Bà nội tôi mất khi tôi mới 3 tuổi. Kỷ niệm có lẽ là duy nhất mà tôi còn nhớ về bà là một lần, khi có máy bay (máy bay Pháp oanh tạc hồi kháng chiến), bà bế tôi chạy ra bờ tre sau làng. Bà ngồi thụp xuống dưới bụi tre, ôm chặt lấy tôi như để che đỡ cho đứa cháu bé bỏng, miêng luôn niệm “Nam mô a di đà Phật, Nam mô a di đà Phật…”.
Tôi được nuôi nấng, chăm sóc chủ yếu là do bà ngoại. Thời gian kể ra cũng không phải là dài lắm, có lẽ khoảng 10 năm. Nhưng vì đó là những năm đầu đời, khi còn tuổi thơ ấu nên những kỷ niệm về Bà thật khó quên.
Cho đến giờ, tôi vẫn chưa hoàn toàn cắt nghĩa được vì sao, Bà tôi vốn khá giàu có, mà có thể chịu đựng được nhiều vất vả, gian khổ như thế trong những năm kháng chiến. Trước năm 1946, Ông Bà tôi có 7 ngôi nhà (định dành cho 7 người con), trong nhà thường có không ít kẻ hầu người hạ, cả 7 người con đều có vú nuôi, trong nhà ngoài vú nuôi các con, còn có những anh bếp, anh xe (kéo xe tay), chị sen…
Khi kháng chiến toàn quốc, cả nhà tản cư theo lời kêu gọi lúc ấy“đi tản cư là yêu nước”. Ai cũng nghĩ chỉ đi dăm bữa nửa tháng rồi lại về.Trước khi đi, “của nả” chôn ở trong vườn, chỉ mang theo ít đồ trang sức phòng thân. Tất cả để trong túi một cái áo rét. Trên đường đi, cái áo rơi mất. Thế là cả nhà trắng tay.
Suốt những năm kháng chiến, Bà tôi, khi ở Phú Thọ, lúc lên Tuyên Quang, nuôi nấng chăm sóc mấy đứa cháu, thậm chí có đứa còn “đỏ hỏn” để cho các con đi công tác. Tôi là lớn nhất lúc bấy giờ cũng chỉ mới 6, 7 tuổi, còn Thoa mới chỉ được 8 tháng đã ở nhà với Bà để mẹ tôi đi theo cơ quan. Thậm chí Sáo chỉ mới được 2 tháng cô Đạt đã phải đi chỉnh huấn. Ban đầu, cô Đạt còn mua một con bò và nhờ cô Dậu hàng ngày vắt sữa cho Sáo uống. Nhưng sau, cải cách ruộng đất, cô Dậu về Tuyên Quang, không có ai vắt sữa bò và chăm Sáo nữa, Bà mỗi ngày phải vài lần bế Sáo đi xin sữa những người trong làng, còn đến bữa thì mớm cơm. Mấy bà cháu chỉ trồng khoai trồng sắn nuôi nhau, cuộc sống cực kỳ thiếu thốn. Có lẽ bây giờ khó ai có thể tưởng tượng được.
Tôi còn nhớ có cái Tết, hình như là Tết năm 1953, các nhà hàng xóm đã nấu bánh chưng, chung nhau mổ lợn (ở đấy người ta gọi là “đụng” lợn) mà mấy Bà cháu vẫn chẳng có gì. Đến chiều, hình như hôm ấy là 30 Tết, Bà bảo tôi giã gạo, rồi đi đâu đó. Đến xẩm tối, Bà về mang theo một miếng thịt chó (chắc độ một vài cân). Đó là tất cả cái Tết của mấy Bà cháu. Có lần, nhà hàng xóm hình như có giỗ, đem cho một đĩa thịt lợn luộc. Cái đĩa nhỏ, chỉ nhỉnh hơn cái đĩa tách một chút xếp một lớp thịt thái mỏng, đem chia chắc mỗi người được vài miếng. Khi thấy bà hàng xóm mang sang, mắt tôi đã sáng lên. Nhưng Bà không cho ăn. Bà bảo để rán lên lấy mỡ xào rau, ăn được mấy bữa.
