Nhu cầu “học thêm” không phải bây giờ mới có. Có học trò khá, nhưng muốn khá hơn, muốn thêm phần kiến thức cho những môn yêu thích để chuẩn bị cho tương lai; có học sinh yếu, cần tăng cường bồi dưỡng, ôn lại kiến thức cũ, mong theo kịp chúng bạn, …Có cầu có cung. Những nhu cầu ấy là tự nhiên, không có gì phải bàn.

 Nhưng nay, “dạy thêm, học thêm” đã trở thành một nạn dịch, khiến không biết bao nhiêu học trò và cha mẹ họ khốn khổ, Cứ thỉnh thoảng, công luận lại rộ lên, các cơ quan quản lý lại phải “lên gân xuống tấn”, nhưng cái sự phản ứng ấy chẳng qua để trấn an dư luận. Từ hàng vài chục năm nay, chưa thấy một thầy cô nào do dạy thêm mà bị đuổi việc, chưa thấy quan chức nào do dạy thêm trong địa hạt mình quản lý mà bị cách chức. Cho nên, tất cả chỉ như “ném đá ao bèo”, sau vài bữa mặt ao gợn sóng, bèo tan rồi lại hợp. Vậy làm sao để chấm dứt cái tai họa này? Ở đây, tôi chỉ muốn bàn đến cách giải quyết việc “dạy thêm”, còn những cách “lợi dụng chức quyền khi thi hành công vụ” (tức là dùng quyền của người cho điểm, ký học bạ để ép trò phải học) thì chỉ có một cách là pháp luật. Không nên dùng từ “dạy thêm” để chỉ những hành động này mà hổ danh cho những người thầy giáo chân chính.

  1. Trước hết, muốn hạn chế “dạy thêm học thêm” phải làm mọi cách chấm dứt tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Khi có đủ trình độ (vốn kiến thức của lớp dưới và năng lực tiếp thu, vận dụng kiếm thức mới), để học bình thường, chắc chắn không phải đi học thêm. Có những học sinh kém, nhưng cha mẹ vẫn bằng nhiều cách để cho con lên lớp, với hy vọng học thêm con sẽ khá hơn. Những học sinh này dù có học thêm cũng chỉ ngày càng kém đi, càng học lên lớp trên, đòi hỏi học thêm càng nhiều hơn. Nó là cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt. Nên từ một bài trước, tôi đã lưu ý các bậc làm cha mẹ cố gắng làm gia sư cho con mình ngay từ khi mới cắp sách tới trường để tránh tình trạng ngồi nhầm lớp. Để con ngồi nhầm lớp chính là cha mẹ đã khép lại tương lai của con mình.
  2. Các bậc làm cha mẹ không nên đẩy con em mình vào một cuộc đua tranh bất tận. Nhiều học sinh có trình độ bình thường, hoặc khá. Dù không đi học thêm, có bị thầy cô trù úm cũng không thể ở lại lớp (vì thầy cô cũng chịu sức ép của thi đua, hiệu trưởng không để yên cho các vị nếu không lên lớp trăm phần trăm nhất là khi các vị đang có lỗi dạy thêm), nhưng cha mẹ vẫn muốn con đi học thêm. Học thêm không phải để mong có thêm kiến thức mà để làm đẹp lòng thầy giáo. Thầy có đẹp lòng mới cho điểm cao, con mình mới được học sinh giỏi, mình được hả dạ khi so sánh với con em của đồng nghiệp, với xóm giềng. Đây chính là nguyên nhân để các trường học lạm phát học sinh giỏi. Đây cũng là một áp lực không nhỏ với nhiều người và tâm lý ấy đã bị một số người không mấy lương thiện lợi dụng để  các lớp học thêm tồn tại và không ngừng phát triển. Đây chính là tâm lý chuộng cái danh “hão”, muốn làm sang không phải bằng cái thực lực của mình.

Tôi dã được chứng kiến không ít các vị có quyền chức (nhất là giới nữ) phải nhờ người thân tín hoặc đích thân tới nhà các thầy cô xin điểm để con mình được học sinh giỏi,  khỏi xấu mặt với nhân viên hay “địch thủ” ở cơ quan. Những ai không thay đổi được nhu cầu có lẽ cũng không nên kêu ca việc học thêm của con mình.

