Tôi vốn anh giáo quèn, lương ba cọc ba đồng, giờ về hưu, chỉ còn có 75% của những cọc những đồng ấy nên thường khi nào “hoành tráng” lắm cũng chỉ dám nói tới tiền triệu. Cả đời,  hôm vừa rồi được nhận tiền thâm niên gần bốn chục năm dạy học mới được cầm chục triệu, còn trăm triệu, nghìn triệu giá trị như thế nào thì … chịu, không sao hình dung nổi. Nói tới tiền “đô” thì chỉ nhớ hồi cái xe Dream II của Thái Lan còn là mơ ước của nhiều người (tất nhiên ngoại trừ tôi, chưa bao giờ dám có cái ước mơ phạm thượng ấy), một người bảo (trên báo hẳn hoi) một tỷ đô la có thể mua được số xe máy Dream II xếp từ Hà Nội tới Vinh (khoảng 300 cây số). Chứ còn nói hơn ba chục nghìn tỷ đồng Việt Nam, với tỷ rưỡi đô la có giá trị thế nào thì thật “bó tay chấm com”.

 Nhưng dù không sánh được với các đại biểu quốc hội về sự hiểu biết, tôi cũng không tán thành  việc bỏ ra ngần ấy tiền mồ hôi nước mắt của dân ta (trong đó tất nhiên cũng có vài giọt của bản thân tôi) để làm cái việc viết lại chương trình và sách giáo khoa trong hoàn cảnh hiện nay. Không dám nói chuyện đắt hay rẻ, nhiều hay ít vì chất xám của con người ta là vô giá, nhất là chất xám của các bậc hiền tài với học hàm học vị đầy mình. Tôi không đồng tình chỉ vì nhớ tới hai câu chuyện trong lần thay sách giáo khoa lần trước. Mà hai chuyện có liên quan tới hai môn vẫn thường được coi là “cốt tử” trong nhà trường.

 Đầu tiên nói chuyện sách giáo khoa môn Văn. Sách mới ra đời được thời gian ngắn, các tác giả của sách bị một nhà thơ họ Trần viết cho một loạt bài chỉ ra những sai lầm từ về kiến thức, nhận định, lập luận tới cả cách hành văn. (không biết có chính xác không, tôi nghe nói  nhà thơ này còn chưa có bằng đại học, nếu sai xin lỗi nhà thơ). Các tác giả, ban đầu còn viết bài biện bác. Nhưng sau đó thì  bất lực  trước những lý lẽ và bằng chứng không thể chối cãi, các Giáo sư dùng “chiêu” nói rằng “không thèm chấp” vì người viết những bài kia không có học hàm học vị. Đường đường toàn các giáo sư đầu ngành, sao phải cãi nhau tay đôi với một anh chỉ biết làm thơ. Nhưng khổ nỗi, cái anh làm thơ kia dù bằng cấp thấp nhưng cái sự hiểu biết không thấp. Toàn những lý lẽ không thể bác bỏ, mà các bài đều đăng trên báo trong đó có tờ Văn nghệ, một tờ báo có rất nhiều độc giả. Mất mặt quá, thế là các giáo sư đành phải kêu cứu Bộ Giáo dục, đề nghị  Bộ nói với các báo không đăng những bài phê phán của tác giả họ Trần nữa. (Câu chuyện này khiến tôi thấy “na ná” như chuyện xưa hồi trẻ con, có đứa bị bạn bắt nạt không làm gì được vội chạy về mách người lớn). Sau, tôi được nghe một người, có bạn thân là một trong những tác giả của cuốn sách này nói: Tác giả than rằng, chỉ có nửa tháng từ Sài Gòn ra ngồi ở Hà Nội để viết, lại không được báo trước, chỉ vội vội vàng vàng xếp vài bộ quần áo vào cái túi xách rồi lên máy bay… Ý của tác giả chắc là: tài năng của ông không phải xoàng xĩnh như thế, chẳng qua vì thời gian gấp rút thôi.

Chuyện thứ hai: Một anh bạn dạy  Toán của tôi rất yêu nghề và có lương tâm nghề nghiệp, cứ có sách giáo khoa mới là anh ngồi cắm cúi giải hết các bài tập, hết  trong sách giáo khoa đến sách bài tập của cả ba lớp, nhiều bài khó hay đặc biệt, anh còn ghi ra một cuốn vở để khi cần thì xem lại. Anh tâm sự: mình phải giải hết để khi học trò hỏi còn có thể trả lời ngay, kẻo mang tiếng thầy mà không giải nổi bài tập trong sách giáo khoa. Nhưng gặp  một bài toán Hình học, mất bao thời gian suy nghĩ, “vò đầu bứt tai”  mà anh vẫn không giải được. Hỏi nhiều giáo viên Toán đều bất lực. Không chịu thua, anh lân la tìm đến làm quen với tác giả của cuốn sách giáo khoa Toán ấy, nhờ ông ấy chỉ cho cách giải. Không dám nói đây là bài tập trong sách cho học trò vì sợ ông ấy cười là dốt. Tác giả cắm cúi ngồi vạch vạch, xóa xóa. …Rồi tác giả cắn bút, …mãi không ra kết quả. Hàng giờ đồng hồ trôi qua, giáo sư Toán học đành  cười gượng: “khó ra phết đấy nhỉ!” và hẹn sẽ giải đáp vào hôm khác. (Tôi không rõ sau này giáo sư có giải được bài tập đó không). Hóa ra tác giả nói rằng soạn sách nhưng thật ra chỉ dịch những bài tập trong một cuốn sách giáo khoa của nước ngoài và chắc có quá nhiều việc phải làm, tác giả đã không thèm giải thử xem cái bài tập ấy mức độ khó dễ ra sao.

