Chất lượng Việt Nam trao đổi về vấn đề lạm thu đầu năm với nhà giáo Dương Đình Giao, người có nhiều năm giảng dạy trực tiếp và làm việc tại Sở GD-ĐT Hà Nội.

1. Thưa thầy, đã từng trực tiếp giảng dạy và làm việc tại Sở GD-ĐT Hà Nội, ngày xưa có tình trạng thu tiền trường đầu năm nhiều như này không ?

 Từ 1965, tôi đi dạy học. Đầu năm học, trong hoàn cảnh sơ tán, học sinh thường phải đóng góp để xây dựng trường lớp (kinh phí do Nhà nước cấp không đủ). Nhưng những đóng góp này thường bằng vật liệu tương đối sẵn có ở nông thôn như mỗi học sinh góp một vài cây tre. Học sinh sơ tán không có tre thì gia đình tự mua để góp. Học sinh đi theo trại trẻ của các cơ quan thì trại trẻ mua tre góp cho nhà trường. Bước vào chống Mỹ, học phí được miễn nên trong một năm học, học sinh hoàn toàn không phải đóng góp tiền.

Trường và các lớp đều có những nhu cầu chi tiêu riêng như: báo tường, hội diễn văn nghệ, quà tặng cho các bạn lên đường nhập ngũ, … Tiền để chi dùng vào những công việc này đều do các trường (lớp) tổ chức lao động tập thể. Cộng việc thường làm là vận chuyển các loại vật liệu cho các xí nghiệp, công trường; làm thủy lợi (đắp đê, đào mương máng, …). Tiền của trường do kế toán và thủ quỹ quản lý, tiền của lớp thường do học sinh tự quản lý (giữ và chi tiêu). Thầy có thể làm việc liên hệ công việc, cũng có thể nhận tiền công nhưng sau đó bàn giao cho học sinh (thường là lớp phó phụ trách lao động). Các em tự tổ chức chi tiêu và giám sát.

Sau đó, cũng có chuyện nộp tiền ở lớp (do tìm việc khó khăn). Nhưng số tiền nộp không nhiều do những chi tiêu của các lớp không lớn

Việc thu tiền tràn lan vào đầu năm học bắt đầu từ khoảng giữa những năm 90 khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sau một vài năm, bản thân các trường thấy việc thu tiền của học sinh là khó coi nên Ban phụ huynh đã được thành lập. Danh nghĩa là để phối hợp với giáo viên và nhà trường giáo dục học sinh, nhưng thực chất là để thu tiền hộ nhà trường. (Điều này tôi đã nói tới trong bài viết Ban phụ huynh trên blog onggiaolang.com). Từ khi có cái Ban phụ huynh này thì việc thu tiền càng “thoải mái” vì Hiệu trưởng hoàn toàn chẳng có trách nhiệm gì mặc dù ai cũng biết Ban phụ huynh muốn thu đều phải thông qua và được Hiệu trưởng đồng ý.

Tiếng kêu than của gia đình học sinh chưa bao giờ “thấu tới trời xanh”, chưa có Hiệu trưởng nào vì lạm thu mà mất chức nên trong mấy năm gần đây việc lạm thu đã tới mức không thể kiểm soát nổi.

 

2. Theo thầy, làm thế nào để ngăn chặn và kiểm soát việc lạm thu đầu năm?

 Vô cùng đơn giản. Chỉ cần cách chức ngay lập tức Hiệu trưởng khi xác minh có tình trạng này trong nhà trường do ông ta phụ trách.

Chỉ cần cách chức một ông thì trật tự được lập lại ngay. Nhưng khổ nỗi cấp trên không dám cách chức, vì sao thì ai cũng rõ.

 3. Có ý kiến biện hộ rằng, vì lương giáo viên thấp nên các trường mới phải đặt ra các khoản thu như vậy? Vậy lương thấp có phải lý do để lạm thu?

Nói thế là lấy giáo viên làm cái “bung xung” để che đậy.

Mỗi khoản thu đều có lý do riêng. Giáo viên chỉ được hưởng chút ít trong quỹ Hội cha mẹ học sinh. Tiền quỹ Hội do học sinh các lớp nộp được giữ lại lớp 50%, 50% còn lại nộp cho nhà trường. Tiền giữ lại ở lớp phần lớn được sử dụng mua quà, liên hoan cho giáo viên vào dịp 20.11 và Tết âm lịch (giáo viên nữ có thêm quà 8.3) và phàn thưởng cho học sinh cuối học kỳ và cuối năm. Hội (của trường) nộp cho Hội thành phố một phần (bao nhiêu tôi không rõ), phần còn lại lo quà cho Ban giám hiệu, nhân viên văn phòng và dũng cho các khoản chi khác. Các thành viên trong Ban giám hiệu còn nhận được quà của tất cả các lớp. Cho nên, trong cái gọi là “quỹ hội” này, Ban giám hiệu các trường hưởng nhiều nhất, giáo viên được nào có đáng là bao (ai dạy nhiều lớp thì được nhiều, giáo viên Văn, Toán nhiều nhất cũng chỉ được 3 suất vì dạy ít lớp).

