Cho tới những năm cuối của thập niên 60, chất lượng giáo dục đã có nhiều biểu hiện xuống dốc rồi. Trong mỗi lớp, không ít học sinh yếu, lẽ ra phải cho ở lại lớp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Nguyên nhân trước hết là chiến tranh, mọi thứ đều đảo lộn, cuộc sống khó khắn, trường lớp sơ tán ra nhiều nơi, quản lý thiếu chặt chẽ, việc dạy và học không còn được nghiêm túc như trước. Lẽ ra trong hoàn cảnh ấy, giáo dục nên cố gắng giữ lấy những gì đã có, như thế cũng đã là một thắng lợi. Nhưng cấp trên lại muốn “dù chiến tranh nhưng bom đạn Mỹ không cản nổi bước tiến của dân tộc anh hùng, giáo dục vẫn phát triển và còn phát triển mạnh hơn gấp bội”. Có thế mới chứng tỏ tinh thần “không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ” của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của đảng. Cái phần tôi để trong “ngoặc kép” trên là trích nguyên văn trong một cái nghị quyết đấy. Suốt hai tháng học chính trị nghe nói câu này nên thuộc đến tận bây giờ.
Trường cấp 3 từ hồi chống Mỹ được mở ở hầu khắp các huyện. Trường ở gần, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, cũng là điều tốt. Nhưng chính vì thế sự sàng lọc cũng thiếu. Rồi trường mở ra nhiều nên đào tạo giáo viên không kịp. Mấy năm liền, trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh tới mức không cần tổ chức thi tuyển, cứ tốt nghiệp lớp 10 là vào đại học. Sinh viên trường sư phạm cũng như bao trường khác, phải đi sơ tán khắp nơi, thời gian chủ yếu để vào rừng kiếm tranh tre nứa lá, dựng lán (lán học, lán ở,…), đi vác gạo, kiếm củi phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, thời gian đâu mà học! Rồi phòng thí nghiệm, thư viện lấy đâu ra, vì nó còn ở Hà Nội, sao mang đi sơ tán được? Một cô giáo tốt nghiệp khoa văn năm 1970 về dạy trường tôi, nói cô ấy chưa hề trông thấy mấy cuốn Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình, … Có lần còn hỏi tôi:
– Cái chuyện Bỉ vỏ là thế nào hả anh? Sao người ta lại gọi là “bỉ vỏ”.
Còn Nam Cao thì cô ấy bảo “chỉ biết mỗi truyện Chí Phèo” (là truyện được học từ năm cấp 3).
Rất nhiều giáo viên cấp 2 được cho đi học hàm thụ để về dạy cấp 3. Học chính quy mà còn như thế thì học hàm thụ, tại chức còn thế nào?
Nhiều người trong số đó còn được đưa về mấy cái Viện nghiên cứu của Bộ Giáo dục mới thành lập thời gian này. Chẳng hiểu những người như thế họ sẽ nghiên cứu ra cái gì?
Trong giáo dục để bảo vệ cho quan điểm phát triển không ngừng, người ta còn đưa ra cái triết lý “trong số lượng có chất lượng”. Tôi nhớ đã có một nghị quyết về chuyện này được đưa ra khoảng những năm 1967, 1968. Đầu năm, học chính trị, nghe giảng, rồi thảo luận, rồi giải đáp thắc mắc, rồi thu hoạch, … Trong lúc khí thế “bừng bừng”, ai cũng thông suốt, ai cũng cho rằng có thế mới chứng tỏ quyết tâm chống Mỹ, và tuyệt đối tin tưởng vào nghị quyết, vào sự lãnh đạo của đảng.
Để tăng số lượng, năm nào các trường cũng mở thêm lớp. Đất thì không thiếu, học sinh góp tre, góp lá dựng lớp học. Bàn ghế thì chắp nhặt, rồi cũng đâu vào đấy cả! Học trò (có đủ trình độ) thiếu nhưng người học (không ít người thấy con người ta đi học, con mình cũng phải đi học) thì không thiếu. Trường vốn chỉ có 12 lớp cho 3 khối, sau ba bốn năm bỗng trở thành trường hơn hai chục lớp, to gần gấp đôi.
Và cũng sau ba bốn năm ấy, chúng tôi, những người trực tiếp giảng dạy đã nhận ra cái sự xuống dốc không phanh của chất lượng. Học sinh tốt nghiệp cấp 2, sau thi tuyển mới được vào cấp 3 mà một bài làm văn bốn trang giấy gần hai chục lỗi chính tả, cũng ngần ấy câu sai ngữ pháp. Toán thì mấy cái hằng đẳng thức đáng nhớ vẫn quên, nhiều ký hiệu công thức hóa học thông thường không biết, …Cái gốc như thế, sao tiếp thu được những kiến thức của lớp trên? Anh em giáo viên chúng tôi khi ấy tuổi còn trẻ, (Hiệu trưởng, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ mới ngoài bốn mươi), không dám nói là tâm huyết nhưng ai cũng yêu nghề (vì đều tự nguyện cả, chưa chịu áp lực về nhiều thứ khi lựa chọn nghề nghiệp lúc thi vào đại học), trước tình trạng ấy rất trăn trở. Nhưng khổ nỗi, cái gì chẳng vậy, không qua chọn lọc sao có sản phẩm tốt, học trò kém dù có bắt thi lại một hai môn, nhưng kết quả thi có thế nào rồi cuối cùng cũng chỉ vài ba người kém nhất phải ở lại, còn vẫn lên lớp hết. Cũng chưa phải vì thành tích mà chỉ vì cái phương châm “trong số lượng có chất lượng rồi”, mà lại còn nghe nói đó là nguyên lý triết học Mac – Lê nin cơ đấy!.
