Đó là tên tác giả, nhà văn Vũ Hùng, nguời thuộc thế hệ thứ 2 của chi họ Vũ ở làng Láng (tên chữ là làng An Lãng, thuộc tổng An Hạ xưa), Hà Nội đặt cho cuốn sách viết về đại gia đình mình. Qua các trang viết, nguời đọc có thể thấy nhiều cảnh vật và con người, nền nếp sinh hoạt cùng rất nhiều biến động từ sau 1945 của một gia đình trung lưu, khá điển hình cho cư dân ở Hà Nội xưa mà nay hầu như đã vang bóng. Mở đầu cuốn sách là những trang viết về ngôi nhà, biệt thự Song An đầy hoài niệm:

“Trước ngõ Song An, một cây phù dung nở những đóa hoa phơn phớt tím, rất mong manh, sớm nở tối tàn nhưng đẹp dịu dàng. Rập rờn trên cổng, quanh tấm biển, giàn hoa ớt buông thõng xuống từng chùm vàng tươi. Đường vào lát gạch, hai bên trồng mấy cây tường vi hoa màu hồng nhạt. Cuối đường một cây ngâu, ngày nay vẫn lấm tấm hoa vàng. Đầu hàng hiên, giàn hoa móng rồng phủ một vầng lá xanh đen. Sau vườn, nối với rặng ô rô và chua me – một loài cây gai góc, lá lăn tăn dùng nấu canh chua mà các nhà đất Láng thường trồng ngoài bờ rào – là một gò nhỏ, um tùm những dây lạc tiên nở đầy hoa trắng.”

     Ngôi biệt thự được Ông Bà hoàn thành việc xây dựng vào năm 1939, tính đến nay là gần 80 năm. Tôi là nguời thuộc thế hệ thứ 3, đứa cháu lớn nhất của Ông Bà, thành viên đầu tiên của đại gia đình được chào đời trên mảnh đất này. Năm 1946, khi cả nhà tản cư, rồi theo kháng chiến lên Việt Bắc, mới 2 tuổi, đầu óc non nớt của tôi chưa kịp ghi lại chút ký ức nào về ngôi biệt thự  đẹp đẽ và ấm cúng ấy. Nhưng từ nơi rừng núi xa xôi, trong những căn nhà tre lợp lá cọ, vách nứa ở Ỷ La (Tuyên Quang) hay Phụ Khánh (Phú Thọ), tôi vẫn thường được nghe mọi người, nhất là Bà ngoại nói về biệt thự Song An với mơ ước “hai lần bình an” cho cả nhà đã thuộc về quá khứ. Theo lời Bà, vào những ngày Toàn quốc kháng chiến, theo yêu cầu của chính quyền cách mạng, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, Ông Bà tôi đã đồng ý để tự vệ cùng vệ quốc đoàn phá hủy ngôi nhà đề phòng quân Pháp có thể đặt súng đại liên trên sân gác tầng 2 bắn xuống pháo đài Láng của bộ đội ta. (Dọc theo đường Láng, từ Cầu Giấy tới Ngã Tư Sở, khi ấy đây là ngôi nhà 2 tầng duy nhất). Nhưng vì được xây dựng khá kiên cố nên các bức tường dù đã bị đục từng mảng lớn, thậm chí, “mìn” cũng chỉ làm sập được cái sân gác, ngôi nhà vẫn đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt” chờ đợi những nguời chủ của nó  trở về khi kháng chiến thành công.

    1954,  sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Bà đã trở về cùng mấy đứa cháu nhỏ ngay từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, khi Thủ đô còn chưa được “tiếp quản” như không thể nén nổi nỗi nhớ thương “mái nhà xưa”, nơi Ông Bà đã chắt chiu gây dựng sau bao năm tháng.

    Trước mắt tôi, sau gần chục năm, vẻ hoang tàn bày ra trước mắt. Mái ngói đã không còn, toàn bộ trần trên tầng 2 đã sập, cầu thang đã cháy hết lan can, chỉ còn phần bê tông. Tầng một trống hoang trống huếch vì cửa ra vào và cửa sổ đã  mất hết cùng với những khoảng trống bằng cái nong lớn, tất cả đều là dấu vết của thời kỳ tiêu thổ kháng chiến cùng  sự tàn phá của thời gian. Một số gia đình nguời Hoa  thấy nhà vắng chủ đã xin phép đồn Tây vào ở. Cảnh sống tạm bợ, chắp vá của họ khiến ngôi nhà càng thêm tiêu điều, hoang phế.

    Gần 60 tuổi, vừa tiếp tục nuôi dạy đàn cháu nhỏ để các con “yên tâm công tác”, Ông Bà vừa bắt tay vào gây dựng lại với biết bao hy vọng khi đất nước đã yên hàn. Không có tiền, Ông Bà phải bán một gian nhà và mảnh đất bên cạnh. Nhưng thời thế đã thay đổi, tất cả đã không còn như những ngày bình yên để có thể làm lại như trước. Lúc này, ở ngoại thành Hà Nội đang tiến hành cải cách ruộng đất, những nguời giàu có ở làng bị quy là địa chủ, bị đấu tố. Rồi sau vài năm đến lượt cải tạo tư sản, những nguời có sản nghiệp lớn phải “công tư hợp doanh”, rồi sự khan hiếm của nguyên vật liệu trong cái thời từ hạt gạo tới chút nước mắm, tất cả đều theo chế độ phân phối và tem phiếu;  rồi chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ ném bom; rồi khủng hoảng kinh tế những năm 80, …. và biết bao những đổi thay khó lường. Đến khi điều kiện kinh tế được cải thiện thì “quy hoạch” được công bố  khiến “mái nhà xưa” chưa bao giờ được sửa sang để trở lại với  vẻ đẹp vốn có. Ngay cả việc quét vôi phần bên ngoài ngôi nhà hình như cũng chưa bao giờ được thực hiện từ sau khi ngôi nhà hoàn thành. Mọi người đều trong tâm trạng chờ đợi mỏi mòn. Mặc cho thời gian cứ trôi đi với biết bao biến động, ngôi nhà do Ông Bà xây dựng vẫn tồn tại như để ghi dấu một dĩ vãng xa xôi, một đi không trở lại.