Nhà những người hàng xóm, ít ra còn có một người đàn ông, còn nhà tôi chỉ có Bà và mấy đứa cháu nhỏ mà tôi là lớn nhất. Vì thế, mọi việc lớn nhỏ, kể cả những việc cần xốc vác, Bà cũng đưa vai ra gánh chịu. Còn tôi thì cô gắng giúp Bà được chút nào hay chút ấy. Có những ngày mưa phùn gió bấc, rét căm căm, hai Bà cháu khoác áo tơi xới ngô, làm cỏ khoai ngoài đồng.
Hàng ngày đi học, giờ ra chơi, tôi phải vào rừng nhặt các cành cây khô, bẻ ra, bó lại rồi đến khi tan học lại vác về, cứ vừa đi vừa nghỉ, mặc cho các bạn chạy về trước. Cành củi khô thì nhiều lắm, chẳng ai thèm nhặt. Nhà người ta có đàn ông, có thể đẵn, vác về những khúc gỗ lớn, bổ ra làm củi đun dần. Những thân gỗ to có thể cháy âm ỉ hết ngày này đến đêm khác để giữ lửa, khi cần không phải đi xin. Còn nhà tôi, vì chỉ đun bằng những cành nhỏ, thậm chí chỉ là những cái ngọn hoặc tay tre nên không bao giờ giữ được lửa. Hôm nào đến bữa nấu cơm cũng phải mang một đoạn nứa đập rập đi xin lửa hàng xóm. Có hôm, đi về gần tới nhà, lửa lại tắt, phải quay lại xin lần nữa. Mỗi lần đi xinlửa, thấy bếp nhà hàng xóm cháy mà phát “thèm”. Lửa cháy rừng rực, có khúc củi to bằng bắp đùi người lớn, nhỏ cũng bằng cổ tay. Có đêm, các em nhỏ ỉa đái dầm dề, tôi cũng phải dậy đi xin lửa rồi phụ với Bà dọn dẹp.
Thấy tình cảnh như thế, một lần về chơi, Bố mang cho tôi một cái bật lửa và một lọ dầu hỏa nhỏ rồi dạy cách sử dụng. Ban đầu bật lửa rất tốt, không phải đi xin lửa nữa, nhưng chỉ được mấy hôm là bật không cháy. Tuởng là hết dầu, tôi đem lọ dầu ra đổ. Mãi cũng vẫn chẳng thấy cháy. Thế là lại điệp khúc hàng bữa đi xin lửa như cũ.
Hình như do quá gian khổ, một lần, Bà có tính chuyện trở về Hà Nội, lúc ấy gọi là“dinh tê”. Chuyện này chú Khôi, lúc ấy dù mới 13, 14 tuổi nhưng đã làm liên lạc cho Tỉnh uỷ Thái Nguyên hay Yên Bái gì đấy, phản đối rất quyết liệt. Chú viết thư tố cáo, trong thư còn nhớ có câu “sắp có một bọn Việt gian xuôi thuyền theo sông Hồng về Hà Nội”. Bức thư được người trong nhà phát hiện khi chưa gửi. Chắc do không được đồng tình nên ý định ấy không thực hiện. Bà lại lặng lẽ, lam lũ nuôi các cháu cho đến kháng chiến thành công.
