Từ những năm 60 của thế kỷ trước, để khuyến khích học sinh học tập, Bộ Giáo dục đã hàng năm tổ chức thi học sinh giỏi hai môn Văn và Toán, mang tên “Kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc”. Học sinh dự thi được lựa chọn ở các trường Phổ thông cấp 3 toàn miền Bắc. Trước khi đi thi, những học sinh này chỉ được các thầy dạy thêm cho một số buổi môn sắp thi, còn các môn học khác vẫn học như những bạn cùng lớp.
Sau đó, xuất hiện kỳ thi Ô-lem-pic hàng năm của một số quốc gia. Những học sinh được chọn đi thi cũng chỉ được tập trung để các thầy do Bộ lựa chọn bồi dưỡng một thời gian ngắn trước khi lên đường xuất ngoại. Cùng với tỷ lệ thi tốt nghiệp phổ thông hàng năm, (lúc đó trường có kết quả cao nhất chỉ khoảng trên 80%), số học sinh giỏi toàn miền Bắc và học sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi Ô-lem-pic trở thành tiêu chí đánh giá thành tích của giáo dục các địa phương. Vì thế, các nơi rất chú ý đầu tư việc bồi dưỡng học sinh giỏi để tham dự các kỳ thi này.
Ở Hà Nội, để có học sinh dự thi, ban đầu các lớp chuyên còn đặt tại trường. Mỗi môn ở một trường căn cứ vào giáo viên được lựa chọn. Trường có thầy dạy tốt môn nào thì đặt lớp chuyên môn ấy (Tôi dùng từ “thầy dạy tốt” chứ không dùng từ “giáo viên dạy giỏi”, vì nhiều thầy dạy các môn chuyên, không ít lần có học sinh giỏi toàn quốc, nhưng chưa hề bao giờ có danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” vì các thầy vốn là những người khiêm nhường, chẳng dại gì lại nhận một cái danh hiệu hợm hĩnh như thế). Những học sinh này ngoài việc học môn chuyên do thầy được lựa chọn dạy, các môn khác, những hoạt động khác vẫn như mọi học sinh của trường . Năm 1982, được chính phủ Hà Lan giúp đỡ, Hà Nội có một ngôi trường khang trang so với hoàn cảnh bấy giờ nên đã tập hợp tất cả các lớp chuyên rải rác ở các trường trong thành phố, thành trường Hà Nội –Am-xtec- đam. (Cũng như trường Lê Hồng Phong của Nam Định, trường Lam Sơn của Thanh Hóa, …). Ban đầu, trường chỉ có chưa đầy 10 lớp ở mỗi khối (mỗi môn chuyên một lớp), việc tuyển chọn học sinh khá kỹ lưỡng.. Nhưng sau, do cơ sở vật chất của trường còn dồi dào, cộng với nhu cầu của cha mẹ học sinh (có nhu cầu học và cũng không tránh khỏi những người có nhu cầu “oách”), đồng thời để cải thiện đời sống cho cán bộ giáo viên, trường mở thêm lớp chọn thứ 2 của mỗi môn. Rồi mở cả các lớp của cấp trung học cơ sở. Đến lúc này thì trường chuyên không còn giữ được cái vẻ “thuần khiết” ban đầu nữa! Muốn thi được vào các lớp chuyên, học sinh phải cố tìm cách vào được các lớp luyện thi do các thầy ở trường này dạy. Thời gian theo học không thể ngắn và mức học phí thì con nhà bình dân khó mà theo được!
Theo tôi, học trường chuyên có chút ít tích cực. Học sinh được học các thầy giỏi, có môi trường để đua tranh cùng bè bạn (nhưng sự đua tranh nhiều khi chưa hẳn đã lành mạnh). Nhưng tiêu cực có lẽ nhiều hơn. Dù có thầy dạy giỏi, nhưng vẫn không thể tránh được việc phải đi học thêm, thậm chí còn phải đi học thêm nhiều hơn. Và cái tiêu cực nhất là các lớp chuyên rất xem nhẹ các môn ngoài môn chuyên và hai môn kèm theo để thi đại học. Được coi là môn phụ, những môn không cần để thi đại học chỉ được học “lớt phớt”, đó là những tiết học để “xả xờ-trét”. Vì thế, nếu gia đình không chú ý bổ trợ cho con em mình thì hiểu biết của học sinh các trường chuyên này không tránh khỏi “tiên thiên bất túc”.
