Tôi biết tên chính thức của ngày 21.6 theo quy định là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, nhưng tôi không muốn  để hai chữ “cách mạng”. Tôi nghĩ nếu muốn có riêng ngày báo chí cách mạng Việt Nam,  chúng ta cũng  nên có một ngày dành cho báo chí Việt Nam nói chung ngoài ngày dành riêng cho báo chí “lề phải”. Sao có thể không nói tới tờ báo đầu tiên của nước ta: Tờ Gia Định báo xuất bản lần đầu năm 1865. Sao có thể không nói tới nhà báo đầu tiên, ông Trương Vĩnh Ký (1837 – 1888).

Không chỉ là nhà báo, ông còn là người biết  nhiều ngoại ngữ (thạo tới 26 thứ tiếng), ông còn là tác giả của hơn 100 bộ sách, về nhiều ngành khoa học khác nhau,  là thành viên của nhiều tổ chức khoa học trên thế giới, không biết trong lịch sử báo chí nước ta, đã có nhà báo nào hơn ông điều này. Rồi tờ Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1927 – 1943), tờ báo tư nhân đầu tiên ở Trung Kỳ.  Rồi những tờ Phong Hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội vào những năm 40 của thế kỷ trước, những cái nôi đã nâng niu những tác phẩm thơ ca, truyện ngắn,  tiểu thuyết theo lối hiện đại đầu tiên của  văn học Việt Nam khi mới chào đời? Và ngay cả với sự nghiệp cách mạng do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, sao có thể không nói tới những tờ báo yêu nước ở Hà Nội trong vùng tạm bị chiếm (1947 – 1954) và những tờ báo ở Sài Gòn trước năm 1975 đã góp phần không nhỏ khích lệ lòng yêu nước của nhân dân trong vùng địch kiểm soát, đồng hành cùng phong trào yêu nước của học sinh sinh viên rất đỗi hào hùng. Họ không phải là những người cộng sản nhưng họ là những người yêu nước chân chính, những đóng góp của họ đã góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách áp bức của ngoại bang.

Rồi còn tờ báo Người cùng khổ (Le paria) xuất bản ở Pari năm 1922,  đăng tải rất nhiều bài báo đầy tính chiến đấu của những người Việt Nam yêu nước trong đó có Nguyễn Ái Quốc với lời tuyên ngôn  sắc bén: “là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”.

Xin nói thêm, tờ Gia Định báo tồn tại tới 44 năm (1865 – 1909), tới năm 1910 mới chính thức đình bản, tác động của nó với đời sống xã hội khi ấy không cần nói. Còn cái tờ Thanh niên có từ năm 1925 kia không rõ tồn tại trong thời gian bao lâu?

Chỉ nói tới báo chí cách mạng (tính từ 1925) là vẫn coi đảng hơn cả Dân tộc, Đất nước, Nhân dân. Dân tộc là vĩnh hằng, Nhân dân là bất diệt, Đất nước mãi  trường tồn, trong khi đảng liệu có “muôn năm”? Báo chí Việt Nam đã có tới nay gần 150 năm, báo chí cách mạng được bao nhiêu năm?  Ai có thể sống mãi cùng thời gian? Cho nên, nếu không có “ngày báo chí Việt Nam” mà chỉ có “ngày báo chí cách mạng Việt Nam” thì đây là một sự hẹp hòi và thiếu khiêm nhường, phẩm chất không được phép  có của những người tử tế.

5 BÌNH LUẬN

  1. Mình tán thành đặt tên ” Ngày báo chí Việt Nam ” và chọn ngày kỷ niệm là ngày …tháng .. ,nhưng dứt khoát phải là năm 1865. M

  2. Không nói nhưng ai cũng biết, nói rồi nhưng người nghe cứ như không hiểu….nói nhân ngày báo chí 21/6

  3. Báo chí Việt Nam mới tính tới tờ Gia Định báo cách nay 150 năm, còn báo chí cách mạng Việt Nam thì chỉ tính từ tờ Thanh niên ra đời ở Quảng Châu cách nay 80 năm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here