Sau khi lên ngôi, Canh Thủy Đế Lưu Huyền cử Vương Phượng, Vương Thường, Lưu Tú tiến công Côn Dương (huyện Diệp, Hà Nam ngày nay). Họ nhanh chóng đánh vào Côn Dương, sau đó lại đánh huyện Yển (huyện Yển Thành, Hà Nam ngày nay) và Định Lăng (tây bắc huyện Yển Thành) ở gần đó.

Vương Mãng nghe tin quân khởi nghĩa lập Lưu Huyền làm Hoàng đế, ngồi đứng không yên, mất liền mấy tòa thành, vội cử các đại tướng Vương Tầm, Vương Ấp, mang 43 vạn binh mã xuất phát từ Lạc Dương, đánh thẳng đến Côn Dương.

Để khoa trương thanh thế, quân Vương Mãng không biết tìm ở đâu ra một người khổng lồ, gọi là Cự Mẫu Bá. Cự Mẫu Bá có chiều cao đặc biệt, thân hình to lớn như trâu. Hắn còn có bản lĩnh, có thể thuần dưỡng hổ, báo, tê giác, voi. Vương Mãng cho hắn làm Hiệu úy, cùng một bầy mãnh thú để trợ uy.

Quân Hán giữ Côn Dương chỉ có tám chín nghìn người. Tướng lĩnh ở thành Côn Dương thấy quân của Vương Mãng đông, sợ không địch nổi, chủ trương bỏ Côn Dương, trở về căn cứ cũ.

Lưu Tú nói với mọi người:

– Bây giờ, lương thảo và binh mã của chúng ta đều ít, chỉ dựa vào mọi người đồng tâm hiệp lực mà đánh địch. Nếu mọi người không đoàn kết, Côn Dương sẽ mất, quân Hán chắc cũng sẽ bị tiêu diệt, lúc ấy tất cả sẽ mất hết.

Mọi người thấy Lưu Tú nói rất đúng, nhưng lại thấy quân Vương Mãng rất mạnh, tử thủ ở Côn Dương không phải là cách hay. Sau khi bàn bạc, họ quyết định Vương Phượng, Vương Thường giữ Côn Dương, chỉ Lưu Tú mang một đội quân phá vây, đến Định Lăng và Yển Thành xin viện binh.

Đêm hôm đó, Lưu Tú cùng mười hai dũng sĩ cưỡi ngựa tốt, lợi dụng đêm tối, mở một con đường máu qua cửa phía nam thành Côn Dương. Quân Vương Mãng không đề phòng, để họ thoát được vòng vây.

Thành Côn Dương tuy không lớn, nhưng kiên cố. Quân Vương Mãng đông, vũ khí nhiều, đánh Côn Dương với quân Vương Mãng là việc không phải không làm được. Họ chế tạo hơn mười cỗ “lầu xa” (2), rồi từ trên lầu không ngừng bắn tên vào trong thành. Người trong thành ngay khi đi ra giếng lấy nước cũng phải dùng tấm gỗ đỡ tên. Quân Vương Mãng còn dùng “đồng xa thành” (3) và đào địa đạo để tiến vào thành. Nhưng quân Hán trong thành phòng thủ rất nghiêm ngặt, nên thành vẫn chưa bị quân Vương Mãng công phá.

Lưu Tú tới Định Lăng, muốn điều toàn bộ người ngựa từ Định Lăng và Yển Thành đến Côn Dương, nhưng một số tướng lĩnh quân Hán do quý trọng tài sản ở đây nên không muốn dời thành. Lưu Tú khuyên họ:

– Bây giờ chúng ta đến Côn Dương, tập trung toàn bộ người ngựa lại. Nếu đánh bại được kẻ địch là lập được công lớn, việc lớn sẽ thành. Nếu tử thủ ở đây, khi kẻ địch đánh tới, chúng ta nhất định sẽ thua, tính mệnh còn không giữ được, nói gì đến tài sản.

Được Lưu Tú thuyết phục, các tướng lĩnh mới đem người ngựa của mình theo ông ta tới Côn Dương.

Lưu Tú tổ chức hơn nghìn bộ binh và kỵ binh thành đội tiên phong tiến về Côn Dương, khi còn cách quân Vương Mãng bốn năm dặm thì dừng lại bày thế trận. Vương Tầm, Vương Ấp thấy quân Hán ít, chỉ cho mấy nghìn lính đối phó. Lưu Tú nhân lúc quân địch chưa ổn định thế trận, chủ động tiến công trước, một lúc giết hàng trăm tên địch.

Quân Hán trong thành thấy quân cứu viện đã đến, lại thấy đội quân tiên phong chiến đấu rất dũng mãnh như được tiếp thêm dũng khí, cả mấy cánh quân cùng nhất tề xung trận. Vương Tầm, Vương Ấp buộc phải rút lui. Quân Hán thừa thắng truy kích, càng đánh càng hăng, một người có thể địch được trăm người.

