Tại chức là một hình thức học tập, theo Từ điển tiếng Việt, “không phải tập trung mà người theo học vẫn vừa công tác hoặc lao động sản xuất như bình thường, vừa tham gia học tập.” (Viện ngôn ngữ học – Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam – Từ điển tiếng Việt – Nxb Khoa học xã hội – H. 1988, trang 916). Cùng với “chuyên tu”, “hàm thụ”, đây là một trong những hình thức học tập phổ biến ở Việt Nam. Một đặc điểm chung của những hình thức học tập này là người học chủ yếu phải tự học, thầy chỉ có vai trò hướng dẫn.

Tôi không phủ nhận khả năng tự học của con người. Trên thế giới đã có không ít những tấm gương nhờ tự học mà thành tài, bằng cấp, học hàm học vị chẳng là bao nhưng những đóng góp cho khoa học, cho sự phát triển của văn minh nhân loại thì vô cùng xứng đáng được ngưỡng mộ.Frederick Douglass(1818 – 1895), Thomas Alva Edison (1847 – 1931) Ando Tada (1941 – ), Dame Jane Morris Goodall (1934 – ), …là những tấm gương không ít người biết. Nhưngđể có thể tự học thành công, người học ngoài lòng say mê, ham học hỏi vô bờ còn phải có nghị lực phi thường để vượt mọi khó khăn trong đó trở ngại lớn nhất là phải chiến thắng được sự lười biếng, bản tính cố hữu của con người. Vì thế, số người thành công trong việc tự học không nhiều.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, bước vào xây dựng đất nước, chúng ta vô cùng thiếu cán bộ chuyên môn. Miền Bắc khi ấy chỉ mới có 5, 6 trường đại học, số sinh viên của mỗi trường cũng không nhiều. Để kịp thời có nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, nhiều lớp hàm thụ, tại chức, chuyên tu đã được mở. Những cán bộ có trình độ trung cấp được lựa chọn, sau một thời gian được  đào tạo đã có thể đảm đương được những công việc đòi hỏi những người có trình độ đại học. Các y tá, y sĩ sau một số năm học tại chức đã trở thành bác sĩ, giáo viên cấp 2 nhiều người mới tốt nghiệp sư phạm trung cấp ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), sau vài ba năm hàm thụ đã trở thành giáo viên cấp 3. Với những kinh nghiệm sẵn có trong thực tế, lại được trang bị thêm tri thức lý thuyết, nhiều  người theo học các lớp tại chức, hàm thụ này đã có thể trở thành cán bộ nòng cốt trong nhiều bệnh viện, trường học, nhà máy, công xưởng.

Để kịp thời động viên cho hình thức học tập này, nhà nước có quy định coi bằng chính quy và bằng tại chức có giá trị như nhau. Rất tiếc quy định này còn tồn tại đến nay để cực kỳ vô lý khi bằng Bổ túc văn hóa, giáo dục từ xa (tiền thân của nó là vừa học vừa làm do bị gọi là “vừa học vừa lừa” nên phải đổi tên) được coi ngang với bằng tốt nghiệp giáo dục phổ thông trung học (kể cả các trường chuyên lớp chọn). Nhìn chung, những người học tại chức chỉ có thể đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, trong hoàn cảnh thiếu người làm việc,  họ có kinh nghiệm thực tiễn nhưng trình độ chuyên môn lý thuyết khó có thể bằng những người được đào tạo chính quy (vì thời gian đào tạo thực tế  ngắn hơn nhiều),  để  trở thành những cán bộ vững vàng về chuyên môn, họ phải có một quá trình gian khổ tự học tiếp theo.

Nhưng từ khi bắt đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, cùng với những khó khăn của cuộc sống thời  chiến, chất lượng học tập của các lớp học này không còn được đảm bảo như trước cũng như sự giảm sút không thể cưỡng lại của chất lượng giáo dục nói chung. Trong dân gian đã xuất hiện câu thành ngữ “Dốt chuyên tu, ngu tại chức”.

