Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi đợt thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, dư luận lại được  một phen ồn ào. Ồn ào vì những biểu hiện lộn xộn đến mức “loạn” ở nơi trường thi vốn vẫn được coi là cần “đặc biệt nghiêm túc” từ thời phong kiến, ồn ào vì chẳng hiểu chất lượng của những thí sinh được coi là tốt nghiệp qua mỗi kỳ thi ra sao mà toàn thấy đỗ 98%, 99% cả, ồn ào vì càng ngày giáo dục càng “chán”, càng tiêu cực, càng vô giáo dục. Và bao trùm lên tất cả, nhiều người, rất nhiều người chỉ trông ngóng sao cho có được những kỳ thi nghiêm túc. Những mong mỏi ấy là vô cùng chính đáng.

1. Hiện nay, trong các nhà trường ở ta, không ít người chỉ thích đi học chứ họ không hề thích học. Kể cả ở trường đại học cũng không ít loại người  này. Tức là họ chỉ thích đến trường, có bạn bè để “chat, chit”, sinh nhật, pic-nic, có người cùng chơi game, và những trò du hý vô bổ khác chứ hoàn toàn không phải vì thích những công việc bình thường của người học sinh tức là phải trau dồi tri thức, rèn đức luyện tài. Nhiều người làm cha mẹ cho con đi học, thậm chí còn mất không ít tiền bạc chạy vào các trường “xịn” chỉ là để con mình không mang tiếng “thất học”, “vô học” với bè bạn, với hàng xóm, với đồng nghiệp. Loại này đi học nhưng không học, mọi việc chỉ giải quyết bằng tiền, đến khi thi cử cũng chỉ chạy điểm, chờ người ném bài, nhờ người thi hộ, …Đây chính là những đối tượng chủ yếu làm cho kỳ thi mất nghiêm túc. Việc tiến hành thi cử nghiêm túc sẽ loại hẳn những người chỉ làm vấy bẩn nền giáo dục này. Những người còn lại sẽ phải và thêm điều kiện học hành chăm chỉ, chuyên cần hơn, trả nhà trường về đúng với vị trí chức năng của nó.

2. Thi cử nghiêm túc sẽ thanh toán được tình trạng bằng thật mà học giả đã tràn lan ở nước ta từ bao nhiêu năm nay. Học trò học hết lớp 6, lớp 7 mà vẫn chưa biết đọc; học sinh tiên tiến lớp 9 mà không làm nổi một phép tính chia; còn học sinh lớp 12 thì trả lời cho câu hỏi “vì sao con chim đậu trên dây điện mà không bị “giật”” như thế này: “Vì chân chim được bọc một lớp vỏ bằng chì, mà chì là kim loại không dẫn điện” (Theo điều tra của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 1982 tại một trường Phổ thông cấp 3 ở Hà Nội). Các kỳ thi, kiểm tra, sát hạch nghiêm túc sẽ chấm dứt tình trạng nước ta nhiều tiến sĩ, giáo sư nhất Đông nam Á nhưng cực hiếm những công trình khoa học có giá trị. Những cán bộ có bằng cấp chủ yếu bằng cách mua điểm, mua luận văn sẽ không còn nơi để tồn tại. Các đầy tớ của nhân dân sẽ là những người có hiểu biết thực sự chứ không phải là những  kẻ thiểu năng trí tuệ chạy được một suất làm trong các cơ quan nhà nước để có cơ hội hành dân, nhằm “thu hồi vốn” và kinh doanh có lãi. Nhân dân sẽ không còn phải thấy những thông tư, chỉ thị, nghị định kiểu như ưu tiên cho cán bộ tiền khởi nghĩa, bà mẹ Việt Nam anh  hùng thi đại học hay “trước khi thanh tra phải báo trước để đảm bảo tính minh bạch”, …Bằng cấp sẽ được mang giá trị thực của nó. Như thế là đất nước, nhân dân đều có lợi.