Một lần, để bớt những khó khăn chồng chất, Bà tìm cách về Hà Nội. Sau nghe Bà đi về, kể lại tôi mới biết. Bà đi bộ về Trung Hà rồi tìm cách qua sông về Sơn Tây. Lúc ấy bên kia sông Đà, đất Sơn Tây do Pháp, bên này, đất Phú Thọ do ta kiểm soát. Rồi bác Đảng cho người lên đón Bà về Hà Nội. Bà về bán một ngôi nhà, lấy tiền mang theo. Lần ấy Bà về mua rất nhiều giấy, loai giấy làm thủ công của xưởng Lửa Việt ở Thanh Cù, Phú Thọ, vừa đen vừa ráp, một tảng mực tím to bằng cái mũ. Giấy mực là để cho chú Khôi, cô Kim Anh và tôi đi học (Chú Khôi và cô Kim Anh lúc ấy học cấp 2 ở Trường Tân Trào, Tuyên Quang, phải vừa đi học vừa kiếm tiền, chú Khôi thì hàng ngày mang một hòm gỗ nhỏ đựng đồ vào các làng cắt tóc, còn cô Kim Anh thì may vá, đan thuê). Bà bảo ở Hà Nội nhiều giấy trắng lắm, nhưng không dám mua vì“sợ người ta biết”. Bà còn kể, về Hà Nội, ăn chè cốm 1 đồng một bát, ngon quá nhưng phải sang hàng khác mới dám ăn một bát nữa vì “sợ người ta cười”!
Năm1953, cải cách ruộng đất, gia đình chú Liu ở Tuyên Quang bị quy là địa chủ. Chú Liu lúc ấy đang là Trưởng ty văn hoá thông tin tỉnh Phú Thọ bị bắt đưa về quê để đấu tố, cô Đạt phải đi chỉnh huấn, Sáo phải đưa về Bà nuôi. Trước cái tai hoạ ấy, Bà thương con thương cháu mà không làm gì được. Đêm đêm, thỉnh thoảng tỉnh giấc, tôi lại nghe tiếng Bà hờ khóc. Tiếng hờ khóc trong đêm khuya vắng vẻ, rét mướt nghe thật thảm thiết mà gần hết đời người, tôi vẫn không thể nào quên.
Đến khi “kháng chiến thành công”, về Hà Nội, chúng tôi lại tiếp tục ở với Bà. Biệt thự Song An ở làng Láng khi tiêu thổ kháng chiến bị phá tan hoang. Hộp của cải chôn trong vườn không biết ai cũng lấy mất. Sân gác bị đánh mìn sập. Tường ở tấng một bị đập phá nhiều, cửa ra vào, cửa sổ kính chớp cũng bị người ta lấy đi, ngói lợp cũng không còn, chỉ còn nền lát đá hoa (bây giờ gọi là gạch men) là còn tương đối nguyên vẹn. Cả ngôi nhà chỉ còn lại một gian tạm sử dụng được ở tầng 1 thì gia đình ông Phiêu ở.
Đây là một gia đình Hoa kiều, hai vợ chồng không có con, nuôi một cậu con nuôi, chúng tôi vẫn gọi là Chi Lăng (gần giống với cách gọi Trung Quốc). Chi Lăng hơn tôi vài ba tuổi, vẫn thường đi học cùng bằng tàu điện. Chi Lăng học trường Trung học Trung Hoa ở phố Phó Đức Chính. Trước năm 1979, người Hoa ở Hà Nội khá đông nên có một trường học riêng cho con em họ. Chi Lăng lớn hơn nên khi lên tàu điện những hôm đông khách, bao giờ cũng chạy trước, rồi giang hai tay giữ chỗ cho tôi. Mãi đến khi Chi Lăng được mua xe đạp mới không đi học cùng. Gia đình ông Phiêu bảo vì thấy nhà để hoang, lên hỏi đồn Tây ở Cầu Giấy,họ bảo cứ vào mà ở. Thế là một số gia đình người Hoa kéo nhau vào dọn dẹp qua loa để ở. Khi gia đình tôi trở về, các gia đình khác đã chuyển đi, chỉ còn gia đình ông Phiêu và ông Ền cùng 2 người con trai, một người trạc tuổi tôi, tên là Điệp ở lại. Sau đó, gia