Hai câu chuyện ấy khiến tôi cảm thấy thật phí phạm tiền bạc khi tổ chức soạn sách, chẳng khác gì như người xưa nói “thóc đâu mà đãi gà rừng”!

Nhân bàn chuyện chương trình và sách giáo khoa, tôi xin đề nghị:

  1. Trước mắt, giáo dục của ta đang trong thời kỳ như ở buổi hỗn mang, phát triển một cách rất là “linh tinh xòe”, mạnh ai nấy làm, chỉ vì cái nhóm lợi ích của mình. Chi bằng nên giữ nguyên trạng. Phải thay đổi con người đã, từ người quản lý ở tầng vĩ mô đến người trực tiếp giảng dạy đều cần chấn chỉnh, thay đổi. Không chấn chỉnh con người, có chương trình kiểu gì, sách giáo khoa tân tiến thế nào cũng lại đi vào vết xe cũ, lại thất bại ê chề, chỉ xót tiền dân.
  2. Nếu cần phải làm việc này, tôi xin đề nghị Quốc hội thông qua ngân sách nhưng khiêm tốn hơn rất nhiều lần dự toán của Bộ Giáo dục. Còn Bộ hãy  tổ chức một cuộc thi viết sách giáo khoa theo  chương trình của từng môn, từng lớp do Bộ ban hành  và  kêu gọi tất cả những ai tâm huyết với giáo dục đều có quyền viết và gửi bản thảo tới dự thi, không phân biệt học hàm,  học vị và nơi làm việc. Sau đó, một Hội đồng sẽ xét chọn. Hội đồng này phải làm việc công khai (tuyệt đôi không được “dấm dúi” đi đêm). Khi nào họp, họp ở đâu đều công bố để mọi người quan tâm tới nghe (có thể không được phát biểu tại chỗ, chỉ có thể đưa ý kiến lên mạng). Sau đó, tác giả  (hoặc nhóm tác giả) nào có bộ sách được chọn sẽ được trao phần thưởng 1 tỷ đồng.

Phần thưởng này có vẻ như cao, nhưng chất xám, đâu có phải cái có thể mặc cả hay chê đắt rẻ. Như vậy, chắc chỉ mất trăm tỷ hoặc hơn chút ít, ta sẽ có một bộ sách giáo khoa có chất lượng.

12 BÌNH LUẬN

  1. Ngày xưa hào lý quê tôi có bí quyết xoay tiền dân là ” đói thì đảo ngói đình làng” .Cái đình giáo dục mấy chục năm nay cứ đảo ngói hoài (thay sách giáo khoa) là vậy

  2. Bản nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Công Lý-Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM về “Chương trình và sách giáo khoa môn Văn bậc trung học ở miền Nam trước năm 1975 ”
    trích dẫn: “Cần lưu ý là trước năm 1975 ở miền Nam, Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ ra Sắc lệnh hoặc Nghị định về chương trình khung (nội dung giảng dạy, tác giả, tác phẩm, thời lượng cho từng tác giả tác phẩm, v.v..) cho từng lớp của cấp học, chứ Bộ không độc quyền biên soạn hay chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa mà việc này Bộ để cho các nhà giáo có khả năng, có kinh nghiệm và uy tín đang giảng dạy cấp trung học trực tiếp biên soạn, thông qua Ban Tu thư của một vài Nhà xuất bản như Sống Mới, Khai Trí, Văn Hào v.v.. tổ chức in ấn. Dĩ nhiên những bộ sách giáo khoa này trước khi xuất bản, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trung học toàn miền Nam thì chúng phải được Hội đồng thẩm định thuộc Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục xét duyệt, bỏ phiếu đồng ý tán thành. Hội đồng gồm một Chủ tịch và các thành viên, mà các vị này đều là những học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo có kinh nghiệm và uy tín. Còn các loại sách khác như biên khảo và dịch thuật thì do Hội đồng thẩm duyệt của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá đảm nhận. Khi giảng dạy, các giáo viên (hồi ấy gọi là giáo sư) bám vào chương trình khung mà soạn bài giảng, tự chọn sách dạy và định hướng cho học sinh của mình nên mua sách giáo khoa của soạn giả nào để học. Và dĩ nhiên, không loại trừ có học sinh cùng một môn học mà lại mua vài ba bộ sách khác nhau để học tập và tham khảo nếu gia đình học sinh đó có điều kiện về kinh tế. Riêng môn Văn như trên đã nêu, có nhiều bộ sách giáo khoa của các soạn giả: Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà, Trần Trọng San, Võ Thu Tịnh, Tạ Ký, v.v.. trong số đó hai bộ sách của hai soạn giả Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà là được dùng phổ biến rộng rãi trong nhà trường ở các tỉnh thành miền Nam. ”
    nếu làm như vậy ngân sách đâu tốn tiền để in sách giáo khoa ?
    dia chi trang web tham khảo :http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4891%3Achng-trinh-va-sach-giao-khoa-mon-vn-bc-trung-hc-min-nam-trc-nm-1975&catid=115%3Agiao-dc&Itemid=189&lang=vi

