Cuộc tranh luận về kỳ thi “hai trong một” chưa hết, công luận đã vô cùng sôi nổi bước vào bàn thảo để lựa chọn ba phương án cho kỳ thi quốc gia do Bộ Giáo dục ban bố.

Người tán thành, kẻ phản bác; người chọn phương án này, cũng không ít người lựa chọn phương án kia, ý kiến rất rôm rả ở khắp nơi cả trên báo lề phải tới những trang blog hay FB cá nhân. Có một điều lạ: không ai dám đặt lòng tin vào tính nghiêm túc của kỳ thi này dù Bộ đã đưa ra những cách tổ chức được coi là nghiêm ngặt khách quan. Nhiều ý kiến cho rằng đây mới là vấn đề then chốt, cần nói rõ cách thực hiện, dù thi cử dưới hình thức nào, đề thi được ra kiểu gì, nhưng nếu không nghiêm túc kỳ thi sẽ hoàn toàn là vô nghĩa, mọi cố gắng thay đổi sẽ là “nước lã ra sông”.

Không thể thuyết phục được ai, ông Bộ trưởng đành ra lời kêu gọi phải “tin tưởng vào đội ngũ” trước khi bước vào trận đánh lớn để trấn an, nhằm bảo vệ cho đề án đổi mới thi cử. Nhưng chẳng hiểu có ai bài binh bố trận, thực tế cuộc sống muôn màu muôn vẻ liên tiếp giáng những cú thôi sơn, những cái nảy lửa vào lời  khuyến cáo của vị Bộ trưởng kia. 

Cái đội ngũ đã được Bộ trưởng tin tưởng là thế này đây:

Trong kỳ thi đầu vào cao học ở tỉnh Thanh Hóa, bốn chục thí sinh đã đồng tình tự nguyện nộp mỗi người 27 triệu đồng làm lệ phí “chống trượt”. Chẳng nói ai cũng có thể biết, nếu trót lọt, họ sẽ tiếp tục tự nguyện để có được cái bằng cao học.

Như để tỏ rõ cách thi cử với bảo vệ luận văn rất “thoáng”, đặc biệt dễ dàng nhằm thỏa mãn nỗi khát khao bằng cấp bất tận của con dân đất Việt, một Phó giáo sư tiến sĩ của trường đại học tỉnh Thái Nguyên đã tuyên bố đại ý: dù chỉ là một anh lái gỗ, có 200 triệu vẫn có thể nhận bằng tiến sĩ y khoa. 

Và để thêm hoàn chỉnh theo kiểu “quá tam ba bận” của cổ nhân, “cú” thứ ba cũng được ra đòn: kỳ thi tuyển dụng của Bộ Công thương đã tỏ ra có quá nhiều điều bất chấp luật pháp, mà sự bậy bạ không chỉ diễn ra một lần trong vòng vài năm gần đây.

Bài còn chưa kịp post lên, đã đọc được tin này trên Vietnamnet (xin chép nguyên văn):

“3 ngày sau yêu cầu của Bộ GD-ĐT về việc Trường ĐH Quy Nhơn thanh tra làm rõ vụ việc nâng điểm cho sinh viên khóa 33, nhà trường đã có báo cáo kết quả.

Cụ thể, trong quá trình thanh tra đã phát hiện 71 sinh viên đã được nâng điểm, trong đó có: 11 SV chưa tốt nghiệp, 60 SV đã tốt nghiệp (58 SV đã nhận bằng tốt nghiệp). Trong đó: 42 SV từ chưa đủ điều kiện tốt nghiệp thành tốt nghiệp; 14 SV tốt nghiệp từ loại trung bình thành loại khá; 04 SV tốt nghiệp sai điểm trung bình chung (không sai xếp loại).
Ông Nguyễn Ngọc Danh, Thạc sĩ Công nghệ thông tin – chuyên viên của Phòng Đào tạo đã tự khai nhận: Ông không được giao nhiệm vụ quản lí kết quả học tập của sinh viên, nhưng đã lợi dụng sự hiểu biết về công nghệ thông tin để đột nhập vào cơ sở dữ liệu của nhà trường để thực hiện hành vi nâng điểm cho 71 sinh viên nói trên;

Ông Danh đã nhận tổng số tiền là 132 triệu đồng. Trong quá trình thanh tra, ông Danh đã tự giác nộp lại số tiền này.

Tổ Thanh tra đã kiểm tra, đối chiếu bảng điểm của 71 sinh viên như ông Nguyễn Ngọc Danh đã khai nhận là đúng.

Trong quá trình thanh tra, đến nay đã có 21 sinh viên tự giác nộp lại bằng tốt nghiệp cho Tổ Thanh tra.”

