Chị hơn tôi chắc tới dăm tuổi, lại là chủ nhiệm khoa của một bệnh viện lớn, nhưng trước mỗi lời với tôi, chị đều “Thưa thầy…”. Tôi không bất ngờ, những người tử tế, khi nói chuyện với những khách mới quen biết đều như thế. Đáp lại, tôi cũng không dám gọi “chị” như bình thường, tôi phải gọi “bác”.
Năm ấy, tôi đang làm chủ nhiệm lớp 12 “chọn” của trường. Những năm ấy kinh tế khủng hoảng, cả thầy và trò rất nhiều người đều không thiết tha gì đến công việc chính của mình. Thầy thì trở thành những người “biết dạy học và nuôi lọn rất giỏi”, “ngoài việc dạy học còn thành thạo nhiều nghề khác”. Trò thì nhiều người đến lớp với cái bụng đói, sách vở cũng chẳng có. Lớp học không còn ra cái lớp học. Thầy giảng ở trên, trò nghịch ngợm, trêu đùa ở dưới, có đứa đục vách, chui ra ngoài đi chơi, thầy không biết, hoặc có biết cũng mặc kệ! Trước tình trạng chất lượng giáo dục xuống thấp quá, nguyện vọng của nhiều giáo viên và cha mẹ học sinh là phải tổ chức những lớp riêng cho một số không nhiều học sinh còn thiết tha với việc học và có học lực khá. Từ năm 1985, trường tôi dạy mỗi năm đã tổ chức một lớp “chọn”. Giáo viên chọn trong những người còn tâm huyết với nghề, học sinh thì phải qua một cuộc thi, làm bài hai môn Văn và Toán. Những năm đầu tiên, chỉ có những gia đình chú ý đến việc học của con là tha thiết với loại lớp này. Những giáo viên dạy lớp này chỉ được một điều: có học sinh ham học để dạy và được dạy với tất cả tấm lòng tha thiết với nghề nghiệp của mình. Quyền lợi không có gì thêm nhưng “sức ép” cũng không có.
Chị đưa tôi xem học bạ của con, quyết định phân nhà của cơ quan, và nói thêm:
– Thưa thầy, tôi đã gặp thầy Hiệu trưởng, thầy Hiệu trưởng nói nếu được sự đồng ý của thầy thì cháu sẽ được vào học lớp chọn do thầy chủ nhiệm.
Tôi xem hồ sơ chị đưa cho và trả lời:
– Việc cháu được chuyển trường là hoàn toàn hợp lệ. Còn việc cháu vào lớp chọn không thể do tôi quyết định.. Theo học bạ thì cháu đủ điều kiện để dự kiểm tra đầu năm. Nhưng tuần trước, tất cả học sinh học lớp này đã phải qua kỳ kiểm tra hai môn Văn và Toán. Có 4 cháu không đủ điểm đã phải chuyển sang lớp khác. Về nguyên tắc, cháu không thể vào học lớp này vì không qua kiểm tra. Nhưng tôi sẽ báo cáo và xin ý kiến của Hiệu trưởng. Ông ấy luôn để chúng tôi được toàn quyền quyết định những công việc thuộc trách nhiệm của mình. Nhưng tôi chỉ có thể quyết định những gì trong phạm vi nguyên tắc, đây là việc vượt qua nguyên tắc chung, nên bác để tôi hỏi ý kiến ông ấy đã.
Chị nói thêm nguyện vọng của gia đình, vẫn với những lời lẽ rất khiêm nhường, tha thiết nhưng không có vẻ gì khẩn cầu, nài nỉ và mong tôi giải quyết sớm. Tôi nói:
– Nếu là việc gấp, tôi có thể để bác chờ ở đây tôi đến nhà ông Hiệu trưởng, nhà ông ấy cũng ở gần đây thôi. Nhưng việc không gấp. Tôi cũng không muốn quấy rầy ông ấy vào ngày nghỉ. Tuần tới các cháu còn tập trung quét dọn, tu sửa lớp học, cháu vào học cũng không muộn. Tôi hẹn bác chiều ngày thứ hai tôi sẽ trả lời. (Những năm ấy, các gia đình chỉ có cán bộ cao cấp mới có điện thoại bàn.)