  1. Phải làm sao cho lòng tự trọng của mỗi con người được đề cao bên cạnh việc trả lương đảm bảo cho mọi người có cuộc sống bình thường . Sâu sắc về điều này xin nhường các nhà đạo đức, xã hội học. Một khi có lòng tự trọng, người thầy sẽ biết mình có thể làm  gì, không thể làm gì. Luật pháp, quy chế dù chi tiết đến mấy cũng không thể quy định đầy đủ. Có nơi, người ta đã yêu cầu “không được “dạy thêm” những học sinh mình đang dạy trên lớp”. Thế thì có cách đối phó ngay: trò của ông  A “học thêm” ông B và ngược lại. Chỉ cần hai ông này thống nhất với nhau cái đầu bài kiểm tra. Có nơi quy định “phụ huynh phải có đơn tự  nguyện”. Thật không có gì dễ bằng. Công nghệ photocoppy giúp người ta làm việc này trong mấy phút. Cha mẹ học sinh nhiều khi uất ức lắm (tôi dùng chữ uất ức, sau một hồi lâu suy nghĩ), nhưng cũng như biết bao nhiêu cái “tự nguyện” trong nhà trường ,  không còn cách nào khác là ký vào cái tờ giấy in sẵn để tránh cho con mình gặp phải những rắc rối. Họ thường có tâm lý “thôi, cho nó xong đi!” hay “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để tránh cho đứa con (nhiều khi là duy nhất) những rủi ro khi đến trường.
  2. Điều này nói cuối cùng, nhưng có lẽ lại là điều quan trọng nhất: muốn thầy cô giáo không dạy thêm cũng như muốn nhân viên y tế giữ được y đức, cảnh sát giao thông không làm “anh hùng núp” để trấn ô tô, xe máy, viên chức nhà nước không tham nhũng vặt …quan chức các cấp hãy giữ liêm chính: Không nhận phong bì, quà cáp  của cấp dưới ngày lễ Tết, không nhận phong bì khi tuyển dụng, … để làm gương. Vừa rồi, trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bà Bộ trưởng Y tế nói “còn khám chữa bệnh là còn tiêu cực”. Xin hỏi bà, cách nay khoảng 30 năm, có khám chữa bện không, và có tiêu cực, y dức có xuống cấp đến thảm hại như thế này không?

Tôi đã nhiều lần nghe Tổng bí thư các đời khác nhau  kêu gọi mỗi khi Tết đến: cấp dưới không biếu xén hay quà cáp cấp trên. Sao Tổng bí thư không kêu gọi ngược lại: cấp trên tuyệt đối không nhận quà cáp, biếu xén của cấp dưới? Càng lên cấp trên, số lượng càng ít, càng dễ quản lý, kiểm soát; càng lên cấp trên chắc là “đạo càng cao, đức càng trọng”, càng dễ làm điều hay lẽ phải để nêu gương tốt cho thiên hạ.

 Khi nào các cấp trên làm được điều ấy, tôi tin việc dạy thêm tràn lan cũng như những biểu hiện xấu xa ở mọi ngành, mọi cấp sẽ chỉ còn rất ít như cuộc sống vốn như thế. Họ làm những điều bất lương chính là do noi gương các vị. Nó là cái lẽ thường tình, sao người ta không chịu hiểu nhỉ?

4 BÌNH LUẬN

  1. Cái chính là ở “điềm thứ 2”, thầy Giao ạ! Tôi đã nói nhiều về điều này với các phụ huynh, nhưng hầu như chẳng ai nghe mình cả; mặc dù mình đã lấy mình “làm gương”: Tôi không cho con đi học thêm, không dạy thêm (dạy đúng/dạy đủ học sinh còn chưa nắm hết nữa là “thêm”). “Có người cho mới có kẻ đi xin”, phải không Thầy?

  2. Tôi đã từng lắc đầu, ngao ngán khi một người bạn là GV giỏii ở một quận TT thành phố HCM phát biểu : Mình muốn dạy thêm thì phải có xảo thuật để lôi kéo học trò,miễn sao mình dạy có kết quả tốt là được . Ôi cái dạy ngày nay đã hỏng rồi …mấy người đi dạy mấy người ma ? Dạy học có còn là thiên chức nữa không ?

  3. Chủ yếu là nơi gia đình. Nhà em có 2 con đã hết lớp 3 chưa có suy nghĩ hay từ học thêm toán và văn trong đầu ba mẹ và con cái.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here