Hôm nay, báo Chất lượng Việt Nam đã đề nghị mình trả lời mấy câu hỏi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Sau đây là nội dung chính những câu hỏi và trả lời.

Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với nhà giáo tâm huyết này, về vấn đề tế nhị là “phong bì ngày 20-11”.

Thời thầy dạy học, đã có phụ huynh và học sinh nào tặng phong bì cho thầy cô chưa? Nếu có thì thầy “xử lý” như nào?

– Thời chúng tôi, phong bì phụ huynh đưa có mấy dạng: Thứ nhất là nhân dịp Tết, ngày 20 – 11, do Ban phụ huynh trực tiếp đưa tại nhà, hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm thì mình nhận. Thực chất đây là quà thôi. Vì hồi đầu, người ta thường mua tặng phẩm (bộ ấm chén, lọ hoa, tranh ảnh …) Nhưng sau chắc thấy các thầy nhận mà chẳng để làm gì, chỉ tổ chật nhà nên thay bằng phong bì (cùng với sự nở rộ của văn hóa phong bì) cho tiện. Theo tôi, cái này có thể tạm chấp nhận.
Thứ hai là cũng dịp lễ Tết, cha mẹ học sinh tới thăm, có quà (thường là quà, hiếm phong bì). Tôi nhận với điều kiện, học sinh đó bình thường về mọi mặt và khi nhận, mình hoàn toàn không bị mắc nợ.

Còn với học sinh có vấn đề (đạo đức hoặc học lực), tuyệt đối không nhận bất cứ cái gì. Có người đưa nhưng tôi không nhận, định bỏ quà lại để đi về thì tôi nói: “Nếu ông (bà) không mang về, mai tôi sẽ đem ra lớp đưa cho cháu”. Họ sợ con bị mang tiếng đành cầm về.
Có người đặt lên bàn thờ (Tôi là con trưởng, bàn thờ không lớn nhưng trang trọng) nói để thắp hương các cụ. Tôi trả lời thẳng: Các cụ nhà tôi không hưởng loại lộc này! Chắc biết thái độ dứt khoát của tôi nên ‘tiếng dữ đồn xa” ngày càng ít phải tiếp loại khách không mời này.

Hiện nay,nhiều phụ huynh cho rằng, thầy cô cả năm vất vả dạy con mình, nên ngày 20-11, một chút “phong bì” coi như là món quà cảm ơn họ. Mặt khác, lương giáo viên cũng thấp, nên đi phong bì ngày 20-11 là chuyện bình thường. Thầy nghĩ sao về điều này?

Trong hoàn cảnh hiện nay, suy nghĩ của cha mẹ học sinh có thể hiểu. Tôi biết có người thông cảm thật sự với các thầy cô (nhưng từ đó mà đưa phong bì thì không nhiều). Nhưng bất cứ trong hoàn cảnh nào, nhận nhưng không để bị mắc nợ (gọi là “há miệng mắc quai” đấy!).
Việc nhận phong bì hay quà nói chung phải tùy thuộc vào động cơ của người tặng quà. Người thầy chẳng lạ gì. Nếu vô tư thì đó là quà, còn nếu có ý nhờ vả, thầy nhận quà rồi phải làm những việc khuất tất (nâng điểm, nâng hạnh kiểm, …) thì đó là nhận hối lộ.

Điều mà thầy cảm động nhất về lòng biết ơn của học sinh đối với mình là gì?

Cảm động nhất là mình vê hưu đã 10 năm, nay lại sống ở miền quê, cách Hà Nội 40 km, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh các thế hệ. Có người đã ra trường 43 năm.

Hai vợ chồng thầy đều làm nghề giáo. Thực sự thì thầy cô mong muốn học sinh của mình làm gì trong ngày 20-11?

Tốt nhất là họ để cho mình được yên. Từ hơn hai mươi năm trước khi về hưu, mình chỉ tiếp các học sinh đã ra trường. Học sinh đang học thì có tới cửa mình cũng cám ơn và mời về. Cha mẹ học sinh thì đã thông báo từ buổi họp phụ huynh khi con họ mới vào trường rồi. Gặp gỡ học sinh cũ, những người còn nhớ đến mình sau nhiều năm, chuyện trò, thú vị hơn rất nhiều.

Xin cảm ơn và chúc thầy cô luôn mạnh khỏe !

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here