3. Thi cử nghiêm túc sẽ giúp cho cha mẹ học sinh biết được con em mình có khả năng học tập như thế nào, cho học đến đâu là đủ. Thực tế cho thấy khả năng tiếp thu tri thức của mọi người hoàn toàn không giống nhau. Có người chỉ có thể học tới mức biết đọc biết viết. Càng học lên cao, những đòi hỏi về năng lực trí tuệ  càng chặt chẽ hơn. Và thực tế, trong xã hội, có rất nhiều nghề không cần đến học vấn cao mà chỉ cần thành thạo những kỹ năng cơ bản. Nếu con em  không qua nổi kỳ thi, cha mẹ sẽ chuyển hướng cho đi học nghề. Khi tuổi còn ít, việc tiếp thu những kỹ năng nghề nghiệp có nhiều thuận lợi. Các em sớm bước vào nghề, sớm trở thành thợ lành nghề, sớm có thu nhập giúp đỡ cha mẹ, sớm lập thân lập nghiệp. Những năm tháng đầu đời không lãng phí vào những việc mà bản thân các em không có hứng thú và cũng tránh được việc tiêm nhiễm những thói xấu nhất là lười biếng và gian dối do “nhàn cư vi bất thiện” mặc dù mang tiếng vẫn cắp sách tới trường. Cha mẹ thì tiết kiệm được tiền bạc, các em sẽ tiết kiệm được những năm tháng đầu đời của mình, cái vốn quý mà không có cách gì lấy lại được. Như vậy, từng người dân cũng có lợi.

4. Hiện nay, do thi cử không nghiêm túc, tỷ lệ học sinh đỗ trượt không phụ thuộc vào sự nỗ lực của thầy và trò trong giảng dạy và học tập nên thầy không cần dạy, còn trò cũng không cần học.  Còn cần làm gì nữa, khi học sinh đã đỗ tới 97%, 98%? Một tỷ lệ đỗ  tương đối chính xác chắc chắn có sự phân hóa của từng môn học trong thi cử nghiêm túc sẽ giúp các cấp quản lý giáo dục đánh giá đúng đắn chất lượng của giáo viên. Từ đó, giúp giáo viên có động lực để nâng cao trình độ, tay nghề của bản thân mà không cần một phong trào thi đua tự bồi dưỡng mang nhiều tính hình thức như hiện nay. Kết quả thi hàng năm sẽ là thước đo khách quan để người thầy tự nhìn lại khả năng của mình.

5. Việc chọn lọc qua thi cử nghiêm túc sẽ giúp nhà nước không cần mở trường tràn lan đến mức nhiều trường không có người học như hiện nay. Trong khi đất nước còn nghèo, ngân sách  cho giáo dục mặc dù đã chi không ít nhưng vẫn chưa đủ với đòi hỏi vì số lượng trường học, số lượng học sinh quá lớn mà trong đó có không ít những học sinh “bất đắc dĩ”. Ngân sách còn hạn chế ấy sẽ được  đầu tư có trọng điểm để rồi trường nào cũng thành trường có chất lượng. Nhà nước có thể dành một khoản tiền không nhỏ để tăng số lượng học bổng (số suất học bổng và mức học bổng) cho con em những gia đình nghèo học giỏi và cho những người có tài năng đặc biệt xuất sắc, bồi dưỡng nhân tài cho tương lai của đất nước. Như thế là tiền thuế mà nhân dân đóng góp bằng mồ hôi của mình được đầu tư một cách có lợi nhất.

6. Và một điều cũng vô cùng quan trọng, thi cử nghiêm túc sẽ đảm bảo đạo đức trong xã hội được tôn vinh, sự trung thực, liêm chính được tôn trọng, thói gian lận, dối trá sẽ bị tận diệt. Một xã hội công bằng thật sự sẽ được xây đắp dựa trên năng lực của mỗi công dân. Đó là một  thành tố không thể thiếu trong mục tiêu một xã hội “công bằng dân chủ văn minh” mà chúng ta đang nói rằng muốn hướng tới.

 

Vậy còn chờ gì nữa mà không tổ chức việc thi cử một cách nghiêm túc?

2 BÌNH LUẬN

  1. Những điều tâm huyét cúa thầy cũng là niêm mơ ước của em từ bao lâu nay,chẳng biết nó có thấu tới đâu không?Bao giơ quay lại yhi cử nghiêm túc như ngày xua.Em còn nhớ maìky em thi vào Đại học,đang chiến tranh phải thi dưới hầm lúc 5h30 sáng.Dưới ngọn đèn dều tù mù cùng đà muổi đõi,giám thị bỏ ra ngoài hết,bọn em thi khối C má.không ai có tài liệu hoặc nhìn bài nhau.Còn giờ thí quá buồn.

  2. Tri thức là sức manh (Knowledge is our strength) cau cua
    Francis Bacon.Các nươc Nhât Bàn ,Singapore,Hàn Quốc ,Đài Loan
    xã hôi ổn đính đất nước phát triển vì Giáo Dục trung thưc
    chọn dược người TÀI để giúp Đất Nước

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here