đình Điệp sang ở nhờ chùa Chu Tiên bên cạnh (bây giờ là trụ sở Công an phường Láng Thượng), gia đình ông Phiêu được Ông Bà tôi cho ở một nhà ngang và họ ở cho đến mãi năm 1979, khi xảy ra Chiến tranh biên giới Việt – Trung mới ra đi. Cũng lạ là ở chung như thế nhưng hầu như hai gia đình không có va chạm gì. Họ ăn ở rất biết điều. Những yêu cầu của Ông Bà tôi đều được họ chấp nhận vui vẻ (có lẽ cũng vì Ông Bà tôi không bao giờ yêu cầu điều gì không hợp lý). Cũng có những lúc họ họp mặt khá đông, ăn uống, đánh mạt chược,… nhất là dịp Tết nhất, nhưng không gây khó chịu cho hàng xóm mặc dù chung sân,chung giếng nước, nhà vệ sinh, chung lối đi, cổng ngõ, … 25 năm, tôi chưa thấy họ có món quà gì biếu Ông Bà tôi, ngay cả ngày lễ Tết, nhưng có lẽ đó là món quà quý nhất mà họ đã kỷ niệm cho gia đình tôi. Bây giờ ông bà Phiêu đã mất, Chi Lăng thì hình như sau khi rời Việt Nam sang định cư ở Canada. Hơn 30 năm rồi tôi không gặp lại nhưng vẫn nhớ đến họ với những kỷ niệm đẹp. Hình như một trong những hạnh phúc lớn của con người là được sống cùng với những người tử tế, dù là hàng xóm, đồng sự hay cấp trên cũng vậy.
Để có tiền sửa chữa ngôi nhà, Bà tôi phải bán một gian trong ngôi nhà trước định cho Bố Mẹ tôi cùng với khoảng 2 sào đất. Lúc ấy giá trị chủ yếu là ở gian nhà gạch lợp ngói. Có tiền, Bà tôi lợp lại nhà bằng lá cọ, đóng cửa ván cho các cửa sổ, xây lại những mảng tường bị phá trước đây. Chỉ có hai cánh cửa ra vào là lấy lại được. (Khi nhà để hoang, có người đến tháo 2 cánh cửa mang về dùng, 2 cánh cửa này bằng gỗ tốt, có song hoa bằng sắt. Khi về, Bà tôi biết, đến xin lại, họ trả ngay.)
Cuối năm 1954, đầu năm 1955 là những ngày đặc biệt u ám. Trời rét, mưa dầm dề, nền đá hoa lúc nào cũng nhớp nháp. Nạn đói xảy ra, không trầm trọng bằng năm 1945, nhưng nhiều bữa mấy bà cháu đã phải ăn bắp cải thay cơm. Nhiều ngày, tôi phải đi xếp hàng lĩnh gạo. Không biết là mua hay được phát không, vì tôi chỉ phải đi xếp hàng, để Bà về trồng rau, làm vườn. Khá dài. Còn trẻ con nên lúc ấy thấy sao dài thế! Từ siêu thị Cầu Giấy đến khoảng ngõ 111 bây giờ. Xếp bằng quang gánh, thúng mủng (chưa có xếp bằng gạch như sau này). Khi gần đến nơi thì Bà lên, tôi đứng chờ ở ngoài rồi giúp Bà mang gạo về. Bọn chúng tôi thay nhau bị lên sởi. Lúc ấy, bị lên sởi chẳng có thuốc men gì, phải kiêng gió, kiêng nước trong vòng khoảng hai mươi ngày thì tự khỏi. Nhà phải đóng kín cửa, hàng ngày không được tắm rửa, cứ lần lượt, hết đứa nọ đến đứa kia nên không khí càng ẩm ướt, hôi hám, nặng nề. Choẹt, con cô Đạt (đấy là tên gọi ở nhà, tên khai sinh là Phương Mai, nếu em còn thì bây giờ cũng ngoài 60 tuổi rồi), lúc ấy mới 3 tuổi bị lên sởi rồi biến chứng, chết ở bệnh viện Bạch Mai, sau đó chôn ở nghĩa trang bây giờ là trường Đại học Bách khoa. Còn bé, nhưng đã cảm thấy không khí ngột ngạt, không chịu nổi.
