Khi nói về biến pháp của Vương An Thạch, chúng ta  đã từng nói tới  phái chống lại trong đó có Tư Mã Quang. Ông cũng là một chính trị gia có tiếng, đồng thời cũng là một nhà sử học lừng danh. Ông là tác giả của nhiều bộ sử, “Tự trị thông giám” là bộ sách nổi tiếng nhất.

Tư Mã Quang là nguời huyện Hạ, Thiểm Tây (nay là huyện Hạ, tỉnh Sơn Tây), tự Quân Thực (Thật). Truyền thuyết nói hồi nhỏ, Tư Mã Quang cực kỳ thông minh. Năm lên 7 tuổi, có một lần, cậu cùng một nhóm bạn chơi trò trốn tìm ngoài vườn. Bỗng nhiên, một chú bé ngã vào một cái chum lớn ở góc sân. Cái chum chứa đầy nước, chú bé vùng vẫy trong đó hốt hoảng kêu cứu. Lũ bạn rất hoảng sợ nhưng không biết làm cách nào. Lúc đó, Tư Mã Quang chạy tới góc vườn, cầm một hòn đá lớn dưới chân tường, rồi, nghe thấy một tiếng “choang”, cái chum vỡ. Thế là chú bé được cứu thoát, mọi người đều thở phào.

Tư Mã Quang đặc biệt thích đọc sách lịch sử, khi mới 5, 6 tuổi đã có thể đọc thuộc lòng “Luận ngữ”, “Mạnh Tử” (1). Năm 7 tuổi đã thuộc “Tả truyện”, chú nhiều khi còn  kể lại cho mọi người nghe. Những câu chuyện sâu sắc này hấp dẫn Tư Mã Quang, khiến sau đó, ông có thể viết “Tư trị thông giám”  và một số cuốn sách lịch sử khác.

Do có hứng thú đặc biệt với lịch sử, sau khi đỗ tiến sĩ, làm quan, ông tiếp tục tìm tòi lịch sử. Qua một thời gian dài nghiên cứu, Tư Mã Quang phát hiện lịch sử Trung Quốc tuy rất nhiều nhưng chưa có cuốn sách nào ghi chép lại những chuyện từ thời viễn cổ đến đương đại. Để giúp mọi người hiểu một cách đầy đủ lịch sử, Tư Mã Quang quyết định sẽ tự mình biên soạn một bộ. Ông đã đặt tên cho bộ sách của  mình là “Thông chí”  (“chí” có ý là ghi chép, “thông chí” nghĩa là ghi chép lịch sử từ đầu đến cuối). Mấy năm sau, Tống Anh Tông (2) triệu Tư Mã Quang tới, hỏi ông tình hình biên soạn cuốn sách.  Tư Mã Quang trả lời:

– Tâu Hoàng thượng, Thần đã viết xong được 8 quyển “thông chí”, từ năm thứ 23 đời Chu Uy Lệ vương (403 trước CN) đến năm thứ 3 đời Tần Nhị Thế (207 trước CN), là lịch sử của 195 năm, kính mời Hoàng thượng ngự lãm.

Tống Anh Tông xem qua một lát, đọc một số mục lục và chương tiết, rất vui, khuyến khích Tư Mã Quang tiếp tục công việc, lại khuyên Tư Mã Quang tìm một số nguời tinh thông lịch sử cùng  hợp tác. Nghe lời nhà vua, ông lập tức tổ chức thực hiện, mời Lưu Phần, Lưu Thứ, Phạm Tổ Vũ, … cùng  biên soạn do ông làm chủ biên, mỗi nguời chịu trách nhiệm viết một giai đoạn lịch sử.

Không lâu sau Tống Anh Tông bị bệnh chết, nguời nối ngôi là Tống Thần Tông cũng rất coi trọng việc biên soạn “thông chí”. Nhà vua thấy cuốn sách ghi chép nhiều kinh nghiệm trị quốc của tiền nhân, có tác dụng lớn đã khuyên Tư Mã Quang đổi tên “thông chí” thành “Tư trị thông giám”. Tư Mã Quang vui vẻ nghe theo. Đây chính là lý do vì sao cuốn sách có tên như vậy.