Bọn tôi đều tốt nghiệp đại học hệ chính quy cả, nhưng chắc chưa ai được học triết học cho ra trò, không thể bác bỏ nhưng cũng không thể được cái phương châm này thuyết phục. Anh nào cũng có cảm tưởng rằng điều này có lẽ chỉ đúng khi huy động nhân lực đi đào mương làm thủy lợi, đi trồng cây gây rừng, đi đào hầm trú ẩn… nghĩa là những công việc lao động chân tay. Vì cứ huy động cho đông, bất kể người lớn, trẻ con, người lớn làm được mười, đứa trẻ con cũng làm được một. Hay trong việc “oánh nhau” thì theo chiến thuật “biển người” trong các bộ phim chiến đấu “chống Mỹ viện Triều” của Trung Quốc. Một bên quân Mỹ cố thủ trong các lô cốt, công sự, một bên là quân chí nguyện Trung Quốc ào ào xông lên. Đạn vãi như trấu, nhưng bắn mãi cũng phải hết. Nhưng người có chết như ngả rạ cũng không thể chết hết được vì quân Trung Quốc đông lắm! Đạn muốn sản xuất được còn phải có nhà máy chứ người thì Trung Quốc sản xuất nhanh như điện ở khắp mọi nơi trên cái diện tích 9 triệu cây số vuông của họ. Thế là nhờ có số lượng quân đông mà thắng trận. Chắc thế là “số lượng biến thành chất lượng”.
Thì may quá, hôm ấy, có một đồng chí lãnh đạo về thăm trường. Trong chuyến làm việc, đồng chí lãnh đạo có để một buổi gặp gỡ giáo viên. Sau khi nghe rất nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng của học sinh, đồng chí lãnh đạo lại nói lại phương châm “trong số lượng có chất lượng” và luôn luôn khẳng định đại ý “các đồng chí phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, đến việc đánh Mỹ khó khăn như thế mà đảng ta còn lãnh đạo được thì cái việc giáo dục sao đảng lại không đủ sáng suốt!”
Nghe mà chán! Một anh giáo viên toán mới giơ tay, rồi sau khi được phép phát biểu mới đứng lên. Anh ấy nói khá dài, lâu ngày tôi đã quên nhiều (43 năm rồi còn gì!) nhưng tôi vẫn nhớ một câu hỏi anh ta đặt ra:
– Chúng tôi không được học triết học nên không dám bàn cái đúng hay chưa đúng của phương châm “trong số lượng có chất lượng” này. Nhưng tôi xin phép hỏi đồng chí: Một học sinh lớp 7, hay lớp 10 đúng nghĩa sau khi tôt nghiệp có thể làm kế toán cho hợp tác xã một cách vững vàng (lúc đó hiếm có kế toán là học sinh tốt nghiệp lớp 10, phần lớn chỉ có lớp 7), nhưng 10 học sinh lớp 1, hay thậm chí 100 học sinh lớp 1 có thể làm kế toán được không? Trong cái số lượng ấy có chất lượng không?
Sau một hồi ề à (chắc không biết trả lời thế nào, vì cái phương châm ấy đâu phải do ông ấy nghĩ ra mà là do ông Bộ trưởng, cũng có khi chẳng phải do ông Bộ trưởng, đó là do ông to hơn ông Bộ trưởng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mac – Lênin), ông ấy bảo:
– Cái vấn đề này nó phức tạp lắm, không thể trong một lúc nói hết được. Hẹn đồng chí một lúc khác ta sẽ bàn tới.
Quả thật 43 năm tôi vẫn chưa giải đáp được câu hỏi này. Có ai giỏi triết học, làm ơn chỉ giúp!
Nhưng có phải chính cái phương châm “trong số lượng đã có chất lượng” ấy đã giáng một đòn chí mạng vào chất lượng giáo dục?
Nói ” “trong số lượng có chất lượng” là ngụy biện. Thành tích chủ yếu dựa vào “số lượng” nên biến thành bệnh hồi nào không hay
Chào bác ạ.
Theo cháu thì cái câu TRONG SỐ LƯỢNG CÓ CHẤT LƯỢNG chỉ đúng trong trường hợp sau:Là khi con người,xã hội được tự do phát triển về học thuật,từ số lượng đó ta chắt lọc một cách công bằng để tìm ra những cá nhân suất xắc để đào tạo nâng tầm nên một mức mới thôi ạ.