Về sau, khi các con đã ổn định chỗ ở ngoài phố để tiện đi làm và đi học, các cháu không ở với Bà nữa, nhưng ngày chủ nhật vẫn về chơi với Ông Bà. Bình thường, Bà rất tiết kiệm (Bà vẫn bảo là“tiếp kiệm”). Có con gà “rù”, phải thịt bao giờ cũng thêm lạc vào rồi rang mặn để ăn làm mấy bữa. Nấu cháo , dù là cháo gì nếu còn cơm nguội, Bà cũng bắt phải cho vào “kẻo phí”. Nhưng ngày chủ nhật, khi con cháu về , Bà thịt gà thịt vịt, chuẩn bị thức ăn từ trước đó hai ba ngày. Đến mùa nhãn, Bà mua cả gánh nhãn của chùa Nền, nổi tiếng là nhãn ngon về cho con cháu ăn. Chiều chủ nhật, khi ai về nhà nấy thì lại gói, buộc mang theo.
Tôi ở với Ông ngoại thời gian không dài. Trước 1945, Ông làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương cùng với ông Tú Mỡ (vì thế, ông Tú Mỡ quê ở Bắc Giang đã mua đất làm nhà ở Láng để có bầu có bạn). Hồi kháng chiến, Ông tôi công tác ở Sở Tài chính Liên khu III. Trước kháng chiến, ông tôi cũng chẳng bao giờ phải chịu gian khổ. Đi làm hàng ngày có người kéo xe tay đưa đón. Lương cao, mỗi tháng 130 đồng mà Ông bảo một bát phở ngon có 5 xu,thuê một người giúp việc mỗi tháng phải trả có 1 đồng tiền công.
Thế mà, trong kháng chiến, ngoài việc chịu gian khổ, thiếu thốn, hàng năm Ông đều đi bộ lênViệt Bắc họp ở Bộ Tài chính. Tất nhiên là đi đường rừng. Mỗi lần lên Việt Bắc họp, Ông đều qua Phú Thọ thăm Bà và các cháu. Buổi tối, quanh ngọn đèn dầu (dầu dọc chứ không phải dầu hoả), Ông thường ngồi hỏi han Bà và chúng tôi về cuộc sống và việc học hành. Ông ngồi trên giường, bắt chéo chân, một tay xoa bàn chân, cậy những vết chai sau những ngày dài đi bộ. Ông thường kể những câu chuyện ở những làng kháng chiến dưới đồng bằng. Ông kể có nơi, người ta quen gọi cái cuốc là “cái bổ”, nên khi chào cờ, “đứng trước bàn thờ Tổ quốc” thì người ta bảo “đứng trước bàn thờ Tổ bổ”. Rồi Ông dạy mùa rét, muốn tắm thì phải tắm làm nhiều lần. Tắm cả người thì phải chờ buổi trưa trời nắng ấm. Còn sáng và chiều thì tắm phần chân tay thôi.
