Năm 367, Tiền Tần tiêu diệt mấy nước nhỏ, thống nhất phương bắc. Sau đó, họ tiếp tục mở rộng xuống phía nam, chiếm được mấy thành của Đông Tấn. Vương Mãnh người trước đã từng khuyên Phù Kiên thận trọng khi động binh với Đông Tấn nay chết đã lâu, Phù Kiên sớm đã quên lãng lời khuyên đó, bắt tay vào việc diệt Đông Tấn thực hiện mộng thống nhất thiên hạ.

Rất nhiều quan quân trong triều phản đối việc xuất binh, ngay người em được Phù Kiên rất tin cậy là Phù Dung cũng không đồng ý. Phù Dung cho rằng phương bắc mới thống nhất, còn chưa được củng cố, nay động binh dễ phát sinh đại loạn, hơn nữa Đông Tấn lại có sông Trường Giang hiểm yếu, không dễ thắng lợi. Phù Kiên không để ý, nói:

– Ta dùng binh có trăm vạn đại quân, không dùng người bàn lui, chỉ cần mỗi người một cái yên ngựa vứt xuống sông, sông lớn cũng bị lấp. Triều Đông Tấn có gì hiểm yếu mà phải sợ!

Năm 383, Phù Kiên ban bố lệnh động viên, quy định dân chúng cứ 10 người cử một lính. Rất nhanh chóng đã tập hợp được 65 vạn quân, kỵ binh 27 vạn, võ lâm quân 3 vạn, gọi chung là Bách vạn đại quân. Tháng 8, Phù Kiên cử Phù Dung mang 25 vạn quân đi trước làm tiền trạm, bản thân mang quân đi tiếp ứng. Cả hai đường thủy lục cùng tiến, cờ xí rợp trời giáo gươm sáng loáng.

Trước sức mạnh của Tiền Tần, nhiều quan quân Đông Tấn vô cùng hoảng sợ. Chỉ có Tể tướng  Tạ An là chuẩn bị cho kháng chiến, dành được sự ủng hộ của Hoàng đế và một số đại thần. Tạ An phong em là Tạ Thạch (1) làm Đại đô đốc, mang 8 vạn quân chống cự, lại cử Tạ Huyền làm Tiên phong, con là Tạ Diễm chiến đấu ở tuyến đầu. Ngoài ra, suy xét toàn cục, Tạ An còn cử đại tướng  Hồ Bân mang năm nghìn thủy quân, men theo bờ tây tăng viện cho Thọ Dương (nay là huyện Thọ, An Huy).

Tháng 10, trong khi quân Tấn đang xông tới tiền tuyến, quân của Phù Kiên đã đánh chiếm được Hạng Thành ( nay là Hạng Thành, Hà Nam)và Thọ Dương. Tướng lĩnh Đông Tấn được biết Thọ Dương đã thất thủ đành phải lui về giữ Hiệp Thạch (tây nam Phong Đài, An Huy ngày nay). Quân Tiền Tần nắm lấy thời cơ, vừa đánh Hiệp Thạch, vừa chia năm vạn quân tiến về phía tây Lạc Giản (tây nam huyện Hoài Viễn, An Huy ngày nay), kiềm chế quân Tấn ở phía đông.

Bị vây hãm ở Hiệp Thạch, Đại tướng  Hồ Bân thấy tình thế bất lợi, bèn gửi cho Đại đô đốc Tạ Thạch một bức thư, nói: “Hiện nay thế của kẻ địch đang mạnh, mà lương thảo của quân ta cũng đã cạn, sợ khó có thể hợp quân”.

Không ngờ, bức thư bị rơi vào tay quân Tiền Tần. Phù Dung biết rõ tình trạng của quân Tấn, lập tức cho người tới Hạng Thành đề nghị với Phù Kiên:

– Giờ đây kẻ địch đang thiếu lương, không thể để cho chúng bỏ chạy, xin hạ lệnh tiến công.

Phù Kiên được tin, lòng vui mừng, muốn nhanh chóng lập công lớn, đã phạm một sai lầm của người cầm quân, ông ta bỏ quân chủ lực, chỉ mang theo tám vạn quân khinh kỵ tiến về Thọ Dương, chuẩn bị cùng quân Tấn quyết một trận sống mái.

Trước hết, Phù Kiên cứ Chu Tự, một viên quan của Đông Tấn bị bắt làm tù binh tới trại quân Tấn khuyên hàng. Chu Tự đầu hàng quân Tiền Tần chỉ là một mưu kế, lòng ông ta vẫn hướng về quân Đông Tấn. Tới trại quân Đông Tấn, Chu Tự không những không khuyên hàng, còn nói toàn bộ tình hình quân Tiền Tần với Tạ Thạch, rồi đề nghị:

– Nếu đợi quân Tiền Tần hoàn tất việc tập kết, sợ quân Tấn không thể đánh nổi, bây giờ, tốt nhất là đúng dịp thuận lợi quân Tần chưa tới, nhanh chóng xuất kích, chỉ cần đánh bại được đội quân tiên phong, làm nhuệ khí của kẻ địch bị tổn thương, quân Tần sẽ không cần đánh mà tự thua.