Cũng phải nói thêm một chút. Giáo viên trường chuyên cũng như một số trường được coi là trong “tốp đầu” của Hà Nội thường rất có kỹ năng “làm dáng”. Không dám nói các thầy cô dạy môn chuyên ở ngay lớp chuyên ấy (giáo viên Văn dạy chuyên Văn, Toán dạy chuyên Toán…) là người được lựa chọn, đúng là đã được “chọn mặt gửi vàng”, các giáo viên khác chẳng có gì đảm bảo là hơn giáo viên các trường. Nhưng nhiều người không hiểu, thường coi họ là giáo viên như thuộc một đẳng cấp khác nên cố để tìm đến xin học cho con em. Nên nhớ rằng, không ít giáo viên ở các tỉnh bỏ việc về Hà Nội và sinh viên ra trường sau nhiều năm chưa tìm được việc làm đã ký hợp đồng với các trường “nổi tiếng” này chấp nhận một mức thù lao rẻ mạt có khi chỉ bằng 50% mức bình thường để được được tiếng là giáo viên của những trường ấy nhằm thu hút học sinh trong các lớp học thêm.
Cho nên, học trường chuyên, học các thầy dạy trường chuyên, … cũng cần thận trọng.
Các lớp chọn được ra đời vào khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước trong hoàn cảnh giáo dục sa sút một cách trầm trọng cùng với sự khủng hoảng của kinh tế cả nước. Trong nhà trường, cả thầy lẫn trò đều không còn mấy người tha thiết với chức năng vốn có. Thấy trở thành những “người nuôi lợn giỏi và cũng biết dạy học”, thành người “ngoài việc dạy học ra còn thành thạo rất nhiều nghề khác”. Còn trò thì chẳng mấy “đứa” thiết học vì luôn trong cảnh “bụng đói luôn luôn vẫn réo gào”. Trước tình trạng ấy, do yêu cầu của một số thầy giáo còn chút ít tâm huyết với nghề và nhu cầu của một số gia đình còn thiết tha với việc học của con cái, một số trường đã tổ chức lớp chọn. Lớp tập hợp những học sinh học lực khá, thường có đạo đức tốt (có kiểm tra đầu vào hai môn Văn và Toán). Các môn chính do các thầy có năng lực và có tinh thần trách nhiệm giảng dạy. Quyền lợi duy nhất khi dạy các lớp này là thầy được làm đúng công việc của người thầy (chứ không phải công việc của cảnh sát, trong lớp luôn luôn phải “dẹp loạn”), học trò học chăm chỉ, nhiều em có say mê. Số lượng học sinh trong lớp không nhiều. Chẳng có ai “xin xỏ” hay “chạy chọt”. Chỉ có những học trò ham học, các thầy dạy cảm thấy vô cùng hạnh phúc, như được an ủi mặc dù gánh nặng cơm áo vẫn thường xuyên trĩu nặng.
Nhưng sau khoảng năm ba năm thì các lớp chọn bắt đầu “nhảm”.
Cái “nhảm” đầu tiên là một số người thấy cái ưu việt của lớp chọn (học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ), muốn cho con mình vốn chưa được như thế có môi trường tốt để “đua chúng đua bạn”, tìm mọi cách xin vào. Dẫn đầu là con em một số thầy cô giáo. Chẳng lẽ đồng nghiệp với nhau, sao nỡ chối từ. Giáo viên còn có cái quyền lợi gì đâu! Rồi, … “hầm bà làng”, lớp chọn không còn là lớp chọn nữa. Nhiều trường đã không chỉ có một mà phải mở đến hai lớp chọn. Ban đầu tên lớp chọn thường là lớp A (trong các tên lớp đặt theo vần chữ cái, sau đó là B, C,. D, …) lớp chọn giờ phải mang tên A1, rồi A2. Sau đó, chiều theo cái “hão” của những người thích con mình được “học lớp A” nhiều trường đổi cách đặt tên thành A hết. Từ A1 đến A10, nếu cần có thể đến A100. Thế là ai cũng toại nguyện. Tha hồ “tự hào” với bạn bè, hàng xóm, với đồng nghiệp ở cơ quan!
