục mét, không thể đi được. Có chỗ đất từ mặt đường trôi xuống vực, chẳng còn đường mà đi. Thế là nhiều lắm chỉ sau 2 năm, tình trạng đi lại trở thành “nguyễn y vân”, đường chẳng ra đường. Một “đống” tiền trôi ra sông ra suối hết! Bằng sức của mình, dân bản có tích cực đến mấy cũng không thể sửa chữa để giữ con đường được. Đất đá sạt lở nhiều quá, mà dân mỗi bản đâu có nhiều!
Sao người ta không có dự án đưa dân tới sống tập trung ở một nơi nào đó, gần đường ô tô, gần nguồn nước. Nhiều bản ở gần nhau. Vừa thuận lợi cho cuộc sống của dân, vừa thuận lợi cho nhà nước trong việc đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống của họ? Tiền hỗ trợ cho dân chuyển nhà có lẽ cũng chỉ hơn tiền làm đường một ít. Nhưng chỉ phải đầu tư một lần, mọi thứ đều trở nên tốt hơn.
Tưởng là thế, nhưng rời xa những cái nương của mình đã bao đời khai phá, người dân không muốn. Hiện tại, từ bản tới nương cũng đã khá xa rồi. Đi xa hơn thì không làm nương được.
Vậy làm thế nào? Ai có sáng kiến gì không?
2. Tiền đổ vào xóa đói giảm nghèo nhiều lắm. Mỗi xã, trong cùng một lúc, có tới mấy cái dự án loại này. Nào làm thủy lợi, rồi “điện, đường, trường, trạm”, rồi “nước sạch”, rồi y tế, …Nhưng số người thoát nghèo, có cuộc sống ấm no chưa được bao nhiêu. Có dự án thì thoát nghèo, nhưng hết dự án thì trở lại cận nghèo, rồi tái nghèo.
Mỗi khi về bản, mình thường ở nhà dân, đến bữa thì ăn cùng với họ. Họ không lấy tiền, nên thường mang theo cân đường, hộp sữa (Ông Thọ) làm quà. Bữa ăn chẳng bao giờ có thịt. May mắn thì được ăn canh măng nấu với cá suối hoặc chim bẫy ngoài rừng. Còn toàn canh măng nấu suông với một bát nậm chéo (muối trộn với ớt). Và rượu. Rượu thì “vô tư đi!” Nhưng đến vụ thu hoạch ngô (khoảng tháng 9 tháng 10 dương lịch), nhà nhà đều mua thịt, cứ luân phiên, nhà này thịt lợn bán cho các nhà khác. Có nhà mua hai ba cân một lúc. Hôm sau lại thịt. Hết lợn trong bản thì đi mua của bản khác. Tất nhiên là không thể thiếu rất nhiều rượu. Cuộc vui chỉ dừng lại khi ngô đã bán hết và tiền thì cũng sắp cạn.
Bữa cơm rất thiếu rau xanh chứ không phải chỉ thiếu thịt cá, … Loại rau thường thấy là măng hoặc các loại rau rừng. Có mấy cái quán mà hàng ngày, phải có người từ cách xa 50 cây số chở thịt, cá và từng mớ rau, bó hành cung cấp. Trong khi đất thì có thể nói là vô tận, toàn để cho cây hoang, cỏ dại mọc. Phân cũng rất nhiều, từ đầu đến cuối bản vương vãi đầy phân trâu bò, những bãi buộc trâu ở đầu bản thì phân ngập ngụa. Thế mà chẳng có nhà nào trồng rau.
3. Một buổi trưa, vừa ăn cơm xong, tôi đứng trên sàn nhìn mọi người qua lại. Chợt thấy Páo, một anh trưởng bản đang đứng nghiêng ngó. Trời nắng chang chang, đã 12 giờ rồi. Tôi gọi to:
– Páo ơi, chưa về à?
Anh ta hướng về phía tôi, nói cái gì đó mà tôi không nghe thấy. Càng tỏ ra không nghe thấy, anh ta càng nói, như cố để cho to hơn.
Tôi bước xuống sàn, đi tới chỗ Páo đang đứng. Một người phụ nữ đang địu con bên cạnh. Tôi hỏi, thì ra hai vợ chồng anh đưa con tới trạm xá khám bệnh. Đây cũng là một dự án cho miền núi. Trạm xá khám bệnh và phát thuốc miễn phí (những thứ thuốc thông thường). Páo mới ngoài ba mươi, bằng tuổi con lớn của tôi, thế mà hai vợ chồng đã có 5 đứa con. Dĩ nhiên là nghèo lắm. Tôi hỏi:
– Khám xong rồi, sao chưa về?
Anh ta cứ bẽn lẽn, không nói gì. Tôi gặng hỏi. Thì ra, đi từ sáng (bản cách xa khoảng 6 cây số), khám bệnh cho con xong rồi, nhưng cả hai vợ chồng đói quá, mà tiền thì không có, đang tìm xem có ai quen để vay.