    Dưới “mái nhà xưa”, những nguời con của Ông Bà đã lớn lên. Đàn cháu chúng tôi có những đứa không sinh ra ở đây nhưng đứa nào cũng có những kỷ niệm gắn bó không thể nào quên. Có những đứa từ nhỏ tới lớn được Ông Bà trực tiếp nuôi dạy, có những đứa về ở với Ông Bà một thời gian, nhất là thời kỳ sơ tán. Rồi lớp nguời kế tiếp ra đời, tới nay đã tới thế hệ thứ năm. Giờ đây, toàn bộ vườn tược đã không còn giữ được dáng vẻ xưa cũ, nhưng chúng tôi vẫn nhớ tới những chùm quả  hồng bì, na, cam, chanh, …trĩu cành mùa nào thức ấy, hàng  hoa lan vũ rực rỡ hai bên lối đi sau những trận mưa rào, thoang thoảng hương cau, hương ngâu mỗi đêm trăng khi Bà cháu cùng ngồi hóng gió mát. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, anh chị em chúng tôi vẫn không quên những trò đùa, nghịch ngợm tai quái khi Ông Bà nghỉ trưa, những cái phất trần “quắn” đít khi tội đồ bị phát giác, những buổi tối thứ 7 nghe Bà kể tội từng đứa trong những cuộc kiểm điểm định kỳ do Ông tổ chức, những lời dặn dò, giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ về đường ăn ý ở của Ông Bà, … đã giúp những đứa trẻ chúng tôi lớn lên thành nguời. Với tất cả, đó là một đại gia đình, nơi Ông Bà, cha mẹ, con cái rồi cháu chắt sum họp mỗi ngày chủ nhật hay dịp giỗ Tết hàng năm. Càng lớn lên, mái tóc càng bạc theo tháng năm, chúng tôi càng hiểu bao khó khăn vất vả, bao tằn tiện chắt chiu, … mà Ông Bà đã nếm trải để trên mảnh đất này, tạo dựng một cơ ngơi bề thế, nuôi dạy gần ba chục nguời vừa con vừa cháu  đều trở thành những nguời lương thiện,  biết cư xử với mọi người trong tình thương yêu và sống có ích cho xã hội.

    Cái quy hoạch ấy thế mà “treo” tới gần 40 năm. Đến hôm nay, cái ngày chúng tôi đã được  báo trước từ lâu nhưng không ai chờ đợi đã tới. Hầu như toàn bộ đất đai, nhà cửa Ông Bà để lại, nơi cả một đàn con cháu coi là tổ ấm trong 60 năm qua sẽ trở thành bình địa, nhường chỗ cho những con đường to đẹp của thành phố. Vẫn biết trong sự phát triển chung, cái cũ phải được thay thế bằng cái mới,  quá khứ sẽ được thay thế bởi tương lai để cuộc sống ngày một tốt đẹp nhưng trong mỗi chúng tôi, những nguời đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này không khỏi ngậm ngùi, nuối tiếc.

    Nơi đây, biệt thự Song An chỉ giữ được vẻ huy hoàng  chưa đầy chục năm. Nhưng cũng như hình ảnh của Ông Bà, ngôi biệt thự sẽ mãi mãi là kỷ niệm tốt đẹp trong mỗi chúng tôi, là biểu tượng  cho ước mơ về một cuộc sống bình an lâu dài luôn khôn nguôi trong tâm trí mỗi nguời  và trên hết, tâm nguyện sống như  những nguời tử tế theo lời dạy của Ông Bà mãi mãi lớp con cháu sẽ  luôn luôn ghi nhớ.

    Rồi mai đây, con đường sẽ được rộng mở, xe cộ sẽ đi lại ngược xuôi tấp nập, chúng tôi, mỗi tiểu gia đình sẽ  tìm một nơi ở mới, không còn có thể vào ra gặp gỡ, luôn sum họp, quây quần.  Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ quên mảnh đất này. Hình bóng “mái nhà xưa”, ngôi biệt thự Song An,  hình ảnh Ông Bà, cùng  các con, cháu chắt trong đại gia đình  sẽ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí mỗi nguời.

 

P/S: Ảnh đầu bài đại gia đình chụp năm 1956, phía sau là tòa nhà chính của biệt thự Song An bị tàn phá khi tiêu thổ kháng chiến trước đó 10 năm.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài viết này, mình nhớ cụ Tú Mỡ ngày xưa viết :
    ” Bao giờ kháng chiến thành công
    Trở về làng cũ thì không còn nhà
    Ai về nhắn với Cha già
    Phen này con cháu thật là tay không !”
    Đây là trường hợp điển hình cho sự mất mát của ” … Hà Nội xưa yêu dấu” (Văn Cao)
    Không phải HN mất mát chỉ vì chiến tranh. Đau xót nhất là do những người .. “Hà Nội mới” !

Trả lời vũ xuân túc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here