Nhưng khổ nỗi, cái tên thì đặt thế nào cũng được, nhưng thầy thì lấy đâu ra lắm thầy dạy có chất lượng, có tâm huyết như thế trong tình cảnh hiện nay? Có môn, cả trường chi có một hai thầy, lại toàn hàm thụ, tại chức cả. Sao có chất lượng được? Một học sinh lớp chọn than phiền: “Cứ lần nào chúng em hỏi bài tập khó, cô đều nghĩ một lúc rồi lại hẹn hôm sau giải đáp, nhưng chẳng thấy hôm sau bao giờ!” Cô giáo này học chính quy, và còn là giáo viên dạy giỏi đấy!
Mặc dù có hiếm hoi, nhưng không phải bao giờ các thầy có trách nhiệm, có tâm huyết cũng được lựa chọn cho các lớp này. Nhất là từ khi kinh tế khởi sắc, cuộc sống được cải thiện. Các cơ quan ban ngành bắt đầu có một việc làm mà theo tôi rất đẹp: có phần thưởng cho các cháu là con cán bộ viên chức vào dịp hè hàng năm nếu đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến. Thế là một cuộc đua các danh hiệu xảy ra. Trong lớp, từ phấn đấu để đạt chỉ tiêu 20% – 30% học sinh tiên tiến, cả khối được một hai học sinh giỏi đã khó, bây giờ gần hết cả lớp là tiên tiến, một lớp có đến gần chục học sinh giỏi. Rồi từ khi Bộ Giáo dục có quyết định cho học sinh giỏi (xếp loại hàng năm và kết quả thi tốt nghiệp) được vào thẳng đại học thì học sinh giỏi còn hơn nấm mọc sau mưa. Lại từ khi danh hiệu học sinh giỏi được tính thành tiêu chuẩn chọn vào lớp 10 thì thật không còn kiểm soát được nữa. Sự lạm phát các danh hiệu này thu được nhiều cái lợi. Nhà trường tự nhiên chẳng cần cố gắng gì mà học sinh học “giỏi” lên một cách nhanh chóng, từ trường tiên tiến lập tức trở thành trường tiên tiến xuất sắc. Đời sống của thầy cô giáo cũng được cải thiện vì được các ban phụ huynh rất chú ý chăm sóc, cá nhân cha mẹ học sinh càng quan tâm vì đã hiểu được giá trị nét bút của người cho điểm. Giá trị của món quà cơ quan thưởng cho các cháu nhất định không thể bằng cái mà bố mẹ các cháu đã phải bỏ ra để mang về những điểm số “hữu danh vô thực” nhưng chết nỗi tất cả đều vì cái niềm “kiêu hãnh” không có giới hạn kia. Càng sung túc, càng thích. Trong hoàn cảnh ấy, các thầy làm việc có chuẩn mực, không tùy tiện sửa chữa, nâng điểm, không thích trang trí cho “đẹp” cuốn học bạ tất không được tin dùng. Dạy lớp chọn chỉ còn là những thầy dạy cũng được nhưng phải rất “thoáng”, những thầy chỉ cần “nói ít nhưng hiểu nhiều”. Và trước cái tiếng rất hấp dẫn “thầy dạy lớp chọn” (sẽ thu hút rất nhiều học sinh học thêm), nhiều thầy đành “hy sinh” cái phần hồn trong sáng để khỏi bị loại khỏi cuộc đua tới cuộc sống tiện nghi.
Trong môi trường ấy, các em còn chưa đủ tuổi thành niên sẽ học được những gì? Nhiều bậc cha mẹ đã hiểu những hạn chế của trường chuyên lớp chọn nên có thái độ “kính nhi viễn chi”. Quả là đâu cứ phải chen chân vào đó mới có thể thi vào đại học, trở thành người tài cho đất nước, rạng rỡ cho dòng họ? Mỗi gia đình nay chỉ có một hoặc hai người con. Đó là hy vọng, là tương lai, là niềm tin, …là tất cả của mỗi chúng ta. Một sai lầm sẽ phải trả giá, không thể làm lại. Hy vọng những chia sẻ rất cởi mở này giúp các bậc cha mẹ có con đang hoặc sắp bước vào ngưỡng cửa nhà trường phổ thông có sự lựa chọn hợp lý, tránh “thuyền đua thì lái cũng đua” để rồi nhiều khi mục đích không đạt được mà còn bị “đục nước béo cò”.
