Từ khoảng 2 năm nay, dư luận của cha mẹ học sinh, giáo viên và những người quan tâm đến giáo dục nước nhà luôn xôn xao về Thông tư 30 (TT30) của Bộ Giáo dục quy định một số thay đổi trong giáo dục Tiểu học, trong những thay đổi nhằm đổi mới, cải cách giáo dục do Bộ chủ trương. Người phê phán khá nhiều, nhất là giáo viên những người trong cuộc và cha mẹ học sinh, những “nạn nhân” bất đắc dĩ. Đó là chưa kể đến những ý kiến của các bậc “lão thành”, những người đã có đủ mọi thứ bằng cấp và thâm niên đáng kính nể trong nghề “gõ đầu trẻ”. Một trong những quy định trong TT30  bị phản đối khá quyết liệt là việc không cho điểm  đối với học sinh, hoàn toàn trái ngược với tập quán vốn có từ ngày nền giáo dục mới được người Pháp  du nhập  vào nước ta đầu thế kỷ trước. Thậm chí, vì quy định này, đã có không ít người trong cuộc nêu nhận xét bằng hẳn những con số thống kê: từ ngày thực hiện việc không cho điểm, học sinh không còn cố gắng học tập, thậm chí lười hẳn đi vì “không còn động lực để phấn đấu”.

“Tội” của cái TT 30 này đáng xử trảm!

Tôi không được đọc toàn bộ để biết đầy đủ nội dung TT 30 của Bộ Giáo dục, nhưng với những kinh nghiệm qua gần 40 năm  nếm trải sự  chỉ đạo  của Quý Bộ, tôi cũng cảm thấy Bộ Giáo dục đã vội vàng khi du nhập những thành tựu từ một nền giáo dục còn khá xa lạ với Việt Nam (Columbia), và từ lâu đã muốn có ý kiến về vấn đề này. Nhưng tôi cứ lần lữa vì trước hết, bản thân cái TT 30 tôi chưa được đọc; về giáo dục tiểu học, tôi chưa có sự hiểu biết cần thiết và riêng việc không cho điểm với học sinh tiểu học mà  TT 30 quy định thì chẳng có gì là sai. Đơn giản vì tôi thấy, các cháu học các trường quốc tế ở Hà Nội đều như vậy (các trường hoạt động hoàn toàn độc lập với Bộ Giáo dục, chịu sự chỉ đạo của  “chính quốc” về mọi mặt kể cả chuyện đình công bãi công đòi quyền lợi của giáo viên).

Thật may mắn, vừa qua, tôi đã được đọc bài viết của thầy giáo Trần Trung Huy – Trường Tiểu học Lai Vu (Kim Thành – Hải Dương) nêu lên những ưu điểm và nội dung cần chỉnh sửa qua thực tế vận dụng TT30 và mong muốn TT30 được điều chỉnh cho hợp lí. Được đọc những ý kiến này, tôi rất tán thành và mong bài viết  được nhiều người đọc, nhất là các bậc làm cha mẹ có con đang học Tiểu học  để hiểu vấn đề; thái độ cầu thị của người viết  đáng được ghi nhận và học hỏi.

Sở dĩ có chuyện “bàn ra tán vào” vừa qua, tôi nghĩ có những nguyên nhân sau đây:

  1. Trước hết, Bộ Giáo dục đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình khi bước vào thực hiện những thay đổi, chưa lường trước những phản ứng của mọi người trước những thay đổi. Dùng điểm số đánh giá kết quả học tập là một việc thường thấy trong các nhà trường từ bao đời nay. Hơn nữa, trong tâm lý ganh đua đang phát triển như một bệnh dịch, việc thầy cô giáo không cho điểm, con mình không còn có biểu hiện cụ thể để chứng tỏ sự hơn người khiến phụ huynh cảm thấy chẳng khác nào sự “xúc phạm” cho nên không ít người nhảy dựng lên như bị ong đốt. Và thêm nữa, giáo viên, những người trực tiếp thực hiện sự thay đổi này cũng chưa được chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt. Họ lúng túng, họ cảm thấy khó khăn, thậm chí bất bình, …khiến nhiều người vì chưa hiểu biết nên cũng dễ dàng “lây nhiễm” sự bức xúc.

