Khi còn học tiểu học hay trung học cơ sở, dù không đọc sách (hay có đọc cũng chỉ đọc các loại truyện tranh đơn giản, dễ dãi thường không để lại những ký ức sâu sắc), nhưng bằng cách tập trung toàn bộ thời gian, rồi với sự giúp đỡ của các thầy cô tại các lớp học thêm, với sự “toàn tâm toàn ý” của cha mẹ, học sinh vẫn có thể đạt danh hiệu học sinh giỏi  để cha mẹ tự hào. Ngoài cái “thông minh bẩm sinh” còn vì một nguyên nhân: những tri thức được truyền thụ ở các lớp cấp dưới còn tương đối đơn giản, chưa cần có nhiều sự hỗ trợ của những tri thức khác.

Tới khi con đã học tới trung học phổ thông, nhiều bậc làm cha mẹ bỗng thấy kết quả học tập của con em mình sa sút, cộng với nhiều biểu hiện “có lớn mà không có khôn”, những hiểu biết về mọi mặt rất hạn chế (không ngoài những điều thường được thấy trên ti vi, nhất là những chương trình giải trí mà trong đó hàm lượng chất xám thường rất thấp), bèn khuyên bảo, nhắc nhở, thậm chí có những biện pháp ép buộc cứng rắn để con đọc sách. Nhưng trái ngược với lòng mong mỏi của cha mẹ, việc đọc sách với các cháu lúc này là không thể. Chỉ đọc vài trang là đã có biểu hiện chán nản, rồi mắt để vào trang sách nhưng đầu óc thì tha hồ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, thoáng thấy những cuốn sách “dày cộp” là đã hoảng sợ. Có nhiều cháu cũng thấy những điều hay, những cái thú vị, hấp dẫn của những trang sách (do nghe người khác trong đó cũng có những người bạn cùng trang lứa đã có thói quen đọc sách), nhưng cũng chỉ dành “kính nhi viễn chi” (kính trọng nhưng chỉ dám nhìn từ xa).

Nguyên nhân  trước hết vì đây là những thói quen phải được hình thành từ khi còn nhỏ. Trong cuộc đời con người, có những kỹ năng sống, những phẩm chất chỉ có thể hình thành khi được kích thích, tạo thành  thói quen từ khi còn ở một lứa tuổi nào đấy. Ở lứa tuổi tiểu học, cha mẹ thấy con vất vả vì những phép tính đơn giản, nhiều khi phải dùng hết cả các ngón tay rồi tới những ngón chân để làm một phép toán, lại không muốn mất thời gian để hướng dẫn mỗi khi con cần sự giúp đỡ, mua cho con một cái máy tính chỉ vài chục nghìn. Tưởng như thế là tốt, (con thì đỡ vất vả, làm bài luôn đúng đáp số để được điểm 10, còn bố mẹ thì đỡ mất thời gian), nhưng các vị không biết rằng, mình đã bỏ qua thời kỳ tốt nhất để rèn cho con kỹ năng tính nhẩm. Chỉ cần qua lứa tuổi tiểu học, kỹ năng này  rất khó hình thành.

Đọc sách cũng vậy. Đó là chưa kể tới những nguyên nhân khác như: càng lên lớp trên, thời gian dành cho việc học tập các bài chính khóa càng đòi hỏi nhiều hơn; càng lớn, nhất là trong tình hình hiện nay, càng  nhiều những thú vui hấp dẫn hơn đọc sách (mà hình như cái gì càng có hại lại càng hấp dẫn với những người không được một sự giáo dục đầy đủ từ khi còn nhỏ) như ti-vi, máy tính, các trò game, …Con cái càng lớn, sự kiểm soát, theo dõi của cha mẹ càng khó khăn. Nghe cha mẹ dặn dò, đứa con có thể “vâng dạ” rất ngoan ngoãn. Nhưng sau đó, chúng có nghe không, nghe đến mức độ nào, chắc không ai có thể khẳng định.

Cho nên, hình thành thói quen đọc sách cho con càng sớm càng tốt. Sớm thì dễ dàng;  sớm thì con có nhiều thời gian đọc;  sớm thì con cũng sớm tránh được những trò chơi đủ loại thường dành cho những người nhàn rỗi, mà “nhàn cư vi bất thiện”.

