Năm 557, quân phiệt Trần Bá Tiên (1) triều Lương tự lập làm vua, đổi quốc hiệu thành Trần. Đời vua thứ 5 của triều Trần là Trần Thúc Bảo, vẫn còn duyên nợ với đàn ca hát xướng, cuối cùng trở thành vị vua mất nước vì luôn sống như trong mơ, người đời sau gọi là Trần Hậu Chủ.

Sau khi  lên ngôi được một năm, năm 580, đúng lúc chính quyền Bắc Chu bị ngoại thích Dương Kiên lấn át. Năm sau, Dương Kiên lên ngôi, kiến lập triều Tùy. Đó chính là Tùy Văn Đế.

Là một nghệ sĩ, Trần Hậu Chủ cũng có tài năng. Nhưng để làm một Hoàng đế, thì thật là điều vô cùng phi lý. Ông ta hoàn toàn không biết gì đến việc nước, chỉ biết hát xướng rượu chè. Ông rất thích xây dựng kiến trúc, đã cho làm ba tòa lầu các tráng lệ, cho các ái phi của ông ở. Người gần gũi là Tể tướng  Giang Tổng (2), Thượng thư Khổng Phạm, đều là những văn nhân cổ hủ. Trần Hậu Chủ cùng các ái phi thường trong cung bày yến tiệc, tiệc nào, những người gần gũi đó cũng tham gia. Mọi người cùng nhau uống rượu làm thơ, kẻ xướng người họa, rồi còn đem thơ phổ nhạc, chọn hơn nghìn cung nữ để diễn xướng.

Trần Hậu Chủ tinh thông âm luật, ông ta thường tự soạn các điệu múa rồi phổ nhạc để cung nữ luyện tập, nhạc công dàn dựng. Ông ta cũng là người  rất giỏi nhạc khí, thường tập trung tinh thần biểu diễn những khúc nhạc tự soạn. Nhưng khúc nhạc nổi tiếng của ông là “Ngọc thụ hậu đình hoa”, “Lâm xuân nhạc”, “Hoàng ly lưu”, “Xuân giang hoa nguyệt dạ”, …Trong đó, “Ngọc thụ hậu đình hoa” là khúc ca thanh âm tuyệt mỹ, ca từ đẹp đẽ, nam nữ xướng họa vô cùng say sưa.

Trần Hậu Chủ cực kỳ xa xỉ, với dân chúng, ông ta vơ vét rất tàn bạo. Nhân dân không sống nổi phải bỏ nhà mà đi, chết mất xác nơi đất khách. Có vị đại thần là Phụ Tể dâng tấu thư, nói: “Giờ là đã tới lúc trời giận người oán, dân chúng phải bỏ ruộng đất mà đi. Cứ như thế này, e rằng vương triều ta sẽ mất”.

Trần Hậu Chủ đọc tấu chương nổi giận, cho người nói với Phụ Tể:

–         Ông có nói lại được không? Nếu ông nói lại, ta sẽ tha cho.

Phụ Tể nói:

–         Tấm lòng và khuôn mặt của tôi giống nhau. Nếu cái mặt của tôi không đổi được, lòng tôi sao thay được?

Trần Hậu Chủ giết ngay Phụ Tể.

Sau năm năm Trần Hậu Chủ sống cuộc sống xa hoa, triều Tùy ở phương bắc dần mạnh lên, quyết tâm tiêu diệt triều Trần ở phương nam.

Tùy Văn Đế nghe kế của mưu sĩ, mỗi khi đất Giang Nam tới mùa thu hoạch, lại cho người ngựa tập kết ở vùng biên giới, phao tin sẽ tiến công triều Trần khiến dân chúng hoang mang không thiết gặt lúa. Đợi tới khi quân Trần tập trung, chuẩn bị chống lại, quân Tùy lại lui binh. Cứ như thế mấy năm, sản xuất nông nghiệp của triều Trần bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tinh thần quân lính cũng chán nản. Quân Tùy còn thường cử những đội quân nhỏ, tập kích vào các kho lương của triều Trần, phóng hỏa, khiến triều Trần bị tổn thất rất lớn.

Năm 588, Tùy Văn Đế cho đóng nhiều chiến thuyền lớn nhỏ, lại cử con là Tấn vương Dương Quảng, Thừa tướng  Dương Tố (3) làm nguyên soái, Hạ Nhược Bật, Hoàng Cầm Hổ làm đại tướng , mang 50 vạn quân, chia làm tám hướng vượt sông tiến công triều Trần.