Đến khi về Hà Nội, Ông làm ở Bộ Tài chính. Trụ sở cơ quan ở phố Phan Huy Chú, nhưng nhà ở tập thể ở tầng 2 nhà Gô-đa (Bây giờ là Tràng Tiền Plaza). Tầng 1 là nơi bán hàng, chia làm nhiều gian nhỏ. Tôi có đến thăm Ông ở đấy một lần. Hàng tuần, chiều thứ 7 Ông mới về Láng. Mỗi tuần về, Ông đều kiểm tra việc học hành của tôi, đặc biệt là việc tập viết. Ông bắt chú Khôi, cô Kim Anh (lúc ấy học lớp 8 và 9 (tương đương lớp 11 và 12 bây giờ) và tôi học lớp 5 (tương đương lớp 6 bây giờ), mỗi ngày phải viết tập một trang giấy ô li. Ngoài ra, cứ có dịp là Ông lại dạy. Từ những công việc cụ thể mà dạy. Có lần Bà bảo tôi làm một cái đơn xin mổ lợn (lúc ấy nuôi lợn, muốn làm thịt phải có đơn xin Uỷ ban xã). Tôi viết xong, đưa Ông xem, Ông chỉ ra những chỗ sai, chỗ chưa được. Lần thì trình bày không cân đối, lần thì viết nhầm phải chữa lại, Ông bảo không được chữa,. trông không đẹp mắt. Tôi viết : Thưa Ông, rồi xuống dòng. Ông bảo phải thêm vào dấu phẩy. Cuối đơn, tôi viết “Tôi xin trân trọng cảm ơn”, Ông bảo phải viết “Tôi xin trân trọng cảm ơn Ông Chủ tịch”, mà chữ Ông và chữ Chủ phải viết hoa để thể hiên sự trân trọng; rồi từ có 2 tiếng thí dụ “ủy ban”, “chăn nuôi”, “tăng gia” thì không được viết ở 2 dòng, khi viết phải chú ý quan sát nếu cần thì viết dãn ra hoặc sát lại để một từ chỉ được viết liền nhau trong một dòng, v.v… Tôi phải làm đi làm lại hình như đến năm, sáu lần Ông mới bảo “được”.
Hồi ở Tùng Quan (Kim Bảng, Hà Nam),tản cư ở nhờ nhà dân, Ông đã dạy ăn uống sao cho chừng mực. Ông bảo ăn ba bát cơm thì bát đầu chỉ gắp rau gắp dưa thôi. Vì lúc ấy đói, không cần thức ăn ngon cũng ăn được. Sau lượng thức ăn ngon như thịt, cá mới tăng lên ở bát thứ 2 thứ 3. Ông vốn được sống sung sướng nhưng vẫn giữ nếp sống tiết kiệm, giản dị.
Ngay từ nhỏ, Ông tôi đã dạy phải đúng giờ. Mỗi lần xin đi chơi, Ông đều yêu cầu trả lời bốn câu hỏi: Đi đâu? Đi bằng gì (đi bộ hay tàu điện, chưa có xe đạp), Đi với ai? và Bao giờ về? Một lần không biết vì sao, tôi về muộn hơn lời hứa khi xin phép. Ông hỏi nguyên nhân về muộn. Nghe tôi trả lời, Ông chỉ tỏ ý không hài lòng, không mắng mỏ gì. Nhưng lần sau tôi xin đi, Ông đưa cho tôi cái đồng hồ đeo tay của Ông. Ông bảo mang đi để về cho đúng giờ. Tôi hoảng quá, không dám cầm vì cái đồng hồ lúc ấy quý lắm. Bố tôi cũng chưa có. Nhưng từ đó không bao giờ tôi dám sai hẹn. Thói quen này nhờ Ông rèn rũa nên sau này, đi dạy học tôirất ít khi vào lớp hay đi họp muộn. Làm gì cũng đến sớm khoảng 5, 10 phút. Năm 1977, chia tay anh em giáo viên ở trường Sơn Tây, anh Trần Diên bảo tôi: “Tớ phục cậu nhất là trong mấy năm ở trường này, tớ chưa thấy cậu đi muộn bao giờ.”Anh Diên hơn tôi khoảng chục tuổi, làm Thư ký Hội đồng nhà trường, chuyên môn theo dõi, ghi chép mọi việc.
Ông là người có Tây học, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo. Các bài học do Ông Bà dạy góp phần rất quan trọng hình thành tính cách của tôi sau này.