Tốt nhất nên rèn cho con thói quen này khi con đã biết nói. Trước giờ đi ngủ, cùng với việc kể chuyện như truyền thống, cha, mẹ có thể đọc cho con những trang sách. Đó là những mẩu truyện ngắn có tranh minh họa (Nhà xuất bản Kim Đồng có nhiều sách loại này dành cho từng lứa tuổi). Đừng nghĩ trẻ không hiểu nên cha mẹ thường “diễn giải” những lời văn đã được trau chuốt thành những lời nói “nôm na”. Cần cho trẻ làm quen với từ ngữ chính xác, tinh tế, những cách diễn đạt chuẩn mực, phong phú  ngay từ khi biết sử dụng ngôn ngữ. Cũng không cần phải đọc quá chậm. Đọc chậm sẽ ảnh hưởng tới tốc độ đọc của trẻ sau này. Tất nhiên, một câu chuyện,  một cuốn sách sẽ phải đọc nhiều lần. Một cách tự nhiên, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ sẽ được trẻ tiếp thu. Cha mẹ có thể kiểm tra và giúp trẻ rèn luyện bằng cách thỉnh thoảng yêu cầu trẻ kể lại. Trẻ càng lớn, thời gian đọc trước khi đi ngủ sẽ dài hơn. Tới khi trẻ đã biết đọc, cũng nên giữ thói quen này hàng ngày. Những cuốn sách dần thay đổi. Ban đầu là những mấu chuyện về con vật, loài vật, rồi chuyển sang các truyện cổ tích, thần thoại. Lứa tuổi tiểu học, trẻ đã có thể đọc các sách viết cho thiếu nhi, rồi lên các lớp trên, sẽ dần làm quen với các truyện ngắn, tiểu thuyết , … của các tác giả nổi tiếng trong nước và thế giới. Không phải ngẫu nhiên, nhà sư phạm Nga Xu-khôm-lin-ski đã nhấn mạnh :” Phương pháp hiệu quả nhất chính là mở rộng phạm vi đọc cho trẻ”  khi nói tới vấn đề mở rộng hoạt động lao động trí óc của học sinh. Xin mách nhỏ: những cuốn truyện viết cho thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Vũ Hùng, … những bài thơ của Võ Quảng, Định Hải, Xuân Quỳnh, Thanh Hào, … cùng nhiều tác giả nước ngoài khác dù đã hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn là những cuốn sách đáng tin cậy về cả nôị dung và hình thức để trẻ đọc ở lứa tuổi niên thiếu.

Ngày nay, bên cạnh “truyện chữ” còn có “truyện tranh”. Cùng với ti vi, máy tính,  “truyện tranh” là phương tiện để tiếp nhận thông tin lấy hình ảnh làm chủ đạo. (Đã có người gọi “truyện tranh” là tivi xuất hiện dưới hình thức cuốn sách). Không phủ nhận cách tiếp thụ bằng hình ảnh, nhưng đọc chữ tốt hơn “đọc tranh” vì chữ viết là ký hiệu ngôn ngữ trừu tượng, nó kích thích trung  khu ngôn ngữ của trẻ phát triển. Đó chính là những ký hiệu mà trẻ sẽ sử dụng trong quá trình học tập về sau. Đọc chữ dễ khiến trẻ trở thành thông minh hơn. Còn truyện tranh hay tivi đều dùng hình ảnh cụ thể, trẻ có thể tiếp thu một cách thụ động, chỉ cần xem tranh hay ngồi trước tivi là có thể  ghi nhớ, không cần bất cứ một hoạt động nào trong não. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà giáo dục học đã khẳng định “Tivi là cỗ máy sinh ra hàng loạt kẻ ngốc”. Ở lứa tuổi tiểu học, nếu được tiếp xúc nhiều với những  tác phẩm văn học có giá trị (phù hợp với thiếu nhi), trẻ sẽ không có hứng thú với loại truyện tranh lợi bất cập hại.

 

Điều rất quan trọng trong việc rèn thói quen đọc sách cũng như bất cứ việc gì là phải tạo được hứng thú, không nên tạo cảm giác bị ép buộc. Ngay khi đưa con tới hiệu sách, cũng không nên gò ép, nên để cho trẻ tự chọn những cuốn sách mà chúng ưa thích. Bố mẹ chỉ có thể bằng nhiều cách, hướng dẫn, kích thích sự chú ý tới những cuốn sách mà mình mong muốn con đọc. Sự áp đặt nhiều khi phản tác dụng, nó chỉ khiến trẻ chán nản. Chúng đọc sách vì hứng thú, dần trở thành say mê. Cha mẹ đừng tạo sức ép bắt chúng phải “trình diễn” những điều chúng đã làm được với mọi người. Cũng nên khuyến khích, tạo điều kiện để trẻ trao đổi sách với bè bạn. Nhóm bạn có chung hứng thú chắc chắn sẽ cùng nhau đọc sách có hiệu  quả hơn, tình bạn cũng trở nên  thắm thiết hơn.

 

Đọc sách là một quá trình tích lũy tri thức âm thầm giống như mảnh đất sau nhiều nghìn vạn  năm trở thành phì nhiêu nhờ hàng năm được bồi đắp một lớp rất mỏng phù sa. Cha mẹ tránh tâm lý “mì ăn liền”, con mới đọc được một cuốn sách đã đòi hỏi tóm tắt, phát biểu cảm tưởng, rút ra bài học, … Những đòi hỏi ấy chỉ khiến cho trẻ thấy đọc sách là một gánh nặng. Những nhà giáo dục có kinh nghiệm đã khuyên: cái quan trọng là trẻ đã đọc những gì, rồi chúng sẽ ghi nhớ những điều chúng thấy cần thiết, thậm chí, chúng sẽ tự thuộc những điều chúng tâm đắc. Những lúc rảnh rỗi, cha mẹ và các con có thể cùng nhau bàn bạc về cuốn sách, nhân đó, gợi mở cho con những điều hay, nhưng chỉ gợi mở tránh áp đặt.