Giá như Bộ phân tích ngọn ngành như những chia sẻ của thầy giáo Trần Trung Huy; nếu Bộ thuật lại những cách đánh giá ở các trường Tiểu học các nước tiên tiến; nếu Bộ cho mọi người biết rằng, sau mỗi học kỳ, thầy cô giáo dạy các lớp Tiểu học ở các nước đều gặp gỡ cha mẹ học sinh để thông báo kết quả học tập riêng từng em để tránh sự so bì, mặc cảm chứ  họ không tiến hành họp  phụ huynh như ở nước ta để công bố kết quả thi đua dẫn tới chuyện các cháu đứa cười đứa khóc. …  Những cách thức đó phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đó chính là kết quả nghiên cứu của khoa học giáo dục hiện đại.
2. Giáo viên cũng như dân ta nói chung rất thích những thay đổi về cơ sở vật chất, những thay đổi về hình thức nhưng chẳng mặn mà gì với những thay đổi về đời sống tinh thần, nhất là  thay đổi trong công việc. Chưa cần tìm hiểu kỹ (chắc vì những buổi họp nói về những thay đổi này, dù có mặt nhưng chắc không ít người chẳng nghe được bao nhiêu), nhưng thấy khác với bình thường là lên tiếng kêu ca, phê phán. Lạ là mới thực hiện được vài tháng đã thấy “kêu” rồi. Những người hay “kêu” hình như thường được coi là “sáng suốt”, thấy cái dở sớm hơn người đời. Trước đây, khi tôi còn đi dạy, hàng năm đều có các cuộc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đúng là nội dung, cách tổ chức những hoạt động này còn có những vấn đề cần bàn thêm, nhưng như thế không có nghĩa những buổi tập huấn đó hoàn toàn vô bổ. Tình trạng phổ biến là: giáo viên có mặt nhưng phần lớn ngồi ở phía dưới, trong khi diễn giả thuyết trình thì nói chuyện “rào rào”, sau đó nhất định phải lên tiếng  phê phán, bĩu môi, chép miệng dù câu người ta nói nghe chưa hết, rồi hôm sau không có mặt nữa. Nếu có đến thì cũng chủ yếu để cùng nhau “buôn dưa lê”.  Nhất là với những công việc mới phải làm khi có sự thay đổi, họ không quan tâm học hỏi,  không suy nghĩ để biết giá trị tích cực của những thay đổi, không tìm cách hoàn thành công việc có chất lượng với thời gian ngắn hơn (tức là có sự kết hợp giữa trách nhiệm chung và quyền lợi riêng) mà vội vàng lên tiếng thở than,  phê phán. Trong bài viết đã dẫn, thầy giáo Trần Trung Huy cũng đã phân tích điều này. Thường những người như thế,  tôi thấy đều yếu kém về chuyên môn, thiếu ý thức học hỏi nhưng lại là những cái “loa” có công suất khá lớn. Nhiều vấn đề bị “nhiễu” do họ. Còn những người thầm lặng làm việc, biết phát huy cái tích cực, tìm cách hạn chế những khiếm khuyết thì chẳng ai biết là đâu!
3. Một số những người vẫn được coi là “cây đa cây đề”, nay đã trở thành các bậc “trưởng lão”, rất hay có ý kiến và những ý kiến đó thường được báo giới “tung hô”.  Các phương tiện truyền thông khá lười biếng khi phản ánh dư luận theo kiểu này. Họ quen thuộc với những người có những quan điểm nhất định, sẵn sàng đưa ra những ý kiến được số đông ủng hộ (như kiểu cái Đài truyền hình to nhất cả nước công bố con số 76% số người được hỏi phản đối TT 30) mặc dù ý kiến của số đông đâu đảm bảo đó là chân lý.  Các khuôn mặt thường được hiện lên trên báo chí hay truyền hình, phát thanh đều rất đơn điệu và nhàm chán (không phải chỉ riêng những chuyện về giáo dục). Từ đó, các ý kiến  dù lạc hậu nhưng vẫn có sức lan tỏa rất nhanh và rất mạnh. Cũng như nhiều ngành khoa học, công nghệ khác, hiểu biết, tri thức về khoa học giáo dục 3, 40 năm trước nay đã trở thành lạc hậu lắm rồi. Người ta giờ không đòi hỏi đứa trẻ phải học giỏi nữa, cái người ta cần là nhân cách; người ta giờ chỉ cần 60/100 điểm là đủ, thời gian còn lại để học đàn, học vẽ, tập thể thao thể dục, … để có sự phát triển toàn diện; giáo dục hiện đại tôn trọng sự phát triển khác biệt của từng cá nhân chứ không còn buộc học sinh phải theo những tấm gương có sẵn, …. Các vị có học hàm học vị từ mấy chục năm trước (mà những “hàm” những “vị” ấy đáng tin cậy đến mức nào?), nay cứ khư khư “ôm” lấy những thứ đã lỗi thời, rồi lấy cái vị thế “lão làng” để phê phán bằng những tín điều cũ rích thì thật … phản tiến bộ.
Dù cũng đã có nhiều bài phê phán, chỉ ra những khuyết tật của giáo dục nước ta, nhưng theo tôi, thái độ đúng đắn trước mọi việc là công bằng, khách quan; càng là người có hiểu biết, từng trải càng phải thận trọng, đừng để những đám bèo bọt a dua, cơ hội coi mình như  những cái cọc để họ nương tựa và vô tình các vị trở thành vật cản cho sự phát triển.