Qua phân tích cặn kẽ, quân Tấn chấp nhận kiến nghị này. Tháng 11, Tạ Huyền cử năm nghìn quân tinh nhuệ xuất kích, nửa đêm đánh Lạc Giản. Quân Tần không có sự phòng bị, đại bại. Quân Tấn thừa thắng truy kích, chém. giết rất nhiều quân địch, lại thu được nhiều vũ khí trang bị. Nhuệ khí quân Tần giảm sút nhanh chóng, cả quân thủy lục của Đông Tấn nhất tề phản công, đánh thẳng tới bờ đông Phì Thủy (đông bắc huyện Thọ, An Huy nay), cùng quân Tần đối mặt.

Phù Kiên nghe nói quân Tấn đã tới Phì Thủy, bèn cùng với em là Phù Dung lên lầu thành Thọ Dương quan sát động tĩnh, chỉ thấy trại quân Tấn bố trí nghiêm chỉnh, cờ xí rợp trời, không kìm nổi kinh ngạc. Phù Kiên mới thua trận vẫn còn trong tâm trạng “kinh cung chi điểu”. Ông ta nhìn ra xa tới núi Bát Công bờ bên kia, tưởng cây cỏ cũng như quân Tấn, quay về, nói với Phù Dung:

– Quân Tấn đông lắm, rõ là rất mạnh, ai dám bảo là quân Tấn yếu?

Rồi hạ lệnh cho quân lính giữ vững đợi lệnh, ý muốn chờ quân tới đầy đủ sẽ quyết chiến.

Quân Tấn chưa có cách gì, Tạ Thạch, Tạ Huyền rất nôn nóng. Họ bèn dùng phép khích tướng ., gửi một bức thư cho Phù Dung: “Tướng  quân đã mang đại quân vào đất Tấn chúng tôi, đã chuẩn bị tốc chiến tốc thắng, giờ vì sao lại dừng lại bên bờ sông, lẽ nào không dám đánh nữa sao? Nếu các ông muốn nơi đây thành bãi chiến trường, xin lui lại đợi chúng tôi qua sông, sẽ quyết cùng các ông đọ tài cao thấp”.

Khi Trọng Nhĩ nước Tấn thời Xuân Thu đánh Sở đã sử dụng trò “lùi ba xá”, nhưng đó chỉ là một thủ đoạn chính trị. Giờ đây, hai nước Tần Tấn lại đối mặt như hai con trâu đang cọ sừng vào nhau, sao có thể nhận thua trận để rút lui?  Nhưng Phù Kiên lại cho rằng đây là thời cơ để chiến thắng quân Tấn, ông ta lập tức triệu tập tướng  lĩnh, nói:

– Chúng ta có thể nhường cho kẻ địch một phần trận địa, đợi khi chúng qua sông được một nửa, chúng ta sẽ dùng kỵ binh xung trận, nhất định sẽ đánh cho chúng một trận tan tác như hoa trôi giữa dòng.

Phù Dung cũng đồng ý như thế nên chỉ huy toàn quân tạm rút.

Quân Tần tuy đông quân số, nhưng đại bộ phận đều được trưng tập tùy tiện như đội quân ô hợp, vốn đã không muốn thực hiện lệnh của Phù Kiên. Họ mới nghe lệnh rút lui đã thi nhau bỏ chạy, hoàn toàn không muốn dừng lại. Lúc đó, Chu Dự thừa cơ đứng trong đám quân Tần hô lớn:

– Quân Tần thua rồi! Quân Tần thua rồi!

Ngay lập tức, lòng quân rối loạn, quân Tần lâm vào tình thế tan vỡ không thể nào cứu vãn. Quân Tấn thừa thế vượt sông Phì Thủy, phát lệnh tổng tiến công.

Phù Dung thấy thế trận bất lợi, vội tập trung người ngựa phía sau, muốn chỉnh đốn đội ngũ, kết quả, bị ngã ngựa trong đám loạn quân rồi bị quân Tấn giết chết. Phù Kiên vội lên ngựa bỏ chạy, không ngờ, trúng một mũi tên lạc. Phù Kiên cố nén cơn đau, tiếp tục  bỏ chạy trên lưng ngựa tới Hoài Bắc mới dám dừng lại.

Quân Tấn liên tiếp báo tin thắng trận về Kiện Khang, Tạ An đang ngồi đánh cờ vây với một người khách, nhận tin chiến thắng, mặt không đổi sắc, vẫn chăm chú vào ván cờ. Người khách hỏi tin chiến sự, Tạ An vẫn thản nhiên, đáp:

– Bọn trẻ chúng đánh bại quân Tần rồi.

Khách nghe xong, hoa chân múa tay, vội chạy đi khắp nơi báo cho mọi người.. Tạ An trở về phòng nghỉ, ông không ngăn được niềm vui, khi bước qua bậc cửa, bước quá mạnh khiến đôi guốc gỗ  sứt mất một miếng mà cũng không hay biết.

Trận Phì Thủy là thắng lợi cuối cùng của Đông Tấn, xác định tình trạng chia cắt lâu dài về sau ở thời Nam Bắc triều. Mục tiêu thống nhất quốc gia đã trở nên hoàn toàn xa vời.

 

Chú thích:

 

(1)   Tạ Thạch (327 – 389), người Dương Hạ, quận Trần thời Đông Tấn. Ban đầu làm Thượng thư lang, Thượng thư bộc xạ. Năm 383, chỉ huy trận Phì Thủy, đại thắng Tiền Tần, làm Thượng thư lệnh.

(2)   Cờ vây: một loại cờ.

(3)   Guốc gỗ: thời cổ guốc của phụ nữ mũi tròn, của đàn ông mũi vuông.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here