Lẽ ra, sau chiến tranh, và nhất là trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các trường đại học trên cả nước, các lớp tại chức phải dần “teo” lại. Nhưng thật là nghịch cảnh, càng ngày, lối học tại chức càng phát triển, mặc dù nhiều  trường đại học đến nay không tuyển đủ sinh viên cho hệ chính quy. Từ những năm 80, khi kinh tế trong tình trạng khủng hoảng, chất lượng giáo dục nói chung sa sút thì chất lượng giáo dục tại chức càng tồi tệ. Các trường đại học rất quan tâm đến hình thức đào tạo này chỉ vì đó  là phương thức có thể  cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho không ít cán bộ giảng dạy của trường trong thời buổi khó khăn. Và những người không thi nổi vào đại học chính quy đã lợi dụng kẽ hở này để đạt được mục  đích riêng. Nhất là từ khi các lớp tại chức được tổ chức không phải ở các trường đại học mà ở các địa phương cả việc học lẫn thi cử. Các thầy về dạy và tổ chức thi các lớp tại chức được cư xử như những “ông hoàng” (có lẽ chỉ kém vì thiếu  cái ngai). Thôi thì “cơm bưng nước rót”, “ăn chơi nhảy múa” đủ kiểu. Được bố trí ở những khách sạn sang trọng nhất của tỉnh, mọi chi phí ăn ở đã có người lo, được chiều chuộng mọi sở thích ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, đến khi trở về trường, ngoài quà cáp hậu hĩnh, các thầy còn được nhận kèm theo mấy tờ “hóa đơn đỏ” để thanh toán với tài vụ của nhà trường cùng tiền lưu trú và công tác phí.  Không ít người nhờ dạy tại chức đã đổi đời, có nhà lầu, xe hơi. Chi phí này đều do các học viên đóng góp, vì không ít những người học các lớp tại chức này chỉ chờ có cái bằng đại học sẽ được bổ vào các  chức  vụ lãnh đạo của tỉnh, mở đầu cho những bước nhảy ngoạn mục trên con đường tiến thân. (Nếu Bộ Nội vụ mở một cuộc điều tra về những khoản thu chi này chắc chắn sẽ thu được những kết quả rất thú vị). Lối học tại chức, hình thức học tại chức  đã biến tướng thành lối mua bán bằng cấp, cái bằng tại chức đã trở thành điều kiện để “làm quan tắt”. Nhìn thẳng vào sự thật ấy để thấy cái bằng tại chức chứa đựng rất ít hàm lượng tri thức để có thể tin cậy về chuyên môn nghiệp vụ. Cho nên không ngạc nhiên khi nhiều “sếp” quay sang hỏi chuyên viên đi cùng trong các cuộc thương thảo “Một triệu có mấy số không?” “ Diện tích  hình thang tính thế nào?”

Thật là vô lý, khi rất nhiều người đã tốt nghiệp sau khi  được đào tạo chính quy của các trường đại học đang thất nghiệp thì những người học tại chức (nghĩa là trình độ đầu vào thấp hơn và quá trình đào tạo không bài bản bằng) được chấp nhận và trở thành viên chức trong biên chế và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước.

Nói không với tại chức sẽ chỉ làm thiệt hại trực tiếp đến các trường đại học. Số người học tại chức sẽ giảm đi nhanh chóng, thậm chí có thể sẽ không còn. Nguồn thu nhập không lấy gì làm chính đáng sẽ  mất, cuộc sống của số những người này sẽ trở về với cuộc sống còn eo hẹp như mọi người bình thường khác. Những người bị loại trong những cuộc thi vào các trường đại  học chính quy sẽ mất cơ hội có thể được thăng tiến bằng những lối đi không lấy gì làm minh bạch. Nhưng nhà nước, nhân dân sẽ được lợi vì có thể lựa chọn những cán bộ có chất lượng vào bộ máy công quyền, chất lượng cán bộ sẽ dần được nâng cao, và quan trọng hơn, sự công bằng sẽ được thiết lập. Hiện tượng “bằng thật học giả” sẽ dần được giảm bớt. Tiền thuế của dân đóng góp sẽ được sử dụng đúng mục đích.

Đà Nẵng, và mới đây là Nam Định đã nêu cao ngọn cờ “nói không với tại chức” trong khâu tuyển chọn cán bộ. .Đây là một dấu hiệu tốt đẹp, bước đầu trong việc sử dụng những người được đào tạo bài bản, loại bỏ những thành phần làm nhiễu các cuộc thi tuyển công chức ở các địa phương. Chắc chắn, lãnh đạo các tỉnh nếu công minh chính trực sẽ tiếp bước Đà Nẵng và Nam Định góp phần nâng cao chất lượng viên chức nhà nước. Rất tiếc nhiều người vẫn phản đối, vẫn lên tiếng bênh vực cho tại chức, phê phán Đà Nẵng và Nam Định, không hiểu vì lý do gì?

5 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của thầy rất đúng. Mong rằng nhà nước sẽ có những chính sách để sử dụng những người thực sự có tài. Có như vậy thì xã hội mới phát triển và công bằng.

  2. Nỏ phải “kẽ hở” mô cụ ơi, họ mở rộng thênh thang hơn Đại lộ Thăng Long đó cụ à. Mua đủ thứ bằng nhờ đủ loại trường, nhất là các trường của quân đội, công an giành riêng cho con cháu sĩ quan, cứ vô trường nuôi ăn học thì tất cả đều có bằng THCS, THPT, sau đó cộng điểm ưu tiên đủ loại là có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, PGS, GS. Các cháu không cần học, không coi thầy ra cái lá đa chi. Loại này nhìn đời = nửa con mắt đó cụ.

  3. Đại học chính quy vẫn có bằng giả , bằng tại chức vẫn có bằng thật vấn đề là họ tự thân vận động ! Các nhà bác học học xong đăi học họ đi chuyên tu tự nghiên cứu và phát minh ra nhiều hơn cả thày của họ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here