Lưu Tú lại mang đội cảm tử (4) ba nghìn người nhằm vào đội quân trung kiên của Vương Mãng tiến công. Thấy quân Hán ít, quân Vương Tầm không thèm để ý. Hắn tự mang một vạn quân giao chiến với Lưu Tú, nhưng một vạn người không thắng nổi đội cảm tử của Lưu Tú.

Mới đánh một trận, quân của Vương Tầm bắt đầu rối loạn. Quân Hán càng đánh càng mạnh. Khi thấy đúng là Vương Tầm trong đám loạn quân, quân Hán bèn kết quả luôn tính mệnh của hắn.

Vương Phượng, Vương Thường trong thành thấy viện quân bên ngoài đã đánh thắng bèn mở cửa thành xung trận phối hợp, hai bên cùng đánh, tiếng hò reo vang động trời đất. Quân Vương Mãng nghe tin chủ tướng bị giết, toàn bộ hoảng hốt, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau. Trên con đường hơn trăm dặm, đầy xác chết quân Vương Mãng.

Giữa lúc đó, trời đột nhiên tối sẫm, một tiếng sét vang lên, tiếp đó là cuồng phong gào thét, mưa lớn như trên trời đang nghiêng cái chậu khổng lồ đổ nước xuống. Cự Mẫu Bá đưa mãnh thú tới trợ uy. Quân Hán theo đà xông tới chém. giết, quân Vương Mãng giống như dòng nước lớn ở cửa sông Trĩ Thủy (nay là sông Sa, Lỗ Sơn, Hà Nam) tháo chạy, lính chết trong dòng nước cả nghìn, cả vạn, lấp cả sông Trĩ Thủy.

Khi đại tướng Vương Ấp của quân Vương Mãng về tới Lạc Dương, 43 vạn đại quân chỉ còn lại có mấy nghìn người.

Quân Hán thu dọn chiến trường, khắp nơi đều là binh khí, xe chiến, lương thực của quân Vương Mãng bỏ lại. Mất nhiều tháng sau, quân Hán còn chưa thu dọn được hết, cuối cùng phải phóng hỏa, đốt sạch.

Được tin đại chiến Côn Dương tiêu diệt quân chủ lực của Vương Mãng cổ vũ,  nhân dân khắp nơi nổi dậy hưởng ứng quân Hán. Có một số người giết quan lại địa phương, tự xưng Tướng quân rồi sẵn sàng đợi lệnh.

Canh Thủy Đế cử đại tướng Thẩm Đô Kiến, Lý Tùng đem quân Hán thừa thắng tiến quân đến Trường An. Vương Mãng hoảng sợ, đem thả hết các phạm nhân trong nhà ngục, tổ chức một đội quân chắp vá đánh lại quân Hán. Nhưng một đội quân như thế sao có thể xung trận? Họ chưa lâm trận đã vội vàng bỏ chạy.

Không lâu sau, quân Hán tiến công thành Trường An, nhân dân trong thành nô nức hưởng ứng, phóng hỏa, đốt Đại môn của Ương cung, mọi người la hét đòi Vương Mãng phải đầu hàng.

Vương Mãng không còn con đường nào khác, mang theo một ít tướng lĩnh chạy vào cung Tiện Đài vì nghĩ, cung này bốn bề là nước, không sợ bị đốt.

Quân Hán vây quanh Tiện Đài vòng trong vòng ngoài. Chờ cho lính trong Tiện Đài đã bắn hết tên, quân Hán mới xông lên, kết quả tính mạng của Vương Mãng.

Triều Tân của Vương Mãng tồn tại được mười lăm năm, cuối cùng, đất sụt, ngói tan.

 

Chú thích:

1.Vương Ấp: người Nguyên Thành, Ngụy Quân (Đông Đại Danh, Hà Bắc ngày nay) cuối đời Tây Hán, con Vương Thương, thời Hán Ai Đế được phong Thành Đô hầu, Bộ quân tướng quân. Vương Mãng lên ngôi, làm Đại tư không, phong Long tân công, sau làm Đại Tư mã. Năm 23, bị quân Lục Lâm giết.

2. Lầu xa: dụng cụ công thành thời cổ, hnhf dáng như lầu. Binh lính trên xe có thể bắn tên vào trong thành.

3. Đồng xa: dụng cụ công thành thời cổ, dưới có bánh xe, phía trước có những xúc gỗ lớn, có thể dùng phá tường thành.

4. Cảm tử đội: Trong “Tôn Tử binh pháp” gọi là  “tử sư”, lính chiến đấu cực mạnh, liều chết mà xung trận.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here