Ông Bà tôi chỉ là người bình thường cũng như biết bao con người khác ở Hà Nội, ở nước ta trước đây. Làm ăn lương thiện, nhờ chăm chỉ và cần kiệm mà trở nên sung túc, giàu có nhưng vẫn khiêm nhường, sẵn sàng bỏ đi tất cả tham gia kháng chiến vì yêu nước. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy Ông Bà tôi nêu tấm gương về lối sống trung thực, cần kiệm và giản dị. Mỗi lần, nghe Ông Bà khuyên bảo điều gì, nếu có đứa cháu nào nói “người ta vẫn thế này, thế nọ…” để tự bào chữa cho những điều sai trái, Ông Bà tôi thường bảo: “Ấy chết! Mình là con nhà tử tế, sao lại bì với người ta!”
Cả đời Ông Bà đã giáo dục bảy người con trở thành những người tử tế. Chúng tôi là đàn cháu, cũng luôn luôn tự nhắc mình phải làm sao nối gót Ông Bà, Cha Mẹ để trở thành những người như vậy.
Ngày giỗ Bà lần thứ 35, 12 tháng Chạp Nhâm Thìn
Ngàu giỗ Ông lần thứ 20, 10 tháng Bảy Quý Tỵ
Em rất thích nghe kể chuyện ngày xưa Thầy ạ.
Chú đã đọc bài này khi Giao mail cho chú nay đọc lại vẫn rất cảm động. Chú sẽ có một bài về Bà những ngày đánh Pháp và một người bạn thuỷ chung của, đã trả tiền góp họ cho Bà những ngày ấy : bà Tham Hiến, mẹ bác Gi.
Cảm ơn anh Giao đã cho em hiểu thêm và nhớ về Ông Bà mình. Em luôn tự hào về gia đình mình. Đặc biệt là Bà, đối với em Bà là hình ảnh chuẩn về nét đẹp của người phụ nữ á đông: mạnh mẽ, tháo vát, một tay gây dựng cơ đồ nhưng hết mực chiều chồng, thương con, xả thân vì các cháu. Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống em thường nghĩ đến Bà để có thêm nghị lực. Ngày xưa Bà bảo em “Con Hương sau này cho làm nặc nô đi đòi nợ”
Những lớp người trước được giáo dục bởi thế hệ cha ông họ- là những người được giáo dục trong xã hội “thực dân, phong kiến”, nên họ vẫn còn giữ được sự lương thiện, tử tế hơn lớp hậu sinh chỉ được “học tập tấm gương” nọ kia…
Thế giới phẳng mọi cái có thể bị mất và biến tướng hết người nào may mắn thì còn lại gia đình và gia phong của ông bà truyền lại….chúc mừng
Những người con hiếu thảo đều có tâm trạng như anh .
Thấy bác giáo kể như vậy, thì lại thấy bùi ngùi. Người xưa của ta thời ấy biết cả Đông lẫn Tây, và vẫn là người tử tế. Bây giờ mấy đứa con nít ranh, nhờ của cha mẹ rủng rỉnh có do ăn cắp hoặc kiếm được do chỗ nào, mở miệng thì ôi rồi “tự do”.
Mà tự do là làm gì mình thích cơ. Không thích thì có mà ! Dù cho là lợi ích của nhiều người cũng kệ mẹ. Lại thích chửi nhặng những nết cũ, tốt cũng như xấu dù chưa thấy thế nào.
Phải rồi, ông nên kể chuyện làng ta nhiều hơn làng tàu. Bọn già như bọn tôi ngoài tám mươi vẫn thích hơn nhiều. Còn chuyện tàu thiếu gì sách. Mà sách cũng có nhiều hạng hạng hay có, hạng dở cũng không thiếu gì…Cần nhất là cho trẻ con chúng đọc.
Một đại gia đình tử tế. Rất kính phục cách sống của các cụ xưa!