Buổi phát thanh “Bạn hãy nói với chúng tôi” của VOV  kể lại câu chuyện  của một cô gái:

    Cô sinh ra trong một gia đình nghèo, nguời cha do nhiều bệnh mãn tính nên gánh nặng của gia đình dồn hết lên đôi vai nguời mẹ. Nhờ cố gắng, cô trúng tuyển vào một trường đại học thuộc ngành khoa học xã hội và theo học với biết bao mơ ước. Tốt nghiệp, đã đi xin việc ở nhiều nơi phù hợp với chuyên môn được đào tạo, nhưng cô đều thất vọng. Cuối cùng, cô trở về quê, được nhận làm việc ở xã với mức lương 800 nghìn đồng một tháng. Với thu nhập đó, cô chưa nuôi nổi mình nói gì tới việc giúp đỡ  cha mẹ giờ lại đang phải gánh thêm khoản nợ 40 triệu vay để nuôi cô ăn học. Nhiều khi trong nhà không có nổi một đồng cho nguời em trai của cô đang học trung học ở trường dân tộc nội trú. Cô  trăn trở trong nhiều năm nay trước sự lựa chọn: bỏ ra thành phố tìm việc làm để có thu nhập cao hơn hay ở lại, tiếp tục mòn mỏi trong nghèo túng. Đi tìm việc làm mới, cô tiếc 4 năm đèn sách với bao nhiêu công sức của cha mẹ và bản thân. Ở lại, tiền đồ mờ mịt và trách nhiệm với gia đình nghèo đói không thể khiến cô yên dạ.

    Gửi thư tới chương trình, cô xin một lời khuyên. 

    Tình trạng của cô gái chắc không phải là cá biệt. Con số nhiều trăm nghìn nguời thất nghiệp trong khi đang sở hữu bằng cử nhân, thạc sĩ trên phạm vi cả nước nói lên điều đó.  

  1. Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng này là lỗi do các cơ quan có trách nhiệm. Lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường dân lập (phổ thông và đại học) được mở tràn lan khắp nơi. Các trường trong hệ thống giáo dục công lập cũng đua nhau mở thêm ngành học, tăng thêm chỉ tiêu đào tạo. Tất cả chỉ do nhu cầu thu thêm học phí và các khoản thu khác nhằm tăng thêm thu nhập cho tất cả những nguời có liên quan chứ không dựa vào nhu cầu phát triển của đất nước.  Với thân phận “ếch ngồi đáy giếng”, nguời  dân sao có thể biết nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng nghề (hoặc có biết cũng phần nhiều do “cảm giác”, do dư luận), lại chịu sức ép của đám đông, tâm lý không muốn thua kém khi quyết định tương lai con em mình đã khiến tình trạng càng thêm nghiêm trọng. Nguời ta có thể tính được sự lãng phí về tiền bạc với mỗi nguời khi học xong mà không thể kiếm được việc làm nhưng cái tuổi thanh xuân, tuổi tốt nhất để chuẩn bị những tiền đề bước vào đời  của từng ấy con người làm sao có thể tính được?

    Những nguời đang sống đầy đủ, thậm chí sang trọng do nguồn thu nhập từ việc đào tạo tràn lan này có bao giờ áy náy về những quyết định và việc làm của mình trước số phận của bao nguời như cô gái kia?

 

  1. Ngoại trừ một số ít được mở ra do những nguời có tâm huyết và được đầu tư bài bản, góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực, phần lớn các trường đều trong tư thế “tay không bắt giặc”. Không trường sở, không nguời dạy và tất nhiên cũng không trang thiết bị dù mang tiếng “trường đại học”, nhưng do quảng cáo, do lợi dụng sự kém hiểu biết nhưng lại rất giàu tính đua đòi, những ngôi trường bất đắc dĩ đó vẫn tuyển được sinh viên. Chưa đủ chỉ tiêu, họ bằng nhiều cách để xin hạ điểm chuẩn, điểm sàn với phương châm “tích tiểu thành đại” nhằm đạt bằng được mục đích. Ngay các trường gọi là có tiếng, thuộc “tốp đầu”, ngoài một số ít sinh viên do sự nỗ lực của bản thân, chăm chỉ học hành đảm bảo chất lượng đầu ra, phần lớn đều là “học giả” dù cái bằng thật đều được ghi  là “giỏi”, là  “khá”. Chứng cớ rõ rệt nhất là phần lớn sinh viên đều cần các cơ sở tiếp nhận đưa đi đào tạo lại, sinh viên các trường đại học chuyên ngoại ngữ đều tốt nghiệp trong tình trạng “vừa câm vừa điếc”, trách gì cô tân hoa hậu  sau 7 năm học chuyên Pháp ở một ngôi trường nổi tiếng thành Nam không đọc nổi 3 câu tiếng Pháp mặc dù đã được chuẩn bị (hy vọng không phải do nguời khác) sẵn trên giấy!

    Học hành như thế, làm sao xin được việc làm?

    Các  “đại gia” với cuộc sống thừa thãi do nguồn thu nhập từ việc đào tạo tràn lan này, có bao giờ day dứt trước tình cảnh của biết bao nguời như cô gái nọ?