Đây là những biểu hiện được gọi là  “nghiêm túc” của đội ngũ các cấp cao. “Hồng” thì toàn là cán bộ đảng viên, các vị “chức sắc” đã được thử thách rèn luyện, trình độ toàn là chính trị trung cao cấp, noi gương… hết mình,  “chuyên” thì đều đã có bằng đại học trở lên cả. Còn đội ngũ ở cấp dưới, cấp cơ sở, cấp trường học phổ thông không rõ sẽ như thế nào?

Liệu ngài Bộ trưởng có dám tiếp tục tin tưởng?

 

Thói thường, những biểu hiện sai sót, thậm chí những sai sót trầm trọng trong thực thi công vụ là khó tránh khỏi, chỉ có ít hay nhiều, hiện tượng cá biệt hay phổ biến. Nếu nhân những vụ việc này, người đứng đầu kiên quyết điều tra và xử lý đến nơi đến chốn, những người vi phạm bị nhận kỷ luật nặng như cách chức, buộc thôi việc, …thậm chí bị xử lý hình sự thì về sau, chắc chắn những kẻ có ý định khuất tất sẽ phải chùn tay. Kỷ luật sẽ được vãn hồi, mọi việc sẽ được diễn ra đúng quy tắc, khẩu hiệu “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” sẽ dần trở thành hiện thực.

Nhưng tiếc thay, người ta chỉ “đánh rắn giữa khúc”. Cũng gọi là có thanh tra, điều tra, cũng nghiêm túc lắm, kẻ bị nghi vấn không được tham dự, … nhưng thực chất chỉ là tìm cách lấp liếm cho qua chuyện: khi thì đổ cho chỉ là một lời nói vui ngoài nhiệm sở rồi kẻ đã tha hóa nhân cách còn được tán tụng đủ điều; khi thì cho rằng kết quả điều tra là “tài liệu tuyệt mật” để không công bố trước dư luận; khi thì do không lấp liếm nổi một vài kẻ sẽ được đem ra thí mạng bằng cái kỷ luật “cảnh cáo nghiêm khắc” nhưng rồi rõ ràng đâu lại vào đấy, còn những kẻ đã bỏ ra 27 triệu đồng để hối lộ thì vô can trong khi điều 289 của Bộ Luật hình sự quy định “Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm”.

 

Sao người ta lại nương nhẹ với những gian dối như thế?

Vì sợ “rút dây động rừng”?

Vì “há miệng mắc quai”?

Hay vì cùng là đồng chí, chỉ khác nhau ở chỗ “bị lộ” và “chưa bị lộ”?

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngài bộ trưởng ví von thật sinh đông , tới mức người ta khong hiểu ngài nói gì ? Tư lệnh là ngài thì đúng rồi, người thầy là chiến si có nhẽ đúng ? Bởi có lúc được nghe giáo viên là chiến sĩ treen mạt trận văn hoá và giáo dục,mà nhà trường là thành luỹ ,là trung tâm … Eo ơi toàn hình tượng nghe thật là “hầm hố ” ra phết ! Nhưng địch ở đây là cái gì trong các cuộc thi cử đầy bất trác này ? Là sự trung thực hay gian dối ,hay là gì đây ? Còn súng của các thầy giáo nữa ? Là cái gì và chĩa vào dâu ? ( như thầy Giao hỏi) . Có nhẽ là sự công bằng và tự giác của người thầy ? Cái súng ấy ,giờ mấy ai còn giữ ? Hoặc nếu còn thì đã rỉ không dùng được nếu cố bắn vỡ lòng chết toi ! Gương tày liếp có rồi ,thầy Đỗ Việt Khoa ! Vậy nếu thầy nào còn súng tốt cũng chỉ dám bắn chỉ thiển thôi ! Ngay cả ngài bộ trưởng hình như ong cũng đang dùng súng liên thanh bắn chỉ tiên nhiều quá đấy ! ?

  2. Thực ra cái suy đồi của giáo dục hiện nay cũng do quy trình sử dụng người của thể chế gây nên. Người thực tài thì không làm lãnh đạo, vì lương quá bèo bọt(chỉ khoảng 10 triệu/tháng) khi tài của họ làm ra hơn nhiều và họ có Liêm và Sỉ, không muốn lợi dụng chức, quyền để bóp nặn. Là lãnh đạo toàn người không nói là dốt nhưng sự học không đâu vào đâu trong khi quy trình của thể chế phải có bằng cấp, vì thế không học bằng tiền thì mới lạ, dù họ có học nhưng cũng chẳng nhét được cái gì vào đầu. Cho nên đội ngũ cán bộ này không tin thì tin vào đâu.

Trả lời Nguyễn xuân Độ Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here