Dương Tố chỉ huy thủy quân xuất phát từ Vĩnh An, mang mấy nghìn đại thuyền Hoàng Long men theo bờ đông Trường Giang, cờ xí rợp sông, giáp  trụ của binh sĩ sáng lóa. Quân phòng thủ của triều Trần thoáng nhìn đã sợ hãi, không còn sức chiến đấu.

Mấy đường tiến của quân Tùy đều gặp thuận lợi. Người ngựa của Hạ Nhước Bật đến Kinh Khẩu, quân của Hàn Cầm Hổ tới Cô Thục. Quân tướng Trần không ngừng cấp báo về Kiện Khang.

Trần Hậu Chủ đang cùng các cung phi và văn nhân say sưa đàn hát, nhận được tin cấp báo như không hay biết, quên hết mọi việc.

Sau đó, tin cấp báo ngày càng nhiều thêm, một đại thần xin nhà vua bàn cách đối phó, lúc này Trần Hậu Chủ mới triệu tập quần thần bàn bạc.

Trần Hậu Chủ nói:

– Đông nam này là đất thánh, từ Bắc Tề tới nay đã đánh tới ba lần, Bắc Chu cũng đánh hai lần, nhưng họ đều thất bại cả. Lần này quân Tùy tiến công, chẳng phải là tìm tới cõi chết sao, không có gì phải sợ!

Sủng thần là Khổng Phạm cũng phụ họa:

– Bệ hạ nói rất đúng. Chúng ta có sông Trường Giang hiểm trở, quân Tùy lại không có cánh, lẽ nào bay được tới đây! Nhất định đây chỉ là các quan muốn tâng công, còn kẻ địch phao tin thất thiệt.

Người này một câu, người khác một giọng, chẳng ai bàn tới việc quân Tùy tiến công, cười nói một hồi, ai lại vào việc ấy, người thì bảo cung nữ hát xướng, kẻ thì sai cung nữ dâng rượu.

Tháng giêng năm 589, người ngựa của Hạ Nhước Bật vượt sông, đánh vào Kinh Khẩu.

Người ngựa của Hàn Cầm Hổ từ Hoàng Giang vượt sông đánh tới Thạch Cơ (4), hai cánh của quân Tùy đã áp sát Kiện Khang.

Tới lúc lửa cháy tới mặt Trần Hậu Chủ mới tỉnh ngộ. Quân sĩ trong thành còn có hơn chục vạn, nhưng Trần Hậu Chủ cũng như các thủ hạ như Giang Tổng, Khổng Phạm không hiểu việc quân. Trần Hậu Chủ vừa khóc vừa mếu, không biết làm thế nào. Quân Tùy vô cùng thuận lợi đánh vào Kiện Khang, tướng  sĩ quân Trần đều  bị bắt làm tù binh hoặc đua nhau  đầu hàng.

Quân Tùy đánh vào Hoàng cung, đi tìm Trần Hậu Chủ mà không thấy. Về sau, bắt được mấy thái giám, mới biết Trần Hậu Chủ đang ở dưới giếng phía sau cung điện.

Quân Tùy tới sau cung điện, quả nhiên có một cái giếng, nhìn xuống là một cái giếng cạn, nhìn kỹ thấy dưới đó có người, bèn lớn tiếng gọi. Người dưới giếng không trả lời. Các binh sĩ đe dọa:

– Không trả lời, chúng tôi sẽ ném đá xuống. Nói xong bèn ném một viên đá xuống giếng.

Trần Hậu Chủ bị trúng hòn đá vội lên tiếng. Binh sĩ ném dây thừng xuống giếng mới đưa được Trần Hậu Chủ cùng hai cung phi lên.

Nhìn thấy tình cảnh này, quân Tùy không ngăn được tiếng cười. Ông vua quen mơ mộng thế này làm sao không mất nước!

Trần Hậu Chủ trở thành ông vua mất nước, bài  “Vương thụ hậu đình hoa” do ông ta sáng tác đã thành bài ca mất nước.

 

Chú thích:

(1)   Trần Bá Tiên: (503 – 559), người Ngô Hưng, Trường Thành (nay là phía đông Trường Hưng, Chiết Giang. Thay Tề lập Trần, đó là Trần Vũ Đế.

(2)   Giang Tổng: (519 – 594), người Khảo Thành, Tế Dương.

(3)   Dương Tố ( ? – 606), người Hoa Âm, Hoằng Nông (nay thuộc Thiểm Tây)

(4)   Thái Thạch Cơ, tương truyền nay ở bờ đông Trường Giang, phía nam thành phố Mã Yên Sơn, tỉnh An Huy ngày này.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here