Cố Khải Chi (1) là một họa sĩ lớn thời Đông Tấn. Dưới bàn tay ông, chân dung con người, thú vật hay núi sông đều đẹp đẽ lạ lùng, chỉ tiếc là các bức tranh của Cố Khải Chi tới nay đều thất truyền, những bức tranh còn hiện nay đều do người đời sau vẽ lại như “Nữ sử châm đồ”, “Lạc thần phú đồ” và “Liệt nữ nhân tri đồ” (2). Dù thế, chúng cũng đã  thể hiện đỉnh cao tài năng kiệt xuất của ông so với đương thời.

Chuyện về Cố Khải Chi nhiều vô cùng, bạn có biết chuyện ông vẽ chân dung người mẹ của mình? Câu chuyện  như thế này:

Ngay từ nhỏ, Cố Khải Chi đã gặp chuyện không may mắn, mẹ ông mất sớm, ông lớn lên bằng dòng sữa của người khác.  Còn nhỏ, ông đã được gọi bằng tên “Hổ đầu” vì có dáng vẻ như chú hổ con, trông rất đáng yêu. Sớm mất mẹ, tính cách Cố Khải Chi cũng có điều khác thường. Một hôm, chú bé cùng lũ bạn nhỏ chơi đùa, bỗng nghe tiếng một người bạn gọi “mẹ”, rồi sau đó chạy tới ôm lấy người mẹ của mình. Thấy thế, chú bé Cố Khải Chi nhìn theo cảm thấy cái ấm áp của tình mẹ. Chú bé rơm rớm nước mắt, chạy về nhà tìm cha.

Cha Cố Khải Chi là một viên quan ở triều đình nhưng ông xa lánh thế tục, ghét việc triều chính, không màng tới công danh, suốt ngày chỉ quẩn quanh ở nhà đọc sách làm thơ. Người cha thấy đứa con nhỏ vừa khóc vừa chạy về nhà, không rõ chuyện gì, vội hỏi:

– Hổ con! Có chuyện gì vậy?

Cố Khải Chi vừa khóc vừa nói:

– Con muốn mẹ, con muốn mẹ cơ!

Tiếng khóc và lời đứa con nhỏ như xuyên thấu tâm can người cha, sợ Cố Khải Chi quá thương xót mẹ, ông đành phải nói dối:

– Mẹ con… mẹ con … đi về ông bà ngoại mà!

– Bao giờ thì mẹ về ạ? Cố Khải Chi hỏi.

Cha ông đành nói cho qua:

– Chắc … chắc… khoảng tháng nữa thì về.

Người cha chỉ mong sau một tháng, đứa con sẽ quên đi chuyện này. Ai có ngờ, cứ mỗi ngày qua đi, chú bé đều đánh dấu. Sau 30 ngày, chú bé đứng ở cửa, mắt nhìn ra phía xa. Đến buổi trưa, vẫn chưa thấy hình bóng mẹ, chú bé bật tiếng khóc.

Nghe thấy tiếng con khóc, người cha hỏi:

– Hổ con, con đợi ai vậy? Sao lại khóc?

– Hôm nọ cha đã nói với con, một tháng nữa mẹ sẽ về. Hôm nay là một tháng rồi, sao không thấy mẹ đâu?

Lời của chú bé khiến người cha bất ngờ. Ông biết không thể lừa dối mãi đứa con được. Người cha lặng nhìn con mắt đang đầm đìa, nói:

– Khải Chi… cha phải nói chuyện này để con biết, con đừng khóc nữa.

Rồi người cha kể lại chuyện người mẹ đã mất ngay sau khi sinh Khải Chi. Chẳng ngờ, nghe chuyện thương tâm, Khải Chi bỗng ngất đi.

Từ đó, chú bé trở thành người trầm mặc, ít nói, thường ngồi một mình  lặng lẽ, nhớ tới người mẹ. Sau đó, từ khi mê hội họa, chú rất thông minh, thấy gì cũng vẽ, vẽ gì cũng rất giống, gợi được cái hồn của cảnh hay người. Khải Chi thích vẽ người nhất, đặc biệt thích vẽ phụ nữ, ngọn bút vẽ phụ nữ của Khải Chi cũng rất tuyệt mỹ, dường như những con người đó phiêu lãng ở cõi tiên.

Suốt ngày đọc sách và vẽ tranh, Cố Khải Chi ngày càng trưởng thành, nhưng nỗi nhớ người mẹ không hề phai nhạt. Ông thường hỏi cha những chuyện liên quan tới mẹ: Trước đây mẹ là người như thế nào? Mẹ cao bằng chừng nào?, …Cha ông rất lạ, không biết Khải Chi nghĩ gì, lặng một chút, ông nói:

–         Mẹ con có khuôn mặt trái xoan, cái miệng như bông hoa anh đào, đôi mắt phượng, làn mi cong cong như hàng liễu…Con hỏi thế để làm gì?

–         Con chỉ hỏi thế thôi ạ. Khải Chi nói.

Đột nhiên trong lòng Khải Chi một ý định chợt hiện ra, ông dự định vẽ lại hình ảnh người mẹ của mình. Từ nhỏ, ông chưa hề thấy mẹ, lại muốn vẽ lại hình ảnh mẹ, liệu có làm nổi không?