Cái gọi là trường chuyênlớp chọn là bộ phim truyền hình nhiều tập . Ông Giao hiểu biết chuyện này kỹ lưỡng đấy.Với tư cách là GV từng dạy nhiều năm trường chuyên, tôi cũng có không ít điều băn khoăn. Nhưng thôi,nói theo cách nói của ông Hoàng Ngọc Hiến, giáo dục nước mình nó thế !
Chính xác là “cái nước mình nó thế” Vũ Xuân Túc ạ! Để thấy cái nào là gốc, cái nào là ngọn mà “cải” với “cách”
như thế mới là nước mình ..mấy bác ạ
Chú ạ bài viết nào của chú cháu cũng đọc ,càng đọc cháu càng buồn , con gái cháu năm nay học lớp 12 rồi ,nó k còn nhỏ nữa .nó có chính kiến của nó .Từ nhỏ cháu đã giáo dục con rất chu đáo ,dạy con ý thức một người công dân với xã hội ,dạy con sống phải có hoài bão và ước mơ …cách đây khoảng 10 ngày nó hỏi cháu : Mẹ ơi thế hồi bằng tuổi con mẹ ước mơ gì ? Cháu nói : mẹ ước mơ nhiều lắm con ạ …thế còn con ,con ước mơ gì ? nó nói con chán lắm mẹ ạ ,con cố gắng và chăm chỉ học cũng như các bạn k học thôi mẹ ạ ,các bạn con chỉ học mấy môn để thi đại học thôi ,cháu nói : trước thi đại học là thi tốt nghiệp mà ? Nó nói mẹ xem học sinh có ý thức học tập rất ít mà năm nào cũng 98 ,99 % ,còn ước mơ ư ?con đã từng ước mơ trở thành 1 luật sư nhưng giờ con chán rồi ,luật gì hả mẹ ? Luật tiền thôi . Cháu buồn lắm ,buồn về nền gd và buồn về xh
Chú vẽ lại cả mớ vấn đề chuyên, chọn từ gốc tới ngọn. Cháu nhớ lại 2009 thăm trường chuyên Lam Sơn, Vinh, niềm tự hào một thời. Bố mẹ các mầm nhân tài từ các huyện mới dám gửi con về học vì có học bổng. Bọn trẻ lo ngại vì thi trượt đại học do tập trung vào lò Olympic. Nền giáo dục nhồi nhét này đâu tạo ra nổi động lực xã hội, khi giá trị rặt là tiền. Gia đình nên bổ túc dạy lũ con thành NGƯỜI thì hơn. Chúc chú mạnh khỏe.
Cha mẹ hs còn it thông tin về lớp chọn nên đọc
rất hay và thực tế một người làm giáo dục giám nhìn nhận vào sự thật cám ơn bác Duong Dinh Giao.
Xem Đường lên đỉnh Olimpia sẽ thấy nhiều sản phẩm như thế lắm bác ạ. Những câu trả lời về kiến thức lịch sử,văn hóa,và về cuộc sống hàng ngày ngô nghê không tả nổi,kiểu như: nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Lào Cai,mẹ Suốt chèo đò qua sông Hồng vô khối. Chẳng hiểu lúc ấy các thày,cô đại diện cho trường và ban cố vấn nghĩ sao về các thí sinh?
Cám ơn chú Duong Dinh Giao về cái nhìn thấu đáo cho chủ đề Trường chuyên lớp chọn ! Cháu đã học lớp chọn từ lớp 6 tới lớp 12, rồi cả 4 năm ĐH. Cháu rất đồng ý với những phân tích cái Hay, cái Dở của Lớp Chọn !
He he, chính vì cái bệnh thành tích và sự giả dối… bình thường, mà ở VN – chẳng còn có cái giề là… đúng nghĩa của nó nữa! – Thế mới tài!
Để có danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, thì thầy cô phải đi “thi dạy” (có lẽ là dạy một tiết học nào đó được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước) tại một hội đồng chấm dạy giỏi ở… đâu đó – và kết quả là he he dạy giỏi đối với cả cái môn đó!
