Hôm ấy là chủ nhật, sau bữa cơm chiều, mấy anh em chúng tôi đang tha thẩn ở sân trường đợi mấy đồng nghiệp sắp từ Hà Nội lên. Chả là khu tập thể giáo viên (đều còn độc thân cả) ở một góc trong trường. Ngày chủ nhật, thường có vài người về Hà Nội. Người về ngoài việc cho riêng mình, còn giúp những người ở lại mang bức thư, mua cuốn sách, …Những cái sự chờ đợi này nhiều khi cũng làm cho cuộc sống đỡ tẻ nhạt. Khi gặp nhau chỉ sau có chưa đầy 2 ngày mà vui như Tết vì những câu chuyện thời sự ở Thủ đô.

Bỗng có mấy  người dắt xe đạp đi vào sân. Thấy sau xe là ba lô, chiếu, …ông nào cũng có vẻ từ xa tới. Một người lên tiếng hỏi:

–         Các đồng chí làm ơn cho hỏi, đây có phải trường Q.? (Khi ấy lấy đâu ra biển tên trường!)

Một người trả lời:

–         Dạ, đúng . Các đồng chí cần gì?

–         Các đồng chí chỉ giúp đồng chí hiệu trưởng ở đâu?

Ngạc nhiên vì không hiểu có việc gì mà người ta lại cần gặp  hiệu trưởng vào giờ này, chúng tôi hỏi lại:

–         Các đồng chí cần gặp hiệu trưởng có việc gì?

Lại thấy thêm mấy người nữa dắt xe vào. Một ông có vẻ đứng đầu  đưa cho chúng tôi xem một tờ công lệnh (ai đi công tác đều có giấy này do cơ quan cấp, trong đó ghi rõ nơi đến và lý do công tác), nói:

–         Chúng tôi là đoàn kiểm tra của Ty  về công tác!

Mấy anh em chúng tôi đều lúng túng, tất cả đều còn trẻ, không biết phải ứng xử thế nào, chỉ biết trả lời:

–         Anh hiệu trưởng thì về nhà ngày nghỉ. Có hôm anh ấy tới trường muộn. Cũng có khi sớm mai anh ấy  mới tới.

Người có vẻ trưởng đoàn đã làm chúng tôi yên tâm:

–         Chúng tôi tới sớm vì để ngày mai có thể làm việc được ngay. Đột xuất như thế này cũng là gây khó khăn cho các đồng chí, mong các đồng chí thông cảm. Giờ chỉ nhờ các đồng chí cho chúng tôi vào một lớp học nào có thể ngủ tạm qua đêm nay. Cái ăn thì chúng tôi đã chuẩn bị rồi, các đồng chí không phải lo gì.

Sau khi được đưa vào hai  lớp học, hơn chục người  tự thu xếp chỗ ngủ bằng cách mỗi người quay hai cái bàn lại với nhau (hai mặt nghiêng ghép lại nằm không sợ bị ngã), rồi tìm cách chăng dây mắc màn. Chúng tôi cứ loanh quanh xem có thể giúp gì nhưng cũng chẳng có việc gì làm. Khi trời đã nhá nhem tối, một anh trong đoàn bảo:

–         Giá các bạn có cái đèn nào cho anh em chúng tôi mượn thì hay quá!

Một anh chạy về lấy cái đèn hoa kỳ. Họ thắp đèn, rồi hỏi chúng tôi giếng nước ra tắm rửa. Chúng tôi mang cho họ mượn cái chậu rửa mặt. Sau khi tắm giặt xong, mấy người mang cơm nắm ra ăn. Nước nôi xong, một anh nói với chúng tôi:

–         Rất cám ơn sự giúp đỡ của các đồng chí. Bây giờ xin phép chúng tôi đi nghỉ, vì đạp xe suốt từ trưa, cũng khá mệt.

Sớm hôm sau, khi chúng tôi tới, họ đã thu xếp trả lại cái lớp học nghiêm chỉnh, moi thứ đã xếp vào ba lô. Khoảng hơn 6 giờ thì anh hiệu trưởng đến, rất bất ngờ vì có khách tới thăm. Sau khi hỏi chúng tôi tình hình tối qua, anh mời các thành viên trong đoàn vào phòng làm việc.

Tới khi tập trung học sinh trong giờ chào cờ, hiệu trưởng giới thiệu đoàn kiểm tra với các giáo viên và học sinh toàn trường, lưu ý trong suốt thời gian đoàn làm việc ở trường, mọi người đều phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu,  trả lời mọi câu hỏi của các thành viên trong đoàn.

Nhà trường bố trí cho  đoàn kiểm tra ở cùng chúng tôi trong khu tập thể. Còn thiếu một vài chỗ, đành liên  hệ nhờ nhà khách của ủy ban huyện. Đến bữa, họ cùng ăn với chúng tôi ở nhà ăn tập thể của trường, tất nhiên cũng phải nộp tiền và tem gạo theo qui định.

Suôt mười ngày, đoàn thanh tra cứ lặng lẽ làm việc. Với Ban giám hiệu thì chúng tôi không biết ra sao, còn với anh em giáo viên, họ đi dự giờ (mỗi người ít nhất được dự 3 tiết, có  người tới 5 tiết, thậm chí dự 2 tiết cùng một bài ở 2 lớp khác nhau), rồi yêu cầu giáo viên chuẩn bị để nộp giáo án trong một tuần, ngồi dự các cuộc họp tổ, họp nhóm (ngồi dự chứ hoàn toàn không phát ngôn gì).