Còn các khoản thu khác đều có những mục đích cụ thể như đồng phục, trang bị bảng chống lóa, hệ thống chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, …ai tham gia vào những công việc này thì người đó hưởng lợi. Không mấy giáo viên tham gia. Thường là Ban giám hiệu và các nhân viên kế toán, thủ quỹ.

 4. Ý kiến khác của thầy về vấn đề này?

Trong nhà trường hiện nay có nhu cầu chi tiêu (chưa nói tới có chính đáng hay không) không được ngân sách Nhà nước cấp. Xin thí dụ:

–         Tiền thuê lao công, bảo vệ (quy định của Nhà nước quá ít, không đủ làm việc).

–         Những việc đột xuất (một vài thanh niên tới gây rối, muốn mời công an tới can thiệp, giải quyết, không thể không có phong bì. (không có thì lần sau gọi điện thoại rồi cứ ngồi đấy mà chờ cho tới khi bọn gây rối bỏ đi).

–         Phong bì cho các cấp trên về thanh tra, kiểm tra các loại công việc từ chuyên môn giảng dạy tới cơ sở vật chất, thư viện, kế toán thủ quỹ, vệ sinh học đường, phòng chống cháy nổ…

–         Phong bì các loại vào những dịp lễ Tết (một Hiệu trưởng than với tôi, mỗi dịp ấy, anh  phải chi tới 72 cái phong bì, tất nhiên nặng nhẹ, dầy mỏng không giống nhau).

Các cơ quan ban ngành cũng vậy, họ cũng có những chi thu sai nguyên tắc (như đem trụ sở cơ quan cho thuê, chi khống, … chẳng hạn) nhưng vì động chạm tới ít người nên không bị phản ứng.

Cho nên cũng cần quan tâm tới những nhu cầu chi tiêu chính đáng. Muốn cho minh bạch (để tránh đục nước béo cò), Nhà nước cần quy  định mức học phí cao hơn hiện nay. Thật vô lý khi học phí của học sinh một tháng chưa đầy hai bát phở. Có thể thu học phí cao hơn vì trước hết, mức sống của dân cư nói chung đã cao hơn, tiền học thêm của học sinh chắc chắn gấp nhiều chục lần học phí và cho  thu cao hơn để cấm tuyệt đối việc thu thêm, hoàn toàn không thể chấp nhận cái gọi là “tự nguyện” như hiện nay. Với số tiền này, các nhà trường có thể chi dùng cho những  việc cần thiết kể cả việc mua sắm các trang thiết bị. Với học sinh nghèo học giỏi, sẽ trích từ đó để có học bổng. Tất cả số tiền này được quản lý theo những nguyên tắc chi tiêu ngân sách. Cần để cho nhân dân hiểu rằng, đất nước còn nghèo, muốn cho con đi học phải có đóng góp thỏa đáng. Còn học phí cứ thấp như hiện nay rồi bắt “tự nguyện” nộp số tiền cao gấp nhiều lần học phí sẽ khiến cha mẹ học sinh phản ứng, hơn nữa, só tiền đó chắc chắn sẽ bị lợi dụng đổ vào túi một số cá nhân có chức có quyền.

6 BÌNH LUẬN

    • Vũ Xuân Túc lúc nào cũng nhìn và đánh giá sự việc đúng với tinh thần triết học_ Bản chất và hiện tượng

  1. Tôi xin cóp câu đối của ông Giám đốc Sở GD Nghệ An để các “còm sĩ” đọc cho vui:
    Sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu? Sửa đâu sai đấy!
    Lấy thu bù chi, lấy chi bù thu? bù thu lấy chi?
    Vậy nên phải lạm thu thôi!

    Ghi chú: “Chi” tiếng xứ Nghệ nghĩa là “Gì”. (Còn chữ “chi” thứ nhất là “chi tiêu”.

  2. Nguồn gốc của Lạm Thulà lòng tham của Bộ Giáo Duc,Sở Giáo Dục
    Hiệu Trương.
    Ơ Miền Nam trước năm 75 Phụ Huynh không phải đóng tiền
    Năm 2000 trừng Nguyễn Du Q 10 TP HCM đề xuất mua computer ,1 vị phu huynh là Giảng viên ĐạiHọc Bách Khoađề nghị mua giúp nhưng
    Hiệu Trương tự đi mua .

Trả lời Hoàng Tấn Bình Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here