Hồi trẻ, tôi có biết một nhà giáo ngoài việc dạy học, ông còn làm thơ. Thỉnh thoảng, thơ ông được đăng trên tờ tạp chí của Ty Văn hóa tỉnh nhà. Dù là Hiệu trưởng trường cấp 2 bên cạnh, nhưng ông là người tôi kính trọng, vì tuổi ông vào hàng cha chú, tuổi nghề của ông đáng bậc thầy. Ông nói năng nhỏ nhẹ, mực thước, rõ là một nhà giáo điển hình. Bà vợ ông lại làm nhân viên văn phòng trường tôi, bà tự hào về người chồng của mình lắm đặc biệt là tự hào về tài năng thơ ca của ông nên hay đọc thơ của ông, kể chuyện ông cho chúng tôi nghe. Mỗi khi nhận được tờ tạp chí của Ty Văn hóa gửi về trong đó có đăng thơ của ông là bà mang đến trường, khoe hết với người này đến người khác. Rồi bà còn níu giữ người ta lại, ngâm nga bài thơ của đức lang quân.

Có khách “trên tỉnh” về chơi (những cán bộ của Ty Văn hóa, trong đó cũng có vài nhà thơ cấp tỉnh về công tác ở địa phương), bà bận rộn trăm bề. Khách thường từ tỉnh đạp xe tới từ buổi chiều. Tối ấy, họ ăn nghỉ ở nhà ông. Hôm sau, ăn sáng xong, họ tới huyện làm việc. Họ cũng có thể góp tem gạo và tiền để ăn trưa  ở bếp tập thể như mọi cán bộ nhân viên khác, nhưng sao bằng được bữa cơm gia đình. Thế là tất cả lại trở về nhà ông dùng bữa. Sau khi nghỉ ngơi một lát, khách tạm biệt chủ nhà trở về tỉnh.

Lúc ấy chưa có điện thoại, nên khách thường tới rất bất ngờ. Dù đã muộn, nhưng bà vẫn phải lo cơm nước mời khách. Không có chuẩn bị trước, nhưng bữa cơm cũng tươm tất để tỏ được cái lòng hiếu khách của chủ nhà. Tối đến là “đêm thơ”. Bà đi mượn cái đèn “măng-xông” thắp cho sáng sủa, dù cho chỉ một đêm mà lượng dầu hỏa tiêu thụ bằng cả tháng. “Đêm thơ” này là của riêng ông. Các vị khách dù có tiếng về thơ ca hơn ông nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng góp vui cho phải phép. Họ toàn để ông đọc thơ của mình. Thơ viết cả năm trời, chẳng biết đọc cho ai nghe ngoài bà vợ, bây giờ được dịp tuôn ra như suối. Cứ sau mỗi bài, các vị khách lại ra sức tán thưởng, phẩm bình, ai cũng tiếc vì ông khiêm nhường ở cái đất xa xôi, hẻo lánh, không có dịp thi thố với những “thi huynh”, “thi hữu” trong thiên hạ. Ai cũng lên tiếng khuyên ông dứt bỏ cái gánh nặng gia đình để gia nhập vào cái thi đàn đang thiếu những tài năng đích thực. Rồi người ta khen thơ ông phảng phất hơi thơ Ngục trung nhật ký (mà Ngục trung nhật ký thì là tuyệt đỉnh về thơ ca rồi), thơ ông mang âm hưởng của thời đại nhưng vẫn thắm đượm chất của ca dao dân ca, …(còn gì sánh được với ca dao dân ca nữa?). Bà ngồi trong buồng theo cái nếp của phụ nữ xưa, nghe ngóng, chỉ tức cái  thỉnh thoảng các ông ấy “xuống giọng” làm  bà không nghe được hết những lời hay ý đẹp của khách khen ngợi thơ của chồng. Rồi đêm ấy, sau đêm thơ của riêng ông,  các vị khách còn được thưởng thức những bát cháo gà nóng hôi hổi.