  1. Thực trạng khủng hoảng thừa những nguời có bằng đại học hiện nay cần được sự quan tâm và quyết định đúng đắn của những nguời có trách nhiệm. Nhưng thật khó để thay đổi khi phần lớn mọi việc hiện nay đều xuất phát từ quyền lợi của những nhóm lợi ích. Nên chăng, các cơ quan truyền thông còn đôi chút lương tri tăng cường thời gian và công sức thức tỉnh những nguời dân vốn ít hiểu biết nhưng  cả tin  lại rất thừa thãi.

    Vẫn biết nguời ta có thể “xóa đói giảm nghèo” bằng việc học, những tấm gương của những  nguời xuất thân từ gia đình nghèo khổ ở thôn quê, đỗ thủ khoa trong kỳ thi vào đại học và đã có việc làm với thu nhập cao khi ra trường đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ và lớp nguời trẻ tuổi noi theo. Nhưng bên số những nguời thành đạt ấy, có vô số những nguời phải thất vọng như cô gái. Học có thể khiến nguời ta  “đổi đời” nhưng  đừng quên nhấn mạnh cái “học” ấy phải như thế nào mới “đời” mới có thể “đổi”. Học chỉ để lấy một mảnh bằng do nộp đầy đủ học phí mỗi học kỳ; “khá” “giỏi” chỉ là những chiêu trò khuyến mãi khi biết bỏ ra đủ phong bì mỗi khi kỳ thi tới chỉ có thể “đổi đời” với con cháu các quan chức, những nguời vốn đã có quá nhiều đặc quyền. Mảnh bằng chỉ là cái gọi là “điều kiện đủ” cho sự thành đạt, thăng tiến của họ. Còn với những nguời chỉ biết đổi giọt mồ hôi lấy bát cơm sự “đổi đời” hoàn toàn không dễ dàng. Chứng kiến sự “đổi đời” của nguời khác có thể thấy “hấp dẫn” chẳng khác gì xem phim thần thoại nhưng để “đổi đời” cho bản thân mình thì đòi hỏi những tố chất cần thiết và sự nỗ lực bền bỉ. Ngộ nhận một cách ngây thơ sẽ chỉ mang tới thảm cảnh “tiền mất tật mang” như cô gái đáng thương trong câu chuyện trên đây.

   Mỗi tháng thu nhập 800.000 đ và khoản vay 40.000.000 đ cho 4 năm học chưa trả. Làm sao bây giờ?

11 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết thật chuẩn xác. Không có quy hoạch nhân lực cho nền kinh tế và việc đào tạo tràn lan đang làm lãng phí quá nhiều tiền của, thời gian, công sức của biết bao người. Học xong không biết để làm gì.

  2. Rất xác đáng ạ, xã hội mình giờ tầng lớp cao cấp thượng lưu, phần nhiều là gian trá, độc ác. Còn tầng lớp lao động nói chung, phần nhiều nhiễm thói lười nhác, nhưng lại ảo tưởng mơ hồ…

  3. Nhìn vào giới trẻ để thấy tương lai đất nước, hiện trạng của giới trẻ đem lại một tương lai màu tối của đất nước

  4. Từ lâu sinh viên đã trở thành đối tượng làm tiền của các cơ sở đào tạo…

  5. Chuyện học hành thi cử, bằng cấp, nghề là cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Có cải cách giáo dục kiểu gì nữa cũng không khá được.Chỉ là giật gấu vá vai tạm bợ thôi.Căn nguyên là ở hệ thống xã hội sai lầm.

  6. Tất cả do giáo duc trọng bằng cấp,không biết làm viêc(HÀNH)
    Sinh Viên mất 1/3 thời gian học dể học Mac-Lênin,Lịch sử Đảng
    Tư tường Đạo đức Hồ Chí Minh..Các Vi Lãnh Đạo chỉ chém gió
    hô khẩu hiệu,Sinh viên tưởng thât làm theo.
    Năm 1976 có vi LĐ chủ trương “Huyễn là địa bàn Công Nông Lâm
    Ngư Nghiêp phối hợp hoàn chỉnh” Ngài chép lai của Liên Xô TQ
    đâu biết rằng Huyên TuLa của LX hay Trường Sa của TQ lớ bằng
    3-4 tỉnh của ViệtNam

  7. Có hai thứ họ dựa vào:
    1. Cung cấp bằng cấp cho cocc ko muốn học nhưng sẵn đầu ra…..
    2. Làm tiền dân đen ko có thông tin, ra trường có việc hay ko ko cần biết….. Sống chết mặc bay tiền thay bỏ túi….

  8. Đa số các trường Đại Học ,Cao Đảng chỉ tuyển SV hõc Kế Toàn,Quản Trị ,Kinh Tế ,Luât(nhung xủ theo Luật RỪNG)
    Những Nghành THỰC HỌC như KỸ THUÂT,NÔNG LÂM SUC,NUÔI TRỒNG
    CHÊ BIẾN NÔNG ,THỦY HẢI SẢN thi tuyển rất it.
    Sinh Viên tôt nghiêp không BIÊT Làm ra Sản Phẩm vì Thày KHÔNG BIÊT,KHÔNG DẠY
    Cử Nhân trường Công Nghê Thưc Phẩm không biết làm Pate’ xúc xích,Jambon ,thit xông khói vv.Thày chỉ cho SV xem các thày nấu BIA (Beer)

Trả lời Lê Nguyễn Khánh Trình Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here