Từ khi vua Thần Tông lên ngôi đến trước khi Thần Tông mất một năm, Tư Mã Quang nhậm chức Tây kinh ngự sử đài, tiếp tục biên soạn “Tư trị thông giám”. Đây chính là thời kỳ Vương An Thạch tiến hành biến pháp duy tân, Đối lập với “Tân đảng” ủng hộ biến pháp, Tư Mã Quang là “cựu đảng”, ông cực lực phản đối biến pháp, cho rằng những quy định của tổ tông không thể nào thay đổi. Ông đã từng nói với nhà vua:

– Thần và Vương An Thạch là hai nguời, giống như nước và lửa không thể dung hòa, mùa đông và mùa hạ không thể đồng thời xuất hiện.

Chính để thực hiện những chủ trương chính trị của mình, Tư Mã Quang đã dùng cách đem tư liệu lịch sử để làm sáng tỏ. Cuốn sách này đã thể hiện toàn bộ tinh lực và tâm huyết của Tư Mã Quang, ông say sưa làm việc không kể ngày đêm, thường quên ăn quên ngủ. Sợ mình ngủ quên, ông đã làm một cái gối gỗ, chỉ cần một cái cựa mình, cái gối đã lăn sang một bên khiến ông tỉnh dậy. Ông gọi cái gối đó là “cảnh chẩm”, ý là để phòng mình chìm vào giấc ngủ sâu. Thái độ làm việc khắc khổ của ông đã được nguời đời sau ca  ngợi. Chuyện “cảnh chẩm” cũng đã trở thành một giai thoại lịch sử.

Việc biên soạn “Tư trị thông giám” trải qua hai đời vua Tống Anh Tông, Tống Thần Tông, tổng cộng 19 năm. Dựa vào những tư liệu lịch sử phong phú, những cứ liệu lịch sử từ năm 403 trước CN đến năm 959, tổng cộng 1362 năm, ghi chép lại nhiều sự việc từ phát sinh tới kết thúc, cuốn biên niên sử (3) này có 294 quyển. Cuốn sách đã giới thiệu chi tiết sự phát sinh và phát triển của nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, tình hình chính trị, chế độ kinh tế và diện mạo văn hóa, nhiều sự tích và ngôn ngữ của những nhân vật lịch sử quan trọng cũng được ghi lại. Nó là một bộ sách lịch sử vĩ đại của Trung Quốc, vì thế, mọi người thường đem so sánh với “Sử ký” của nhà sử hoc đời Hán Tư Mã Thiên, gộp lại gọi là “Lưỡng Tư Mã”, cho rằng hai ông là đỉnh cao tiêu biểu cho truyền thống sử học Trung Quốc.

Tư Mã Quang viết sách rất trung thực. Trong cuốn “Tư trị thông giám”, ông không chỉ ca ngợi các Hoàng đế có công, mà còn chỉ ra những ông vua tàn bạo với dân chúng hay mê tín hoang đường. Để viết bộ sách này, ông đã tham khảo hơn 300 bộ sách khác, có đối chiếu để xác định sai đúng nên giá trị học thuật rất cao, các nhà sử học đời sau nghiên cứu lịch sử đời Tống đều coi “Tư trị thông giám” là một tài liệu tham khảo có giá trị.

Tóm lại, hơn ba vạn chữ của bộ sách là bộ thông sử kiệt xuất, tiếp tục bộ “Sử ký” từ triều Hán của Tư Mã Thiên, nó là viên ngọc quý mãi tỏa sáng trong kho tàng di sản văn hóa của Trung Quốc.

 

Chú thích:

  • “Mạnh Tử” ghi lại tư tưởng và những hoạt động chính trị của Mạnh Tử, đây là một tác phẩm kinh điển của Nho gia. Về sau, nhà Lý học Chu Hy đã sắp xếp thành một trong “Tứ thư”.
  • Tống Anh Tông: (1032 – 1067, ở ngôi 1063 – 1067.
  • Biên niên sử, bộ sử lấy thời gian làm trung tâm. Bộ biên niên sử sớm nhất còn lại đến nay là “Xuân Thu” do Khổng tử biên soạn.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here