Ngày hôm sau, bà thường phải xin nghỉ để chuẩn bị mọi việc tiếp khách. Đời sống khó khăn, thiếu thốn nhưng mỗi khi nhà có những vị khách này, bà vẫn  thường không ngại chi tiêu tốn kém đón tiếp những người bạn thơ của chồng. Từ khi trời còn tối đất, bà đã dạy thổi xôi. Dù chỉ là xôi sắn, xôi ngô nhưng cũng chẳng phải món ăn dễ có lúc ấy. Đến  bữa thì  cũng được gọi là “cơm gà cá gỏi”, không được thịnh soạn như những mâm cỗ nhưng cũng đủ để bà nhận được lời tấm tắc của các vị khách và vẻ mãn nguyện của đức ông chồng. Dù nhiều thứ là sản vật của vườn nhà nhưng cũng không phải là những bữa ăn đạm bạc. Chỉ có hai khoản trà và rượu là do ông đã dành từ trước. Những năm ấy, loại trà ngon như Ba Đình, Hồng Đào, Thanh Hương, giá tám hào rưỡi hoặc đồng hai một gói 50 gam chỉ có bán ở các cửa hàng dành cho cán bộ cao cấp. Cán bộ thường chỉ uống loại chè phẩm cấp thấp, một gói chè Hà Giang bốn hào rưỡi, thậm chí có loại không có tên chỉ ba hào (thường được gọi cho sang trọng là chè “chín hào ba” (chín hào ba gói). Nhưng khách thơ từ tỉnh về  lẽ nào có thể uống loại chè ấy. Ông đã dành dụm từ lâu vài lạng chè “móc câu”,  loại chè Thái Nguyên thượng hạng, phải khó khăn lắm mới mua được. Anh nào mang vài lạng chè loại này mà đi trên xe hỏa bị tịch thu như chơi vì đây là mặt hàng nhà nước thống nhất quản lý. Còn rượu thì là loại “quốc lủi” nấu bằng loại nếp hoa vàng đặc biệt. Chỉ mở cái nút lá chuối ra là đã thơm nức mũi, rót ra, chén nào cũng sủi tăm. Người ta bảo “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” cũng phải. Chẳng mấy khi được tiếp khách quý.

 

Nhưng quả thật, thơ của ông tôi chỉ thấy đúng niêm luật, không chê vào đâu được, còn thì không hiểu sao, chẳng thấy hay. Đề tài thì quá quen thuộc, giọng điệu thì nhàm chán. Nhiều  nhất là các bài ca ngợi đảng, bác. Nhưng bài nào cũng na ná như nhau. Bài này thì ca ngọi công của đảng như núi, ơn của bác như biển. Đến bài sau lại ơn của đảng như sông dài, ơn của bác như núi cao, …Nhưng không dám nói với ai, vì cứ sợ trình độ của mình còn hạn chế. Mới “tập tọe” ra trường, làm sao đã hiểu hết được cái cao siêu của văn chương nghệ thuật!

Một hôm, tôi hỏi một anh giáo viên cũng dạy Văn, thỉnh thoảng cũng có thơ đăng trên tạp chí của  Ty Văn hóa:

–         Anh có đọc thơ của ông X. không? Thấy mấy nhà thơ ở Ty Văn hóa khen lắm

Nhà thơ cười bảo tôi:

–         Cũng hay đấy chứ!

 Chẳng lẽ lại hỏi “Hay ở chỗ nào?”. Nhỡ nó lại lòi cái dốt của mình ra thì ngượng!

Hôm khác, gặp một nhà thơ cũng dạy Văn một trường trong tỉnh. Anh này đã có thơ tuyển trong Tuyển thơ Việt Nam năm 1960 (nhân 15 năm thành lập nước), tôi cũng hỏi câu tương tự. Anh cũng cười, bảo:

–         Thơ ai người ấy ngửi!

Nghĩ mãi, không hiểu anh ấy có ý gì. Nhà thơ cỡ tuyển tập có khác, thâm thúy thật! Cũng không dám hỏi lại, chỉ vì sợ lòi cái dốt ra.

Mãi ba năm sau, gặp một anh cũng giáo viên Văn còn trẻ. Anh này vừa được giải thưởng thơ của báo Văn nghệ hẳn hoi. Mình cũng hỏi câu tương tự. Anh ấy nhìn mình, hỏi lại:

–         Anh hỏi thật hay hỏi “xỏ” đấy?

Mình thật thà:

–         Không, tính tớ cậu còn lạ gì. Hỏi thật đấy.

Anh ấy thủng thẳng:  

–         Các ông ấy không khen thì mỗi lần đi công tác ăn ở đâu, ngủ ở đâu?

Hóa ra là như thế!

3 BÌNH LUẬN

  1. Ở đời mình phải biết mình là ai.Tội nghiệp “nhà thơ” quá đã nghèo còn bị lợi dụng một cách phũ phàng.Chỉ khổ vợ con vì có người chồng được gọi là ” tài”.

  2. Một cường quốc thi ca, ra ngõ gặp Nhà thơ….Toàn dân làm thơ…..mà Dân ta thì tế nhị….”Sự thật mất lòng”…..Khổ nhất là phải nghe tác giả đọc thơ và tặng thơ…

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here