  3. Cách làm ở Ba Lan về thay đổi SGK cũng giống như ở Miền Nam trước 1975. Em nghĩ nhiều nước làm như vậy. Đó là cách biên soạn sách một cách dân chủ. Người viết sách tham dự là những nhà sư phạm có kinh nghiệm. Mỗi cuốn được giới thiệu cho các giáo viên để họ sử dụng và lên chương trình cho học sinh mua năm đó. Nhà xuất bản trên cơ sơ số học sinh sẽ sử dung để tính toán tương đối số lượng. Em còn nhớ con trai học lớp 5_6 khoảng 2003_04 họp phụ huynh, cô giáo dạy Toán nói sẽ dạy theo phương pháp mới, ví dụ học sinh không cần học thuộc nguyên tắc hàng đẳng thức. Phu huynh đành gật đầu, nhưng sau đó kết quả thi toán vào cấp 2 rất thấp. Con trai em vốn khá toán, thi vào một trường cấp 2 điểm văn được tối đa mà trượt vì điểm toán. Có lẽ bị mất cơ bản .
    Sau đó 2 năm vào trường tốt mới vực lại được. Thực ra cô giáo toán cấp 1 kia dù có nhiệt tình nhưng kém, chọn giáo trình không chuẩn. Và sách cải cách không phải cuốn nào cũng tốt. Phải qua thực nghiệm mới chọn được sách tốt, không cần tranh cãi như trường hợp NT Trần Mạnh Hảo rất không đáng, và cũng không phải chi phí quá nhiều.

  4. Viết lại sách giáo khoa,hay những cải cách khác mang tấm lòng,nhiệt huyết với nền giáo dục nước nhà,thì tốn kém chắc người dân cũng sẽ vẫn hài lòng.Thế nhưng ở ta,mỗi lần viết lại sách,hoặc cải cách tốn kém kinh khủng,chỉ làm đầy túi tham cho một nhóm lợi ích,chứ giáo dục thì vẫn tệ như cũ.

  5. Cam on thay vi nhung y kien rat tam huyet, xin phep chia se bai viet cua thay de hy vong nhung nha qly tam huyet co co hoi doc duoc nhung dieu nay khi dung tien thue cua nhan dan, tien vay no nuoc ngoai ma the he con chau nuoc Viet sau nay se phai cong co ra ma tra

  6. có soạn lại sách giáo khoa mới hoàn toàn cũng không tốn tiền ngân sách đông nào, vì sách giáo khoa in ra bán lãi cao dư tiền để trả cho người soạn, đâu cần gì đến tiền ngân sách nhà nước. Phải hiểu điều cốt lõi nầy. Sách giáo khoa là hàng hóa kinh doanh độc quyền và lợi nhuận cao nhất hiện nay.

  7. Tôi đồng ý với “Ông giáo làng” là “phải thay đổi con người đã”, nhưng có lẽ cái gốc của v/đ lại ở chỗ khác kia. Ai cũng hiểu điều đó, nhưng ko muốn nói ra đấy thôi.

  8. Thật lạ lùng Bộ GD cứ muốn ôm lấy việc soạn sách . Họ muốn làm người lính canh tri thức và nhân cách học trò và cũng chính họ làm băng hoại nhân cách và kìm hãm tư duy sáng tạo của học trò ! Các bạn sẽ nghĩ mình hồ đồ ? không đâu ! Hãy giành cho những tri thức thực thụ làm việc này và ngươi thày phải có đủ năng lực lựa chọn sách hay để dạy cho HS . Còn như dạy theo sách của Bộ người thày sẽ mất đi khả năng lựa chọn và anh ta chẳng cần đọc thêm làm gì để lựa chọn . Thầy không làm được việc này thì trò thụ động và dốt nát là dĩ nhiên .

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here