Sau đó, ông suốt ngày bên cạnh cha, hỏi đi hỏi lại về mẹ: “Khuôn mặt trái xoan…, đôi mắt phượng…, làm mi cong…” Rồi ông thể hiện những tưởng tượng về mẹ trên giấy.

Một hôm, người cha bước vào thư phòng xem con đang làm gì. Ông thấy trên giấy chân dung một người phụ nữ, bèn hỏi Cố Khải Chi đó là ai. Khải Chi trả lời câu hỏi của cha với giọng đượm buồn:

– Cha ơi, con vẽ có giống mẹ không?

Cha ông lúc ấy mới biết, Cố Khải Chi đang cố vẽ lại hình ảnh người mẹ. Sợ con bị tổn thương, người cha không dám nói bức vẽ không giống mẹ, chỉ nói:

– Con ơi, con chưa thấy mẹ bao giờ, vậy làm sao con có thể vẽ lại hình ảnh mẹ được?

Cố Khải Chi biết rằng bức tranh không giống mẹ của mình, gật đầu, nói:

– Vẽ chưa giống, con sẽ vẽ lại, bao giờ giống mới thôi!

Cố Khải Chi lại hỏi cha về những đặc điểm của người mẹ trước đây, người cha cũng không tiếc thời gian nói về người mẹ rất chi tiết trước khi dời khỏi thư phòng.

Cố Khải Chi thể hiện những điều mình tưởng tượng về mẹ trên giấy, ông vẽ hết bức này tới bức khác, cho tới khi cảm thấy có bức tranh đã giống mẹ, ông mới nói với cha. Chỉ vào bức tranh của mình, ông hỏi cha:

– Lần này, tranh của con đã giống mẹ chưa?

Không cần suy nghĩ, người cha lắc đầu:

–         Chưa giống, chỉ có đôi chân là giống.

Mất bao thời gian và công sức mà chỉ có đôi chân là giống, đó chính là lời phê phán nghiêm khắc. Nhưng Cố Khải Chi cảm thấy rất vui. Khi người cha bước ra khỏi phòng, ông lại tiếp tục vẽ…

Lại mấy hôm sau, người cha bước vào phòng Cố Khải Chi, nhìn bức tranh mới, ông nói:

– A, lần này, cái tay đã giống đấy!

Nghe cha nói, Khải Chi thấy trong lòng rất vui. Ông lại hỏi cha thêm về những đặc điểm trên ngũ quan của mẹ, rồi ông lại tiếp tục vẽ.

Lại qua nhiều ngày, lần thứ ba, cha của Khải Chi bước vào thư phòng của con, vừa nhìn thấy bức tranh trên giá, ông lập tức reo lên:

–         A, bức tranh rất giống, chỉ có đôi mắt chưa truyền được cái thần đôi mắt của mẹ con.

Người cha đi khỏi, Cố Khải Chi lại tập trung vào bức vẽ. Ông đã vẽ được giống mẹ, nhưng đôi mắt thì chưa được. Ông để thời gian luyện tập cách vẽ đôi mắt. Vẽ, rồi vẽ nữa. Đôi mắt trong các bức vẽ của ông ngày càng có hồn. Tới khi cảm thấy đã hài lòng, ông mới trở lại vẽ đôi mắt của người mẹ.

Mấy hôm sau, lần thứ tư người cha bước vào thư phòng của Cố Khải Chi. Ông ngạc nhiên, trước mắt ông là một phu nhân rất  mực đài các đoan trang. Đây chẳng phải là người vợ của ông hay sao? Ông chớp chớp mắt, nói với con:

–         Con… con…

Đứng bên cha, Cố Khải Chi mỉm cười, hỏi:

– Cha ơi, con vẽ đã giống chưa?

Vốn là vừa thoạt nhìn người phụ nữ trong tranh, ông đã nhận ra người vợ của mình. Cố Khải Chi đã vẽ lại được những đường nét như khi sinh thời của bà, rất  mực dịu dàng, hiền hậu. Người cha kêu lên:

– Vẽ giống lắm! Rất giống! Đôi mắt đẹp quá, vô cùng truyền cảm!

Có người nói, từ đó về sau, khi vẽ người, Cố Khải Chi không bao giờ dám tùy tiện khi vẽ đôi mắt. Ông hiểu chính đôi mắt đã thể hiện được cái linh hồn của nhân vật.

Tất nhiên, đây chỉ là truyền thuyết để nói lên những bức tranh của Cố Khải Chi siêu việt như thế nào, đạt tới trình độ cao ra sao.

Cuối cùng, Cố Khải Chi trở thành họa sĩ kiệt xuất được ngưỡng mộ trong các họa sĩ thời Đông Tấn. Ông được nhà vua  phong Tán kỵ thường thị (3).

 

Chú thích:

(1)   Cố Khải Chi (khoảng 345 – 406), người Vô Tích, Tấn Lăng, Đông Tấn (nay thuộc Giang Tô), giỏi nhiều môn nghệ thuật  thi, phú, …đặc biệt là hội họa.

(2)   Ba bức tranh nổi tiếng của Cố Khải Chi.

(3)   Tán kỵ thường thị: có từ thời Tam Quốc, làm việc can gián, cố vấn. Từ thời Đông Tấn được tham gia bàn chuyện cơ mật. 

1 BÌNH LUẬN

  1. Giá mà thầy kể chuyện về các danh nhân, sự kiện… của Việt Nam cũng hay và nhiều như của Trung Quốc vậy!

Trả lời Nguyễn Văn Côn Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here