Lão Cẩm đã đọc được ở đâu đó chả nhớ, một nghiên cứu của Tây, rằng cái hiệu quả của sự dạy của thầy cô, nó phụ thuộc vào một vài yếu tố:
– 50% của thầy và 50% của trò (là vì thầy có dạy giỏi bằng Zời, nhưng mà cái thằng học trò nó chẳng nghe, nó ngồi nghĩ ngợi viển vông, hoặc do nó… dốt quá, thì cái sự giỏi ấy của thầy cũng bằng đổ xuống sông xuống biển – đàn gảy tai trâu!;
– trong cái 50% công thầy ấy, thì đâu như 38% hiệu quả tiết dạy học của thầy – là ở cái “ngôn ngữ cơ thể” (body language) có sức lôi cuốn học sinh trong giờ học của thầy: từ ánh mắt của thầy đến điệu bộ diễn tả, cách đi lại tự tin… – chính những điều này làm cho học sinh thích học thầy đó và đâm ra… yêu thích luôn môn học của thầy!
Nhiều khi, chỉ nhờ những động tác dễ thương vui nhộn minh họa của thầy khi giảng – mà học sinh nhớ như in những bài giảng đó cho đến… suốt đời!
– Khoảng gần chục % hiệu quả nữa, là ở cái giọng nói lúc trầm lúc bổng dễ thương… – cái giọng nói truyền cảm có sức lôi cuốn của thầy đối với người nghe. Thầy dạy giỏi mà giọng the thé khó nghe – thì chỉ có… vứt!;
– Cuối cùng, khoảng 5% hiệu quả còn lại của cái sự dạy của thầy – mới là cái words – tức là cái kiến thức mà thầy muốn nhét vào đầu học trò! – Điều này có nghĩa là, nếu thầy chỉ lên lớp đọc cho trò chép, thì nhẽ 100 chữ – vào đầu học sinh được độ… 5 chữ mà thôi!
Những con số, đọc lâu rồi, lão Cẩm hông nhớ chính xác, nhưng đại để là như thế!
Túm lại, thầy giỏi hông nhất thiết phải là thầy bằng cấp tiến sĩ lọ tiến sĩ chai, danh hiệu nọ danh hiệu kia (cái nầy ở VN được tôn sùng rất kinh!) và có cả một đống chữ trong bụng, mà là thầy biết cách truyền những chữ ấy từ bụng của mình sang… bụng của học trò! Há há há!
Học là quá trình tự học. Mọi cách( tính cả điệu bộ diễn xuất hấp dẫn của cô thầy) chỉ để thấu hiểu mà tự giác với điều đó.
Là một cựu học sinh chuyên toán cấp 2, cấp 3, có những giải thưởng quốc gia, cháu xin phép có một số trao đổi về vấn đề này như sau.
Trước hết phải khẳng định rằng học sinh các lớp chuyên học lệch là có thực, càng học cao càng học lệch. Việc học lệch đó dẫn đến học sinh nếu về sau không biết bù đắp kiến thức, kỹ năng sẽ thấy mình dễ trở nên lạc lõng. Nhất là những người tiếp tục làm công tác nghiên cứu chuyên sâu.
Không có con số thống kê, nhưng nhìn những người học trường chuyên mà cháu biết, khi làm tiếp Tiến sỹ dù ở trong và ngoài nước, nói chung việc hoàn thành nghiên cứu và lấy bằng là chuyện không khó. Đó là ưu điểm.
Phải nói thêm rằng, những người này nếu trọn cuộc đời làm công tác nghiên cứu thì ở VN hiện nay nhiều người không coi trọng, thậm chí coi là ngố. Nhưng có thế họ mới tạo ra những công trình mang tính chuyên sâu, để đời như Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Cách đây vài năm cháu có tham dự một buổi nói chuyện của anh ấy với SV. Cháu nhận thấy nếu mời một người làm công tác quản lý giáo dục nói chuyện thì có lẽ SV có thể thấy lý thú và sôi động hơn. Điều đấy để nói có nhiều việc nhiều người sẽ làm tốt hơn anh ấy, nhưng có việc chỉ có anh ấy mới làm được, nhưng không phải ai cũng hấp thụ được.
Xét về phổ cập kiến thức, Việt Nam chúng ta có thứ hạng trên thế giới về đào tạo bậc phổ thông, còn yếu một chút về ngoại ngữ và kỹ năng. Cá nhân cháu nghĩ các gia đình có thể cân nhắc cho con cháu mình học chuyên hay không, nhưng quan trọng là định hướng và thực hiện mục tiêu cuộc đời, nghề nghiệp, nơi sống cho phù hợp.
Cảm ơn thầy Duong Dinh Giao. Bài viết của thầy nêu rất đúng thực trạng trường chuyên lớp chọn hiện nay ạ.
Bài của thầy Duong Dinh Giao chuẩn quá. Cảm ơn thầy