 

Cha mẹ nên khuyến khích tạo điều kiện để trẻ có tủ sách riêng. Ban đầu là những cuốn sách do cha mẹ mua, sách được tặng nhân ngày sinh nhật, ngày lễ, Tết. Sau đó khi trẻ đã lớn, chúng có thể tự mua những cuốn sách mình yêu thích. Cứ như thế, tới khi trưởng thành, các cháu sẽ có một tủ sách khá phong phú và mỗi cuốn sách đều ghi dấu những ký ức đẹp đẽ ngay từ tuổi thơ ấu cho tới khi khôn lớn. Thật thú vị khi có thời gian, ngồi lật lại những trang sách đã hấp dẫn từ khi còn thơ dại.

Tôi có một nhận xét, không hiểu đúng sai tới mức nào, đó là khi còn ở lứa tuổi học trò, người ta có thể đọc được một lượng sách không nhỏ. Sau này, khi lớn lên, bận bịu với bao công việc hàng ngày lo cơm áo, lo bao chuyện không tên cho một gia đình, và nhiều thứ khác, nếu có đọc sách, ưu tiên số một thường vẫn chỉ là những cuốn sách chuyên môn, nghiệp vụ do đòi hỏi của công việc. Còn những cuốn sách văn học kinh điển với bao khám phá, phát hiện những bí ẩn về đời sống tâm hồn, tình cảm của con người chắc khó có thời gian  để tìm đọc.

Chỉ mong sao các bậc làm cha mẹ không để phí cái “tuổi vàng” của cuộc đời những niềm hy vọng mà vì chúng, mình có thể hy sinh tất cả.

4 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của bác rất hay. Cháu cũng sẽ ghi nhớ thực hành, mong con mình ham đọc sách. Mà hình như cháu thấy thói quen này là do bẩm sinh thì phải, không ai ép được mà nó là nhu cầu mang tính tự nhiên, của mỗi cá nhân. Cá nhân cháu từ kinh nghiệm bản thân thì thấy rằng, không ai ép được chuyện này – bố mẹ còn cấm, vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Trong khi có nhiều trường hợp ép nhưng con không có thói quen này.

    • Chào bạn,

      Theo kinh nghiệm của mình, thì đọc sách là 1 thói quen cần rèn luyện ngay từ khi nhỏ vậy nên nó không phải là bẩm sinh. Đúng như lời tác giả của bài viết nói “hình thành thói quen này càng sớm thì càng dễ dàng”, hiện tại mình cũng đã bắt đầu áp dụng việc hình thành thói quen đọc sách cho bé nhà mình từ khi 5 tháng tuổi, tới bây giờ cháu ngoài 3 tuổi đã có những kết quả nhất định của việc hình thành thói quen đọc sách từ sớm.
      Việc ngăn cấm các con đọc sách, thực chất là chỉ ở Vietnam mình là nhiều, còn ở nước ngoài sách luôn được khuyến khích đọc, như trẻ em ở cấp 1, còn có cả định mức đánh giá kỹ năng đọc của từng bé và được lượng hóa với số lượng sách cần đọc bao nhiêu cuốn/năm (đọc xong có kiểm tra để đánh giá mức độ đọc, hiểu, ghi nhớ của học sinh). Việc đọc nếu như biết làm đúng cách sẽ khiến cho chúng ta giảm được thời gian đọc nhưng vẫn thu nhận được những thông tin hiệu quả, phục vụ cho việc học lên cao trong tương lai.
      Về loại sách sẽ được chia theo từng cấp độ ví dụ như oxfordbookworm chia làm 7 cấp độ từ grade 1 tới 7, về thể loại sách được chia làm nhiều loại từ loại hình vẽ đơn giản cho các bé mầm non, chuyện có nội dung sáng tác (fiction) và các truyện có nội dung về khoa học (nonfiction); với mỗi loại fiction và nonfiction lại chia ra nhiều phần nhỏ cụ thể hơn nữa.
      Mình chia sẻ vậy để bạn thấy rằng, việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách được phục vụ 1 cách rất bài bản, chúng ta với tư cách người lớn hãy tìm hiểu để có thể giúp đỡ con/em mình để giúp chúng hình thành thói quen rất tốt này.

      Cám ơn bạn đã đọc bài viết của mình, cám ơn tác giả đã cho đăng comment của mình 🙂

      Trân trọng./.

  2. Nhung ma sach danh cho tre em o Vn, nhat la sach danh cho tre em duoi 5 tuoi, can dc cai thien nhieu ‘ve chat luong giay in muc in mau sac va trinh bay . De dam bao an toan va tao su thich thu cho tre em tuoi nay khi tiep xuc voi sach.

Trả lời Jessica Nguyen Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here