Tôi đưa hai vợ chồng vào cái quán gần đấy, bảo họ dọn cơm cho hai người ăn. Nhìn đứa con mới hơn hai tuổi như cái dải khoai, xanh xao mà thật xót xa, dù chẳng phải con cháu mình. Trong khi hai vợ chồng ăn cơm, tôi sang bên cạnh, mua cho cháu hộp sửa Ông Thọ. Ăn xong, Páo cám ơn và bảo rồi khi nào có tiền sẽ trả. Tôi bảo:
– Không, tôi mời hai người, cho thêm cháu hộp sữa về bồi dưỡng. Không phải trả.
Chồng đi trước, vợ địu con theo sau, lầm lũi đi dưới cái nắng buổi trưa. Nhìn theo nghĩ, thế này chắc đứa con lại ốm thêm.
Thế mà chỉ một tuần sau, mới chưa đến 6 giờ sáng, từ trên sàn, tôi đã thấy Páo đi xe máy, sau xe chở một cái bao tải. Nhìn lên thấy tôi, Páo toe toét cười rất mãn nguyện. Tôi vẫy muốn bảo anh dừng lại để hỏi về tình hình đứa con anh. Nhưng anh đã đi vụt qua. Lát sau, anh quay lại. Thì ra anh mang bán ngô. Bán để lấy tiền uống rượu. (xe máy là của một anh trong “hội rượu”). Ở đây có những người đứng ra mua gom ngô với giá rẻ hơn. Những người cần tiền ngay, chỉ bán một vài chục cân họ cũng mua. Họ gom lại chờ có xe từ Sơn La vào thì bán. Chỉ ngồi một chỗ, cũng lãi được ít nhất 20%, mà thời gian chỉ trong vòng mươi ngày.
4. Cái xe máy là niềm vui nhưng cũng chính là cái thứ khiến cho người dân thêm nghèo. Nó là phương tiện đi lại, là phương tiện chuyên chở. Thì đúng thế. Nhưng toàn núi với rừng, có đi đâu nhiều? Lại chẳng làm ra sản phẩm gì, đâu có cái mà chuyên chở! Nhưng cũng đua nhau mua. Nếu có tiền mua thì đã đành. Toàn nghe mấy người bán hàng ngoài huyện vào gạ gẫm mua trả sau. Một cái xe Win (Tàu) giá mua khoảng 6 – 7 triệu. Nhưng thích mua, vì người ta có mà chẳng lẽ mình lại không có, phải đợi đến vụ ngô (khoảng 6, 7 tháng sau) mới có tiền, thì phải trả tới 13, thậm chí 14 triệu. Nhưng vẫn mua, vì còn được khuyến mãi 10 lít xăng. Nhưng chạy hết 10 lít xăng thì xe để đấy. Thỉnh thoảng, ngồi buồn, chạy ra đầu bản, mua nửa chai nhựa xăng, về đổ vào xe, loanh quanh đầu bản cuối bản, hết xăng lại dắt xe về để một chỗ. Đến vụ ngô, chủ bán xe chầu chực suốt ngày đòi tiền, chưa có tiền thì đợi bẻ ngô về, lấy luôn. Lại thiệt thêm vì tính tiền mua ngô rẻ hơn bình thường. Thế làm sao thoát nghèo?
5. Cho nên, ở với dân bản một thời gian, mình thấy cái quan trọng đối với họ không phải chỉ có tiền mà cần hơn là cách làm ăn, là nếp sống cần kiệm.
Giá như cán bộ tỉnh, huyện mỗi khi về với dân, ít “trăm phần trăm” đi, để cho dân noi gương.
Giá như mỗi khi về bản, cán bộ bớt “xả láng” đi để cho dân học tập.
Cán bộ ngay sát nách lúc nào cũng say lướt khướt, mặt đỏ như gấc, về xã về bản là toàn thấy “mâm cao cỗ đầy” mà cứ bảo người ta học tập ai ở tận đâu đâu!
Giá như thay cho phát động phong trào xây dựng thôn bản văn hóa, người ta phát động phong trào nhà nhà trồng rau, hạn chế uống rượu.
Giá như thay cho kêu gọi người ta học tập những tấm gương xa lạ, dạy cho dân học cách tiêu tiền, cách tiết kiệm.
Dạy cho dân những việc ấy chắc chắn ít tốn tiền hơn làm các loại dự án nhiều. Mà giảm nghèo chắc chắn là bền vững.
Nhưng có lẽ vì ít tiền quá nên người ta không thèm làm!
Thầy viết đúng quá! Em cũng cảm nhận y như thầy khi đến các vùng nghèo khó này!
Dân phải suốt đời NGHÈO ,cac ĐẦY TỚ của Dân mới GIẠU được chứ.
Dân vùng cao mà chĩ trống NGÔ.Sao Bộ Nông Nghiêp không dạy Dân trồng các cây có dược thảo có gia tri cao như”Thảo quả ,Thục dĩa ,đương quy,quế ,hồi vvv,cây Pơmu,Hoàng đàn để đổi lấy gao của đồn bằng Nam Bộ
Vận chuyền nên nuôi con LỪA hây Lama {Nam Mỹ ) rât quen vận chuyễn vùng núi cao