TT 30 là chuyện của ngành giáo dục. Nhưng những vấn đề do nó đặt ra có thể coi là những vấn đề liên quan tới sự phát triển dân trí. Một Chỉ thị, một Quyết định, … dành cho cả nước khó tránh khỏi những thiếu sót, bất cập khi áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Nước nào cũng vậy, ở đâu cũng thế.

Cần thiết là thái độ khiêm nhường và hướng về phía trước.

3 BÌNH LUẬN

  1. Thầy ơi, thật trọng một cách nghĩ! Em thật hạnh phúc được thầy cho cơ hội được làm việc với thầy…

  2. Em nghĩ chấm điểm để cho trẻ con hiếu thắng, cay cú mà chịu khó hơn cũng là một cái tốt. Việc nhận xét của các cô giáo nhanh hơn, định lượng hơn.
    Nhưng nói đi phải nói lại rất nhiều (thậm chí số đông/ phần lớn) đồng nghiệp của chúng ta khi đứng trên bục thì mắng học trò không tập trung. Đến lượt mình đi học tập này nọ, chương trình cao hơn… còn tệ hơn học trò, dối trá hơn học trò. Nhưng cấp trên bảo thế nào lại a dua theo. Chẳng động não gì cả!

  3. Câu chuyện thông tư30 là câu chuyện Dạy Người và Dạy Chữ.Đó cũng là mâu thuẫn giữa chủ trương và tổ chức thực hiện,giữa nội dung va phương pháp .v.v.v mà từ lâu chưa gỡ ra được !Tâm lý chung hiện nay vẫn ham về Chữ và xem như cứ lớn khác thành Người!hoặc muốn nặn nên người theo ý muốn chủ quan mà không quan tâm đến quy luật khách quan của sư phát triển .Điều đó dẫn tới những bảo thủ tri trệ,tuỳ tiện thiếu chuyên nghiệp trong hầu hết các khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện.Bởi thế nên thông tư 30 có là báu vật cũng chỉ là đem trao vào tay anh chàng Vạn Lịch ! Vậy đó thầy Giao ạ .

Trả lời nguyễn Huyền Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here