Sau mỗi tiết dạy, người dự đều có trao đổi với người dạy, cách nói rất dễ tiếp thu, từ cách xưng hô “cậu,  mình” đến những góp ý nhỏ nhẹ, không có  gì “đao to búa lớn” nên dù có nói thiếu sót cũng dễ nghe. Những trao đổi về giờ dạy, về giáo án, về những ứng xử với học sinh trong công việc chủ nhiệm lớp, … họ đều trao đổi cá nhân cả. Cách làm này khiến người được kiểm tra dễ chấp nhận, như được một ông thầy chỉ bảo cho từng việc rất cặn kẽ, tránh bị “mất mặt” trước đồng nghiệp. Mãi tới cuối đợt, mới có một buổi họp với tổ chuyên môn và một buổi họp chung cả trường. Nhưng hai buổi họp này có lẽ chỉ là do thủ tục. Giá trị của đợt kiểm tra với mỗi giáo viên là ở những cuộc gặp riêng.

Ngoài giờ làm việc, những thành viên trong đoàn kiểm tra dù đã nhiều tuổi, quan hệ với giáo viên của trường khá cởi mở. Cùng ăn chung bếp, cùng ở trong những gian nhà tranh khu tập thể, buổi tối, họ chuyện trò với giáo viên. Thấy chúng tôi buổi tối hay cùng nhau mua sắn về luộc, mời cùng ăn (do cơm tập thể đói quá), họ bảo có đi thế này mới thông cảm với anh em, vì ở nhà đồng lương, tem phiếu cũng hạn hẹp nhưng có vợ con lo nên ăn uống ít nhất cũng không đói.

Trong đợt kiểm tra có một ngày chủ nhật. Phần lớn các vị đều ở lại, yêu cầu chúng tôi đưa về các nơi thăm gia đình học sinh.

Ban đầu, nghe có đoàn về kiểm tra, chúng tôi khá ngần ngại, nhưng chỉ sau dăm ngày, quan hệ tương đối thoải mái, chúng tôi thấy họ đã giúp cho giáo viên, nhất là những anh em còn trẻ rất nhiều điều bổ ích.

Nhưng  mấy vị lãnh đạo thì hình như không được “êm thuận” nhưng chúng tôi còn trẻ, chẳng hơi đâu quan tâm đến việc của lãnh đạo. Đầu năm học sau, thấy ông hiệu trưởng trường tôi phải chuyển đi trường khác.

 

Nhưng tiếc rằng việc thanh tra, kiểm tra như thế chỉ diễn ra một lần duy nhất trong cuộc đời đi dạy học của tôi suốt 39 năm. Sau đó cũng có kiểm tra, thanh tra, nhưng việc làm lẽ ra rất cần thiết và hữu ích này dần trở nên hình thức.

Cuối những năm 70, kinh tế khủng hoảng, giáo dục cũng lâm vào tình thế vô cùng khó khăn. Lúc này mới xuất hiện kiểu báo trước các cuộc thanh tra, kiểm tra. Chẳng là nơi nơi đều đói, càng cấp trên càng đói. Cái anh cơ sở gần dân như các trường là còn khá hơn. Có thể về xin các xã, các hợp tác xã, quan hệ khéo léo với cha mẹ học sinh có chút chức quyền trong các cơ quan thương nghiệp, …là  có điều kiện cải thiện. Chia năm xẻ bày cho tất cả giáo viên thì không có. Nhưng mỗi khi có cấp trên về thanh tra, cũng có thể đón tiếp không đến nỗi mất mặt. Thế là cứ sắp có cuộc thanh, kiểm tra nào, cấp dưới đều được báo trước. Báo trước không phải để mà gian dối tài liệu, báo cáo, … Báo trước là để chuẩn bị gà, lợn, chó. Nên mới có câu ca:

Tỉnh về thì huyện mổ trâu,

Huyện lên tỉnh hỏi: đi đâu thế mày?

Huyện về thì xã mổ cầy

Xã lên huyện hỏi: chú mày đi đâu?

Một lần thanh kiểm tra là một lần được cải thiện. Nhưng cấp dưới cũng chỉ có thể giúp cấp trên cải thiện được một vài bữa thôi. Thực phẩm xin được để cải thiện đâu có nhiều. Thế là thời gian thanh tra rút ngắn dần, phần lớn chỉ trong khoảng một ngày (ngủ đêm lại lích kích lắm!). Mà cái nghề… “há miệng mắc quai”, nâng chén rượu rồi, ăn uống thoải mái rồi, ai còn nỡ căng thẳng với nhau. Thế là mọi thứ “hòa cả làng” cho vui vẻ.

Tất nhiên cũng có một nguyên nhân nữa: đời sống khó khăn, ăn còn đói, vặn vẹo, hạch sách nhau làm gì cho khổ. Thôi thì xuê xoa cho xong chuyện.

Kinh tế dần khá lên. Cái ăn cái uống đâu còn quan trọng nữa! Nhưng “ăn quen bén mùi”, các quan thanh tra thấy thiêu thiếu cái gì đó mỗi khi về tay không. Thế là cấp dưới được gợi ý thôi đừng bày vẽ ăn uống làm gì cho kích rích, cứ mỗi anh một cái phong bì, “lương tâm tùy thích”. Cấp dưới thì “được lời như cởi tấm lòng”. Chuẩn bị có đoàn về thanh tra thì trước mắt là sửa soạn sao cho mọi thứ đều “vở sạch chữ đẹp” nhưng không thể quên chuẩn bị mấy cái phong bì. Độ dày mỏng của nó phụ thuộc vào mức độ sợ của cấp dưới. Càng ngại, càng sợ thì phong bì càng phải dày. Nó có tác dụng bịt miệng quan thanh tra.

Thế là “cứ có phong bì là nó “thanh kiu””! Liên tục thanh tra mà chẳng bao giờ phát hiện ra sai phạm gì.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here