Chiều thứ hai, theo hẹn, chị đến. Tôi cho chị biết nhà trường đã đồng ý cho cháu vào học lớp tôi chủ nhiệm vì theo học bạ, cháu là học sinh giỏi hai năm học lớp 10 và 11. Qua kỳ kiểm tra đầu năm, lớp cũng mới chỉ có 42 học sinh. Thú thật, trong những năm ấy, “được” một học sinh giỏi xin học quý như vàng. (mà những năm ấy, việc làm lại học bạ cho “đẹp” hầu như chưa có.)
Hôm sau, học sinh ấy vào lớp. Và trong suốt năm học, tôi cũng chỉ gặp chị trong vài buổi họp cha mẹ học sinh. Em học sinh ấy học khá, có môn giỏi; ý thức kỷ luật tốt, chan hòa với bè bạn, không có vấn đề gì đặc biệt. Cuối năm, cũng như mọi học sinh của lớp, em thi đại học. Năm ấy, lớp có 43 học sinh chỉ có 1 học sinh thiếu điểm (nếu biết lượng sức, nộp đơn vào một trường “khiêm tốn” hơn chắc em cũng đỗ.)
*
Sáu năm sau, một buổi chiều, tôi thấy chị cùng người con nay đã lớn tới thăm. Tôi mời chị vào nhà. Chị bảo tôi:
– Xin thầy cho tôi mượn cái đĩa.
Rồi chị bày năm quả táo lên đĩa, cẩn trọng đặt lên bàn. Chờ tôi pha nước, rót vào ba cái tách, mời, chị vẫn với giọng khiêm nhường, nói:
– Thưa thầy, nhờ công dạy dỗ của thầy, cháu T. nay đã tốt nghiệp đại học Y. Cháu vừa dự lễ tốt nghiệp hôm qua. Hôm nay, tôi đưa cháu đến thăm để cám ơn thầy.
Tôi hiểu chị đưa con đến không phải chỉ để cám ơn tôi. Nào tôi có cái ơn gì, chỉ làm trách nhiệm khi hàng tháng nhận đồng lương của nhà nước. Chị đưa con đến là để dạy con cách cư xử. Chị cũng mong con mình sau này thành một người tử tế.
Hơn mười năm sau, một hôm, tôi đang ngồi trên hành lang bệnh viện, đọc cuốn sách để chờ đợi đến lượt khám bệnh, bỗng nghe thấy lời chào:
– Thầy đi khám bệnh ạ?
Tôi ngẩng lên nhìn, không nhận ra ai vì cái khẩu trang che hết cả khuôn mặt. Nhìn tấm bìa đeo trước ngực, tôi đọc được tên của anh học sinh cũ. Tôi nói để anh yên tâm, tôi chỉ đến kiểm tra sức khỏe, đã xếp sổ, đang chờ đến lượt. Anh vào trong phòng khám một lúc rồi quay ra, nói với tôi:
– Thưa thầy, em ở khoa Nội, khi nào có việc gì, thầy cứ đến tìm em ở đấy. Bây giờ em có cuộc họp. Em xin phép thầy.
Tôi chia tay anh sau khi hứa sẽ tới tìm anh khi cần. Vừa ngồi xuống ghế định tiếp tục trang sách đọc dở, tôi đã nghe gọi tên mình.
Bước vào phòng khám, vừa ngồi xuống ghế, chị bác sĩ hỏi tôi:
– Bác là thầy giáo của anh T. ạ?
Tôi hỏi:
– Sao chị hỏi thế?
– Vì anh ấy vừa tìm trong “chồng” y bạ lấy ra quyển của bác rồi bảo cháu: “Khám giúp cho thầy giáo của mình nhé! Anh ấy là trưởng khoa đấy bác ạ!”
Tôi ngượng ngùng trả lời:
– Tôi cũng chỉ dạy anh ấy có một năm thôi.
Anh trưởng khoa ấy đã được học, tự học một cách tử tế
Trước năm 1975 ở Miền Nam chỉ có những hóc sinh Xuất Săc mớ thi vào Sư Phạm .Tốt nghiêp Trung học Dê Nhất Cấp đủ 17 tuối học Su Phạm Cấp Tốc 1 năm .Đậu Tú Tài I đủ 18 tuồi thi vào Sư Phạm 2 năm ở Quy Nhơn,Cần Thơ.Đậu Tú Tài II thi váo Đại Học Sư Phạm 4 năm tại SaiGòn và Huế